Tục ngữ Pháp có câu: “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”.
- I. Mở bài:
– Vai trò của tiền bạc trong đời sống con người: tất cả các hoạt động làm việc của con người trước hết là vì tiền, sau đó mới là hạnh phúc do việc có tiền tạo ra. Tiền bạc chi phối hầu hết các hoạt động sống của con người.
– Thế nhưng, không phải lúc nào con người có nhiều tiền là sẽ có nhiều hạnh phúc. Bàn về vấn đề nà, có người cho rằng “Tiền là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”.
- II. Thân bài:
1. Giải thích:
– “Tiền bạc”: là của cải vật chất thể hiện sự chiếm hữu các giá trị vật chất của con người.
– “Người đầy tớ trung thành”: là người phục tùng mọi yêu cầu của người chủ một cách vô điều kiện.
– “Ông chủ”: là người có quyền điều khiển, chi phối một hoặc nhiều mặt trong cuộc sống của người phụ thuộc.
2. Lý giải vấn đề:
– Vì sao nói “Tiền là người đầy tớ trung thành”?
+ Tiền là phương tiện thỏa mãn đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần cho người có tiền trong điều kiện kinh tế của họ
+ Tiền bạc giúp con người thực hiện các nhu cầu, mục tiêu, khát vọng ở những mức độ cụ thể tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi người.
+ Khi có nhiều tiền, con người có thể thỏa mãn những nhu cầu, mục đích không chính đáng.
– Vì sao nói “Tiền đồng thời là ông chủ tồi”?
+ Sự chi phối của tiền bạc đối với con người đôi khi rất khắc nghiệt, khiến con người ngược lại trở thành nô lệ cho nó, làm nhân cách con người bị tha hóa nghiêm trọng.
+ Tiền bạc sẽ trở thành ông chủ khi con người chỉ lo ki cóp, kiếm tiền, cất giữ mà không dám hưởng thụ khiến đồng tiền không thực hiện chức năng là phương tiện trao đổi, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
→ Tiền là “người đầy tớ trung thành” không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tùy vào thái độ của mỗi người quyết định nó có lật ngược trở thành “ông chủ tồi” hay không.
3. Bàn luận:
– Tiền sẽ là người đầy tớ trung thànhkhi:
+ Nó thực hiện chức năng giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình.
+ Tiền giúp con người phát triển bản thân, nâng cao tri thức và hoàn thiện nhân cách: tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức (đi du học…)
+ Dùng tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn (quỹ từ thiện,…)
(Nêu dẫn chứng)
– Tiền sẽ là ông chủ tồi khi:
– Con người vì tiền mà bất chấp đạo lí, pháp luật, làm những điều sai trái.
+ Vì tiền mà quên đi những đạo đức sống, mất nhân cách.
(Nêu dẫn chứng)
– Chiến hữu thật nhiều tiền bạc luôn là tham vọng của con người. Vì thế, từ xưa đến nay, tiền bạc có sức mạnh chi phối con người thật đáng sợ.
– Quan niệm trên đưa đến bài học bổ ích về nhận thức và hành động của con người đối với “tiền”:
+ Luôn có thái độ đúng đắn đối với tiền bạc: tiền là phương tiện cho con người có điều kiện sống tốt hơn, tuyệt đối không để đồng tiền trở thành mục tiêu sống, lúc đó nó sẽ thật sự trở thành một “ông chủ tồi”, dẫn dắt con người đi sai hướng.
+ Biết quý trọng đồng tiền chân chính, có ý thức lao động để tạo ra đồng tiền trong sạch và luôn tiết kiềm những đồng tiền mình kiếm được.
+ Không hoang phí vào những nhu cầu không chính đáng.
+ Không ki cóp, keo kiệt, vì đồng tiền chỉ có giá trị khi nó được sử dụng hữu ích trong cuộc sống.
3. Phê phán:
– Bên cạnh những người ý thức rõ “Tiền là người đầy tớ trung thành và là ông chủ tồi”, có thái độ đúng đắn khi làm ra và sử dụng đồng tiền, còn có những người không biết quý trọng đồng tiền hoặc quá coi trọng nó.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề: Sức mạnh của tiền bạc thật ghê gớm. có nhiều tiền bạc sẽ giúp cuộc sống được sung túc nhưng nếu quá tham lam, con người sẽ dần lệ thuộc vào nó, đánh mất đi cuộc sống dầy ý nghĩa của mình.
