kieu-nhan-vat-tu-y-thuc-trong-nhung-tac-pham-viet-ve-de-tai-nguoi-tri-thuc-cua-nam-cao

Kiểu nhân vật tự ý thức trong những tác phẩm viết về đề tài người trí thức của Nam Cao.

Kiểu nhân vật tự ý thức trong những tác phẩm viết về đề tài người trí thức của Nam Cao.

1. Khái quát chung.

Nam Cao sáng tác ở hai mảng đề tài chính: đề tài về người nông dân và đề tài về người trí thức. Tuy khác nhau về đề tài nhưng các sáng tác của ông vẫn có chung một tư tưởng: nỗi băn khoăn đau đớn trước tình trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới.

Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá “con người bên trong con người”. Nam Cao luôn đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý đến hoạt động bên trong con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài.“Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động” (Sống mòn).

Nam Cao là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Nam Cao có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả những trạng thái, những quá trình tâm lí phức tạp, những hiện tượng dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện và ác, giữa hiền và dữ, giữa con người với con vật. Truyện Nam Cao có tính triết lí sâu sắc, triết lí mà không khô khan, xuất phát từ chính cuộc sống thực và từ tâm tư dằn vặt, đau đớn của nhà văn.

– Nhiều tác phẩm của Nam Cao được dệt nên từ những “cái hằng ngày” nhỏ nhặt, xoàng xĩnh liên quan đến đời sống riêng tư của các nhân vật thường gọi là “những chuyện không muốn viết”. Thế nhưng qua đó, Nam Cao đã chạm đến vấn đề có tính nhân bản, đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn lao, về thân phận con người, chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc, quan điểm nghệ thuật tiến bộ và vấn đề xã hội về tương lai của dân tộc và nhân loại. Bị kịch của đời thường, của những cái vặt vãnh hằng ngày, qua ngòi bút của Nam Cao, đã trở thành những bi kịch vĩnh cữu.

* Đề tài người trí thức nghèo:

– Nam Cao là nhà văn của những người trí thức nghèo, của những kiếp “sống mòn” có hoài bão, có tâm huyết, tài năng, muốn vươn lên cao nhưng lại bị chuyện áo cơm ghì sát đất, mỗi trang viết về đề tài người trí thức nghèo đều chứa đựng tâm sự, nỗi đau và niềm khát khao cháy bỏng của chính nhà văn.

Thứ nhất, Nam Cao đau đớn, phẫn uất trước tình cảnh con người không sao thoát khỏi kiếp “sống mòn” hay “chết mòn”. Những ước mơ, niềm say mê khát vọng chân chính của những nhân vật trí thức trong tác phẩm Nam Cao đều bị vùi dập bởi hoàn cảnh, cuộc đời. Nam Cao chán ghét cuộc sống vô lí, vô ích, vô nghĩa, “chết mà chưa làm gì cả”, “chết trong lúc sống”. Ông đồng cảm sâu sắc và đau đớn tột độ trước bị kịch của những con người muốn sống có ý nghĩa bằng sự cống hiến của mình mà rốt cuộc phải sống như “một kẻ vô ích, một người thừa”. Qua đó, ta thấy Nam Cao đã có cái nhìn sâu sắc, có tầm triết lí, tổng hợp khái quát cao về tình trạng “chết mòn” của con người.

Thứ hai, những nhân vật trí thức của Nam Cao không những “chết mòn” những ước mơ, khát vọng, hoài bão mà còn “chết mòn”về mặt nhân cách con người, dẫn đến những ý nghĩ, hành động tàn nhẫn. Qua đó, Nam Cao đã phê phán sâu sắc cái xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Nhân vật của Nam Cao không phải không có lúc ngả nghiêng, chao đảo, nhưng cuối cùng đều đứng vững trên lập trường nhân đạo, vẫn giữ vững được cái lẽ sống tình thương cao cả của mình.“Hắn có thể hi sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương…”( Hộ- Đời thừa). Họ có niềm khát khao một lẽ sống lớn, một cuộc sống sâu sắc, mãnh liệt, có ích, có ý nghĩa, họ vẫn chưa hoàn toàn cạn hết niềm tin, niềm hi vọng.Thứ trong “Sống mòn” đã từng “thích làm một việc ảnh hưởng đến xã hội ngay” và quan niệm: “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều…Mỗi người chết đi, phải để lại chút gì cho nhân loại.”

Tất cả những yếu tố trên được coi là cơ sở là tiền đề để Nam Cao dụng công xây dựng kiểu nhân vật tự ý thức trong trang văn của mình.

2. Kiểu nhân vật tự ý thức trong văn Nam Cao.

Xét cho tới cùng cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố tự thân mà là con người trước sự kiện, biến cố đó. Như một nguyên tắc các sự kiện biến cố , tình tiết chỉ giữ vai trò khiêu khích các nhân vật để các nhân vật bộc lộ những nét tâm lí, tính cách. Nếu như mỗi tác phẩm viết về đề tài người nông dân của Nam Cao đều là sự trả ơn, gửi gắm ân tình với người nghèo khổ thì mỗi trang văn viết về đề tài người trí thức đều chứa đựng tâm sự, nỗi đau và niềm khao khát cháy bỏng của chính nhà văn.

Nhà văn đã dựng trước chúng ta hình ảnh những con người với những ước mơ, say mê, khát vọng chân chính bị dồn đẩy tới chỗ không sao sống yên ổn được, không sao thực hiện được lí tưởng của cuộc đời mình, bị thui chột tài năng, xói mòn nhân phẩm.Điều đáng chú ý là trong khi miêu tả con người bị đẩy vào tình trạng có những hành động tàn nhẫn, Nam Cao vẫn không chấp nhận cái ác, vẫn kiên định giữ vững nguyên tắc tình thương của mình.Nhân vật Điền trong Nước mắt sau cái cử chỉ không phải của mình với ông kí nhà dây thép tỉnh, lại thấy “ thương ông ấy quá”, sau cái lúc gắt gỏng vì tức giận, nói những lời tàn nhẫn, cay độc với vợ con lại tự giày vò ăn năn, hối hận.Mặc dù phải sống trong đau khổ và bế tắc có lúc mong muốn được giải thoát để lo sự nghiệp cho riêng mình nhưng Hộ trong Đời thừa vẫn không chấp nhận sự tàn nhẫn và cũng không thể vứt bỏ tình thương. “ Hắn có thể hi sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỉ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương, có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người; hắn là người chứ không phải là thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái”

Mỗi nhân vật của ông là một kiểu đời thừa, một lối sống mòn, một cách chết mòn,một cuộc sống vô lí, vô ích, vô nghĩa, “ chết trong lúc sống”, “ chết mà chưa sống”. Nam cao không chấp nhận sự sống của con người chỉ là sự tồn tại sinh học. Ông coi đó không phải là cuộc sống xứng đáng với con người: “ có thú vị gì cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày?”. Cuộc sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của con người là phải có đời sống tinh thần cao quý,sống với đầy đủ giá trị của sự sống. Chính vì vậy Nam Cao đồng cảm với bi kịch của những kẻ phải sống như “ một kẻ vô ích, một người thừa”. Nam Cao đã cứu vớt họ bằng cách để cho các nhân vật ấy tự đấu tranh, tự nhận ra bi kịch của mình. Họ không ngừng đấu tranh để hoàn thiện nhân cách của chính mình, cứu vớt lương tâm và nhân cách giữa cái ranh giới mong manh. Bất kể nhân vật người trí thức nghèo nào của Nam Cao cũng đang vật lộn giữa suy nghĩ, tình cảm, giữa nhận thức và hành động. Từ ông giáo Thứ trong Lão Hạc, Thứ trong Sống mòn, Điền trong Trăng sáng đến Hộ trong Đời Thừa… Nam Cao đều để nhân vật có những giây phút độc thoại nội tâm dằn vặt và tự thú về một lỗi lầm hay quan điểm, hay một suy nghĩ. Đó chính là quá trình nhân vật tự nhận thức sâu sắc về mình về cuộc đời.

Qua những nhân vật trí thức tâm huyết của mình, những Điền, những Hộ, những Thứ…, Nam Cao thể hiện niềm khao khát một lẽ sống lớn, khao khát một cuộc sống sâu sắc, mãnh liệt, có ích và có ý nghĩa. Để làm nổi bật điều đó Nam Cao thường đặt nhân vật của mình vào những tình huống tưởng như vụn vặt, những điều xoàng xĩnh hằng ngày của đời sống để từ đó nhân vật suy nghĩ, hành động, tâm niệm.Hộ trong Đời thừa hằng tâm niệm “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ.Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” và ước mơ viết được một tác phẩm “thực có giá trị (…) làm cho người gần người hơn”. Thứ trong Sống mòn đã từng “thích làm một việc gì đó có ảnh hưởng đến xã hội ngay” và mong muốn “đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình”. Hơn một lần Thứ mơ ước: “Mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại thôi…”. Nhưng những con người mang hoài bão ấy khi chạm trán với cuộc đời đều nếm trải cay đắng, đau đớn song họ chưa hoàn toàn cạn kiệt hết niềm tin, niềm hi vọng, vẫn khao khát được sống, được cống hiến, được phát triển. Cao cả và đẹp đẽ biết bao lí tưởng nhân văn của Nam Cao được gửi gắm qua những suy ngẫm của nhân vật. Những dằn vặt đấu tranh của nhân vật chính là sự đấu tranh nghiêm túc có trách nhiệm của người trí thức trung thực đến vô ngần- Nam Cao.

Như vậy qua ngòi bút của Nam Cao, tất cả các phương thức và phương tiện nghệ thuật đếu hướng tới việc khám phá, phát hiện “con người trong con người”, nhằm hoàn thiện con người và đó chính là cuộc hành trình kiếm tìm chân lí để tự hoàn thiện mình của các nhân vật tự ý thức.

3. Nhân vật tiêu biểu : Hộ – Nhân vật tự ý thức : Một cuộc giải phẫu về nhà văn và nghề văn.

Bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ trong Đời thừa là bi kịch của một nhà văn – một trí thức giữa “cơn dâu bể” của cuộc đời, giữa một xã hội “chó đểu” (Vũ Trọng Phụng) – Nhà văn ấy giữ được phẩm giá của mình, ý thức được “thiên chức” cao cả của mình vậy mà đành bó tay bất lực.

Có thể nói, bi kịch đầu tiên trong tấn bi kịch tinh thần của cuộc đời Hộ cũng chính là nhận thức đầu tiên của Hộ là bi kịch về những giấc mộng văn chương. Hộ nhận ra bi kịch nghề nghiệp của mình.Hộ đã đặt văn chương lên trên hết: văn chương dường như chính là khát vọng lớn nhất của đời anh. Anh muốn trở thành nhà văn chân chính, anh sống có ước mơ có hoài bão và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình. Vậy mà vì miếng cơ manh áo anh đã vi phạm vào nguyên tắc nghề nghiệp, đã viết ẩu, viết vội điều đó khiến anh đau khổ : đọc thấy tên của mình dưới bài viết, anh phải “đỏ mặt” xấu hổ. Anh giận dữ với chính anh. Anh khinh ghét những tác phẩm chỉ biết “gợi những tình cảm rất nhẹ rất nông bằng một thứ văn quá ư bằng phẳng dễ dãi” của chính mình. Đó chính là bi kịch của anh – bi kịch của một đời viết văn – bi kịch của người hiểu mình biết mình phải làm gì và đành lừa bút theo những điều mình chẳng hề muốn.

Nam Cao để nhân vật tự đấu tranh với chính mình bằng những suy nghĩ, những dòng độc thoại nội tâm sâu sắc.Nhà văn cũng đã đặt nhân vật vào một tình huống tưởng như vụn vặt xoàng xĩnh để nhân vật bộc lộ suy nghĩ và nỗi đau. Anh phải ẩu như thế, bôi bác như thế cũng chính là vì những ràng buộc của “áo cơm”. Nước mắt anh không chảy nhưng đớn đau thì chồng chất tập trung hơn. Có lẽ sự day dứt,dằn vặt mà Hộ trải qua Nam Cao cũng đã từng phải chịu để rồi Nam Cao đấu tranh và hoàn thiện mình trong đời cũng như trong nghề văn.

Bi kịch đầu tiên của cuộc đời nhà văn Hộ và đó cũng là nguyên nhân cho bi kịch thứ hai – bi kịch của một con người. Giấc mộng văn chương sụp đổ nhưng anh còn có lẽ sống là tình thương. Trong văn chương, anh muốn ca ngợi tình thương và trong cuộc đời thực, tình thương là tất cả .Thế nhưng, anh cũng chẳng giữ đựơc trọn vẹn cái lẽ sống cao quý ấy của mình nữa. Thất vọng trong văn chương, buồn chán trong không khí gia đình đó khiến anh tìm niềm vui trong men rượu. Rượu đã khiến anh trở thành kẻ vũ phu. Anh đã vi phạm lẽ sống tình thương của mình. Anh đó đánh đập người vợ hiền lành tận tuỵ của mình không biết bao nhiêu lần nữa mà kể.Anh đã vi phạm lẽ sống của mình, vi phạm cái tốt đẹp – cái phần “người” vô cùng cao đẹp ấy.

Và Hộ đã nhận ra và ý thức sâu sắc đến đau đớn bi kịch thứ hai của mình-bi kịch tình thương. Đó là bi kịch tinh thần của một con người mà đau đớn hơn, đó lại là con người ý thức được phẩm giá nhân cách của mình nhiều nhất. Điều đáng chú ý là người trí thức trung thực ấy đã dằn vặt, đã đau đớn, đã ăn năn sau khi tỉnh rượu. Anh ta ý thức được và đấu tranh để hoàn thiện mình, tự sỉ vả mình là thằng khốn nạn. Nước mắt Hộ đã bật ra như một quả tranh bị người ta bóp mạnh. Đó là giọt nước mắt ăn năn đầy đau đớn, giọt nước mắt của sự bế tắc đến cùng cực của người trí thức.

Sự dằn vặt đau đớn của Hộ đã cứu Hộ vì ít ra anh còn đang đấu tranh để đến gần người hơn.Triết lí về nghề về đời về tình thương của Hộ chính là khát vọng và lí tưởng mà Nam Cao đã giữ gìn và kiên trì thực hiện trong cả cuộc đời viết văn của mình.Tuy là bế tắc, tuy là đau đớn những rõ ràng qua sự tự nhận thức của Hộ người đọc vẫn thấy nhà văn đã đề cao những khát vọng đẹp của người trí thức, đã biết thông cảm với những nỗi khổ của họ và muốn họ vươn tới sự toàn vẹn về nhân cách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang