Thực hành Tiếng Việt:
Trợ từ và thán từ.
Câu 1. Tìm trợ từ trong những câu dưới đây và cho biết tác dụng của chúng:
a) Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. (Thanh Tịnh)
b) Tôi quên cả mẹ tôi đứng sau tôi. (Thanh Tịnh)
c) Các em đừng khóc. Trưa nay, các em được về nhà cơ mà. (Thanh Tịnh)
d) Con Hiên không có áo à? (Thạch Lam)
e) Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư? (Thạch Lam)
Trả lời:
a) Trợ từ: chính
→ Tác dụng: biểu thị nhấn mạnh sắc thái của chủ ngữ “lòng tôi”.
b) Trợ từ: cả
→ Tác dụng: biểu thị nhấn mạnh về mức độ cao, ý bao hàm.
c) Trợ từ: cơ mà
→ Tác dụng: biểu thị tình cảm ân cần, nhẹ nhàng của ông đốc khi nói với các em học sinh.
d) Trợ từ: à
→ Tác dụng: biểu thị mục đích hỏi và tình cảm của Lan khi nói chuyện với Hiên.
e) Trợ từ: ư
→ Tác dụng: biểu thị mục đích hỏi và tình cảm thân mật của mẹ với hai người con.
Câu 2. Trong các từ in đậm dưới đây, từ nào là trợ từ? Vì sao?
a) Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lê Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nha hay xa mẹ tôi chút nào hết. (Thanh Tịnh)
b) Trước sân trường làng Mỹ Lý dày đặc cả người. (Thanh Tịnh)
c) Chính lúc này, toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp. (Thanh Tịnh)
d) Nhân vật chính là nhân vật then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. (Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên)
Trả lời:
a) Từ cả không phải là trợ từ. Cụm từ cả ngày biểu thị một ngày xuyên suốt.
b) Từ cả là trợ từ, biểu thị với mức độ cao, ý bao hàm, có nghĩa chỉ ở đây rất đông người.
c) Từ chính là trợ từ, nhấn mạnh vào thời gian, thời điểm nói đến, có nghĩa chỉ tại thời điểm này.
d) Từ chính không phải là trợ từ. Cụm từ nhân vật chính biểu thị là nhân vật điển hỉnh, then chốt của cốt truyện, từ chính bổ sung ý nghĩa cho danh từ nhân vật.
Câu 3. Tìm thán từ trong những câu dưới đây và cho biết tác dụng của chúng:
a) A, em Liên thảo nhỉ. Hôm nay lại rót đầy cho chị đây. (Thạch Lam)
b) Ừ, phải đấy. Để chị về lấy (Thạch Lam)
c) Ôi chào, sớm với muộn thì có ăn thua gì. (Thạch Lam)
d) Vâng, bà để mặc em… (Kim Lân)
e) Ô hay, thế là thế nào nhỉ? (Kim Lân)
Trả lời:
a) Thán từ: a.
→ Tác dụng: biểu lộ cảm xúc của người nói, gây ấn tượng cho người nghe.
b) Thán từ: ừ.
→ Tác dụng: dùng để gọi đáp trong câu nói.
c) Thán từ: Ôi chào.
→ Tác dụng: bộc lộ cảm xúc về mức độ của sự việc.
d) Thán từ: vâng.
→ Tác dụng: dùng để gọi đáp trong câu nói
e) Thán từ: ô hay
→ Tác dụng: bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên về mức độ của sự vật.
Câu 4. Trong các từ in đậm ở những câu dưới đây, từ nào là thán từ? Vì sao?
a) Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. (Thanh Tịnh)
b) Ấy, rẽ lối này cơ mà. (Kim Lân)
c) Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ (Thanh Tịnh)
d) Này, thầy nó ạ (Kim Lân)
Trả lời:
a) Từ ấy không phải là thán từ. Từ ấy trong trường hợp này chỉ biểu thị nhấn mạnh cho cụm “những cảm giác trong sáng”.
b) Từ ấy là thán từ. Từ biểu lộ cảm xúc về mức độ của sự việc.
c) Từ này không phải là thán từ. Từ này trong trường hợp câu trên chỉ biểu thị nhấn mạnh cho sự việc được nhắc đến tại thời điểm hiện tại của người nói.
d) Từ này là thán từ. Từ dùng để gọi đáp trong câu nói.
Câu 5. Viết đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) kể về một kỉ niệm của em, trong đó có sử dụng ít nhất một trợ từ hoặc một thán từ. Chỉ ra trợ từ (hoặc thán từ) được sử dụng trong đoạn văn đó.
Bài làm:
Trong gia đình, bố là người thương em nhất. Em nhớ những lần trời mưa to, nước đều ngập đến cả đầu gối. Chính những lúc như vậy, tan học đã lâu mà bố chưa đến, em vô cùng lo sợ. Nhìn các bạn lần lượt ra về, mắt em đỏ hoe. Cuối cùng, bố cũng xuất hiện. Lần nào em cũng đều ho thật to để bố nhìn thấy em “A, bố ơi, con đứng ở đây!”. Bố mặc chiếc áo mưa lớn rồi bước thật chậm. Bố cõng em lên lưng và trùm nguyên cái áo mưa to cho em khỏi ướt. Về đến nhà, quần áo bố đã sũng nước. Em rất thương bố. Đó là kỉ niệm với bố mà em không thể quên.
– Trợ từ: cả, chính, nguyên.
– Thán từ: a.
Xem thêm: Trợ từ, thán từ – SGK Ngữ văn 8, tập 1.