CẢM NGHĨ VỀ CUỘC CHIA TAY CỦA NHỮNG CON BÚP BÊ
- Mở bài:
Không phỉ là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh, đó chỉ là một câu chuyện nhỏ mà tác giả Khánh Hoài muốn chia sẻ cùng người đọc về nhũng đau thương, mất mát của trẻ em khi hạnh phúc gia đình tan vỡ. Câu chuyện chia đồ chơi của Thành và Thủy khiến người đọc không thể cầm được nước mắt.
- Thân bài:
Bố mẹ chia tay, Thành ở lại nhà với bố còn Thủy phải theo mẹ. Mọi thứ đều phải chia ra, kể cả đồ chơi chung củ hai em. Nghịch cảnh đặt hai em trong tình thế không thể làm gì khác hơn.
Thành đau lòng khi nghĩ đến chuyện phải chia tay với đứa em gái yêu quý. Suốt đêm, nghe tiếng khóc tức tưởi của em, Thành phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo. Em cố giấu kín nỗi buồn, rón rén đi ra ngoài, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm. Thấy em gái theo ra thì thương em vô cùng, kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc. Cậu bé chua chát nghĩ rằng cảnh vật vẫn vui tươi như mọi ngày mà sao tai họa lại giáng xuống đầu hai anh em nặng nề như vậy. Những kỉ niệm đẹp đẽ, cảm động của tình anh em ruột thịt hiện lên rõ ràng trong tâm trí càng làm cho Thành đau đớn.
Lúc phải chia đôi đồ chơi theo lệnh của mẹ, Thành nhường tất cả cho em gái. Cậu muốn em gái được vui, được có tất cả đồ chơi mà em yêu thích.
Còn Thủy, khi biết tin bố mẹ li hôn, Thủy khóc suốt đêm. Cô bé tủi thân và hoảng sợ trước cảnh ngộ éo le của gia đình. Cô không thể hình dung rõ ràng về hoàn cảnh hiện tại, bởi thế, khi nghe mẹ ra lệnh chia đồ chơi, Thủy bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn anh. Cặp mắt ngây thơ, hồn nhiên buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều. Thấy anh ra vườn, Thủy len lén ra theo, ngồi nép bên cạnh anh. Lúc chia đồ chơi, thay anh đặt hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai phía, Thủy giận dữ mắng: Sao anh ác thế? Bởi bé không muốn chúng phải xa nhau.
Cô bé thương anh trai lắm, muốn nhường cả cho anh hai con búp bê và bắt anh hứa không bao giờ để chúng ngồi cách xa nhau. Cuối cùng, con Vệ Sĩ và Em Nhỏ cũng ở lại nhà. Điều đó thể hiện ao ước của hai anh em Thành và Thủy: mãi mãi được sống bên nhau cùng cha mẹ, dưới mái ấm gia đình hạnh phúc và mong cho hai con búp bê cũng không bao giờ phải xa nhau.
Câu chuyện khép lại, người đọc mường tượng cảnh Thủy lên xe cùng mẹ, vẫy tay chào tạm biệt Thành, chào tạm biệt ngôi nhà nhà thân yêu với biết bao kỷ niệm ấm áp trong nước mắt đầm đìa và nỗi sợ hãi tột cùng. Hình ảnh ấy khiến ta đau nhói lòng và thàm trách người lớn đã quá vô tâm đối với con trẻ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
- Kết bài:
Không thể có hạnh phúc trong một gia đình tan vỡ. Nỗi đau ấy mãi mãi tồn tại trong tâm hồn con người, không gì có thể xóa nhòa được. Cuộc chia tay đầy đau đớn giữa hai đứa trẻ trong truyện có ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo mọi người: Gia đình là tổ ấm hạnh phúc vô cùng quý giá nên phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ nó.
CẢM NGHĨ VỀ TRUYỆN NGẮN CÔ BÉ BÁN DIÊM
- Mở bài:
Một tác phẩm hay, nếu biết đọc bằng cả tâm hồn, sẽ để lại trong ta những ấn tượng đẹp, gợi lên biết bao suy nghĩ. Sau khi nghe thầy giảng bài Cô bé bán diêm của nhà văn An-dec-xen, lòng tôi cứ mãi bồi hồi nghĩ về cô bé tội nghiệp, trong đêm tối gắng sức chống chọi lại với nghịch cảnh và mơ ước về một thế giới tràn ngập ánh sáng và tình yêu thương.
- Thân bài:
Cô bé có hoàn cảnh thật đáng thương. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, bà cũng qua đời mất, cô bé sống cùng người cha nghiện ngập và tàn bạo trên một căn gác xép tồi tàn, tối tăm và bản thỉu. Hằng ngày, cô bé phải đi bán diêm để có tiền. Cô thường xuyên bị bố đánh đập, hành hung nếu không bán được diêm, không mang tiền về cho ông ấy uống rượu. Cuộc sống nghèo khó, thiếu vắng tình thương yêu nhưng với tình yêu cuộc sống, cô bé đã gắng gượng hết sức.
Đêm giao thừa năm ấy, một đêm trời rét mướt, khi mà nhà nhà sáng rực ánh đèn cùng mùi thơm của thức ăn tỏa ra khắp ngóc ngách, cô bé bán diêm nhỏ bé ngồi nép vào góc tường, hứng chịu từng đợt gió rét xé thịt. Vì không bán được hộp diêm nào và cũng chẳng ai cho lấy một đồng khiến cô bé không dám về nhà, sợ những trân đòn khủng khiếp của cha. Trong bóng tối mịt mù và tuyết lạnh, cô bé hoàn toàn cô độc. Thượng đế đã bỏ quên cô dưới thé gian lạnh lẽo. Cô chỉ còn biết dựa vào chính mình, những ý nghĩ ngây thơ chợt đến ngay lúc cô gần như tuyệt vọng.
Bốn lần quẹt diêm để sưởi ấm chính là bốn giấc mộng của cô bé, là ước mơ, mong ước về cả quá khứ và cả tương lai. Mỗi lần quẹt diêm là một mộng tưởng, nhưng khi diêm tắt, hiện thực giá buốt lại hiện ra. Cô bé muốn được ăn nó vì quá đói, muốn được sưởi ấm vì quá rét, muốn được vui chơi vì đêm giao thừa hấp dẫn biết bao và muốn được yêu thương, che chở bởi trên đời này không còn ai yêu thương cô bé. Sự đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng trong ánh mắt trẻ thơ đã một lần nữa gợi ra hoàn cảnh đáng thương đến xúc động của cô bé và những khát khao, mơ ước giản dị, chân thành của em.
Hình ảnh cô bé bán diêm chết vì giá rét nhưng đôi má vẫn hồng hào và đôi môi đang mỉm cười khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, xúc động, lặng người trước số phận đáng thương của con người. Thông qua hình ảnh đáng thương của cô bé bán diêm, tác giả lên án sự thờ ơ, vô cảm của xã hội. Người đáng lên án đầu tiên đó chính là cha của cô bé, một người cha tàn ác, nhẫn tâm, không thể lo nổi cho con mình còn bóc lột sức lao động, hành hung cô bé một cách tàn nhẫn. Đó chính là sự tha hóa, băng hoại về đạo đức con người.
Không chỉ vậy, chính xã hội cũng thờ ơ, vô cảm với em. Họ không thể mua cho cô bé lấy nổi một bao diêm hay cho cô bé bất cứ một thứ gì mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Khi thấy xác cô bé bên đường, sự vô tâm lại càng khiến ta tức giận khi họ chỉ buông một câu xanh rờn “Chắc nó muốn sưởi ấm!”.
Câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà văn. An-dec-xen đồng cảm, thương xót trước số phận bất hạnh của cô bé bán diêm; đồng cảm với những ước mơ, khát khao giản dị, chân thành của con người nhỏ bé, lên án, tố cáo sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm của một lớp người trong xã hội. Câu chuyện kết thúc với cái chét đáng thương của cô bé nhưng đó là một kết cục có hậu. Cái chết đưa cô đoàn tụ với bà của mình trên Thiên đường có lẽ là cách duy nhất để giải thoát cô bé ra khỏi mọi khổ đau mà cô bé đang gánh chịu.
- Kết bài:
Đọc Cô bé bán diêm, người đọc không thể không nghĩ đến những em bé bất hạnh trong cuộc sống. Đó là những em bé bị bỏ rơi, bị hắt hủi, đánh đập tàn tệ. Các em còn bé nhỏ, chưa thể tự mình sinh tồn. Các em cần được chăm sóc, yêu thương và che chở. Thật đáng thương cho những kẻ không có tình yêu thương đối với trẻ thơ. Họ mang trong mình trái tim của loài thú và không biết rung động theo kiểu con người trước những cuộc đời ngây thơ, vô tội. Tôi mong ước làm thế nào, trên mặt đất này, cuộc sống luôn luôn luôn tốt đẹp, con người biết đồng cảm, yêu thương nhau và không còn những số phận đáng thương, phải chịu đói, chịu rét và thiếu tình yêu thương như cô bé bán diêm nữa.