van-ban-buc-tranh-cua-em-gai-toi-hay-loi-tu-thu-chan-thanh-dang-luu-ngu-van-8-ket-noi-tri-thuc

Văn bản BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI HAY LỜI TỰ THÚ CHÂN THÀNH (Đặng Lưu)

BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI HAY LỜI TỰ THÚ CHÂN THÀNH
(Đặng Lưu)

(Ngữ văn 8 Kết nối tri thức)

Tạ Duy Anh là nhà văn từng viết những tác phẩm thu hút dư luận một thời như Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Thiên thần sám hối… Ông cũng đã dành cho lứa tuổi thiếu nhi những truyện ngắn thật dễ thương. Ở loạt truyện này của ông, ta bắt gặp một kiểu viết giản dị, gọn gàng và những tình cảm hết sức trìu mến. Dường như trong con mắt của Tạ Duy Anh, tuổi thơ là hiện thân của những gì đẹp đẽ, trong trẻo nhất mà người lớn đã đánh mất đi theo thời gian. Có thể thấy rõ điều này qua truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi – một truyện đã giành giải nhì trong cuộc thi sáng tác với chủ đề “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức, năm 2011.

Đọc tên truyện, khó mà nhận biết “tôi” – nhân vật kể chuyện – nói về bức tranh của em gái với thái độ gì. Tự hào? Lạnh lùng? Giễu cợt? Không thể xác định. Câu trả lời chỉ có được khi mắt ta dừng lại ở dòng cuối cùng của truyện. Điều đáng nói, tên truyện đã hé lộ một điều: câu chuyện ở đây được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất. Nếu thiếu đại từ “tôi” ở nhan đề, ngôi kể chưa thể xác định được ngay như thế

Câu chuyện quả thật không thể đơn giản hơn: Kiều Phương – em gái của “tôi” – được anh trai đặt cho biệt danh là Mèo (vì thích lục lọi các thứ trong nhà), không ngờ lại là một bé gái có tài hội họa thiên bẩm. Tài năng của em chỉ được phát hiện khi một họa sĩ là bạn của bố đến chơi. Mọi người trong nhà vô cùng vui sướng vì điều ấy, trừ “tôi”, bởi khi biết em gái có năng khiếu đặc biệt, “tôi” mang mặc cảm mình không có tài cán gì. Trong “tôi”, sự ghen tị bắt đầu này sinh, “tôi” trở nên lạnh nhạt với em, nhiều lúc quát nạt em một cách vô cớ. Nhờ chú họa sĩ giới thiệu, em gái đã tham dự cuộc thi vẽ tranh quốc tế và… đoạt giải nhất. Được cùng bố mẹ và em đi nhận giải, “tôi” mới biết: giải nhất mà em gái giành được là bức tranh vẽ chính anh trai mình (tức là “tôi”). Nhân vật trong tranh đẹp một cách hoàn hảo. Bây giờ, “tôi” mới nhận ra em gái không chỉ có tài năng, mà còn có tấm lòng trong sáng, nhân hậu.

Trong câu chuyện giản dị ấy, vẻ đẹp của nhân vật bé gái, những diễn biến nội tâm của nhân vật “tôi” và bài học nhẹ nhàng mà thấm thía toát ra từ đó là những điều có sức níu giữ người đọc.

Bé gái – nhân vật trong truyện – hiện ra thật dễ mến. Có một cái gì đó rất riêng, rất đặc biệt ở cô bé này, từ việc không bao giờ để yên các vật trong nhà, vui vẻ chấp nhận cái biệt danh “Mèo” mà anh trai đặt cho, cái mặt luôn lấm lem khi làm việc, tự chế màu và âm thầm vẽ những gì mình thích, cho đến việc thân thiện quấn quýt người bạn gái mới đến và chia sẻ sở thích vẽ tranh của mình… Cô bé không khác gì một thiên thần nhỏ, tính tình hồn nhiên, tâm hồn trong trẻo, hành động vô tư, và nhất là tình cảm ấm áp mà em dành cho mọi người cũng như những con vật, đồ vật xung quanh. Hẳn vì thế mà hết mọi thứ trong ngôi nhà đều được bé đưa vào tranh bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh và đáng yêu. Và không có gì khó hiểu khi bức tranh giành giải nhất trong cuộc thi quốc tế của em lại vẽ chính người anh trai từng có lúc thể hiện thái độ khó chịu, thậm chí không ít lần quở mắng mình một cách vô cớ. Hóa ra, dù thế nào thì người anh vẫn rất đáng quý trong cảm nhận của cô bé. Trong tâm hồn em, không có chỗ cho sự dỗi hờn, chứ đừng nói đến bực bội, ghen ghét, oán giận.

Nếu bé gái – họa sĩ bẩm sinh – là một nhân vật khá thú vị bởi những nét độc đáo từ tính nết đến tài năng, thì nhân vật anh trai (người kể chuyện) lại thu hút người đọc bởi sự “lắm chuyện”, rắc rối trong tâm lí.

Đầu truyện, ta thấy mối quan hệ giữa anh trai và em gái có phần thân thiết, gần gũi, rất đúng với đặc điểm lứa tuổi và giới tính. Cái tên Mèo ngồ ngộ là do anh trai đặt cho em. Thường, con trai ở tuổi mới lớn hay vô tâm, nhưng “tôi” ở đây lại chú ý tới từng hành động nhỏ nhặt của em gái, từ thói thích thú lục lọi đồ đạc trong nhà đến cách chế thuốc vẽ lạ đời của nó. Sự tò mò ấy cũng là một kiểu quan tâm – điều ít thấy ở những cậu con trai cùng lứa. Bước ngoặt trong tâm lí của người anh trai bắt đầu diễn ra từ lúc tài năng hội họa của em gái được phát hiện. Trước niềm vui, niềm tự hào của bố mẹ đối với em gái, “tôi”, lần đầu tiên trong đời cảm thấy mình “bị đẩy ra ngoài” vì “bất tài”, vì chẳng tìm thấy ở bản thân mình một năng khiếu gì. Trộm xem tranh của em và nhận thấy vẻ thân thiết, ngộ nghĩnh, đáng yêu của các đồ vật bấy lâu mình không để ý đã được em đưa vào tranh một cách tài tình khiến người anh “lén trút ra một tiếng thở dài” – cái tiếng thở dài thật nhiều ý nghĩa.

Không thể hòa vào niềm vui của gia đình cũng như niềm hạnh phúc của em khi được mọi người tạo điều kiện phát triển năng khiếu vẽ tranh, “tôi” đã có những biểu hiện khác thường trong tâm trạng. Cái mặt lem nhem, bị quát thì “xịu xuống”, “miệng dẩu ra” của em trước đây “tôi” thấy ngồ ngộ, thì giờ đây “như chọc tức”; cách quan sát anh một cách kĩ lưỡng (hẳn là chuẩn bị cho một ý đồ sáng tạo) trước lúc đi tham dự cuộc thi của em “khiến tôi khó chịu”; em sung sướng ôm cổ anh khi nhận được tin vui thì anh “viện cớ đang dở việc” đẩy nhẹ em ra… Cái tâm trạng “khó ở” trước thành công của em có nguy cơ dồn nhân vật vào một tình thế bức bối khó giải tỏa.

Nhưng, điều đó đã được giải quyết một cách bất ngờ và khéo léo. “Tôi” cũng như người đọc đều không thể đoán trước rằng, tác phẩm xuất sắc mà em xứng đáng giành giải nhất lại vẽ chính người anh trai mình. Trong bức vẽ, đối tượng toát lên cái đẹp lạ lùng, hoàn hảo. Đó là cái hoàn hảo của hình ảnh người anh thân thương trong mắt đứa em tài năng và thảo hiền. Truyện kết theo kiểu “có hậu”: người anh, sau khoảnh khắc “ngỡ ngàng rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ” đã vỡ lẽ ra một điều quan trọng: trong tranh không phải là mình, mà là tâm hồn, lòng nhân hậu của đứa em mà mình đã có khi đối xử thiếu đàng hoàng, không đúng mực. “Cảm thụ” như thế về bức tranh là một tín hiệu đáng mừng, nó đánh dấu một sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm của nhân vật. Từ đây, hẳn anh không chỉ mến phục, nể trọng, mà sẽ lại gần gũi, yêu thương, gắn bó với em gái mình hơn. Người đọc có quyền tin như thế.

Ta mới hiểu tại sao tác giả lại chọn nhân vật kể chuyện là ngôi thứ nhất. Người anh – nhân vật kể chuyện xưng “tôi” – là người không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào các sự kiện của câu chuyện. Khác với kiểu nhân vật kể chuyện ngôi thứ ba, nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất không thể biết hết mọi điều. Đúng vậy, “tôi” – người kể chuyện ở đây – làm sao biết được em gái đang nghĩ gì trước thái độ bất thường của mình, hay trong lòng em có những tình cảm nào… Chi tiết bức tranh Anh trai tôi ở phần cuối của truyện, do đó trở nên bất ngờ đối với cả chính đối tượng được vẽ – người kể chuyện. Xét ở khía cạnh nghệ thuật khắc họa nhân vật bé gái, việc chọn ngôi kể này cũng có tác dụng: dưới cái nhìn xét nét, thoáng chút đố kị của người anh, em gái hẳn sẽ “bất lợi”, nhưng cũng vì thế mà hình ảnh em lại hiện ra có vẻ thực hơn, không có dấu vết của sự tô vẽ, thiên vị.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, dùng lời kể của ngôi thứ nhất, tâm trạng của nhân vật “tôi” mới được bộc lộ sâu sắc và chân thực. Sự tự thể hiện và tự phân tích của “tôi” khiến người đọc như đang nghe một bản tự thú chân thành. Bài học về tình cảm, về cách ứng xử với người thân trong gia đình, nhờ đó, toát ra thật tự nhiên.

Bức tranh của em gái tôi là món quà có ý nghĩa mà nhà văn Tạ Duy Anh gửi đến bạn đọc thiếu nhi. Để viết được một truyện như thế, ngoài tình cảm yêu mến dành cho các bạn trẻ, tác giả còn phải thực sự am hiểu tâm lí của tuổi mới lớn – cái tuổi đã bắt đầu bớt vẻ hồn nhiên bởi sự xuất hiện những rắc rối rất cần được quan tâm giải quyết. Ngôn ngữ trong sáng, cốt truyện đơn giản nhưng thắt mở hợp lí, lối mở truyện tự nhiên và kết truyện bất ngờ, đặc biệt là cách chọn ngôi kể – đó là những yếu tố góp phần tạo nên cái hay của truyện ngắn này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang