Qua bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) và Tràng giang (Huy cận), hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm.
- Mở bài:
Có ý kiến cho rằng: “Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần”. Thật vậy, mỗi bài thơ đều như một bản nhạc, một bản tình ca sâu lắng, hay một khúc tráng ca hào hùng. Voltare cũng từng nói: “Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” mà những tâm hồn cao cả và đa cảm ấy có lẽ phải kể đến một Xuân Diệu với “Vội Vàng” và một Huy Cận với “Tràng Giang”. Hai bài thơ, hai tác giả, hai màu sắc khác nhau nhưng đều khiến người đọc như đắm chìm vào cùng với tâm trạng của thi sĩ.
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến.
Vậy trước hết, ta hãy cùng nhau tìm hiểu về khái niệm thi ca! Với Xuân Diệu: “Thơ là bà chúa của nghệ thuật”. Với Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói của tri âm”. Với Bibolay: “Thơ là thư kí trung thành của trái tim”. Thơ ca là các loại hình sáng tác văn học có đặc điểm ngắn gọn, súc tích. cô đọng. Một bài văn cũng có thể là một bài thơ nếu sự chọn lọc các từ trong đó súc tích và gây cảm xúc cho người đọc một cách nhanh chóng.
Nói “thơ ca là âm nhạc của tâm hồn” là vì vần điệu của nó hay là còn lý do sâu xa nào khác? Phải chăng là bởi, người ta chỉ chọn lọc những gì tinh túy nhất để đưa vào một khúc ca, và thơ cũng vậy? Phải chăng là bởi, qua từng câu hát, người ta sẽ thấy được cảm xúc của người nghệ sĩ, dù là hoan hỷ hay u sầu, dù là kín đáo hay táo bạo, thẳng thắn thì qua những giai điệu, qua những câu ca, người nghe đều cảm nhận thấy thật rõ, thật mượt mà và thơ cũng vậy? Phải chăng là bởi, qua từng điệu nhạc, ta sẽ cảm nhận được tình yêu, được nỗi niềm của người nghệ sĩ, còn qua thơ, ta lại thấm thía được sâu sắc những rung động với đời của từng tác giả? Phải chăng là, âm nhạc chữa lành và xoa dịu những thương tổn nằm sâu bên trong mỗi chúng ta, và thơ ca cũng làm được điều ấy? Hay là vì, ngay trong hai tiếng “thơ ca” đã có phần “ca” nghĩa là những nhạc điệu?
Thơ ca xuất phát từ trong tâm hồn của người nghệ sĩ, là những rung cảm, những cảm nhận tự nhiên nhất. Đó là cả một quá trình thai nghén, nuôi dưỡng cảm xúc của thi nhân, để rồi, khi gặp cảnh, khi gặp vật, gặp người khiến cho cảm xúc ấy như thăng hoa hơn hẳn, tác giả mới bật ra ý thơ thành lời. Vậy nên, mỗi bài thơ lại là cả một quá trình lao động trí óc, tập trung cảm xúc trau chuốt, tỉa tót thật tỉ mỉ, từ cách dùng từ cho đến cách đặt câu, từ vần điệu cho đến mạch cảm xúc,… tất cả đều cẩn thận đến từng nét, từng từ. Mỗi tác phẩm lại là một đứa con tinh thần quý giá của tác giả!
2. Làm rõ ý kiến qua bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) và Tràng giang (Huy Cận).
“Những tâm hồn cao cả đa cảm” ở đây ta có thể hiểu là những nhà thơ, những thi nhân với những rung động, những cảm xúc thăng hoa với vạn vật, với cuộc đời. Đó là Xuân Diệu với sự rạo rực và tình yêu thầm thiết, hay đó là Huy Cận với nỗi sầu nỗi buồn thương sâu thẳm! Trong cuốn thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã viết: “Chưa bao giờ ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.
Có phải ngẫu nhiên không, khi hai tác giả đều chỉ dùng một từ ngữ để nói về các nhà thơ, nhưng lại dùng đến ba từ để miêu tả phong cách thơ của Xuân Diệu? Có phải ngẫu nhiên không, mà Xuân Diệu được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”? Hẳn không phải ngẫu nhiên khi Hoài Thanh đã viết: “Nếu Tản Đà là người dạo đầu khơi mào Cho bản nhạc Tân Kỳ sắp sửa thì Xuân Diệu là người nghệ sĩ đã thực thi bản đàn đó, mang nó đến với bạn đọc, làm nên một cuộc biến thiên, một cuộc cách mạng trong thơ ca. Sở dĩ có những danh xưng, những nhận định như vậy là bởi, Xuân Diệu mới trong tư tưởng, mới trong cách nghĩ và mới cả trong cách cảm nhận. Bởi ông là một trí thức Tây học, tâm hồn ông đã được khơi nguồn nhiều những cơn gió mạnh nhờ những tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc – đó là tư tưởng tự do và dân chủ của văn học Pháp lúc bấy giờ. Thi nhân đã chút lòng yêu cuộc đời, yêu trần thế với một tâm hồn rạo rực đắm say và khát khao được tận hưởng, tận hiến hết mình. Điều ấy có lẽ được thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm “Vội Vàng” ông viết năm 1938:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Tác giả mang theo mong muốn có phần ngông cuồng, táo bạo của mình gửi vào từng câu thơ. Ông muốn “tắt nắng” muốn “buộc gió”, muốn điều khiển cả thiên nhiên, tạo hóa, để lưu giữ, để níu kéo chút màu sắc, chút hương thơm của mùa xuân đất trời.
Bức tranh thiên nhiên và vạn vật dưới con mắt yêu đời, con mắt “xanh non biếc rờn” của nhà thơ cũng trở nên ngọt ngào như một bản tình ca mùa xuân:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Vạn vật trong thơ của Xuân Diệu hiện lên đều có đôi có cặp, đều hân hoan trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Chắc có lẽ, bởi chúng được nhìn dưới góc độ của một người đang yêu, nên từ “ong bướm” đến “hoa lá” rồi “yến anh” đều trở nên đáng yêu đến thế, đều hân hoan trong “khúc tình si”, trong “tuần tháng mật”, trong những phút giây hạnh phúc ngập tràn. Hơn thế nữa, tác giả còn táo bạo đưa vào trong thơ một sáng tạo rất lớn, phá bỏ những khuôn khổ, những luật lệ cũ trong thơ xưa. Thường thì người ta khi miêu tả vẻ đẹp của con người, sẽ lấy thiên nhiên làm thước đo chuẩn mực, nhưng Xuân Diệu thì khác, ông mạnh dạn lấy con người làm khuôn mẫu để đo đếm vẻ đẹp của thiên nhiên. Ông lấy đôi “hàng mi” của người thiếu nữ ngủ dậy muộn, lấy “cặp môi gần” đầy sự tươi ngon, quyến rũ để so sánh, để định hình vẻ đẹp của thiên nhiên. Thế nhưng, điểm độc đáo nhất trong thơ của ông chính là nằm ở mạch cảm xúc vội vàng khẩn trương khiến cho người ta cũng cảm thấy rạo rực theo ông qua từng câu chữ. Ông không những muốn níu kéo thiên nhiên mà còn chủ động nắm lấy mùa xuân ấy, chủ động giữ lại vẻ đẹp của đất trời, “không chờ nắng hạ mới hoài xuân” – không để cho mùa xuân qua rồi mới hoài tiếc nuối. Nếu như bốn câu thơ đầu tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn, cô đọng, kìm nén cảm xúc thì bảy câu thơ tiếp theo kia, chính là sự bung tỏa, sự thăng hoa của tình cảm khi tác giả kéo dài dòng thơ lên thành thơ tám chữ.
Mong muốn, xúc cảm mãnh liệt và có phần ngạo nghễ ấy cứ lớn dần lên theo từng dòng thơ, ta như cùng được phiêu theo cảm xúc ấy của thi nhân – cảm xúc gấp gáp muốn hòa với thiên nhiên làm một, cảm xúc khẩn thiết “muốn ôm” “muốn riết” “muốn say” “muốn thâu” “muốn cắn” của tác giả, mong sao có thể lưu chọn được mùa xuân trong lòng. Động từ “muốn” cứ trở đi trở lại từ khổ một cho tới khổ cuối, cho thấy sự tham lam của tác giả trước vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Xuân Diệu của chúng ta là như vậy – lãng mạn, say sưa, tha thiết, rạo rực, ngông nghênh, yêu đời, vui tươi và ngập tràn hạnh phúc. Nếu đem so sánh thời điểm mà bài thơ Vội vàng được sáng tác với các tác phẩm cùng thời như “Hai đứa trẻ”, như “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Thạch Lam và Hàn Mặc Tử, ta sẽ thấy rõ được sự khác biệt, sự độc đáo và mới mẻ của hồn thơ Xuân Diệu. Khi mà Thạch Lam đang chìm trong bóng tối nơi Phố huyện, khi mà Hàn Mặc Tử đang buồn một nỗi nhớ quê nhớ người mà phải chia lìa, xa cách thì Xuân Diệu của chúng ta lại yêu đời, lại tích cực, lãng mạn và mơ mộng đến thế thế!
Nhưng Huy Cận – một người bạn thơ thân với Xuân Diệu hơn cả nửa thế kỷ lại chọn nhìn đời theo một cách khác. Ông chọn kế thừa, tiếp nối những âm hưởng của thơ ca lúc bây giờ – một âm hưởng trầm buồn sâu lắng. Thế nhưng cái buồn trong thơ Huy Cận không phải là cái buồn rười rượi, không phải là nỗi buồn vu vơ vớ vẩn mà là cái buồn đẹp, cái buồn lãng mạn, cái buồn sâu kín trước cảnh nước mất nhà tan khi ấy.
Khác với Xuân Diệu, thơ Huy Cận là tiếng thơ ảo não, là hồn thơ mang nỗi sầu vạn kỉ, đó không chỉ là nỗi buồn nỗi sầu vũ trụ mà còn là nỗi sầu nhân thế, là lòng thương cho những kiếp người bơ vơ, lênh đênh trôi nổi. Cũng bởi, ông là một nhà thơ lãng mạn, nên ông đau đời nhưng nào có cứu được đời đâu. Vậy nên, trong từng dòng thơ của ông, ta như thấy được khao khát mãnh liệt mang lại hạnh phúc cho đời, cho người, khao khát được tận hưởng, tận hiền nhưng không thể nào thực hiện được, thấy được cả nỗi khổ tâm, bất lực của nhà thơ. Thế cho nên thơ ông mới sầu đau, mới ảo não biết nhường nào. Đó là nỗi sầu cùng đất nước mà nặng buồn cùng núi sông. Khác với Xuân Diệu, Huy Cận đi những bước đi chậm rãi mà thành công trên Thi đàn văn học.
Nhận định về tập thơ “Lửa thiêng” của nhà thơ Huy Cận, Hoài Thanh từng viết: “Buồn hương sầu não là âm hưởng chính khiến “Lửa thiêng” như một bản ngậm ngùi dài, tập thơ dằng dặc một nỗi buồn nhân thế, một nỗi buồn đau đời, với nỗi sầu vạn kỉ đó, Huy Cận đi lượm nhặt những chút buồn rơi rác trong nhân gian, để rồi sáng tạo nên những hồn thơ ảo não, nhưng ai có ngờ đâu, chỉ với một chút ít cát bụi tầm thường đó, thi sĩ đã đắp lên biết bao nhiêu là châm ngọc”. Thật vậy, nỗi buồn trong thơ Huy Cận là châm là ngọc, là nỗi buồn tinh tế và điều ấy được thể hiện rõ nét nhất qua bài thơ “Tràng Giang”:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Sử dụng từ “buồn”, từ “sầu”, tác giả đã thông qua cái buồn của cảnh sắc thiên nhiên để nói đến cái buồn trong tâm trạng mình. Trong lòng người thi sĩ, dường như những con sóng cứ lăn tăn, hay cũng như là lòng người đang thổn thức không yên. Hình ảnh “thuyền” và “nước” tưởng như là hai hình ảnh không thể tách rời, vậy mà dưới góc nhìn của nhà thơ, lại trở thành hai đường thẳng song song chẳng thể nào chạm được tới nhau. Vạn vật trong thơ Huy Cận như đều đang ở thể chia lìa, chẳng còn có đôi có cặp như trong thơ Xuân Diệu nữa. “Tràng giang” mang một nỗi buồn trùng điệp trước thời gian, man mác khắp không gian, như trăm dòng suối đổ ra sông, ngàn ngàn lớp lớp, nỗi buồn từ mọi nguồn tích tụ lại thành một nỗi sầu lớn. Đó là nỗi buồn của cái tôi thi sĩ khi đối diện với không gian trời bể, khi cảm nhận được những kiếp người nhỏ bé, nghèo khổ lạc lõng trôi dạt giữa dòng nước mênh mang.
Nếu như Xuân Diệu được cho là có cảm thức về mặt thời gian thì Huy Cận lại cảm thức về mặt không gian, ông viết:
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Không gian thiên nhiên vốn đã rộng lớn, qua cách miêu tả của nhà thơ lại càng như được kéo căng ra đa chiều. Hai cụm từ “sâu thăm thẳm” và “cao chót vót” được nhà thơ kết hợp lại tạo nên một từ mới “sâu chót vót” – vừa cho thấy chiều cao của trời, chiều sâu của cảnh vật và cả độ rộng lớn của không gian. Trước không gian bao la rộng lớn ấy, con người nhỏ bé nay lại càng nhỏ bé hơn, lẻ loi cô độc giữa đất trời.
Cái buồn của sự cô độc càng lớn, càng làm nhân lên nỗi nhớ nhà nhớ quê hương từ sâu trong lòng tác giả:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Sở dĩ nói Huy Cận là một nhà thơ đa sầu đa cảm là bởi nếu như Thôi Hiệu trong thơ xưa nhìn bóng chiều, nhìn khói sóng mà động lòng nhớ quê hương, thì ở đây, dù không có tác động của ngoại cảnh, “không khói hoàng hôn” thì Huy Cận của chúng ta vẫn nhớ nhà đến da diết. Có lẽ là bởi, nỗi nhớ ấy vẫn luôn thường trực, vẫn luôn đau đáu trong lòng tác giả bấy lâu nay.
- Kết bài:
Tóm lại, Huy Cận và Xuân Diệu – hai nhà thơ, hai phong cách viết hoàn toàn trái ngược, nhưng đều mang trong từng nét bút những tình cảm sâu sắc muốn gửi gắm đến người đọc, đều là những con người hết sức tinh tế, hết sức nhạy cảm với thiên nhiên, với thời cuộc. Họ đều là những con người đã góp một phần rất lớn cái tôi đặc sắc vào nền văn học Việt Nam. Họ đều là những nốt nhạc mang âm hưởng vang vọng khác nhau trong bản Thi đàn, mang đến một làn sóng mới cho thơ ca Việt Nam thời tiền chiến.