suy-nghi-ve-hien-tuong-mot-bo-phan-hoc-sinh-dam-chim-trong-the-gioi-ao-cua-game-online-facebook-ma-xa-roi-nhung-gi-gan-gui-binh-di-xung-quanh-minh

Suy nghĩ về hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game online, facebook,..mà xa rời những gì gần gũi bình dị xung quanh mình

Viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game, online, facebook, tiktok.. mà xa rời những gì gần gũi bình dị xung quanh mình.

I/ Mở bài:

Giới thiệu hiện tượng một bộ phận học sinh đắm chìm trong thế giới ảo của game, online, facebook, tiktok..mà xa rời những gì gần gũi bình dị xung quanh mình.

II/ Thân bài:

1. Giải thích.

Thế giới ảo là gì?

Thế giới ảo là thế giới được tạo lập và kết nối bởi các phương tiện công nghệ như game online, facebook, instagram, Tik Tok,…. Thế giới ảo cho phép con người mở rộng các kết nối một cách dễ dàng, không bị hạn chế bởi không gian địa lí, quốc gia, dân tộc, giới tính, tôn giáo….

Thế giới thật là gì?

– Thế giới thật là những gì gần gũi tồn tại trong cuộc sống con người. Đó là thế giới xung quanh ta đang sống. Đó là Trái Đất, đất nước Việt Nam, gia đình thân yêu, thầy cô, bạn bè, trời xanh, không khí, cây xanh, chim bay,… Tất cả các yếu tố ấy có tác động sâu sắc đến cuộc sống và sự tồn tại của mỗi con người.

2. Bàn luận.

Thực trạng (biểu hiện) học sinh đắm chìm trong thế giới ảo.

– Nhiều học sinh nghiện game, online, facebook,… lơ là việc học, không quan tâm đến người thân, bạn bè và thế giới xung quanh.

– Học sinh thờ ơ, vô cảm với những gì than thuộc và gần gũi nhất.

Nguyên nhân khiến nhiều học sinh đắm chìm trong thế giới ảo.

– Sự phổ biến của không gian mạng mà thiết bị kết nối trực tuyến.

– Sức hấp dẫn của game, facebook, tiktok….

– Sự quản lí lỏng lẻo của gia đình hoặc một số cơ quan chức năng.

– Học sinh không có ý thức tự giác, không làm chủ bản thân, không có mục tiêu trong học tập.

– Xã hội và nhà nước thiếu sự quan tâm đúng mức đến những tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ.

– …

Tác động, ảnh hưởng, tác hại của thế giới ảo đối với học sinh.

– Học sinh không quan tâm đến cuộc sống thực, đến những người người thân, sống thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm, tình cảm, nhân cách lệch lạc,…

– Dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Giải pháp khắc phục.

– Động viên, khuyến khích tham gia những câu lạc bộ thiện nguyện để làm phong phú thêm đời sống tinh thần.

– Gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm, chăm sóc, động viên.

Bài học nhận thức và hành động.

– Mạng xã hội là rất cần thiết nhưng nếu lạm dụng nó sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

– Học sinh cần chăm chỉ học tập, sống có mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Tăng cường kết nối bản thân với cuộc sống, người thân, bạn nè, xã hội,…

– Luôn làm chủ bản thân khi tham gia thế giới ảo, tham gia có chừng mực nhất định.

– Xây dựng lối sống thực tế, lành mạnh, tích cực, biết quý trọng những gì đang có ở xung quanh mình. Trau dồi tình cảm, tình yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

III/ Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề: đắm chìm trong thế giới ảo của game, online, facebook, tiktok.. xa rời những gì gần gũi bình dị xung quanh mình là lối sống sai lầm, nguy hại, cần phải thay đôi ngay.

– Gửi gắm thông điệp: Chỉ có thế giới thật, thế giới với những gì bình dị, sống động nhất xung quanh mình mới bền vững và mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc.

Bài viết tham khảo 1:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vào dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: thế giới ảo và hiện tượng học sinh đắm chìm trong thế giới ảo hiện nay.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

– Thế giới ảo: là thế giới được tạo lập và kết nối bởi các phương tiện công nghệ như game online, facebook, instagram, Tik Tok,…. Thế giới ảo cho phép con người mở rộng các kết nối một cách dễ dàng, không bị hạn chế bởi không gian địa lí, quốc gia, dân tộc, giới tính, tôn giáo….

– Sống ảo: là hiện tượng con người sử dụng mạng xã hội để khoe khoang, khoa trương bản thân mình, nói những “điều hay lẽ phải”, những điều không đúng về bản thân mình nhằm mục đích thu hút, tạo sự chú ý với người khác để được họ tán dương, ca ngợi.

→ Đây là một “căn bệnh” xấu mà con người không nên mắc phải, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay.

2. Bàn luận.

a. Biểu hiện:

– Hiện nay, sống ảo đã trở thành một xu thế, một trào lưu trong giới trẻ hiện nay. Các bạn trẻ sống ảo ngày càng nhiều, ở tất cả mọi nơi.

– Chúng ta ít nhất một lần trong ngày bắt gặp các bạn trẻ đang sống ảo. Hiện trạng sống ảo này nguyên nhân là do giới trẻ dành phần lớn quỹ thời gian cho Facebook, muốn thể hiện, khoe khoang bản thân. họ muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

– Mọi người nghĩ sống ảo không gây tác hại gì thì đó là một sự lầm tưởng quá lớn.

b. Nguyên nhân:

– Khách quan: do sự tác động, những lời khiêu khích từ những người xung quanh,…

– Chủ quan: do tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người, muốn mình trở nên xinh đẹp hơn được nhiều người theo đuổi, muốn người khác phải ngưỡng mộ, trầm trồ trước cuộc sống của mình hoặc tệ hơn là để lừa đảo người khác.

c. Tác động (ảnh hưởng):

– Khiến người khác hiểu nhầm về bản thân mình và cuộc sống của mình từ đó xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc: từ chối yêu vì không xinh giống như hình ảnh trên mạng…

– Bị người khác xa lánh vì những thứ hào nhoáng, giả mạo mà bản thân mình tạo ra trong thế giới ảo.
Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi ngoài thực tế con người khác xa với trên mạng xã hội.

d. Giải pháp:

– Mỗi người hãy chỉ đăng tải những tấm hình, những câu chuyện xác thực, không thổi phồng sự thật, sống đúng với bản thân mình.

– Cùng nhau chung tay bằng những hành động đẹp đẽ để đẩy lùi bệnh sống ảo.

– Cần có những chế tài hợp lí để xử phạt những hành vi sống ảo gây hậu quả thiệt hại cho người khác: sử dụng thông tin giả để chiếm đoạt tài sản,…

e. Bài học:

– Nhận thức đúng đắn về mạng xã hội, công nghệ và thông tin để sử dụng chúng một cách hữu hiệu nhất, có ích cho bản thân nhất và hơn hết ta có thể tạo ra những giá trị lớn lao hơn trong việc sử dụng mạng xã hội đúng nghĩa.

– Xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, không ngừng nâng cao tri thức, bản lĩnh

  • Kết bài:

– Khái quát lại vấn đề nghị luận: học sinh đắm chìm trong thế giới ảo hiện nay đồng thời rút ra bài học.

– Liên hệ bản thân mình: Thế giới ảo giống như một con dao hai lưỡi, nếu bạn sử dụng đúng cách nó sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích nhưng nếu bạn sử dụng sai cách nó sẽ giết chết tâm hồn của bạn. Lựa chọn là ở bạn, hãy tỉnh táo và đừng để mình bị cuốn vào thế giới ảo và lối sống ảo thực dụng và chứa đầy hiểm nguy.

Bài viết tham khảo 2:

  • Mở bài:

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Bằng những thiết bị và ứng dụng công nghệ, con người có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng. Thế giới ảo và lối sống ảo cũng hình thành từ đó. Thế giới ảo vừa mở ra cơ hội cho rất nhiều người nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều hiểm hoạ mà mỗi người tham gia cần hết sức tỉnh táo và bản lĩnh.

  • Thân bài:

Thế giới ảo là thế giới được tạo lập bởi những kết nối dựa trên thiết bị và ứng dụng công nghệ. Thế giới ảo không có thật, hoàn toàn đối lập với thế giới thật.

Sống ảo, hiểu một cách đơn giản đó là lối sống xa rời thực tại, sống thờ ơ, vô cảm với cuộc sống bên xung quanh mình. Sống ảo là một hình thức phổ biến nhất hiện nay đối với các bạn trẻ, đặc biệt là ở trên các trang mạng xã hội facebook, instagram, zalo,… Sống ảo đang được các bạn trẻ hưởng ứng nhanh chóng và xem đó như một cách thể hiện và khẳng định đẳng cấp của bản thân.

Thực trạng hiện nay có rất nhiều học sinh thích sống ảo hơn là sống thật. Khi xã hội phát triển đồng nghĩa rằng các phương tiện truyền thông cũng trở nên đa dạng và phát triển. Các mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến và các phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa ảnh ngày càng đa dạng, nó khiến những bức hình trở nên sắc nét hơn, có nhiều hiệu ứng hấp dẫn hơn và nó khác hoàn toàn vẻ mặt mộc thực có ngoài đời. Những hình ảnh đã qua chỉnh sửa ấy được giới trẻ “post” lên các trang mạng xã hội kèm theo những câu status tâm trạng để người người like, comment hay share. Lượt thích, lượt bình luận hay lượt chia sẻ càng nhiều nó càng khiến con người mải mê, đắm chìm với cuộc sống ảo của mình trên mạng.

Không chỉ dừng lại ở đó, sống ảo chính là một cách để họ trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày, họ không dám đối mặt với nó. Những bức bối, những khó chịu của cuộc sống đời thực khiến con người mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết tâm tư. Và họ tìm đến với mạng xã hội như một thứ thuốc giải thần kì. Từ đó tạo nên sự đối lập sống thật và sống ảo. Một sự thật đang diễn ra khá phố biến đó là nhiều người ngoài đời thực rất ít nói, kiệm lời nhưng khi lên mạng xã hội thì họ như trở thành một con người khác, hoạt bát, năng nổ, dễ bắt chuyện. Những cô cậu trẻ tuổi với vẻ ngoài bình thường nhưng khi được lên mạng lại trở thành hot girl, hot boy được nhiều người theo dõi. Chính những điều ấy hình thành cho giới trẻ thói quen sống ảo, đóng khép mình với cuộc đời thực ngoài kia.

Sống ảo là một hiện tượng tiêu cực, dễ dàng ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi người. Chẳng ai có thể lường trước những hậu quả khi một người sống quá ảo. Sống xa rời thực tế, họ ngại bắt chuyện với cộng đồng, lúc nào cũng bó mình nơi bốn bức tường với máy tính, smartphone có kết nối internet. Họ tìm đến những người xa lạ chưa gặp mặt bao giờ để trút bầu tâm sự. Điều đó không những đánh mất đi chính con người thật của họ mà còn là nguyên nhân gây nên chứng bệnh trầm cảm ở giới trẻ hiện nay. Thế giới ảo đầy rẫy những nút like, nút share, là thế giới mà con người kết bạn bốn phương nhưng nói chuyện để rồi quên mà chẳng bao giờ gặp gỡ. Thế giới của những tâm tư, tình cảm, thế giới của những điều huyễn hoặc mà khi con người đắm chìm vào sẽ rất khó để thoát ra, nó như có ma lực khiến con người mê mệt với các trang mạng xã hội.

Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của truyền thông đa phương tiện đem lại nhưng khi giới trẻ quá sống ảo, con người ta dần mất sự kiểm chứng xác thực với các thông tin trên mạng xã hội, mơ hồ đồn đại và tin rằng đó là thật. Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội vô tình đầu độc suy nghĩ con người, khiến con người mất dần lí trí. Ngày hôm nay, ta chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tin tặc lừa đảo, bao nhiêu vụ nghi ngờ lẫn nhau trên facebook rồi hẹn đánh nhau,… Biết bao con người đã đi vào con đường lầm lỡ vì tin vào mạng xã hội, vì đắm chìm trong thế giới đó. Học sinh lười học, ngày ngày mải mê bên máy tính, điện thoại, lúc nào cũng chăm chăm làm sao để có những bức hình đẹp mà không suy nghĩ tới bổn phận và trách nhiệm của một người học sinh. Tất cả thực trạng ấy là một giọt nước mắt buồn cho cả một xã hội đang phát triển theo con đường hội nhập.

Từ khi nào sống ảo trở thành một căn bệnh nguy hiểm như thế? Khi xã hội ngày càng phát triển, các máy móc hiện đại ra đời, các ứng dụng được nâng cấp tinh vi, nó thỏa mãn nhu cầu chơi bời, giải tỏa tâm trạng của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến mạng xã hội nhiều hơn, đắm chìm vào nó để quên rằng mình đang sống trong một cuộc sống thật với sự tổng hòa các mối quan hệ. Bố mẹ ngày nay có tâm lí chiều con hơn, con thích điều gì là sẽ đáp ứng được, vì vậy giới trẻ dễ đua đòi, sa đọa mà phụ huynh thì mất dần sự kiểm soát. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người trẻ. Họ dễ bị cám dỗ, không làm chủ được mình, không có ý thức sắp xếp thời gian hợp lí, vì vậy vô tình để thế giới ảo điều khiển con người mình.

Thật đáng buồn khi nhìn vào xã hội hôm nay còn một số lượng lớn các bạn trẻ sống ảo mà quên đi thế giới thực ngoài kia mới thật sự đáng sống. Mỗi người cần tự răn đe bản thân trước sự cám dỗ của những nút like, share trên mạng xã hội, hãy hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn, đi ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống muôn màu. Hãy biến mạng xã hội là công cụ giải trí những lúc mệt mỏi, đừng để nó lấn chiếm thời gian và cuộc đời của bạn.

  • Kết bài:

Không có giới hạn hay rào cảm nào trong thế giới ảo. Thế nhưng, mỗi học sinh cần hết sức tỉnh táo để không sa ngã vào những cạm bẫy trong thế giới ấy. Mỗi chúng ta nhất là thế hệ trẻ của đất nước hãy có những nhận thức đúng đắn về mạng xã hội, công nghệ và thông tin để sử dụng chúng một cách hữu hiệu nhất, có ích cho bản thân nhất và hơn hết ta có thể tạo ra những giá trị lớn lao hơn trong việc sử dụng mạng xã hội đúng nghĩa.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang