Nhà bác học Lê Quý Đôn – một vị quan thanh liêm, một người thầy vĩ đại, một nhà cải cách giáo dục lỗi lạc.
Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia đình khoa bảng; cha Ông là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, quê ở Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Ngay từ nhỏ Ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy Ông đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải Nguyên. 27 tuổi đỗ Hội Nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê – Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)…
Lê Quý Đôn là người học rộng, tài cao, am thông nhiều lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, địa lý, khoa học xã hội, văn chương, sử học,… ông luôn được vua, quan và nhân dân kính nể.
Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học mà ông còn là một người thầy xuất sắc nhất trong số các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ XVIII. Ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học, và còn lưu được ân tình đằm thắm đối với học sinh. Ông phụ trách các kỳ thi, lo lắng quan tâm tới việc đào tạo và tuyển dụng các nhân tài. Khác với nhiều nho sĩ cùng thời, Ông đã có những quan niệm giáo dục rõ ràng. Ông phê phán cách học đương thời, căn cứ vào kết quả đào tạo theo nho học trong những thế kỷ rối ren. Ông nhận xét: “Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa. Rồi nào thơ, nào ca, trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (Kiến văn tiểu lục).
Lê Quý Đôn luôn mong mỏi có một nền học thuật đúng đắn: “Trên từ bầu trời, dưới đến bờ cõi, có hình tượng, quái lạ muôn vẻ, lấy ý mà lường thì uổng phí tinh thần, lấy lời nói mà biện bạch thì thêm đầu miệng lưỡi, đến chỗ thực tế thì không ăn thua gì cả. Cho nên cái học của người quân tử chỉ noi theo lẽ thường mà thôi” (trong Vân đài loại ngữ – Lí khí).
Trái với những nho sĩ chỉ biết nhồi nhét những lí luận kinh điển xa xôi mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác thì Ông lại đòi phải học tập toàn diện: “Giáo khoa dạy cả lục nghệ, trong đó cả văn tự và vũ bị. Cho nên những người đã được giáo dục lối ấy, ở trong triều đình thì làm khanh tướng, ra ngoài tỉnh quận thì làm tướng soái, không có cái gì mà không thích dụng… Học giả mà không thấu suốt hoàn bị thì sao được” (Vân Đài loại ngữ).
Lê Quý Đôn đã nêu lên một số ý kiến về phương châm học tập. Ông chủ trương học nhiều để cách vật trí tri, nhưng phải biết nắm lấy cái chính: “Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà không tìm tòi đến chỗ gốc ở trong. Nếu không thể mà cứ vật gì cũng xét cho đến cùng, cho đủ cả thì chẳng hoá ra vì đường có nhiều lối rẽ mà đến nỗi lạc mất dê ư?” Ông đòi hỏi phải có óc suy luận, không chỉ nệ vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý… Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”. (Dịch kinh phu thuyết). Ông cũng chủ trương học để hành, học phải trò thành phương tiện giúp người ta có năng lực làm nên công ích cho xã hội. Ông đặt câu hỏi: “Miệng đọc, bụng nghĩ trái nhau, sự biết với sự làm khác nhau, sự nghiệp danh tích không có gì là đáng kể, thì học cho nhiều cũng có làm gì”.
Về phương pháp học tập, Lê Quý Đôn đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho học sinh và sĩ phu rèn luyện nết tốt trong khi học. Ông khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Ông cho rằng biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ.
Không chỉ là một người thầy mẫu mực, Lê Quý Đôn còn là nhà sử học đại tài. Ông đã nghiên cứu và viết rất nhiều sách về lịch sử nước Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Việt thông sử, Đại Việt sử ký tục biên. Ngoài ra, Ông cũng nghiên cứu sâu về triết học và viết thành sách: Quần thư khảo biện, Dịch kinh phụ thuyết. Trong những công trình nguyên cứu của Lê Quý Đôn không thể không kể đến sách khảo cứu: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ. Trong lĩnh vực văn chương, Ông được mọi người đánh giá cao qua những sáng tác: Quế đường thi tập, Quế đường văn tập, Bắc sử thông lục,…
Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.
Có thể nói, Lê Quý Đôn xứng đáng là vị thầy xuất sắc nhất trong các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ thứ XVIII. Hình ảnh người thầy tận tình truyền dạy phương pháp học tấp tiến bộ và kiến thức cho học trò đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Thầy giáo Lê Quý Đôn xứng đáng với danh hiệu Người thầy mẫu mực và luôn được người đời tôn kính.
Tham khảo 1:
Không chỉ là một trong những Bảng nhãn nổi tiếng, Lê Quý Đôn còn được mệnh danh là nhà bác học lớn với bộ óc bách khoa tổng hợp mọi tri thức thời đại.
Là người đỗ đầu cả 3 kỳ thi hương – hội – đình, nhưng vì triều đình không lấy Trạng nguyên nên Lê Quý Đôn đành chấp nhận ở danh hiệu Bảng nhãn. Phan Huy Chú trong “Văn tịch chí” đánh giá Lê Quý Đôn: Có tư chất khác đời, thông minh hơn người, tính nết thuần hậu, chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời.
Lê Quý Đôn (1726 – 1784), quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam – nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập (Hưng Hà – Thái Bình). Ông là con tiến sĩ Lê Trọng Thứ – Thượng thư Hình bộ.
Không chỉ là vị quan cao cấp của triều đình, Lê Trọng Thứ còn là một danh sĩ nổi tiếng đương thời. Ông kết duyên với bà Trương Thị Ích – con gái một vị tiến sĩ tên là Trương Minh Lượng. Một số tư liệu cho biết, tổ tiên của ông Thứ vốn là họ Lý ở Đông Ngàn (Kinh Bắc). Vì tránh nạn nên gia đình rời đến xã Vị Dương (nay là huyện Thái Thụy – Thái Bình). Về sau mới chuyển đến xã Diên Hà (Hưng Hà).
Tương truyền, ông Lê Trọng Thứ và phu nhân Trương Thị Ích lấy nhau đã hai năm mà chưa có con, nên nhân một chuyến đi về miền Sơn Nam Hạ, đã đến cầu tự ở miếu Soi ven sông Hồng, thuộc làng Khả Duy (Hà Nam). Đêm ấy sau buổi đi cầu tự, bà Ích đang còn ngồi ở trên ghế (trong nhà trọ) thì ngủ thiếp đi, mơ màng thấy có tiếng trẻ học bài ở ngay cạnh miếu.
Bà lắng tai nghe nhưng mở mắt nhìn thì không thấy ánh đèn. Lát sau, khi tiếng học vừa dứt, trước mắt bà hiện ra một đứa trẻ tóc còn để chỏm, hai tay chắp lại lễ phép xin bà nhận làm con. Bà vô cùng mừng rỡ, vội dang hai tay ra đón lấy, nhưng đúng lúc ấy thì giật mình tỉnh giấc. Sau đó mấy ngày bà có mang.
Khi bà Ích sắp sinh thì ông bố lại nằm mơ, thấy có đứa trẻ đến gõ cửa mà nói: “Xin cho tôi được vào nhà để làm con nối dõi”. Ông Thứ hỏi họ tên, đứa trẻ trả lời: “Họ Đặng, tên Xuân”. Ông Thứ lại hỏi: “Xin ở mấy năm?”. Trả lời: “Mười năm”. Ông Thứ lắc đầu. Đứa trẻ lại trả lời: “Hai mươi năm”. Ông Thứ vẫn cứ lắc đầu: “Không được”.
Cứ như thế, đứa trẻ tăng dần thời gian: 30, 40, rồi 50 năm, nhưng ông Thứ đều một mực lắc đầu không nhận, và không mở cánh cửa. Đến khi đứa trẻ nói: “Sáu mươi năm”, thì ông Thứ tuy hãy còn đôi chút bần thần, nhưng đã gật đầu và rút chốt cánh cửa. Đứa trẻ bước vào, rồi thoắt một cái đã thấy biến mất. Ông Thứ bàng hoàng, đang còn tiếc nuối vì chưa nhìn rõ mặt mũi thằng bé thế nào, thì bỗng đâu nghe tiếng trẻ con khóc vọng ra từ buồng vợ. Ông giật mình, tỉnh hẳn giấc mộng.
Đến sáng ngày hôm sau, ông Thứ đã đi vào buồng vợ để nhìn mặt đứa con. Ông vô cùng mừng rỡ khi thấy gương mặt đầy đặn, sáng sủa, nhưng sau đó cũng lại chạnh nghĩ: “Nó chẳng thể qua được tuổi lục tuần”. Ông Thứ đặc biệt giấu kín chuyện mộng mị của mình với vợ, mặc dù trước đó, khi bắt đầu mang thai, bà Ích đã từng nói với ông về giấc mộng sau lần đi cầu tự.
Chỉ đến khi cụ Thứ lúc đã ngoại bát tuần, sắp qua đời mới kể chuyện này cho con cháu. Và có lẽ, do biết trước được “số trời” của Lê Quý Đôn, nên người cha đã “chạy đua với thời gian”, bằng cách để hết tâm trí vào việc dạy dỗ cho con mau chóng nên người và hiển đạt.
Tương truyền, ngay từ khi còn nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng “thần đồng” khiến khắp trấn Nam Sơn đều tỏ tên biết mặt. 2 tuổi đã nhận biết chữ, 5 tuổi bắt đầu học Kinh Thư, 6 tuổi biết làm thơ. Trí nhớ siêu phàm giúp cậu bé Phương (tên thuở nhỏ của Lê Quý Đôn) học đâu nhớ đấy. Năm 12 tuổi, Lê Quý Đôn đã thuộc hiểu sâu sắc kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử. 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên kinh thành Thăng Long học tập.
Ngày nay, tại thôn Phú Hiếu còn truyền miệng câu chuyện năm Lê Quý Đôn 7 – 8 tuổi, có quan Tả thị lang bộ Binh là Vũ Công Trấn tìm đến thăm cha ông, nhân gặp một đứa trẻ nên hỏi thăm đường. Lúc đó Lê Quý Đôn đang tắm truồng bèn giang hai tay, hai chân ra đố quan nếu biết được là chữ gì thì sẽ dẫn đường.
Tiến sĩ Vũ Công Trấn thấy đứa trẻ hỗn xược không thèm trả lời, lúc vào nhà mới biết thằng nhỏ là con bạn mình, muốn thử tài bèn gọi ông lên mắng cho một trận rồi bắt phải làm một bài thơ tự trách mình trong đó mỗi câu đều phải có tên một thứ rắn, làm không làm được sẽ bị đánh đòn vì tội hỗn láo.
Cậu bé Lê Quý Đôn ứng khẩu làm bài thơ nôm “Rắn đầu biếng học”: Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!/Rắn đầu biếng học lẽ không tha/Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/Nay thét mai gầm rát cổ cha/Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/Lằn lưng cam chịu vết roi da/Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Vũ Công Trấn vốn là danh sĩ hay chữ, thấy thơ cậu bé đúng vần, đúng luật, hợp đầu đề, ý tứ lại cao kỳ mới công nhận là “thần đồng”, và tỏ ý thán phục.
Một hôm Lê Quý Đôn đến chơi nhà Lý trưởng, thấy trên bàn có quyển sổ biên tên những người thiếu thuế. Cậu bé mở ra xem thấy người thì thiếu năm bảy đấu thóc, người thì vài quan tiền. Ít lâu sau nhà Lý trưởng bị cháy, quyển sổ thiếu thuế cũng bị thiêu hủy.
Khi gặp Lê Quý Đôn, Lý trưởng than không biết tra cứu vào đâu để đòi tiền. Ông bèn đọc lại từ đầu đến cuối cho chép lại. Lý trưởng không dám chắc chắn, nhưng đến khi đi thu các khoản nợ thì đúng cả, không ai than phiền khiếu nại gì.
Cho đến nay, gần 300 năm kể từ khi Lê Quý Đôn chào đời, nhưng tại thôn Phú Hiếu cũng như xã Độc Lập vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện vừa thực vừa huyền bí. Trong đó phần lớn thể hiện sự thán phục, ngưỡng mộ của người đương thời và hậu thế đối với một bộc óc vĩ đại như Lê Quý Đôn.
Theo các tài liệu “Đăng khoa lục”, vào năm Kỷ Mùi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm Quý Hợi (1743), đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi hương và đỗ đầu lúc 18 tuổi. Sau khi đỗ, vì không muốn trùng tên với Nguyễn Danh Phương – một thủ lĩnh nông dân đang nổi lên chống triều đình, nên ông đã đổi tên là Lê Quý Đôn.
Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Bà là con gái thứ 7 của tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Tuy đỗ đầu khoa thi hương, nhưng thi hội mấy lần ông đều không đỗ. Lê Quý Đôn ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm. Bộ sách “Đại Việt thông sử” được Lê Quý Đôn làm trong giai đoạn này.
Năm 27 tuổi (Nhâm Thân 1752), ông lại dự thi hội, và lần này thì đỗ hội nguyên. Vào thi đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên nên kể như cả ba lần thi, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu. Sau khi đỗ đạt, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình Lê – Trịnh.
Lê Quý Đôn khiến quan lại nhà Thanh phải tôn trọng, đổi cách xưng hô từ “di quan di mục” (tức quan lại mọi rợ) thành “An Nam cống sứ” với các sứ thần Đại Việt. Đoàn sứ của Triều Tiên cũng phải nể phục, ca ngợi tài văn thơ của ông. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1762 Lê Quý Đôn được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí Thư Các để duyệt kỷ sách vở.
Lê Quý Đôn là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử – địa lý, ông có các tác phẩm: “Đại Việt thông sử” với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng. “Phủ biên tạp lục” (6 quyển), viết xong năm 1776, ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.
Cuốn “Vân đài loại ngữ” (9 quyển) được Lê Quý Đôn hoàn thành vào năm 1773, được coi là “bách khoa thư” đồ sộ nhất thời phong kiến Việt Nam. Tác phẩm tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học… sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội…
GS. Dương Quảng Hàm nhận xét: “Lê Quý Đôn thật là một nhà bác học ở đời Lê mạt: một tay ông đã biên tập, trứ thuật rất nhiều sách. Tuy tác phẩm của ông đã thất lạc ít nhiều nhưng những bộ còn lưu lại cũng là một kho tài liệu để khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước Việt”.
Tham khảo 2:
Lê Quý Đôn (1726-1784), thuở nhỏ có hiệu là Danh Phương, tự Hoãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê ở trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Ông là sinh ra trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh và có trí nhớ tốt. Năm 1752, ông thi đỗ Bảng nhãn (lúc bấy giờ không lấy Trạng Nguyên) và được bổ dụng giữ nhiều chức quan quan trọng trong triều.
Lê Quý Đôn học rộng, biết nhiều, được mệnh danh là nhà bác học. Tác phẩm của ông phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như: Đại Việt thông sử, Quần thư khảo biện, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ, Hoàng Việt văn hải, Toàn Việt thi lục, Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập,… Các tác phẩm của ông hầu như bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội lúc bấy giờ, nên người đời có câu: “Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn” (thiên hạ có điều gì không biết thì đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn).
Lê Quý Đôn thường được người đời biết đến với danh xưng là nhà bác học. Nhưng ít ai biết rằng ông còn là một người thầy đức độ với quan điểm tiến bộ, luôn hướng đến sự giáo dục toàn diện. Quan điểm giáo dục của ông rất rõ ràng, thường được trình bày đan xen trong các tác phẩm của ông để lại.
Về cách học, theo ông, học nhiều nhưng phải biết nắm lấy cái chính “Nếu ta giữ được cho gọn, chọn được tinh thì dù sự vật cổ kim rối loạn ở trước mắt, tự nhiên ta cũng có thể châm chước được phần gốc và phần ngọn, dung hội được phần bắt đầu và phần kết, để ta càng nhận thấy rằng tuy khác đường mà cùng về chung một chỗ, tuy khác lối mà cùng đến một nơi, thì làm sao có việc chê cười rằng đã rộng mà ít tóm tắt, đã ngọc mà không thành công được” (Vân đài loại ngữ). Học là phải biết ôn luyện “Học để gom tụ trí thức, hỏi để phân biệt hiểu biết, ôn lại việc cũ mà biết việc mới, thuần thục đôn hậu để trọng lễ, tháng ngày chất chứa thì tự nhiên hiểu biết thông suốt thấu đáo” (Vân đài loại ngữ). Ông khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”(Vân đài loại ngữ).
“Học phải đi đôi với hành” – với Lê Quý Đôn, việc thực hành rất quan trọng. Theo ông, đọc sách một thước không bằng làm được một tấc, đọc sách không cần đọc nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng một chữ, thế là được (Âm chất văn chú); “Mồm đọc, bụng nghĩ trái nhau, sự biết với sự làm khác nhau, sự nghiệp danh tích không có gì là đáng kể, thì học cho nhiều cũng có làm gì” (Vân đài loại ngữ). Với cách học thiếu sự thực tiễn của Nho giáo bấy giờ, ông đã thẳng thắn phê phán:“Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho thì cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa. Rồi nào thơ, nào ca, trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (Kiến văn tiểu lục).
Đối với Lê Quý Đôn, đề cao tri thức nhưng cũng phải biết chú trọng trao dồi đạo đức, bởi: “Đạo tồn tại ngay ở trong sự vật. Sự vật nào cũng có đạo: đạo ấy xa thì đến tận trời khắp đất, gần thì ở luân thường và các vật thường dùng hằng ngày của người ta. Không chỗ nào mà không có cái lý ấy của nó” (Vân đài loại ngữ). Bên cạnh đó, để hoàn thiện bản thân, giáo dục một cách toàn diện, cần phải quan tâm đến giáo dục thể chất và giáo dục thẩm mỹ. Ông khuyên nên biết bảo vệ đời sống cho lành mạnh. Âm nhạc có thể diễn tả sâu sắc tâm hồn con người. Nên ngoài tri thức cần phải chú trọng trao dồi cho bản thân về nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
Về việc dạy học, theo ông, ta cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ, dạy từ khi trẻ nhỏ. Ông đề nghị đem pháp luật ra dạy từ những lớp đông ấu: “Học trò đồng ấu mới học, đã dạy cho biết hình phạt chuyên để trừng trị người làm quan không đủ chức phận, chẳng phải riêng để chúng ngày sau làm quan biết cách nói thẳng, can gián, cũng để cho chúng sợ hãi không mắc tội lỗi vậy” (Thư kinh diễn nghĩa). Trong gia đình, “Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp” và “biết sợ hãi mới thành người, biết hổ thẹn mới thành người, biết khó nhọc mới thành người” (Kiến văn tiểu lục).
Tóm lại, Lê Quý Đôn là người thầy đức độ, hết lòng vì học trò, “Thầy ta là tinh túy của suốt nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, lúc rảnh việc thêu trời dệt đất thì đem học vấn bồi dưỡng cho môn sinh…”[1]. Ông luôn hướng đến xây dựng một nền giáo dục toàn diện, chú trọng tính thực tiễn trong việc học. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần học tập, hình ảnh người thầy luôn cần mẫn, hết lòng vì dạy dỗ học trò, luôn hết mình suy nghĩ cho sự phồn vinh của dân tộc, nước nhà.
Tham khảo 2:
Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê – Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)…
Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.Trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn, có mấy sự kiện sau có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp trước, văn chương của ông.
Đó là chuyện đi sứ Trung Quốc năm 1760 – 1762. Tại Yên Kinh (Bắc Kinh), Lê Quý Đôn gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ những vấn đề sử học, triết học…
Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục. Lê Quý Đôn có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, về ngôn ngữ học, thủy văn học… Đó là các đợt Lê Quý Đôn đi công cán ở các vùng Sơn Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn những năm 1772, 1774, làm nhiệm vụ điều tra nỗi khổ của nhân dân cùng tệ tham nhũng, ăn hối lộ của quan lại, khám đạc ruộng đất các vùng ven biển bị địa chủ, cường hào địa phương man khai, trốn thuế…
Chính nhờ quá trình đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức Lê Quý Đôn trở nên phong phú vô cùng. Ông viết trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”.
Ngoài đầu óc thông tuệ đặc biệt cộng với vốn sống lịch lãm và một nghị lực làm việc phi thường, phải kể đến thời đại mà Lê Quý Đôn sống. Và ông là đứa con đẻ, là sản phẩm của thời đại ấy kết tinh lại.
Lê Quý Đôn sống ở thế kỷ thứ 18 thời kỳ xã hội Việt Nam có nhiều biến động lớn. Trong lòng xã hội Việt Nam đầy mâu thuẫn khi ấy đang nảy sinh những mầm mống mới của thời kỳ kinh tế hàng hóa, thị trường trong nước mở rộng, thủ công nghiệp và thương nghiệp có cơ hội phát triển… Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa, tư tưởng, khoa học.
Ở thế kỷ 18, xuất hiện nhiều tên tuổi rực rỡ như Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác… Đồng thời các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa và Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại hành” mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.
Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau:
– Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.
– Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại “bách khoa thư”, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học… sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội… Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.
– Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.
– Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở…
– Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội. Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.
Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 – 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
Nhận xét tổng quát về thơ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết: “Ông là người học vấn rộng, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.
Quan niệm về thơ của Lê Quý Đôn được tổng hợp lại như sau: “Làm thơ có 3 điểm chính: một là tình, hai là cảnh, ba là việc. Tiếng sáo thiên nhiên kêu ở trong lòng mà động vào máy tình; thị giác tiếp xúc với ngoài, cảnh động vào ý, dựa cổ mà chứng kim, chép việc thuật chuyện, thu lãm lấy tinh thần… đại để không ngoài ba điểm ấy”.
Lê Quý Đôn là một “nhà bác học ham đọc, ham biết và ham viết”, là “một nhà bác học có kiến thức hết sức uyên bác và đa dạng”. Điều đó đã được nhà sử học Phan Huy Chú nói đến từ những năm đầu của thế kỷ 19, trích: “Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người mà (vẫn) giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh (ông) làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời. Văn thơ ông làm ra gọi là Quế đường tập có mấy quyển” (trong “Nhân vật chí”)
“Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia” (trong “Văn tịch chí”).
Xét góc cạnh khác, theo Giáo sư Văn Tân thuộc Viện Sử học (Việt Nam), Lê Quý Đôn còn là:
– Một nhà trí thức muốn có những cải cách trong xã hội Việt Nam.
– Một nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân, và hiểu những mong muốn của nhân dân.
– Một nhà trí thức có tư tưởng tự tôn và tự hào dân tộc.
Tuy nhiên, là một nho sĩ trung thành với họ Trịnh, và ý hệ thức của Lê Quý Đôn là ý thức hệ của giai cấp phong kiến hồi thế kỷ 18, nên trong đời ông, ông đã từng đi đánh dẹp các đội quân nổi dậy chống lại triều đình Lê-Trịnh.