– Liên hệ bản thân: Là thế hệ thanh niên cần có ý thức đúng đắn về đồng tiền….
– Kêu gọi: Cùng nâng cao nhận thức để có “người nô lệ” thực sự tốt, không còn “ông chủ tồi” tồn tại trong cuộc sống của chúng ta – những đồng tiền.
Tham khảo:
- Mở bài:
Tiền bạc là một vật dụng được lưu thông trong xã hội, có tác dụng thúc đẩy và phát triển ngành mậu dịch. Nó là một thứ “tài sản đặc biệt” gắn bó thiết thân đối với mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Đã có nhiều câu tục ngữ, câu thơ, bài ca dao… nói về tiền bạc, về đồng tiền. Người Pháp có câu tục ngữ nói về tiền bạc từng được nhiều người nhắc đến: “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”.
- Thân bài:
Câu tục ngữ đã nêu bật được “hai mặt” của đồng tiền, tùy theo cách sử dụng và người sừ dụng, mà có khi “tiền bạc là người đầy tớ trung thành”, có khi nó biến thành “người chủ xấu”.
Trên thương trường, trong cuộc sống hằng ngày, ta càng thấy rõ tính chất “hai mặt” của tiền bạc. “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành” khi người sử dạng nó vào mục đích tốt đẹp, lương thiện; làm chủ được nó. Trái lại, khi tiền bạc đã được sử dụng sai, mục đích, dùng tiền bạc để gây ra bao điều xấu xa, bất lương, tội ác… thì nó đã trở thành “người chủ xấu”. Lúc ấy, người sứ dụng đồng tiền đã trở thành tên nô lệ của tiền bạc, kẻ thù ác vô cùng xấu xa. Vì thế. câu tục ngữ khuyên mọi người phải biết sống lương thiện, biết làm chú đồng tiền, đừng vì hám bạc, hám tiền, hám lợi mà gây ra bao điều xấu xa, tội lỗi.
Tại sao “tiền bạc là người đầy tớ trung thành?”. Bằng lao động mà kiếm được tiền bạc, đó là tiền bạc trong sạch, là thứ tài sản chân chính. Người nông dân bán nông phẩm sau những ngày tháng dầm mưa dãi nắng: cán bộ, công nhân, thầy giáo, thầy thuốc được phát lương và nhận lương; nhà kinh doanh có tài làm ăn (theo khuôn khổ pháp luật) mà trở thành tỷ phú… có thể nói, đó là thứ tiền bạc, thứ tài sản “trong sạch”, chính đáng. Đồng tiền làm ra ấy lại dùng để mua bán. chi tiêu, dùng vào những nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày, biết chi tiêu hợp lí, tiết kiệm, biết dùng để san sẻ, cưu mang bà con nghèo khổ đóng góp vào quỹ tình thương, quỹ công ích… thi lúc đó “tiền bạc là người đầy tớ trung hành”. Người chủ của những tiền bạc ấy là ông chủ chân chính; nhân ái tỏa sáng tâm hồn họ.
Qua các cuộc vận động hiện nay như cứu trợ nạn nhân bị chất độc da cam, cứu giúp đồng bào vùng bị bão lụt, giúp bà con ở các vùng sâu, vùng xa, ta thấy bao gương tốt. người tốt, việc tốt xuất hiện. Các em nhỏ học lớp Một, lớp Hai… bớt tiền quà ủng hộ 1000 đồng, cụ già về hưu dành một số tiền nhỏ, cán bộ công nhãn viên ủng hộ một ngày lương ai cũng muốn được san sẻ cùng đồng loại, được chia ngọt sẻ bùi, được “lá lành đùm lá rách”. những trường hợp này, tiền bạc đã làm nổi bật tâm đức, làm sáng tỏ tình người, thể hiện đạo lí “thương người như thể thương thân”.
Tiền bạc có một sức mạnh ghê gớm. “Có tiền mua tiên cũng dược”, “Đồng tiền là Tiên, là Phật, là sức bật lò xo…” – đó là những câu thường được nhiều người nhắc lại.
Tại sao, có khi, có nơi, có người tiền bạc lại trở thành “người chủ xấu”. Con người ta rất dễ bị đồng tiền lung lạc. Khi người ta trở thành nô lệ của tiền bạc, bị đồng tiền sai khiến, dùng đồng tiền vào những chuyện bất lương, thì lúc đó tiều bạc đã trở thành “người chủ xấu” rất đáng sợ. Con người lúc ấy sẽ bị đồng tiền sai khiến, hành hạ.
Trong xã hội. ta thấy nhan nhản đó đây bao kẻ làm đầy tớ cho “ông chủ xấu” đồng tiền. Có kẻ ăn tiêu xả láng “quen thói bốc rời” như chàng Thúc Sinh trong Truyện Kiều. Có hàng trăm nam nữ thanh niên ăn chơi sa đọa, dùng thuốc lắc, nhảy múa trong vũ trường bị công an “tóm” đưa về đồn. Có nhiều vị “quan to’’ dấn thân vào con đường “làm ăn” bất chính, chỉ một chữ kí, một cái “gật đầu” mà thu về hàng ti bạc, hàng triệu đô… rồi rơi vào vòng lao lí, tù tội! Cái giá “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” từng được báo chí “bôi danh”. Khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thì tiền bạc quả là đã trở thành “ông chủ xấu’ của không ít vị quan tham bụng phệ! Ta thấy và khinh bỉ bao kẻ mồm thì tụng câu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” một cách lem lém, nhưng trong bóng tối, trong hậu trường lại đếm đô la một cách thoăn thoắt, tài tình. Tiền bạc -“ông chủ xấu” đã biến họ thành kẻ “mọt dân”, kẻ đạo đức giả.
Có kẻ vì quá nghèo khổ mà trở thành nô lệ đồng tiền, thật đáng thương. Có kẻ vì quá tham lam mà cướp của, giết người! Vì tiền bạc mà vợ chồng phải li dị. Vì tiền bạc mà có đứa con giết bố mẹ, đứa cháu giết ông bà, đứa anh giết em, đứa em giết chị, gâv ra bao vụ án mạng rùng rợn. Những kẻ lừa thầy phản bạn, các vụ việc như chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng, chạy điểm, mua bằng cấp, bán học hàm, học vị (giáo sư rởm, tiến sĩ rởm) đều do “ông chú xấu” là tiền bạc gây ra!
“Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mô”; “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược! Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”; “còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết xôi, hết rượu, hết ông tôi”: “có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?”; “‘Nén bạc đâm toạc tờ giấy”… đó là những câu thơ, câu tục ngữ mà nhiều người dã biết nói về “mặt trái” của đồng tiền, châm biếm tiền bạc là “ông chủ xấu”. Sống ở đời, ai cũng muốn được giàu sang phú quý, ai cũng hiểu “vạn khổ bất như bần”.
Giữa thời kinh tế thị trường, kinh doanh làm giàu đã và đang được luật pháp và xã hội khuyến khích, nhiều nông dân triệu phú, nhiều nhà kinh doanh trẻ có nhiều triệu đô xuất hiện trên mọi miền đất nước.
- Kết bài:
Hãy học giỏi, bước vào đời, đem tài năng thi thố với thiên hạ và làm giàu để góp phần làm cho đất nước hùng cường thịnh vượng. Câu tục ngữ của người Pháp được bàn tới ở đây là bài học sâu sắc, nó nhắc nhở mỗi chúng ta biết sống đẹp, biết lao động làm giàu, được sống sung sướng hạnh phúc. Giàu tiền bạc mà lương thiện, nhân ái. Giàu tiền bạc mà không bao giờ tham lam để “hoàng kim hắc nhân tâm”.
Tham khảo:
- Mở bài:
Sống ở đời có biết bao người trọng tình nghĩa, xem tiền bạc là vật ngoài thân, là công cụ tầm thường. tuy nhiên không ai phủ nhận vai trò của tiền bạc. Từ khi xuất hiện nó được xem là vật ngang giá chung, mang lại thuận tiện cho việc trao đổi, mua bán. Nó thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy ngoại thương của mỗi quốc gia phát triển. Nhưng cũng chính bởi vai trò to lớn ấy mà trong xã hội có nhiều kẻ bị cuốn hút vì tiền mà sẵn sàng chà đạp lên tất cả: tình thương, trách nhiệm…. Khái quát về vai trò, vị trí của đồng tiền trong xã hội, tục ngữ Pháp có câu : “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”.
- Thân bài:
Câu tục ngữ trên đúng với mọi người với mọi thời kì, đặc biệt là trong cơ chế thị trường hiện nay. theo nghĩa thông thường “tớ” là người hầu hạ, phục dịch, “chủ” là người nắm quyền, điều khiển, sai khiến. Khi “tiền bạc là người tớ tốt” chính là lúc con người ta làm chủ được đồng tiền, sử dụng nó vào mục đích tốt. Còn lúc đồng tiền lên làm chủ thì con người bị điều khiển, bị chi phối bởi đồng tiefn. Qua vài chữ tuy rất ngắn nhưng câu tục ngữ mang ý nghĩa sâu săc. Nó khuyên răn con người phải biết làm chủ, không nên nô lệ bởi đồng tiền.
Trong bất kì xã hội nào, đồng tiền cũng có một giá trị to lớn. Nó giúp con người thuận lợi trong trao đổi mua bán hàng ngày. Thứ lật lại lịch sử xem, nếu không có cái ngày mà con người phát minh ra đồng tiền thì chắc chắn xã hội sẽ không phát triển như ngày hôm nay và không ai có thể tưởng tượng ra nổi cảnh mua bán diễn ra như thế nào? Đổi lúa lấy vải như ngày xửa ngày xưa chăng?
Chính bởi cái giá trị to lớn của đồng tiền trong cuộc sống như thế nên hằng ngày biết bao con người làm việc cật lực, thậm chí bất chấp nguy hiểm để kiếm ra tiền. Có thể vì cuộc sống mưu sinh gia đình, thương lũ con gầy đói rách rưới mà bác nông dân vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng; dù nắng gắt hay mưa lạnh thì những tấm thân gầy guộc ấy vẫn cam chịu chỉ mong kiếm thêm bát cơm. Có thể vì muốn thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn mà bao học sinh nỗ lực, thức khuya dạy sớm, ngày đêm học tập. Và có thể trong tâm thức họ vẫn văng vẳng lời căn dặn giản dị của người cha : “Nghề nông mình khổ lắm con à ! Chỉ có con đường học tập mới giúp con thoát khỏi cái nghèo truyền kiếp mà đời ông, đời cha, đời chú phải gánh chịu”,…. Ngoài ra, đơn giản chỉ vì họ quan niệm “có tiền là có tất cả” mà họ bỏ công sức ra lao động.
Nếu không có giá trị lớn thì chắc chắn đồng tiền không cần được bảo quản cẩn thận. Và chắc chắn các ngân hàng cũng đâu cần bảo vệ, canh giữ.
Nhưng không phải vì có giá trị mà đồng tiền luôn mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Tùy vào mỗi cá nhân người sử dụng mà đồng tiền tốt hay xấy. Nó chỉ thực sự đúng là “đồng tiền” khi ở trong tay một con người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hay nói cách khác nó chỉ là nó theo đúng nghĩa khi nó là đầy tớ cho một người tốt. Đồng tiền giúp con người trang trải cuộc sống mưu sinh hằng ngày cho gia đình. Trong mọi xã hội đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay, đồng tiền càng có vai trò to lớn. Dù biết rằng tiền bạc chỉ là công cụ mưu sinh cho con người nhưng khong thể sống tốt nếu thiếu nó. Tiền bạc giúp con người thỏa mãn nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.
Tiền bạc đôi khi còn là con số đại diện cho tấm lòng cao cả, cho mục đích tương thân tương ái. Hằng năm con người phải gánh chịu bao thiên tai: lũ lụt, hạn hán, núi lửa, động đất….. Nếu trong lúc khó khăn ấy không có đồng tiền trợ giúp, ủng hộ thì chắc chắn ít mấy ai sống nổi. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện xuất hiện chính là để đưa đồng tiền tương thân tương ái của đồng bào mình đến tay những con người thực sự cần nó. những đồng vốn hỗ trợ cho vay ấy đã giúp bao người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. những đứa trẻ nghèo mạnh dạn bước chân đến trường, những cô cậu sinh viên tự tin hơn trong giảng đường đại học bởi họ được các tổ chức, cơ quan nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện. Có tiền, chàng Từ Hải mới cứu được nàng Kiều ra khỏi lầu xanh và giúp nàng báo ân báo oán. Có tiền con người ta mới có thể có đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống của con người về vật chất lẫn tinh thần.
Dùng tiền đúng lúc, đúng chỗ cho những mục đích tốt đẹp thì nó thực sự là người tớ tốt. Nó phục vụ cho con người, mang lại hạnh phúc cho cá nhân, gia đình, tạo hòa bình, ổn định cho cộng đồng xã hội. như vậy vai trò của đồng tiền trong cuộc sống là không thể phủ nhận. Nhưng cũng vì sức mạnh to lớn trong đời sống mà đồng tiền đã tạo nên một ma lực đáng sợ đối với con người, đặc biệt với những kẻ tham lam.
Nhiều người lười lao động, lại còn tham lam, sẵn sàng làm mọi việc phi pháp để hái ra số tiền lớn một cách nhanh nhất. Nào là trộm cắp, buôn lậu, mại dâm, ma túy,…. chúng không từ một hành vi nào. Vì đồng tiền chúng nhẫn tâm gieo rắc cái chết trắng cho nhân loại. “Thói tham chợt thấy hơi đồng là mê” đã gây dựng ở kẻ tham thói ích kỉ “khổng lồ” và lòng nhẫn tâm “vô độ”, biến con người thành kẻ bất lương.
Những kẻ rủng rỉnh túi tiền thì ăn chơi đua đòi làm phát sinh bao tệ nạn xã hội. Ngày xưa thì quan trên, quan dưới, quan cha, quan con ăn chơi sa đọa, làm càng làm bậy. Ngày nay những cậu ấm cô chiêu được nâng niu chiều chuộng đâm ra hư hỏng. Từ những cuộc tụ tập bạn bè thâu đếm suốt sáng đến ma túy, thuốc lắc, đua xe, quậy phá là khoảng cách ngắn nhất, không ai có thể lường trước được hậu quả.
Rồi nhiều kẻ đã có chức, có quyền, có tiền mà vẫn hám tiền, bao nhiêu cũng không đủ cho vào túi tham lam không đáy của chúng. Trong văn học có biết bao Nghị Hách, Nghị Quế… giàu có mà vẫn đè đầu cưỡi cổ dân lành để móc tiền. Đến cả quan như lão Huyện Hinh mà cũng lấy chân giấu đi, cướp trắng trợn đồng hào của bà lão đi kiện thì thật đáng sợ. Ngày nay cách moi tiền của các quan cao chức lớn không phải không có mà rất kín đáo, chúng ăn chặn tiền bằng những thủ đoạn rất tinh vi. Kê khai khống, làm giấy tờ giả, có gì khó. Thậm chí cả quan cửa khẩu, kiểm lâm mà cũng buôn lậu…. Ma lực của đồng tiền quá lớn đã kéo biết bao con người vào vòng xoáy của nó :
Nhiều lúc, tiền bạc còn là thước đo tình cảm con người: “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử/Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Chỉ vì tranh giành của cải mà anh em bất hòa. Chỉ vì thiếu thốn vợ chồng lục đục, sinh cãi vã dẫn đến li hôn. Nếu như không sống trong xã hội không bị đồng tiền ngự trị, chắc chắn lão Gô-ri-ô sẽ có một đám tang tốt hơn, không phải chịu cảnh không người thân, không họ hàng. Chính sức cuốn hút quá lớn của đồng tiền mà nhiều người bị mê hoặc, bị nô lệ. Đồng tiền trở thành ông chủ sai khiến con người làm điều tội lỗi.
- Kết bài:
Tóm lại, tiền bạc có vai trò quan trọng đối với cuộc sống, có sức cuốn hút lớn đối với con người và không phải ai cũng làm chủ được mình trước sức hút mãnh liệt của vòng xoáy ấy. Những con người liêm chính, chí công vô tư thì sẽ không bao giờ vấp ngã trước đồng tiền. Nhưng để trở thành những con người như vậy thì mỗi cá nhân phải cố gắng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức. Đồng tiền như con dao hai lưỡi nhưng để tránh được mặt sắc nhọn nguy hiểm thì phải từ con người mà ra. Hãy làm chủ đồng tiền, đừng để nó làm chủ mình.
Tham khảo:
- Mở bài:
Thành công và tiền bạc là những gì mà con người từ cổ chí kim đều hướng đến trong cuộc sống. Thành bạc gắn liền với tiền bạc, tiền không chỉ là một phương tiện thanh toán những mặt hàng hiện nay mà còn là sự thể hiện đẳng cấp nữa. Sự ham muốn đồng tiền của con người là vô cùng lớn. Chính vì thế mà nhiều khi nó dẫn tới những điều không hay. Ngẫm ta thấy rằng “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu tính”
- Thân bài:
Tiền bạc là một phương thức định giá trị cho một mặt hàng hóa dịch vụ, tiền còn là giá trị để cho chúng ta trao đổi hàng hóa với nhau. Chính vì thế mà nó rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng lòng tham không đáy của con người đã gây ra những mặt tiêu cực vô cùng lớn. Đó là nhiều khi trở thành nô lệ của nó. Nó có bản chất hai mặt vừa là một người đầy tớ trung thành nhưng lại vừa là một người chủ xấu tính. Như vậy câu tục ngữ trên có ý nghĩa về sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý không nên làm nô lệ cho nó.
Thứ nhất khi chúng ta biết sử dụng đúng mục đích vào những công việc thật có ý nghĩa thì đồng tiền đó là đồng tiền đầy tớ trung thành. “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành” nó rất dễ hiểu là khi chúng ta biết sử dụng nó thì nó phục vụ mọi nhu cầu mục đích của ta. Khi ta muốn mua một món hàng nào đó, hay mua quần ao thì đồng tiền ấy được sử dụng với mục đích tốt thì nó giống như một người đầy tơ vậy. Hay là chúng ta muốn bỏ số tiền mình kiếm được để từ thiện hay mua đồ chơi cho con mình, mua những món quà đặc biệt cho những người thân của ta, mua đồ dùng trong nhà… Tất cả những thứ ấy đều là ta dùng tiền của ta để mua, những đồng tiền ấy phục vụ mọi nhu cầu của ta khi ta cần. đó chính là sự đúng đắn của câu nói trên.
Bằng lao động mà kiếm được tiền bạc, đó là tiền bạc trong sạch, là thứ tài sản chân chính. Người nông dân bán nông phẩm sau những ngày tháng dầm mưa dãi nắng: cán bộ, công nhân, thầy giáo, thầy thuốc được phát lương và nhận lương; nhà kinh doanh có tài làm ăn (theo khuôn khổ pháp luật) mà trở thành tỷ phú… có thể nói, đó là thứ tiền bạc, thứ tài sản “trong sạch”, chính đáng. Như thế mới thấy đồng tiền mà chính sức lao động của mình làm ra và mình sử dụng nó vào những mục đích tốt của cá nhân thì đó là đồng tiền đầy tớ trung thành.
Tuy nhiên sự hai mặt của nó luôn tồn tại, đồng tiền còn là một ông chủ xâu tính. Từ một người đầy tớ mà bỗng chốc nó trở thành ông chủ của mình, từ một người dưới mình trở thành một người trên mình. Tại sao lại như thế?. Ý nghĩa của câu nói đó ở đây nhằm nói lên sức mạnh của đồng tiên, nó làm khơi dậy lòng ham muốn của chính bản thân chúng ta khi tiêu nó, Trong chúng ta trong cuộc sống hiện đại này có ai chê tiền không. Học hành, làm việc tất cả là vì kiếm tiền để phục vụ cho mục đích của cuộc sống này. Thế nhưng khi lòng tham của ta vượt lên trên những gì mình đang có thì khi ấy đồng tiền lại trở thành ông chủ của bạn, một ông chủ khó tính chứ không phải một người đầy tớ trung thành nữa. Còn bạn thì không những không trở thành nô lệ mà còn trở thành một nô lệ của đồng tiền. Bạn làm mọi thứ vì nó bất chấp vì nó để lấy được nó. Đó không phải là nô lệ hay sao, thế mới ví tiền như ông chủ khó tính, vì nó không dễ dàng để bạn kiếm ra, cũng không ở ngay đó cho bạn biến thành đầy tớ trung thành của bạn. Nó chỉ xứng đáng khi bạn kiếm ra bằng chính sức lao động của mình mà thôi. Chứ một khi đã không phải là bạn kiếm trước lòng tham bạn sẽ cướp đoạt lấy nó. Khi ấy bạn không chi phối đồng tiền mà là đồng tiền chi phối hành động của bạn. Vì nó bạn có thẻ làm bất cứ gì kể cả phạm pháp.
- Kết bài:
Như vậy một lần nữa ta khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ trên và qua đó ta rút ra được một bài học đó là đồng tiền rất quan trọng nhưng hãy biết sử dụng nó với mục đích đúng đắn và sử dụng đồng tiền do chính bản thân mình tạo ra chứ không phải là của người khác. Làm ra bao nhiêu thì chúng ta tiêu ngần ấy không nên theo đuổi những đồng tiền bất lương vì nó có thể làm bạn không còn là bạn nữa.