cach-lam-kieu-bai-van-giai-thich-mot-van-de-doi-song-xa-hoi-va-van-de-van-hoc

Rèn kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận cho học sinh giỏi văn

Cách làm kiểu bài văn giải thích một vấn đề đời sống xã hội và vấn đề văn học

I. Thao tác lập luận giải thích.

1. Khái niệm:

Giải thích là cắt nghĩa, lí giải một sự vật, hiện tượng hay khái niệm nào đó để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. Giải thích được coi là một thao tác lập luận trong văn nghị luận có tác dụng làm cho người đọc hiểu rõ tư tưởng đạo lí, phẩm chất quan hệ… nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn tình cảm.

2 Mức độ yêu cầu của thao tác giải thích trong văn nghị luận

2.1 Giải thích là một kiểu bài nghị luận:

Là kiểu bài yêu cầu học sinh trình bày lí lẽ để giảng giải, có kèm theo những bằng chứng cần thiết cho lí lẽ thêm vững chắc, giúp người đọc hiểu đúng, hiểu cặn kẽ, sâu sắc vấn đề nêu ra.

Ví dụ

Đề 1: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?

Đề 2: Có người cho rằng: “Truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp”. Hãy giải thích ý kiến trên và dùng truyện “Chử Đồng Tử” để chứng minh.

Đề 3: Hãy bày tỏ sự hiểu biết của anh/chị về nhan đề một cuốn sách: “ Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”

Cách làm bài:

+ Bước 1: Xác định đúng vấn đề cần giải thích, tránh tình trạng nói lơ mơ, loanh quanh bên ngoài. Có thể đặt ra và trả lời câu hỏi: Cần giải thích điều gì? Ví dụ với đề 1, vấn đề cần giải thích là mối quan hệ giữa thơ và con người, thời đại.

+ Bước 2: Huy động một hệ thống lí lẽ cần thiết để giảng giải cho cặn kẽ, rành mạch. Để luôn đi đúng hướng, có thể tập trung trả lời các câu hỏi sau: Là thế nào? Tại sao? Biểu hiện như thế nào?

Ví dụ:

– Thơ là gì? Thơ là niềm xúc động chân thành mãnh liệt của thi nhân trước con người và sự việc ngoài đời. Niềm xúc động này được diễn tả bằng hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật nên có sức lắng đọng, ngân vang.

– Tại sao thơ lại thể hiện con người và thời đại? Vì thơ nói riêng, văn học nói chung bao giờ cũng bắt nguồn và phản ánh hiện thực đời sống, con người trong một thời điểm nhất định nào đó.

– Tại sao thơ thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp? Vì phản ánh trong văn học không phải là sự sao chép nguyên si và vô cảm. Nhà thơ bao giờ cũng gửi vào sự phản ánh đó những tâm tư tình cảm, lí tưởng thẩm mĩ nhất định để văn chương góp phần giáo dục, cổ vũ con người vươn tới lẽ sống cao thượng đẹp đẽ hơn.

+ Bước 3: Để phần lí giải tăng sức thuyết phục, cần huy động được hệ thống dẫn chứng xác thực. Dẫn chứng đưa ra là để củng cố làm vững chắc thêm cho lí lẽ.

Ví dụ:

– Những câu/ bài thơ nào cho thấy “Thơ là sự phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp”? Học sinh có thể lựa chọn các bài thơ đã học trong chương trình như “ Tây Tiến” ( Quang Dũng), “ Việt Bắc” ( Tố Hữu)…

+ Bước 4: Cần xác định xem vấn đề vừa giải thích có tác dụng, giá trị gì đối với văn học, với xã hội và với bản thân.

2.2. Giải thích là một bước trong bài văn nghị luận:

Đây là dạng phổ biến nhất. Giải thích là một thao tác bắt buộc đầu tiên phải thực hiện trước khi tiến hành bình luận, chứng minh hay bác bỏ, so sánh. Dù đề thi có nêu rõ yêu cầu giải thích hay không thì như một kĩ năng quen thuộc, học sinh nhất thiết phải trải qua thao tác này. Tuy không xa lạ và cũng không quá khó nhưng thao tác giải thích cũng khiến học sinh gặp trở ngại nhất định. Bởi vì giải thích thế nào cho đúng, cho trúng khi mà vấn đề đưa ra không phải lúc nào cũng tường minh về nghĩa. Về vị trí, giải thích là bước đầu tiên trong phần thân bài. Là công đoạn khởi điểm, có ý nghĩa định hướng để lập luận bám theo nhằm làm sáng tỏ luận đề.

Tùy theo từng yêu cầu cụ thể mà mức độ và cách giải thích có thể sẽ khác nhau. Nhưng tựu chung lại thì giải thích vẫn phải làm cho người đọc hiểu đúng vấn đề được nêu ra. Muốn vậy cần tuân thủ tính khách quan của các khái niệm, tính đa nghĩa của các hình ảnh và đặc thù riêng trong diễn đạt của ngôn ngữ văn học.

Ví dụ: Với đề bài “Suy nghĩ của anh/chị về thành công và thất bại” thì trước khi bộc lộ những quan điểm, cách đánh giá về hai phạm trù đối lập đó, học sinh phải giải thích thế nào là “thành công” và “thất bại”. Đề yêu cầu chứng minh nhận định của Nguyễn Tuân: “Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín” thì cũng cần làm rõ nghĩa các khái niệm, mệnh đề: “ thơ”, “thơ mở ra một cái gì”, “ còn phong kín”…

2.3 Giải thích là thao tác hỗ trợ cho các thao tác khác trong lập luận:

Sức mạnh của văn nghị luận nằm ở khả năng lập luận, bảo vệ ý của người nói hoặc viết. Một lập luận bao gồm các luận điểm, luận cứ, luận chứng được sắp xếp theo trình tự lớp lang để đạt mục tiêu nghị luận. Trong quá trình lập luận, người nói hoặc viết cần huy động nhiều thao tác và không thể thiếu giải thích. Khi đó, giải thích xuất hiện ở tất cả các vị trí trong bài viết, trở thành thao tác hỗ trợ làm rõ ý hơn cho lập luận chứng minh, bình luận hoặc so sánh…

Ví dụ: Phân tích câu thơ “ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” của Quang Dũng thì trước khi bộc lộ những cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng nghệ thuật, cần cho người đọc hiểu thế nào là “ dáng kiều thơm”. “ Kiều” là vẻ đài các, kiêu sa còn “ thơm” là cảm nhận độc đáo về vẻ đẹp tâm hồn con người, gợi nhớ tới câu: “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Như vậy, “dáng kiều thơm” là những đường nét yêu kiều, thanh tú cùng cốt cách lịch lãm, tao nhã của thiếu nữ Hà Thành trong nỗi nhớ của người lính.

II. Rèn kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận cho học sinh giỏi văn.

Nhận thấy vai trò, vị trí không thể thiếu của thao tác giải thích trong bài nghị luận, chúng tôi xin nêu ra đây một số kĩ năng dành cho học sinh giỏi văn khi xử lí những vấn đề phức tạp trong đề thi.

1. Kĩ năng tìm hiểu đề: xác định mức độ yêu cầu và phương pháp giải thích.

Tìm hiểu đề là kĩ năng đầu tiên, quen thuộc đối với học sinh khi tiếp nhận đề văn. Đối với học sinh giỏi văn, kĩ năng này có vai trò rất quan trọng. Bởi như trên đã nói, đề thi học sinh giỏi thường đưa ra những vấn đề phức tạp hoặc được diễn đạt bằng những hình ảnh biểu tượng, đa nghĩa. Mà đọc đề mới giúp hiểu đề nghĩa là nắm được vấn đề cần bàn luận.

Thực tế, nhiều học sinh giỏi vẫn xác định nhầm yêu cầu của đề dẫn đến nghị luận không trúng trọng tâm. Ví như khi đề yêu cầu suy nghĩ về nghịch lí: “ Con người có thể bay lên mặt trăng rồi trở về trái đất nhưng lại ngại bước qua con phố để rẽ vào nhà hàng xóm” thì có học sinh vẫn xác định vấn đề nghị luận là sự vô cảm. Vậy khắc phục tình trạng trên bằng cách nào?

Thứ nhất, yêu cầu học sinh gạch chân các từ ngữ, hình ảnh then chốt trong nhận định đề ra. Thứ hai, cần đặt các hình ảnh, từ ngữ trong một ngữ cảnh cụ thể để chúng phát ra những tín hiệu quan trọng. Phải trả lời được câu hỏi: vấn đề nêu ra trong nhận định là gì? Với đề trên, học sinh nên chú ý đến chi tiết “ bay lên mặt trăng rồi trở về trái đất”. Đó là hành động phi thường, vươn tới những cái lớn lao, xa vời. Còn “ bước qua con phố rẽ vào nhà hàng xóm” là hành động đơn giản, ai cũng làm được nhưng lại thường không thực hiện vì “ ngại”.

Như vậy, vấn đề cần nghị luận là: Con người thường có xu hướng làm những điều lớn lao, vươn tới những cái xa vời mà quay lưng lại những điều thân thuộc gần gũi xung quanh.

Sau khi xác định đúng vấn đề cần nghị luận thì rất cần khả năng xác định mức độ và phương pháp giải thích. Mức độ giải thích cũng được thể hiện ngay trong yêu cầu của đề. Giải thích có thể là một kiểu bài nghị luận, một bước trong trình tự nghị luận hay một thao tác hỗ trợ cho các thao tác khác.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người viết lựa chọn mức độ giải thích cho phù hợp. Cuối cùng của khâu tìm hiểu đề là xác định phương pháp giải thích. Để làm cho người khác hiểu đúng vấn đề như bản thân mình, học sinh có thể lựa chọn các phương pháp sau: nêu định nghĩa, liệt kê những biểu hiện, so sánh với các hiện tượng cùng loại …

2. Kĩ năng tìm ý giải thích.

2.1 Giải thích trong nghị luận văn học.

Nghị luận văn học là kiểu bài yêu cầu học sinh thể hiện khả năng cảm thụ, phân tích, bình giá cái hay cái đẹp của các hình tượng văn học hoặc quan niệm thẩm mĩ, nhân sinh, hay phong cách tác giả… Trước khi tiến hành cảm thụ, bình giá, học sinh cần phải thực hành thao tác giải thích, làm sáng tỏ ý nghĩa của khái niệm hoặc vấn đề nêu ra trong nhận định của đề bài.

Đối với đề bài nêu khái niệm như “chủ nghĩa yêu nước”, “chủ nghĩa nhân đạo”, “khuynh hướng sử thi”, “cảm hứng lãng mạn”… thì giải thích là cắt nghĩa, làm rõ nội hàm của các khái niệm đó. Học sinh có thể dùng phương pháp nêu định nghĩa như “ nhân đạo là yêu thương con người”… rồi sau đó liệt kê các biểu hiện cụ thể của nhân đạo như: xót thương trước số phận khổ đau, trân trọng đề cao vẻ đẹp của con người…

Đối với đề nêu ra một nhận định thì cần xác định đâu là từ ngữ then chốt, cắt nghĩa các từ ngữ đó rồi rút ra kết luận về nội dung. Cần chú ý rằng vấn đề cần giải thích trong nghị luận văn học không phải lúc nào cũng lí giải được một cách rõ ràng. Có trường hợp phải dùng nghĩa bóng thông qua suy luận, liên tưởng mới ra vấn đề. Cũng có khi giải thích chỉ là chuyển từ khái niệm hay thuật ngữ khó hiểu sang một cách diễn đạt đơn giản và phổ biến hơn thôi. Ví dụ giải thích nhận định của Lê Đạt : “ Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ/ Không trộn lẫn” thì phải hiểu “vân chữ” chỉ dấu ấn phong cách tác giả trong sáng tác văn chương. Chỉ khi nào chuyển thể từ cách diễn đạt cầu kì, giàu hình ảnh sang kết luận ngắn gọn, chính xác về vấn đề nghị luận thì thao tác giải thích mới coi như thành công.

2.2 Giải thích trong nghị luận xã hội.

2.2.1 Dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lí.

Những vấn đề tư tưởng, đạo lí nêu ra trong đề thi thường không xa lạ với tâm lí, lứa tuổi học sinh trung học. Tuy nhiên, làm thế nào để giải thích đúng vấn đề trọng tâm, không bị rơi vào tình trạng vòng vèo, xa đề thì vẫn là một thách thức đối với ngay cả học sinh giỏi. Để làm tốt phần này, học sinh cần luôn nhớ nguyên tắc giải thích trong 3 bước sau:

– Bước 1: Chọn từ ngữ then chốt

– Bước 2: Cắt nghĩa các từ ngữ đó theo nghĩa đen và nghĩa bóng

– Bước 3: Kết hợp các nét nghĩa, đặt trong văn cảnh cụ thể, rút ra kết luận ngắn gọn về nội dung nhận định.

Trong khi giải thích cần chú ý đến cách dùng từ, đặt câu, ngắt nhịp bởi đó cũng là một phương diện giúp hiểu đúng vấn đề cần nghị luận. Cách thức đơn giản là thử đặt ra và trả lời các câu hỏi như: Nói cái gì? Nó như thế nào? Vì sao lại thế? Có ý nghĩa gì?…

Tùy theo từng đề bài cụ thể mà lựa chọn câu hỏi hoặc cách giải thích. Đối với đề bài nêu nhận định trực tiếp, tường minh về nghĩa thì chỉ cần chọn từ ngữ then chốt rồi cắt nghĩa, tìm nội dung chủ đạo. Chẳng hạn, giải thích câu nói của Nguyễn Đình Chiểu: “ Hỏi thời ta phải nói ra/ Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”, cần chú ý cắt nghĩa các khái niệm “ ghét”, “thương” rồi trên cơ sở đó tìm ra nội dung thông điệp của tác giả gửi gắm trong ý thơ.

Đối với những đề mà nhận định có sử dụng hình ảnh đa nghĩa và nghĩa bóng thì cần thận trọng để tránh lạc hướng. Ví như đề ra lời dạy của Phật “ Giọt nước chỉ hòa vào giữa biển cả mới không cạn mà thôi”, trước hết cần xác định nghĩa đen của những từ “ giọt nước”, “ biển cả”, “ không cạn” rồi suy luận ra nghĩa bóng. Với quan niệm của Trịnh Công Sơn “ Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, sống trên đời cần có một tấm lòng, dù chỉ là để gió cuốn đi”, cần lần lượt giải thích các mệnh đề, các hình ảnh “ sông vẫn chảy”, “ suối vẫn trôi”, “ tấm lòng”, “ cần có một tấm lòng”, “ tấm lòng để gió cuốn đi” để từ đó xác định chính xác ý nghĩa của câu nói.

Cần hết sức chú ý lựa chọn yếu tố nào để cắt nghĩa trong câu, tránh sa vào những chi tiết tủn mủn, vụn vặt mà có khi hiểu sai vấn đề nghị luận. Ví như câu nói của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: “ Lúa càng nặng hạt thì càng trĩu bông, giản dị cúi đầu” thì không phải giải thích “ lúa là cây lương thực” mà cần chú ý đến hình ảnh “ lúa nặng hạt, trĩu bông, cúi đầu” từ đó liên tưởng đến con người khiêm tốn giản dị khi thành đạt. Cá biệt có những đề bài mà khâu giải thích phải làm rất công phu. Chẳng hạn với quan niệm của Viên Mai: “ Làm người không thể không phân biệt giữa nhu mì và nhu nhược, giữa cứng cỏi và cường bạo, giữa tiết kiệm và keo kiệt, giữa trung hậu và khờ khạo, giữa sáng suốt và cay nghiệt, giữa tự trọng và tự đại, giữa khiêm tốn và hèn hạ. Mấy cái đó hình như giống nhau mà thực khác nhau” có rất nhiều mệnh đề cần giải thích như “ làm người”, phân biệt các khái niệm “ cường bạo” – “ cứng cỏi”, “ nhu mì” – “ nhu nhược”, “keo kiệt” – “ tiết kiệm”… Bởi vì nếu không giải thích tường tận những mệnh đề ấy sẽ không xác định nổi ý nghĩa, phạm vi nghĩa trong quan điểm của Viên Mai.

2.2.2 Dạng đề nghị luận về hiện tượng đời sống.

Khác với dạng đề bàn về một tư tưởng đạo lí, dạng này thường đề cập đến một hiện tượng có thật đang diễn ra trong đời sống và có ảnh hưởng đến tâm lí, lối sống, quan điểm… của thế hệ trẻ lại có ý nghĩa với cả cộng đồng dân tộc, thế giới. Hiện tượng đưa ra bàn luận có thể tích cực hay tiêu cực hoặc có hai mặt. Các khái niệm và thuật ngữ nêu ra trong đề thường được hiểu theo nghĩa đen, trực tiếp. Như thế, người viết bằng nhận thức, trình độ và khả năng am hiểu các vấn đề xã hội của mình phải biết phân tích, đánh giá, thể hiện lập trường, quan điểm cá nhân để biểu dương cái chân thiện mĩ, phê phán cái xấu cái ác…

Đối với dạng đề này, phần giải thích thực chất là giới thiệu, thuyết minh về hiện tượng từ đặc điểm, tính chất đến quy mô và biểu hiện của nó cho người đọc người nghe có cái nhìn tương đối đầy đủ, chính xác về hiện tượng được nhắc tới. Học sinh không nên đi sâu lí giải các tầng ý nghĩa của từ ngữ vì đó không phải là mục đích của đề bài. Ví dụ đề yêu cầu suy nghĩ về tình trạng ô nhiễm môi trường thì chỉ cần cho người đọc hiểu thế nào là ô nhiễm môi trường, xu hướng phát triển và phạm vi ảnh hưởng của nó ra sao. Đề ra về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong những năm gần đây thì cần giới thuyết khái niệm “vệ sinh an toàn thực phẩm” và “ mất vệ sinh an toàn thực phẩm”.

2.2.3 Dạng nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

Đây là dạng đề tổng hợp, đòi hỏi học sinh kiến thức về cả hai mảng văn học và đời sống, cũng là dạng đề phổ biến trong các kì thi chọn HSG văn. Đề thường xuất phát từ một vấn đề xã hội giàu ý nghĩa có trong một tác phẩm/đoạn trích văn học nào đó rồi yêu cầu học sinh mở rộng bàn luận, thể hiện sự hiểu biết của mình về cuộc sống, con người. Tác phẩm văn học được lựa chọn có thể thuộc chương trình cũng có thể là những câu chuyện ngắn gọn, truyện mini… học sinh chưa được học.

Phần giải thích đối với dạng đề này tương đương với việc phân tích ngắn gọn giá trị nội dung, làm rõ vấn đề xã hội đặt ra bằng cách trả lời câu hỏi: truyện viết về điều gì? Trong quá trình thực hiện cần huy động linh hoạt các phương pháp giải thích như nêu định nghĩa hoặc liệt kê biểu hiện… Cũng cần phân biệt giữa phân tích trong bài nghị luận văn học với phân tích sơ bộ để xác định vấn đề xã hội cần bàn luận. Mục đích của nghị luận văn học là cảm thụ, bình giá cái hay cái đẹp của hình tượng nghệ thuật còn nghị luận xã hội chỉ quan tâm đến một khía cạnh của nội dung đó là vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.

Ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao có đề bài sau: Từ bài thơ “ Tiến sĩ giấy” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, anh ( chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay. Với đề này học sinh cần phân tích sơ bộ bài thơ “ Tiến sĩ giấy” để thấy vấn đề xã hội mà Nguyễn Khuyến đặt ra là mâu thuẫn giữa cái danh tiến sĩ với cái thực tầm thường, thấp kém cả về năng lực và vai trò của ông tiến sĩ trong xã hội đương thời. Mặt khác cũng cần giải thích hai khái niệm đối lập nhau về nghĩa là “ danh” và “thực”, mối quan hệ cần có giữa hai vấn đề này để từ đó mà biết phản bác những hiện tượng khập khiễng trong đời sống.

3. Kĩ năng viết phần giải thích.

Sau khi cắt nghĩa và xác định đúng vấn đề giải thích, khâu cuối cùng quyết định thành công của bài làm là bắt tay vào viết. Đối với học sinh giỏi văn, viết đúng không quan trọng bằng viết hay. Thực tế cho thấy khả năng diễn đạt quyết định rất lớn đến kết quả của bài làm. Cùng ý tưởng nhưng bài nào có được cách hành văn tốt sẽ được điểm cao hơn. Vì lẽ đó, chúng tôi quan tâm đến việc hướng dẫn học sinh hành văn trong phần giải thích của bài nghị luận.

3.1 Viết câu văn giải thích.

Câu văn là sự kết hợp của nhiều tiếng để diễn tả một sự việc hay nhiều sự việc một cách đầy đủ, có ý nghĩa và có liên quan với nhau. Câu văn giải thích cũng tuân thủ theo chuẩn mực đó nhưng còn có những đặc thù riêng. Trước hêt, để vấn đề được giải thích trở nên đơn giản, dễ tiếp nhận với người đọc, người nghe, chúng ta nên dùng kiểu câu đơn với hình thức mệnh đề phán đoán A là B. Chẳng hạn giải thích khái niệm “ nhân đạo”, Lâm Ngữ Đường viết: “ Lòng nhân đạo tức là lòng biết thương người”. Trong trường hợp viết câu dài gồm nhiều vế thì mỗi vế câu đó chỉ nên nêu một khía cạnh làm sáng tỏ vấn đề giải thích. Ví dụ “ Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi” (Theo Lâm Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế).

Có thể sử dụng kết hợp linh hoạt các kiểu câu phân loại theo mục đích nói để việc diễn đạt trở nên hấp dẫn, giàu sức thuyết phục. Giải thích câu tục ngữ “ Người ta là hoa đất”, một học sinh viết: “ Hoa là hình ảnh đẹp đẽ, là tinh túy của thiên nhiên, trời đất. So sánh người ta là hoa đất, tác giả có ý nhấn mạnh giá trị cao quý của con người trong cuộc đời. Vì sao vậy? Vì con người là sinh vật hoàn hảo của vũ trụ. Con người có hình thể, bản năng và trí tuệ. Những cái đó đem lại cho con người sức mạnh vô song và khả năng chinh phục thế giới, thực hiện sứ mệnh cao quý”. Ngoài ra giải thích là tuân thủ theo nội dung khách quan của vấn đề nên câu văn giải thích cần tránh thể hiện thái độ đánh giá chủ quan của người viết. Để sự phán đoán không rơi vào chủ quan, khiên cưỡng, học sinh cũng có thể dùng câu với thành phần tình thái như “ có lẽ”, “phải chăng”…

3.2 Kĩ năng viết đoạn văn giải thích.

Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản. Về hình thức, đoạn văn bắt đầu bằng chữ viết hoa đầu dòng, kết thúc bởi dấu chấm xuống dòng. Về nội dung, đoạn văn biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Người ta có nhiều cách thức xây dựng đoạn văn như diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích… Lựa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào mục đích, sở trường của người viết. Tuy nhiên dù thế nào thì đoạn văn giải thích không thể thiếu câu mở đoạn, câu triển khai và câu kết. Về lí thuyết thì đoạn văn không nhất thiết phải xuất hiện câu chủ đề nhưng riêng đối với đoạn giải thích, câu chủ đề bắt buộc phải có. Bởi vì, câu chủ đề chính là kết quả cuối cùng của khâu giải thích, là kết luận ngắn gọn dễ hiểu về vấn đề được lí giải. Sự xuất hiện của ý chính nêu trong câu chủ đề mới hoàn thành quá trình giải thích. Vì vậy, diễn dịch và quy nạp là hai cách trình bày ý được lựa chọn nhiều nhất. Đây cũng là hai cách thức chúng tôi chú ý hướng dẫn học sinh khi viết đoạn giải thích trong văn nghị luận.

Diễn dịch là phương pháp trình bày ý từ luận điểm suy ra các luận cứ, từ ý tổng quát suy ra các ý cụ thể. Phương pháp này phù hợp với cách giải thích nêu các biểu hiện cụ thể của đối tượng hoặc so sánh với các phạm trù đối lập. Ví dụ: “ Cần phân biệt một cách rạch ròi giữa khiêm nhường với tự ti và nhu nhược. Bông lúa cúi đầu vì nặng hạt, bậc chân tài nhún nhường bởi biết mình, trọng người, còn kẻ nhu nhược cúi đầu là do hèn kém về tài năng và nhân cách. Người khiêm nhường ý thức được những thiếu sót nhưng cũng nhận thức rõ điểm mạnh của mình còn kẻ tự ti chỉ nhìn thấy ở mình những điểm yếu, luôn rụt rẽ sợ hãi, không dám làm, không dám thử.” ( Trích bài làm của học sinh).

Quy nạp là phương pháp trình bày ý từ các luận cứ rút ra những nhận định tổng quát, từ các ý cụ thể rút ra nhận định chung. Phương pháp này được sử dụng nhiều trong quá trình giải thích, phù hợp với việc cắt nghĩa lí giải từng bình diện nhỏ rồi tổng hợp lại trong một kết luận chung. Trên thực tế khoảng 70% bài làm của học sinh thực hiện phần giải thích theo cách quy nạp.

Ví dụ giải thích ý nghĩa đoạn văn “Những câu hỏi không lãng mạn” của Nguyễn Quang Thiều: “Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì? Chim trả lời: Ta cần bay. Một con chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành con gà bé bỏng, tội nghiệp và vô dụng. Ta hỏi một dòng sông: Ngươi cần gì? Sông trả lời: Ta cần chảy. Một dòng sông không chảy sẽ trở thành vũng nước khô cạn dần rồi biến mất. Ta hỏi một con tàu: Người cần gì? Con tàu trả lời: Ta cần được ra khơi. Một con tàu không ra khơi chỉ là vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian. Ta hỏi một con người: Ngươi cần gì? Con người trả lời: Ta cần được lao động trong sáng tạo”, một học sinh viết: “Không phải ngẫn nhiên từ “cần” được lặp đi lặp lại trong những câu trả lời. Có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh cái nhu cầu không thể không đáp ứng, cái đòi hỏi không thể không thực hiện.

Hiểu một cách đơn giản thì “cần” nghĩa là không thể không làm, không thể không có vì nếu không làm, không có thì sẽ là một thiếu sót thậm chí gây nguy hại. Cái cần ở đây là “ bay” đối với con chim, “ chảy” đối với dòng sông và “ ra khơi” với con tàu, “ lao động trong sáng tạo” với con người. Đó là những hoạt động thuộc về bản năng và khả năng để mỗi cá thể khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của mình. Bởi một lẽ đơn giản, nếu không bay, con chim sẽ chỉ là con gà bé bỏng, tội nghiệp và vô dụng, nếu không chảy, sông chỉ là vũng nước và sẽ cạn dần rồi biến mất, không ra khơi, con tàu chỉ là vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian. Cũng thế, con người cần lao động sáng tạo vì đó là cách khẳng định mình tốt nhất. Như vậy qua đoạn văn trên, tác giả đề cao vai trò của lao động sáng tạo như một cơ sở tạo nên giá trị, ý nghĩa sự tồn tại hữu ích.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang