Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, hãy làm sáng tỏ ý kiến.
- Mở bài:
Nhà nghiên cứu văn học Bielinxki từng nói: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng”. Tác phẩm nào càng đem lại nhiều giá trị tinh thần trong cảm nhận thì càng nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa của tác phẩm văn học là nội dung của nó trong sự tiếp nhận của người đọc thuộc các thế hệ, thời đại. bàn về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Khải khẳng định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”. Điều này được thể hiện rõ nét qua truyện ngắn lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến.
– “Giá trị tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật”: Là giá trị nội dung của tác phẩm, thể hiện qua những tư tưởng, tình cảm, suy tư, chiêm nghiệm của người nghệ sĩ về cuộc đời và con người… cùng những thông điệp gửi tới người đọc. Tư tưởng trong tác phẩm văn học cũng chính là những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, là những câu hỏi day dứt, khắc khoải về con người và cuộc đời, là những câu trả lời, những kiến giải nhà văn đưa ra để cải tạo hiện thực cuộc sống…
– Tác phẩm văn học phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Tác phẩm chỉ có thể lay động trái tim độc giả, trường tồn với thời gian khi nó mang chở những tư tưởng và tình cảm đúng đắn, cao đẹp.
– Ý kiến đã đưa ra tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.
2. Bàn luận:
+ Vũ Trọng Phụng cho rằng, tiểu thuyết phải là “những sự thật ở đời”. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu chỉ đơn thuần miêu tả cuộc sống, nếu nó không thể đặt ra được những câu hỏi nhức nhối về nhân sinh và cuộc đời, nó không thể neo đậu trong trái tim độc giả.
+ Sứ mệnh của văn chương rất cao cả, đó là tác động, cải tạo thực tại cuộc sống thông qua lực lượng vật chất tính cực nhất của nó là con người. Nếu không tác động và khơi gợi được trong người đọc những tư tưởng tích cực, tiến bộ, thì làm sao có thể khiến họ hành động để làm cuộc sống tốt đẹp hơn?
+ Trở thành “nhà tư tưởng” chính là yêu cầu tất yếu và cũng là sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Họ phải lách sâu vào biển hiện thực chắt lọc những gì tinh túy nhất, bản chất nhất để tạo ra được những vỉa quặng tư tưởng sâu sắc, ý nghĩa đặt vào tác phẩm của mình. Họ phải chỉ ra được sự thật của cuộc sống và sự thật trong tâm hồn con người. Họ phải khơi gợi được những vấn đề cơ bản của cuộc sống để đối thoại cùng người đọc. Mỗi nhà văn cần phải có một “trái tim Đanko” soi tỏa để mở đường cho dân tộc, cho thời đại, tìm ra con đường đi đến chân lý.
3. Làm sáng tỏ ý kiến qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
– Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập Giữa trong xanh in năm 1972.
– Giá trị của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” trước hết là ở chỗ tác phẩm chứa đựng những tư tưởng và tình cảm đúng đắn, cao đẹp: Truyện đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của những con người lao động bình thường và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
– Giá trị tư tưởng ấy được thể hiện qua hình tượng anh thanh niên, nhân vật chính của truyện – người lao động bình thường nhưng có những vẻ đẹp cao quý, đáng trân trọng:
+ Có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Những điều ấy giúp anh vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người: hoàn cảnh sống và làm việc thiếu thốn, khắc nghiệt, công việc cần chính xác, ý thức thái độ với công việc của anh thanh niên…
+ Có lí tưởng sống đẹp: tự nguyện sống và làm việc ở đỉnh Yên Sơn, những suy nghĩ đúng đắn về công việc và ý nghĩa của công việc với con người, với cuộc sống…
+ Yêu đời, yêu người, khiêm tốn: cách sắp xếp cuộc sống; thái độ, hành động đối với mọi người khi được gặp gỡ; cách trả lời ông họa sĩ về chuyện thèm người, về việc họa sĩ muốn vẽ chân dung anh…
– Giá trị tư tưởng của truyện còn được thể hiện qua những nhân vật khác:
+ Đó là ông họa sĩ đam mê sáng tạo; cô kĩ sư với nhiệt tình tuổi trẻ, tâm hồn hướng thiện; bác lái xe với tinh thần trách nhiệm; ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa; anh cán bộ kĩ thuật nghiên cứu về sét tìm tài nguyên cho đất nước…
– Khẳng định thông điệp và giá trị lâu bền của tác phẩm:
+ Đặt trong hoàn cảnh những năm 70 của thế kỉ trước, tác phẩm cho ta hiểu rằng Sa Pa cũng như bao miền đất nước, tưởng chừng như hoang vu, lặng lẽ nhưng thực ra bên trong cuộc sống vẫn sôi động, vẫn có những con người sống cống hiến âm thầm hết mình cho Tổ quốc.
+ Qua vẻ đẹp của các nhân vật, nhà văn đã truyền đi bức thông điệp về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác vì những mục đích chân chính đối với con người. Lẽ sống đẹp ấy không chỉ có ý nghĩa lúc bấy giờ mà còn lan tỏa tới mỗi người chúng ta trong hôm nay và mai sau…
– Giá trị tư tưởng của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được chuyển tải đến người đọc bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo.
+ Cốt truyện: Cốt truyện đơn giản, xoay quanh một tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh cao Yên Sơn thuộc Sa Pa.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật không nhiều, ít hoạt động, không có tên riêng; Nhân vật chính là anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát và thông qua những cảm xúc, suy nghĩ cùng thái độ cảm mến của các nhân vật phụ.
+ Nghệ thuật kể chuyện: Truyện được kể dưới điểm nhìn của nhân vật ông họa sĩ.
+ Ngôn ngữ: Trong sáng, giàu chất thơ.
4. Đánh giá ý kiến.
– Ý kiến đã cho thấy sức sống của tác phẩm văn học trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Đó chính là điều tạo nên vị trí của tác phẩm và nhà văn trong lòng người đọc cũng như trong dòng chảy của văn học.
– Ý kiến có tác dụng định hướng cho sáng tác và tiếp nhận:
+ Nhà văn cần sống sâu sắc với con người và cuộc đời, lao động nghệ thuật công phu, tâm huyết để sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng đúng đắn, tiến bộ…
+ Bạn đọc đến với tác phẩm trước tiên cần nhận ra giá trị tư tưởng mà nhà văn gửi gắm…
- Kết bài:
– Tư tưởng ví như linh hồn của tác phẩm. Trong quá trình sáng tạo, nhà văn phải lao động miệt mài bằng cả trí óc lẫn con tim, bằng cả tâm lực lẫn trí lực, để cho ra đời những tác phẩm vừa sâu sắc về tư tưởng, vừa cảm động lòng người.