gioi-thieu-bai-tho-nam-quoc-son-ha

Giới thiệu bài thơ Nam quốc sơn hà.

Giới thiệu bài thơ Nam quốc sơn hà.

Phiên âm Hán – Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Về tên gọi.

Bài thơ này vốn không có tên, tên gọi Nam quốc sơn hà là do những người biên soạn cuốn sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (sách do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản năm 1976) đặt ra, lấy từ bốn chữ đầu trong câu thơ đầu tiên của bài thơ này (Nam quốc sơn hà Nam đế cư).

Về xuất xứ.

Bài thơ Nam quốc sơn hà có ít nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích. Thư tịch đầu tiên có chép bài thơ này là sách Việt điện u linh tập, song bản Nam quốc sơn hà trong Việt điện u linh tập không phải là bản được biết đến nhiều nhất, bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư mới là bản được nhiều người biết nhất. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử đầu tiên có ghi chép bài thơ này.

Nam quốc sơn hà là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt viết bằng văn ngôn không rõ tác giả (tương truyền do Lý Thường Kiệt là người viết ra), được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà cầm quyền Đại Việt trên các vùng đất của mình. Bài thơ này có tác dụng khích lệ tinh thần quân sĩ, giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077. Trong văn hóa, ý nghĩa và giá trị của bài thơ trong lịch sử Việt Nam được người Việt công nhận rộng rãi.

Hiện nay, sơ bộ thống kê đã thấy có khoảng 30 dị bản bài thơ Nam quốc sơn hà nằm trong các văn bản Hán Nôm chép tay hoặc khắc gỗ. Cụ thể là 8 bản Việt điện u linh, 10 bản Lĩnh Nam chích quái, Thần phả đền cửa sông Ngũ Huyện (Quả Cảm, Hoà Long, Yên Phong, Bắc Ninh), Biển khắc bài thơ Nam quốc sơn hà ở Phù Khê Đông (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Trương tôn thần sự tích, Thiên Nam vân lục liệt truyện, Dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí; Bằng trình thản bộ.

Trong chiến tranh Tống – Việt lần thứ nhất:

Năm Thiên Phúc nguyên niên hiệu vua Lê Đại Hành; Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân xâm lược nước Nam. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau ở sông Đồ Lỗ. Vua Lê Đại Hành mộng thấy hai anh thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng họ là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương; nay xin cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư”.

Quân Tống nghe thấy, xéo đạp lên nhau chạy tan, đại bại mà về. Vua Lê Đại Hành trở về ăn mừng, truy phong cho hai vị thần nhân, một là Tinh Mẫn Đại Vương lập miếu thờ tại ngã ba sông Long Nhãn, hai là Khước Mẫn Đại vương lập miếu ở ngã ba sông Như Nguyệt.

Đa số các nhà nghiên cứu thống nhất đề tên khuyết danh tác giả bài thơ. Riêng Lê Mạnh Thát trong bài “Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi” cho rằng tác giả bài thơ là Đỗ Pháp Thuận.

Các nhà nghiên cứu gần đây thống nhất quan điểm Nam quốc sơn hà là bài thơ xuất hiện dưới thời Lê Đại Hành và tiếp tục được Lý Thường Kiệt vận dụng sau này.[a][15][16]

Trong chiến tranh Tống – Việt lần thứ hai:

Năm 1076, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành, Chân Lạp tấn công Đại Việt. Hai bên giao tranh ở sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Sau này đúng như lời thơ, Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống.

Theo sách Việt điện u linh – Chuyện Trương Hống và Trương Hát:

Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh dẹp Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan, đêm ngủ mộng thấy hai người kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô đến ra mắt nhà vua và xin trợ chiến. Nhà vua hỏi danh tính, họ trả lời rằng họ là anh em vốn người Phù Lan, làm tướng của Triệu Việt Vương, Việt Vương bị Lý Nam Đế (Hậu Lý Nam Đế) đánh bại. Nam Đế làm lễ trọng ý muốn cho họ làm quan; hai anh em chối từ, trốn vào núi Phù Long, Nam Đế nhiều lần cho người truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Hai anh em đều uống thuộc độc mà chết. Thượng đế thương họ vô tội cho làm Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Phó Đô Sứ. Trước kia đã giúp vua Ngô Quyền trong chiến dịch Bạch Đằng.

Nam Tấn Vương tỉnh dậy mới đem tế và khấn thần phò trợ. Sau đó Nam Tấn Vương thắng trận, bình xong quân Tây Long vua sai sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình.

Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái úy Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng:

“Sông núi nhà Nam Nam đế ở
Phân minh trời định tại thiên thư.
Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm
Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư”

Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.

Ý nghĩa hai câu thơ cuối và đối tượng của bài thơ.

Trong câu thơ cuối của bài thơ Nam quốc sơn hà có đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều “nhữ đẳng”. Trong các bản dịch thơ của bài thơ này từ nhữ đẳng đều được dịch là chúng bay hoặc chúng mày. Theo Nguyễn Hùng Vĩ và Nguyễn Sơn Phong “nhữ đẳng”  trong câu thơ cuối của bài thơ Nam quốc sơn hà là chỉ quân Đại Việt, đối tượng của bài thơ là quân Đại Việt, không phải quân Tống, ý của hai câu thơ cuối của bài thơ là tại sao quân giặc đến xâm phạm mà các ngươi (quân Đại Việt) lại cam lòng chịu thất bại.

Một số bản dịch thơ.

Bản dịch thơ của Lê Thước và Nam Trân:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Tri Tài:

Sông núi nước Nam, vua nước Nam ở,
Phân vị rạch ròi đã ghi trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược đến xâm phạm,
Chúng bây rồi xem, sẽ chuốc lấy thất tại tan tành.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Hùng Vĩ:

Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị
Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư
Cớ sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm
Mà chúng bay, xem ra, lại chịu bại ư?

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang