»» Nội dung bài viết:
Bồi dưỡng và phát triển năng lực tư duy tổng hợp theo lãnh thổ cho học sinh dựa vào các cặp phạm trù biện chứng được thể hiện qua các thành phần địa lí tự nhiên
Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ là gì?
Tư duy tổng hợp lãnh thổ là tìm hiểu mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần vật chất và năng lượng cấu tạo nên mỗi bộ phận lãnh thổ và cả những mối quan hệ biện chứng giữa các bộ phận lãnh thổ với nhau. Để phát triển được năng lực này cho học sinh, Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phát hiện và giải quyết hàng loạt các cặp phạm trù biện chứng, với nhiều mâu thuẫn phức tạp trong mỗi thành phần địa lí và giữa các thành phần với nhau trên một lãnh thổ.
Tự nhiên là một hệ thống hoàn chỉnh, trong đó các đối tượng, hiện tượng đều phát sinh, phát triển trong mối quan hệ qua lại vô cùng mật thiết. Tự nhiên mà rộng nhất là lớp vỏ địa lý bao gồm nhiều thành phần xâm nhập vào nhau (thạch quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển, khí quyển), vừa được cấu tạo từ các khu vực lớn nhỏ được phân hóa ra trong lịch sử phát triển hàng trăm triệu năm của Trái Đất.
Các cặp phạm trù theo tư duy tổng hợp theo lãnh thổ:
Các cặp phạm trù quan hệ biện chứng giúp phát hiện các mối quan hệ giữa các thành phần trong một bộ phận lãnh thổ và giữa các bộ phận lãnh thổ với nhau.
1. Tính liên tục – không liên tục:
a. Tính liên tục:
Tính liên tục của lớp vỏ địa lý bắt nguồn từ nguồn gốc cấu tạo là các vật chất thống nhất. Nó là dạng vận động đặc biệt của vật chất bao gồm những nguyên tố địa hóa học và ở trạng thái di động thường xuyên dưới tác động của năng lượng Mặt Trời.
Sự di động này làm cho các bộ phận của lớp vỏ Trái Đất thay đổi không ngừng và chúng xâm nhập vào nhau để hình thành nên các quyển của lớp vỏ địa lý như khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thổ nhưỡng quyển, thạch quyển với mối quan hệ vô cùng mật thiết.
Ví dụ: Khi đi từ khu vực địa lý tự nhiên này sang khu vực địa lý tự nhiên khác không đứt đoạn, tại vùng chuyển tiếp, tính chất của hai khu vực liền kề xâm nhập vào nhau. Ví dụ như từ Đồng bằng Bắc Bộ lên khu vực Trung du phía Bắc hay xuống Bắc Trung Bộ…
Tính liên tục của lớp vỏ địa lý còn bắt nguồn từ lịch sử phát triển của bản thân nó, hay nói cách khác không chỉ biểu hiện ở mặt không gian mà còn ở thời gian. Điều đó có nghĩa, trong các thành phần tự nhiên tồn tại cả những nét của quá khứ, hiện tại và tương lai.
b. Tính không liên tục:
Đây là mặt đối lập với tính liên tục. Tính không liên tục bắt nguồn từ tính chất riêng biệt của các dạng vật chất, từng dạng vận động của vật chất, sự đối lập của các mặt mâu thuẫn thống nhất. Mỗi dạng vật chất cũng như mỗi dạng vận động của vật chất tuân theo các qui luật riêng nên giữa các thành phần tự nhiên, hay các quyển có sự khác biệt.
Ví dụ như vĩ độ 180B (đèo Ngang) là ranh giới phía Bắc có mùa đông kéo dài từ 3 tháng; còn 160B (đèo Hải Vân) là ranh giới hoạt động của gió mùa Đông Bắc và các thời tiết lạnh do nó gây ra; vĩ độ 140B (đèo An Khê) là ranh giới trong chế độ ẩm, phía Bắc tương đối ẩm, mùa khô không sâu sắc, còn phía Nam mùa khô sâu sắc có thể trên 5 – 6 tháng…
Tóm lại, cặp phạm trù này còn cho phép giải thích mối quan hệ biện chứng giữa các lãnh thổ, một lãnh thổ luôn có mối quan hệ biện chứng với lãnh thổ lớn hơn và lãnh thổ nhỏ hơn.
2. Tính đồng nhất – không đồng nhất:
a. Tính đồng nhất:
Tính đồng nhất được xác định dựa vào sự giống nhau về mặt hình thái, qui luật hoặc biểu thị bằng trị số trung bình của một thành phần, thường là thành phần chủ đạo, có khi lại là bằng các cực trị, tần suất lặp lại, độ biến thiên hoặc hệ số tương quan… Ví dụ như vùng Đông Bắc phát triển trên miền rìa nền Hoa Nam, các hoạt động kiến tạo trong đại Trung Sinh đã tạo nên các dãy núi hình cánh cung chụm đầu ở Tam Đảo nên chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió mùa Đông Bắc, mùa đông luôn lạnh hơn ở các nơi từ 1- 30C. Lớp phủ thực vật bị phá hủy mạnh mẽ để lại các khu vực đồi trọc hoặc truông cây, bụi cỏ.
Tính đồng nhất có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, là cơ sở để xây dựng qui hoạch, các định hướng phát triển, bố trí không gian sản xuất nhằm khai thác và bảo vệ TNTN, môi trường.
b. Tính không đồng nhất:
Các bộ phận lãnh thổ được cấu tạo rất phức tạp, không đồng nhất. Chẳng hạn như, trong khu vực Đông Bắc có sự khác nhau giữa khu vực duyên hải với khu Việt Bắc, giữa các dãy núi với các vùng trũng giữa núi… Ngay cả trên một thửa ruộng cũng có sự khác nhau giữa các phần đất trong ruộng với phần bờ, giữa các luống…
Tóm lại, việc phát hiện ra cặp phạm trù biện chứng về tính đồng nhất và không đồng nhất là cơ sở hình thành cấu trúc của các bộ phận lãnh thổ. Việc nắm được cấu trúc các bộ phận lãnh thổ giúp cho việc dự báo các phản ứng dây chuyền khi tác động đến một thành phần nào đó.
3. Tính độc lập – quan hệ tương hỗ:
Cặp phạm trù biện chứng giữa tính độc lập và quan hệ tương hỗ được sử dụng khi xét mối quan hệ giữa các thành phần và các bộ phận lãnh thổ.
Mỗi một thành phần của tự nhiên hình thành và phát triển tuân theo những qui luật riêng. Sự độc lập của các thành phần tự nhiên còn thể hiện ở sự phát triển khác nhau về tốc độ, về mức độ biến đổi. Có khi khí hậu đã biến đổi, nhưng sinh vật chưa biến đổi ngay và đến khi sinh vật phù hợp với khí hậu thì đất vẫn bảo tồn nhiều đặc tính cũ.
Trong các thành phần thì các điều kiện địa chất – địa mạo được coi là bền vững nhất, song không phải là tuyệt đối. Tại những khu vực không ổn định của lớp vỏ Trái Đất như là nơi có vận động Tân kiến tạo đang hoạt động, địa hình được nâng lên, hạ xuống, mạng lưới thủy văn thay đổi trước, khi địa hình được nâng đến một độ cao nhất định thì khí hậu mới thay đổi theo qui luật đai cao, kéo theo sự thay đổi của thổ nhưỡng, sinh vật.
Cũng có trường hợp thực vật thay đổi trước, kéo theo là đất đai bị biến đổi do xói mòn, tiếp đến địa hình và các điều kiện khí hậu – thủy văn thay đổi.
4. Tính bình đẳng – tính trội:
Cặp phạm trù về tính độc lập và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành phần, giữa các bộ phận lãnh thổ dẫn đến một cặp phạm trù biện chứng khác là tính bình đẳng và tính trội của các thành phần, các bộ phận lãnh thổ khi xem xét các mối quan hệ trong tự nhiên. Bởi vì các thành phần, các yếu tố trong các bộ phận lãnh thổ không có giá trị ngang nhau mà luôn có những thành phần, những yếu tố trội hơn, có tác dụng quyết định.
Khi phân tích tác động tương hỗ giữa các thành phần, phải sắp xếp thành từng cặp quan hệ với hai yếu tố, một yếu tố là nguyên nhân, một yếu tố là kết quả. Trong tự nhiên có rất nhiều cặp quan hệ, có thể nghiên cứu chúng ở các dạng:
+ Mối quan hệ giữa một thành phần đến nhiều thành phần như địa hình đến khí hậu, dòng chảy, bề dày của phẫu diện…
+ Mối quan hệ giữa nhiều thành phần đến một thành phần như quan hệ giữa độ cao tuyệt đối, lượng mưa, lớp phủ thực vật… đến hệ số dòng chảy.
+ Có thể sắp xếp các cặp quan hệ theo một chuỗi nhất định, hướng theo một hướng nhất định như địa hình – địa mạo qua khí hậu – thủy văn đến thổ nhưỡng – sinh vật.
5. Tính cá thể – kiểu loại:
Mỗi bộ phận lãnh thổ là một cá thể cụ thể, không lặp lại trong không gian và thời gian. Tính chất đó được quyết định bởi vị trí của lãnh thổ trong hệ tọa độ địa lý với những kinh độ, vĩ độ không lặp lại. Ngoài ra, tính cá thể còn được hình thành do sự phối hợp tác động của các nhân tố hành tinh và địa phương trong lịch sử phát sinh, phát triển của lãnh thổ.
Giữa các bộ phận lãnh thổ có những nét giống nhau nhất định cho phép gộp chúng thành bộ phận lãnh thổ lớn hơn.
Kết luận:
Bồi dưỡng và phát triển năng lực tư duy tổng hợp theo lãnh thổ cho học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh giỏi tham gia vào các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia là một việc làm khó khăn nhưng vô cùng cần thiết. Phát triển được năng lực này sẽ giúp cho học sinh phát triển khả năng phát hiện các mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần tự nhiên và giải quyết vấn đề một cách logic và khoa học. Góp phần tích cực thay đổi suy nghĩ của học sinh trong quá trình học tập và tìm hiểu môn Địa lí.