em-oi-em-hay-nhin-rat-xa-vao-bon-nghin-nam-dat-nuoc-dat-nuoc-nguyen-khoa-diem

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm: “Em ơi em. Hãy nhìn rất xa. Vào bốn nghìn năm Đất Nước… (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn
Khoa Điềm:

“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hung
Nhiều người anh hùng cả anh và em đều nhớ”.

(Đất nước – Nguyễn Khoa ĐIềm)

* Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ. Thơ của ông giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Đất Nước là chương 5 của trường ca Mặt đường khát vọng sáng tác năm 1971, in chính thức năm 1973. Đoạn trích trong đề nằm ở phần 2 bài thơ – phần nói về tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, khẳng định vẻ đẹp của nhân dân trong quá trình dựng xây và bảo vệ Đất Nước

  • Thân bài:

* Vẻ đẹp của nhân dân trong quá trình dựng xây và bảo vệ đất nước:

Tác giả hình dung có một nhân vật trữ tình “em” cùng đối thoại với mình về Đất Nước – Nhân dân. Họ đều là những người còn rất trẻ, sinh sau đẻ muộn, nhưng lại nhận thức sâu sắc về đất nước, vốn đã có từ rất lâu đời (bốn ngàn năm)

Tác giả khẳng định vai trò của nhân dân trong quá trình dựng xây và bảo vệ đất nước: nhân dân là những người bình thường, vô danh, không ai “nhớ mặt đặt tên”, nhưng từ trong sâu thẳm của lịch sử, họ đã lặng lẽ dựng xây và bảo vệ đất nước.

Nói về vẻ đẹp của nhân dân trong cả phần 2 bài thơ thì gồm rất nhiều, nhưng trong đoạn thơ 11 câu này, tác giả nhấn mạnh 4 đặc điểm cơ bản của nhân dân: rất trẻ (giống ta về lứa tuổi), cần cù lao động (khi đất nước hòa bình), có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm (“khi giặc đến nhà, thì đàn bà cũng đánh”); và vô danh, bình dị (nhiều thế hệ nhân dân đã trở thành anh hùng; họ là những anh hùng vô danh. Vẻ đẹp của họ hết sức bình dị, họ khác với những mẫu anh hùng vẫn để lại tên tuổi trong lịch sử…)

Đoạn thơ được viết theo thể tự do, đậm chất sử thi, theo cảm xúc suy tư của tác giả, ngôn từ hình ảnh vừa gần gũi, quen thuộc vừa mang tính khái quát; các biện pháp tu từ được sử dụng rất linh hoạt.

* Nhận xét:

Đoạn thơ như là một cuộc đối thoại, chuyện trò giữa những người trẻ tuổi, thế hệ ngày nay, khi ôn lại lịch sử của ông cha, của đất nước. Cảm xúc thơ toát ra sự chân thành, tha thiết, thủ thỉ, lắng đọng; giọng điệu thơ tâm tình, có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất chính luận.

Đoạn thơ tuy rất ngắn gọn, nhưng là những suy nghĩ, phát hiện mới mẻ về vai trò của nhân dân trong lịch sử, khẳng định một chân lí mang tính thời đại: đất Nước – Nhân dân: nhân dân ở bất cứ thời kì nào cũng là nhân tố quan trọng nhất trong việc dựng xây và bảo vệ đất nước.

  • Kết bài:

Đoạn thơ “Đất nước” nói riêng và bài thơ nói chung góp phần quan trọng khẳng định những tình cảm yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay, đồng thời cũng khơi dậy niềm tự hào về quê hương, tổ quốc trong lòng mọi người dân Việt Nam. Đoạn thơ cũng khẳng định tài năng nghệ thuật của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Cảm nhận về đoạn thơ: Trong anh và em hôm nay…. làm nên Đất Nước muôn đời (Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang