»» Nội dung bài viết:
Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp… Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của mình, em hãy bàn luận về ý kiến.
- Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề: Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp… Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.
- Thân bài:
1. Giải thích nhận định.
– Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp: nhà thơ là người phát hiện, người sáng tạo cái đẹp. Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói: phần còn lại của nhận định đã khẳng định sáng tạo văn chương không phải là những người thợ khéo tay, chỉ làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho, mà người nghệ sĩ phải tìm tòi, phát hiện ra những cái mới, nói như Nam Cao chính là: “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
→ Nhận định đã nói lên vai trò trách nhiệm của nhà văn đối với việc sáng tạo tác phẩm.
2. Bàn luận.
Vì sao cần phải sáng tạo?
– Trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là văn chương sáng tạo là điều vô cùng quan trọng, bởi sáng tạo mới làm ra chất riêng, phong cách riêng và từ đó mới làm nên thương hiệu của mình.
– Nếu văn chương chỉ là sự rập khuôn, sáo rỗng thì đó chỉ là bản sao không hoàn chỉnh.
– Sáng tạo nghệ thuật là quá trình lão động vất vả, đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc của nhà văn. Bởi vậy, không có sáng tạo trong văn chương tức là tác phẩm đó đã chết.
3. Chứng minh nhận định qua tác phẩm văn học.
a. Chứng minh nhận định qua bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.
Tác phẩm Sang thu được sáng tác gần cuối năm 1977, thời kì đất nước vừa hòa bình, thống nhất. Sự sáng tạo, nét cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về mùa thu.
Trước hết mùa thu được cảm nhận trong không gian gần và hẹp. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ, chỉ với một từ “bỗng” mở đầu bài thơ đã khiến ta cảm nhận thu đến thật bất ngờ, đột ngột, không hẹn trước. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu thật độc đáo: Không phải từ cây ngô đồng (Ngô đồng nhất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu); không phải từ bầu trời xanh (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt – Nguyễn Khuyến), từ hương cốm mới (Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Nguyễn Đình Thi) mà từ hương ổi thứ hương thơm dân dã, mộc mạc, đặc trưng của các làng quê Bắc Bộ lúc cuối hạ đầu thu. Đây chính là nét mới, sự phát hiện độc đáo và đầy tinh tế của Hữu Thỉnh.
Trong “gió se” gió thu se lạnh hơi khô, thứ hương thơm ấy càng như sánh lại, luồn vào trong gió. Cách sử dụng động từ mạnh “phả” chứ không phải lan, tỏa, bay trong gió, được gió đưa đi, đánh thức cả một không gian làng quê yên bình. Cùng với hương ổi, gió se, tín hiệu sang thu còn là sương thu lãng đãng: “sương chùng chình qua ngõ”. Những hạt sương thu ươn ướt mềm mại giăng màn qua ngõ, Mùa thu lại về, mùa thu mang theo hướng quê và sương mờ ướt lạnh. Sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đầy tâm trạng, chùng chình như chờ đợi điều gì đây? “Chúng chình” còn gợi màn sương li ti giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm. Phép nhân hóa còn khiến ta cảm nhận màn sương như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến tiếc mùa hạ. “Ngõ” ở đây vừa là ngõ thực, vừa có thể là cửa ngõ sang mùa.
Ta thấy tác giả đã huy động mọi giác quan (khứu giác, xúc giác, thị giác) để cảm nhận những tín hiệu báo thu sang nhưng nó rất mơ hồ, mờ ảo, nhẹ nhàng nên nhà thơ vẫn băn khoăn tự hỏi: “Hình như thu đã về?”. Tinh thái từ “hình như với câu hỏi tu từ khiến ta cảm nhận tâm trạng hoài nghi, cái giật mình bối rối của nhà thơ.
Khổ 1 bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã diễn tả cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng của tác giả khi đón nhận sứ giả đầu tiên của mùa thu.
Không chỉ vậy, ông còn cảm nhận mùa thu trong không gian dài, cao và rộng. Cái bỡ ngỡ ban đầu tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu. Nếu như khổ 1, bài Sang thu của Hữu Thỉnh, tín hiệu thu sang mới chỉ là những gì vô hình, mờ ảo thì sang khổ 2, những dấu hiệu của mùa thu đã rõ nét và hữu hình hơn.
Bức tranh Sang thu được Hữu Thỉnh miêu tả ở tầm nhìn cao hơn, xa rộng hơn đó là không gian bầu trời, dòng sôn
2 câu thơ đầu có cấu trúc đổi, nhịp nhàng với những động thái trái ngược nhau nhưng rất đặc trưng cho mùa thu: “Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã”, thiên nhiên được nhân hóa vừa có hồn, vừa có tìn
Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như trong những ngày hè mưa lũ mà dềnh dàng thong thả, lững lờ trôi như còn ngẫm ngợi, suy tư. Đối lập với dòng sông ấy là cánh chim, những cánh chim bắt đầu vội vã, chuẩn bị cho chuyến di trú tránh rét hay cũng có thể nó vội vã về tổ lúc chiều hôm chứ không còn nhởn nhơ, rong chơi như những ngày hè. Phải tinh tế lắm, Hữu Thỉnh mới nhận ra được cái “được lúc” của dòng sông và cái “bắt đầu” của cánh chim. Ý thơ thấp thoáng cảm xúc của lòng người sang thu.
Hai câu thơ sau mới là bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu, một sáng tạo của tác giả.
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa vì thế đám mây mùa hạ mới chỉ vắt nửa mình. Cách sử dụng từ “mình” khiến cậu thợ thêm ý vị, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đám mây như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang trời thu. Đây có thể xem là hình ảnh liên tưởng sáng tạo, độc đáo nhất trong bài thơ. Thật sáng tạo khi Hữu Thỉnh dùng một hình ảnh của không gian để diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, còn gianh giới mùa là ảo. Cách diễn đạt này khiến bầu trời như nhuộm nửa sắc thu để đến một lúc nào đó nó sẽ là bầu trời thu
Khổ 2, hạ đã nhạt dần, thu đậm nét hơn, phép nhân hóa khiến cảnh vật và lòng người đang bước vào mùa thu và dường như còn quyến luyển mùa hạ. Bằng cảm quan tỉnh tế, bằng sự nghiêm cứu nghiêm cẩn và óc sáng tạo của một người nghệ sĩ, Hữu Thỉnh đã sáng tạo nên một bức tranh mùa thu thật đẹp và cũng thật độc đáo. Lần đầu tiên trong văn học dân tộc, mùa thu lại được cảm nhận ở những thứ bình dị, gần gũi mà cũng hết sức tinh tế đến vậy. Bên cạnh đó là việc sử dụng ngôn từ đặc sắc, các kết hợp từ lạ cũng là điểm làm nên nét đẹp nổi bật cho bài thơ.
b. Làm rõ nhận định qua truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Truyện ngắn Làng của Kim Lân viết về đề tài vô cùng quen thuộc đó là tình cảm yêu làng, yêu nước của những con người trong thời kì cách mạn Nhưng điều gì đã làm nên một ông Hai đặc biệt đến vậy, khiến người ta không thể nào quên. Để lại ấn tượng sâu đậm đó phải nói đến sự sáng tạo, công nghiên cứu tìm tòi của nhân văn Kim Lân.
Ông Hai là người yêu làng tha thiết, ở nơi tản cư ông luôn khoe về cái làng giàu tinh thần chiến đấu, với niềm tự hào sâu sắc. Nghe tin làng theo giặc, lòng ông đau đớn đến tột cùng: Cổ nghẹn đắng; Da mặt tê rần rần;… Ông đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình. Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm: ông lo cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian; Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư; Cho tương lai cả gia đình. Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh, lòng ông lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Cái tin ấy còn khiến ông day dứt, giằng xé dữ dội vì ông vừa yêu làng, vừa yêu nước, ông buộc phải lựa chọn giữa hai tình cảm ấy. Cuộc đấu tranh trong tâm hồn ông được biểu hiện qua cuộc nói chuyện của ông với đứa con nhỏ. Ông khẳng định: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”. Ông muốn con ghi nhớ Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác, không được phép quên. Đó là tình cảm gắn bó máu thịt của ông Hai và của hàng triệu người Việt Nam.
Cuối cùng, ông Hai lựa chọn “…làng theo Tây thì phải thù”. Tình yêu nước và nhiệt tình ủng hộ kháng chiến của ông Hai, Lựa chọn ấy khiến ông vững vàng hơn và tin rằng đồng bào, đồng chí sẽ hiểu cho ông, cụ Hồ sẽ soi xét cho ông.
Miêu tả diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, Kim Lân đã phản ánh những nét đẹp mới trong tâm hồn người nông dân sau cách mạng. Cùng với tình yêu làng tha thiết họ còn tràn đầy tình yêu đất nước và nhiệt tình cách mạng.
Kim Lân đã miêu tả chân thực, sắc sảo diễn biến tâm trạng ông Hai. Qua đó, nhà văn đã khám phá những nét đẹp nổi bật trong tâm hồn người nông dân Việt Nam. Đó là những con người chất phác, nồng hậu, yêu thiết tha quê hương, đất nước. Họ luon sẵn có lòng nhiệt tình ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến.
Ngoài ra những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, cũng làm nên thành công cho tác phẩm. Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ. Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo. Kết hợp hài hòa ngôn ngữ độc thoại, đối thoại. Hình ảnh, chi tiết giàu sức gợi.
c. Làm rõ ý kiến qua bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy.
“Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện củi đẹp… Dấu hiệu và bằng chứng cùa nhà thơ là ở chỗ anh ta nói dược những lời người khác chưa từng nói”. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một minh chứng sống động cho thiên chức và năng lực đặc biệt đó. Lời của nhà văn Mĩ gợi cho ta những suy ngẫm về vai trò, sứ mệnh của nhà thơ đối với sáng tạo nghệ thuật và cuộc sống.
Cuộc đời của chúng ta không phải chỉ cần ăn và sống mà còn cần những giai điệu du dương, những mảng màu tươi sáng, những vần thơ da diết để ta tìm thấy ở trong đó một phần xúc cảm, một phần cuộc đời của mình. Thật ra ai cũng có cảm xúc trước một điều gì đó, một câu chuyện nào đó, nhưng cái hay của nhà thơ là anh có thể chuyển tải hiện thực, hình ảnh và con người đó bàng cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn mình thành nhưng áng thơ đẹp và ý nghĩa. Nói như Platon “Thơ là thần hứng”, và “thần hứng” chỉ ngự trị trong các “nhà thơ thứ thiệt” và mọi suy nghĩ sẽ bật ra thành thơ khi anh “xúc động hồn thơ”. Năng lực đó không phải ai cũng có được! Trong câu nói trên, nhà văn Mĩ đã chỉ ra vai trò cụ thể của nhà thơ.
Thi sĩ, ấy “là người phát ngôn” bằng những trải nghiệm và xúc cảm của riêng mình; là người khai sinh và “đặt tên” cho đứa con tinh thần của mình để đưa nó vào trong đời sống văn học; rộng hơn, thi sĩ chính là “người tạo nên cái đẹp” của cám xúc, tâm hồn và ngôn từ nghệ thuật. Điều khác biệt giữa nhà thơ với những người bình thường là “anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói”, trở thành chiếc cầu gắn kết cảm xúc của mình với người khác, với câu chữ trong thơ. Nhà thơ và người đọc thường có sự đồng cảm và thấy hiểu nhau, nói như Tố Hữu: “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu…”. Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí”.Một bài thơ chân chính, đặc sắc phải là bài thơ bén được gốc rề trong lòng người, giúp người ta tìm thấy một phần cảm xúc, một phần cuộc đời mình trong những câu chữ kì công đó. Phần còn lại của nhận định đã khẳng định sáng tạo văn chương không phải là những người thợ khéo tay, chỉ làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho, mà người nghệ sĩ phải tìm tòi, phát hiện ra những cái mới, nói như Nam Cao chính là: “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Ai cũng từng bước nhiều lần qua ngưỡng cửa nhà mình, cũng đã nhận ra nó thân thuộc, bình dị và gắn bó với ta từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Nhưng chỉ Vũ Quần Phương mới truyền tải được cái hình ảnh quen thương ấy vào bài thơ “Ngưỡng cửa”:
“Nơi này ai cũng quen
Ngay từ thời tấm bé
Khi tay bà tay mẹ
Còn dắt vòng đi men…”
Vậy chẳng phải là nhà thơ đã nói hộ lòng người, “nói được những gì người khác chưa từng nói” hay sao? Quả thực trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là văn chương sáng tạo là điều vô cùng quan trọng, bởi sáng tạo mới làm ra chât riêng, phong cách riêng và từ đó mới làm nên “thương hiệu” của mình. Nếu văn chương chỉ là sự rập khuôn, sáo rỗng thì đó chỉ là bản sao không hoàn chỉnh. Suy cho cùng sáng tạo nghệ thuật là quá trình lao động vất vả, đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc của nhà văn. Bởi vậy, không có sáng tạo trong văn chương tức là tác phẩm đó đã chết.
Ánh trăng là một trong những bài thơ xuất sắc của Nguyễn Duy. Ánh trăng nói riêng và những thi phẩm khác của Nguyễn Duy nói chung đều hướng tới vẻ đẹp đời thường, những giá trị khiêm nhường mà bền vững.. Thơ ông thường hướng về nguồn cội, mang tính triết lí, thâm trầm nhưng cách diễn đạt thì vô cùng dân dã, hóm hỉnh. Viết Ánh trăng, Nguyễn Duy như đang nói hộ lòng số đông những người bước ra từ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ cứu nước. Mặt khác, từ câu chuyện riêng tư của nhân vật trữ tình gắn liền với hình ảnh ánh trăng, Nguyễn Duy ngầm nhắc nhở con người đạo lí sống ân nghĩa, ân tình, thủy chung với quá khứ.
Những kỉ niệm thuở xưa tươi đẹp. trong trẻo hay những ngày chinh chiến loạn li đã được nhà thơ khơi nhắc ở những dòng thơ đầu. Trong bài thơ đây là những trải nghiệm của Nguyễn Duy, nhưng chắc hẳn đồng đội của Nguyễn Duy – những người vừa giã từ kháng chiến – cũng tìm thấy bóng dáng của mình trong đó. Hình ảnh ánh trăng được đặt giữa miền không gian thôn dã yên bình, trong khung cảnh chiến tranh sinh tử:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bê
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kì
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”.
Hoài niệm đưa nhân vật trữ tình trở về “hồi nhỏ”. “Hồi nhỏ” là thời gian xa mù trong quá khứ, những tưởng mọi thứ đã phôi phai theo thời gian. Nhưng không, kí ức về “hồi nhỏ” bồng dưng trỗi dậy trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình. Ai cũng có một miền kí ức để thương, một khoảng trời xa xôi đê nhớ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Ánh trăng cũng thế! Nhớ về “hồi nhỏ” là nhớ về cuộc sống yên ả, thanh bình. Bao kỉ niệm ấu thơ gắn liền với cánh đồng, dòng sông và biển rộng. “Đồng”, “sông”, “bể” là không gian của kí ức tuổi thơ, không gian của nguồn cội, nghĩa tình. Những ngày ở quê là những ngày đẹp nhất. Khi đó, nhân vật trữ tình gắn bó những kỉ niệm vui buồn với bóng trăng hiền lành cổ tích. Một cuộc sống “trần trụi”, “hồn nhiên”, tuổi thơ vui cười, buồn khóc, chẳng hề toan tính lo âu. Khoảng thời gian đó, nhân vật trữ tình ngỡ rằng “sẽ không bao giờ quên – Cái vầng trăng tình nghĩa”. Ngày nhỏ chơi với trăng, khi đã trưởng thành đi lính vẫn gắn bó khăng khít với trăng, vầng trăng của kỉ niệm. Ánh trăng của nghĩa tình. Hiền lành và dung dị đến thế, nhân vật trữ tình nhắc mình sẽ chẳng bao giờ quên hình bóng trăng quê.
Theo dòng hoài niệm, nhân vật trữ tình nhớ khi “ở rừng”. Đêm đêm, vầng trăng xuất hiện trên bầu trời, ánh sáng xuyên qua kẽ lá soi đường cho người chiến sĩ hành quân. Lúc ấy, người chiến sĩ cứ ngỡ rằng trăng là bạn, là “tri kỉ” của mình. Trong thơ ca cách mạng, hình ảnh người chiến sĩ gắn liền với vầng trăng là hình ảnh đẹp, lung linh sáng ngời. Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, đó là “đầu súng trăng treo”. Trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, đó là “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, là “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Trăng tượng trưng cho ý chí chiến đấu, cho lí tưởng cách mạng, soi đường dẫn lối cho anh chiên sĩ trên chặng đường hành quân. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Ánh trăng (và đồng đội của ông) cũng gắn bó với vầng trăng như thê!
Nhưng hoàn cảnh đã đổi thay, chiến tranh đã đi qua, những người chiến sĩ năm nào giờ rời rừng núi trở về thành thị sống cuộc sống xa hoa, hiện đại, vô tình quên lãng ánh trăng xưa:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, người chiến sĩ rời chiến trường “về thành phố” sống cuộc sống hiện đại. Xưa kia có ánh trăng dẫn lối soi đường, ánh trăng bầu bạn, giờ đây, “ánh điện, cửa gương” đã thay thế hoàn toàn ánh trăng trên trời. Trăng dẫu là vĩnh hàng nhưng làm sao sáng bàng “ánh điện, cửa gương”. Nhân vật trữ tình không cố ý quên, nhưng nhịp sống hiện đại cứ khiến anh quên đi “vầng trăng tình nghĩa”. Thật xót xa! Trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, khi tiễn người chiến sĩ về xuôi, đồng bào Việt Bắc sợ rằng Hà Nội sáng đèn làm người chiến sĩ quên đi ánh trăng đồi núi:
“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thay núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh tráng giữa rừng… ”
Trong những người không quên, lại có những người đã quên như nhân vật trữ tình trong bài thơ. Năm xưa, khi nhân vật trữ tình ở quê, ở rừng, vầng trăng kia đã trở thành “tri kỉ” của anh. Anh nâng niu, trân trọng, yêu thương vầng trăng bởi không có trăng thì anh sẽ buồn bã và cô độc biết chừng nào. Nhưng giờ đây, thái độ của anh đối với vầng trăng là dừng dưng, thờ ơ, vô cảm. Trăng vẫn là trăng của ngày xưa. Trăng vĩnh hằng với cuộc đời. Nhưng với nhân vật trữ tình, trăng đã không còn là “tri kỉ” nữa mà là “người dưng qua đường”. Đây không chỉ là thái độ của riêng Nguyễn Duy mà còn là thái độ thường trực của mỗi chúng ta, nếu không vững lòng thì dễ dàng bội bạc với những giá trị tốt đẹp xưa cũ như dân gian ta hay nói “có mới nới cũ”.
Cuộc sống hiện đại đôi khi lại đầy bất trắc. Sự xuất hiện của ánh trăng như một “cú tát” vào tâm hồn nhân vật trữ tình:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buynh – đinh toi om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn. ”
Ánh điện với cửa gương đâu thể nào sáng mãi như thế, cũng có khi sự cố xảy ra: “đèn điện tắt”. Trong căn phòng bóng tối bao trùm, thật ra “đèn điện tắt” chỉ là cái cớ để vầng trăng xuất hiện trên bầu trời từ đó gợi nhớ gợi thương trong lòng nhân vật trừ tình về ánh trăng xưa.
Sự cố xảy ra, căn phòng ngập chìm trong bóng tối, nhân vật trữ tình lại hối hả đi tìm trăng. Hành động “vội bật tung cửa sổ” cho thấy nỗi thèm thuồng, khát khao ánh sáng vầng trăng xua tan bóng tối. Dường như vầng trăng đợi sẵn ngoài cửa sổ, bởi thế mà khi anh mở cửa ra thì “đột ngột” vầng trăng xuất hiện. Hai chữ “đột ngột” vừa là sự xuất hiện đầy bất ngờ của trăng, vừa là sự bàng hoàng, giật mình của nhân vật trữ tình. Có lẽ anh tưởng đâu trăng đã quên anh mất rồi. Nhưng trăng vẫn nhớ, vẫn đợi sẵn ngoài cửa sổ soi sáng cho anh như những ngày xa xưa.
Đã bao giờ chúng ta đối diện với thứ gì đó. người nào đó mà chúng ta từng bội bạc lãng quên hay chưa? Nếu có thì cái cảm giác ấy chắc là đau đớn, xa xót lắm. Nguyễn Duy không lên gân lên giọng, chỉ nhẹ nhàng thôi mà nói được cái cảm xúc chung của mỗi người khi đối diện với những điều mình từng chối bỏ, thờ ơ:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đằng là bể
như là sông là rừng ”
Người với trăng – mặt nhìn mặt. Cuối cùng trăng và người cũng gặp nhau, vẫn là “vầng trăng tròn” của thuở ấu thơ, vầng trăng theo chân người lính trên chặng đường hành quân gian khổ. Trăng muôn đời không đổi thay. Nhân vật trữ tình nhận ra “có cái gì rưng rưng”, là trăng hay là anh đang “rưng rưng” vì xúc động khi gặp lại người tri kỉ mà anh đã lãng quên suốt những tháng năm dài? Hai chữ “rưng rưng” như một sự dồn nén cảm xúc sắp bật ra thành dòng, thành lời, thành sự tự trách mình vì đã dửng dưng với quá khứ tươi đẹp. Trong tâm trí anh bao hình ảnh đẹp bỗng dưng ùa về. Thiên nhiên không hề phụ bạc với con người, chỉ có con người đôi khi vì những thú vui phù phiếm xa hoa mà quên lãng thiên nhiên, quên đi những điều ngọt ngào, chân phương xưa cũ.
Chỉ có con người không tròn câu chung thủy:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chỉ người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Dầu cuộc đời có đổi thay thì trăng vẫn trọn vẹn tấm lòng, vẫn thủy chung, sắt son một dạ như cái hình tròn đầy đặn, ánh sáng vĩnh cửu của nó. Đối lập với sự thủy chung của trăng là sự “vô tình” của con người. Nhưng với tấm lòng bao dung, vị tha, người có vô tình đến đâu thì trăng vẫn cứ là trăng của ngày xưa, không hề thay đổi. Ở hai câu thơ cuối, cái “im phăng phắc” của trăng và sự “giật mình” của con người gợi nhiều suy ngẫm. Trăng nghiêm nghị: “im phăng phắc” bởi trăng biết nói gì đây. mà có lẽ trăng cũng không cần nói nữa. Thời gian trôi qua, cậu bé hồn nhiên của làng quê năm nào giờ đã trưởng thành, đã đủ nhận thức về bản thân mình. Trăng chỉ im lặng, nhưng cái lặng lẽ, vô ngôn ấy lại khiến người xưa nhói đau gấp bội phần. Đối lập với cái “im phăng phắc” của trăng là sự “giật mình” của nhân vật trữ tình. Giật mình vì trăng vẫn “tròn vành vạnh”, vẫn bao dung, vẫn rực rỡ như xưa. Giật mình vì nhớ ra mình đã lãng quên trăng, làng quên quá khứ. Rõ ràng trăng đã đánh thức người lính, khiến anh vỡ ra nhiều điều từ sâu thẳm tâm hồn.
Với bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã làm được sứ mệnh “đại diện cái đẹp”, “nói được những lời người khác chưa từng nói”. Nhà thơ đã nói thay hoàn cảnh lẫn thái độ sống của một bộ phận người vừa bước ra từ cuộc kháng chiến, đồng thời nhắc nhở chúng ta về lòng thủy chung son sắt. Rằng hoàn cảnh sống dù có thay đối đến đâu cũng đừng quên gốc rề của mình. Hình ảnh thơ trong sáng, đẹp lạ thường, nhất là hình ảnh trăng tròn muôn thuở. Ngôn ngữ thơ gần gũi, đời thường, nhưng ý thơ lại thâm trầm sâu sắc. Ánh trăng chính là minh chứng sống động cho câu nói của nhà văn Mĩ về sứ mệnh, năng lực kì diệu của nhà thơ. Có thể xem sự xuất hiện của nhà thơ như vầng dương sáng chói giữa cuộc đời. Và thơ ca như một thứ nước trong suốt, thơm tho thanh lọc lòng người, vì cuộc đời. vì cái đẹp mà có.
Trong văn chương, sự sáng tạo là vấn đề muôn thuở của các nhà thơ, nhà văn. Chỉ có sáng tạo mới làm nên một tác phẩm văn học đích thực. Văn chương có thể không cần một đề tài mới mẻ, nhưng nhất định phải cần sự sáng tạo, phá cách như Marcel Prust đã từng nói: “Một cuộc thám hiểm không cần đến một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Điều đó đã đặt ra yêu cầu nơi người sáng tác đó là cần lao động nghiêm túc, không ngừng tìm tòi, đổi mới để không lặp lại chính mình và lặp lại người khác.
Sống ở trên đời, ai cũng đều có quá khứ, có kỉ niệm đẹp tươi. Quá khứ dù đẹp tươi hay gian nan, vất vả cũng là một phần cuộc đời, một phần tâm hồn của chúng ta. Ngày hôm qua là quá khứ của hôm nay, hôm nay là quá khứ của ngày mai. Những chuỗi ngày cứ nối tiếp nhau, trôi mãi… Hãy sống sao cho trọn vẹn với quá khứ nghĩa tình, đừng bao giờ vắt chanh bỏ vỏ. Cây có cội, nước có nguồn, có bụi tre nào không lớn lên từ gốc rễ, có con chim nào không một lần nằm trong tổ để mẹ mớm mồi, che chở, ấp iu. Cuộc sống luôn đổi thay như một quy luật tất yếu. Chúng ta, ai cũng nằm trong cái vòng xoáy bất tận của sự thay đổi đó. Đừng bao giờ để những guồng quay, những điều lộng lẫy, phù phiếm khiến ta đánh mất chính mình. Bằng khả năng “nói được những lời người khác chưa từng nói”, Nguyễn Duy ngầm nhắc ta điều đó!
- Kết bài:
Sáng tạo nghệ thuật là vấn đề muôn thuở của các nhà thơ, nhà vă Chỉ có sáng tạo mới làm nên một tác phẩm văn học đích thực. Điều đó đã đặt ra yêu cầu nơi người sáng tác đó là cần lao động nghiêm túc, không ngừng tìm tòi, đổi mới để không lặp lại chính mình và lặp lại người khác.