Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt

nghe-thuat-xay-dung-nhan-vat-cua-kim-lan-trong-truyen-ngan-vo-nhat-678

Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt.

  • Mở bài:

Kim Lân là một cây bút khá đặc biệt của văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Thế giới nghệ thuật của ông thường là khung cảnh nông thôn, trong đó hình tượng người nông dân được ông thể hiện bằng những góc nhìn khá đặc biệt. Có thể nói, Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với “đất”, với “người”, với cái “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn bộc lộ khá đầy đủ tinh thần sáng tác và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kim Lân.

  • Thân bài:

Đọc Vợ nhặt, ngoài ấn tượng về câu chuyện “nhặt vợ” đầy éo le nhưng hết sức thú vị của nhân vật Tràng qua cái nhìn vừa xót xa vừa hóm hỉnh của Kim Lân, nếu tinh ý, người đọc sẽ nhận ra cách thể hiện chân dung nhân vật rất độc đáo của ông. Không nhiều lời, cũng không cố ý vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh nhân vật tròn trịa bằng những ngôn từ sáo mòn. Kim Lân vẽ mà như không vẽ. Nhân vật của ông hiện ra qua những từ láy rất tự nhiên nhưng đầy ám ảnh.

Nhân vật Tràng đã được nhà văn chăm chút khá kĩ lưỡng. Tràng trong Vợ nhặt không phải là một kì công của tạo hóa, Kim Lân đẽo gọt chân dung nhân vật khá sơ sài. Đó là một người đàn ông nghèo, là dân ngụ cư, xấu xí, ngờ nghệch và ế vợ. Sống trong thời buổi đói kém, Tràng vật lộn với bát cơm manh áo hàng ngày bằng nghề chở thóc thuê cho Liên đoàn để hai mẹ con cầm cự qua ngày. Tràng chưa bao giờ dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư, hay nói cách khác điều đó sẽ không bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ của hắn, nếu không có một ngày hắn cao hứng hò lên để chòng ghẹo mấy chị con gái cũng ngồi chờ việc ở kho thóc. Tưởng hò cho đỡ mệt, ai dè đó lại chính là khởi nguồn của hạnh phúc mà Tràng bất ngờ có được – “nhặt được vợ”!

Kim Lân cho người đọc tiếp cận với chân dung Tràng ngay ở những trang đầu của phần trích giảng, trong trạng thái tràn ngập hạnh phúc ấy của hắn. Trên nền cảnh “tối sầm lại vì đói khát” của xóm ngụ cư, Tràng hiện ra: “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh” bên cạnh người vợ nhặt của mình. Với ba từ láy: “phớn phở”, “tủm tỉm”, “lấp lánh”, Kim Lân đã làm sáng lên hình ảnh một anh cu Tràng bấy lâu bị vùi lấp bởi nỗi cơ cực, bần hàn của cuộc mưu sinh tủi nhục. Đó là chân dung của một người đàn ông hạnh phúc với gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười “tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện. Người đọc bắt đầu cảm thấy tò mò về Tràng, về những thay đổi kì diệu trong con người hắn. Và, vẫn bằng những từ láy rất giản dị, quen thuộc, Kim Lân tiếp tục đưa người đọc gặp gỡ với nhân vật ở những trang viết sau đó hết sức tự nhiên.

Về đến nhà, “Tràng xăm xăm bước vào trong nhà… Hắn quay lại nhìn thị cười cười”. Rõ là hắn thay đổi thật. Động thái “xăm xăm” của hắn đã là câu trả lời chính xác cho một người đàn ông đang bắt đầu tư thế làm chủ gia đình, làm chủ cuộc sống mới của mình. Tràng cũng tỏ ra rất thân thiện với người vợ nhặt khi “cười cười” và thú nhận với thị những câu rất thành thật nhưng cũng đầy hàm ý: “Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!”. Như vậy, Kim Lân đã xóa đi trong suy nghĩ của người đọc về một người đàn ông ngờ nghệch, chỉ còn lại trong cảm thức người đọc một anh Tràng nhanh nhẹn và rất biết cách bày tỏ cảm xúc qua một vài từ láy có khả năng biểu đạt cao.

Thế nhưng, cái cảm giác ngỡ ngàng trước hạnh phúc vẫn khiến Tràng bối rối. Hắn “ngượng nghịu”, “đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc., chợt hắn thấy sờ sợ…, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân…”. Một loạt từ láy “ngượng nghịu” “tây ngây”, “sờ sợ”, “lấm lét” đã diễn tả thật chính xác tâm trạng của Tràng lúc đó. Người đọc hình dung ra hình ảnh một người đàn ông lóng ngóng, vụng về đầy lo lắng. Cứ tưởng anh chàng lúc nào cũng lầm lì và bặm trợn, ai ngờ cũng có lúc trông thật rất đáng yêu.

Rồi khi nhìn thấy người đàn bà có vẻ buồn ra mặt, Tràng “nhổ vu vơ một bãi nước bọt”, lại “tủm tỉm cười một mình” “ngờ ngợ như không phải thế”. Kim Lân quả là có biệt tài khi luôn đặt các từ láy đúng chỗ để những từ ấy không chỉ vẽ ra cụ thể hơn chân dung nhân vật mà còn có ý nghĩa kết nối diễn biến tâm trạng của các nhân vật. Vì thế, chân dung Tràng hiện lên rất sống động. Những từ “vu vơ”, “tủm tỉm”, “ngờ ngợ” đã cho thấy rõ điều này. Và, Kim Lân đã miêu tả nỗi vui mừng của Tràng khi nghe tiếng bà cụ Tứ gọi với vào trong nhà, sau những bồn chồn mong ngóng để được “khoe vợ” của hắn: “Hắn lật đật chạy ra đón”. Từ “lật đật” sao mà đúng với tâm trạng của Tràng lúc này đến thế!

Đặc biệt, sau đêm tân hôn, Tràng xuất hiện trong trạng thái “lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, “hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Hai từ “lửng lơ”, “ngỡ ngàng” thật tinh tế và gợi ấn tượng thú vị đối với người đọc. Đúng là hình ảnh cảm động về một người đàn ông hạnh phúc – người đàn ông có tên Tràng – người đàn ông chưa bao giờ dám nghĩ mình được hưởng cái hạnh phúc êm ái, ngọt ngào như thế. Kim Lân miêu tả tiếp: “hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân… hai con mắt cay sè của hắn … chớp chớp liên hồi”, thật khó mà chọn được từ nào có thể mô tả chính xác hơn hai từ “lững thững”“chớp chớp” để làm bật lên chân dung của Tràng vào thời điểm đó, khi mà hắn “thấm thía cảm động” trước “cảnh tượng thật đơn giản” về hạnh phúc gia đình đang diễn ra trước mắt mình.

Từ giây phút ấy, lòng Tràng rộn lên “một nguồn vui sướng”, hắn “phấn chấn” hẳn lên và “xăm xăm chạy ra giữa sân”. Từ “xăm xăm” một lần nữa được Kim Lân sử dụng để diễn tả động thái mạnh mẽ và đầy cảm xúc của Tràng, nó làm lộ rõ tư thế của một người chủ gia đình thực sự đang dần lớn lên và được khẳng định trong con người Tràng.

Kim Lân sử dụng hệ thống từ láy với những ý nghĩa biểu đạt cụ thể của nó khi xây dựng chân dung nhân vật Tràng. Chúng ta thấy, nhà văn đã vận dụng và phát huy tối đa khả năng gợi hình, gợi cảm của từ láy trong tiếng Việt. Nhờ những từ láy này mà người đọc cảm nhận được khá đầy đủ chân dung Tràng từ hình thức bên ngoài đến những diễn biến nội tâm. Đặc biệt là, người đọc cảm nhận sâu sắc những thay đổi lớn lao của Tràng khi đón nhận và đối diện với hạnh phúc bất ngờ mà cuộc đời đã trao tặng cho hắn.

Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở giữa phần trích, sau sự kiện Tràng đưa người vợ nhặt về nhà. Bà cụ xuất hiện trong sự mong mỏi và nôn nóng của Tràng: “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Những từ láy “húng hắng”, “lọng khọng”, “lẩm bẩm” đã làm toát lên hình ảnh một bà mẹ nghèo tội nghiệp trong ngày đói. Nó gợi ra cái vẻ tiều tụy, gầy guộc và luôn trong trạng thái lo lắng với những toan tính tủn mủn của bà lão giữa cái đời sống khốn khổ mà hai mẹ con bà đang phải gồng mình lên để chèo chống qua ngày.

Trước thái độ xởi lởi, nôn nóng bất thường kèm theo lời trách móc của con trai, bà lão chỉ “nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi: – Có việc gì thế vậy?”. Hai từ “nhấp nháy”, “chậm chạp” cho thấy, hình như cái đói đã khiến bà không còn đủ niềm tin để hi vọng về những thay đổi trong cuộc sống của gia đình mình nên bà không thể nhận ra thái độ và tâm trạng của Tràng. Nhưng khi Tràng bảo: “Thì u cứ hẵng vào trong nhà đã nào” thì “bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”.  Từ “phấp phỏng” vừa diễn tả những bước đi không vững chãi, vừa cho thấy bà lão đã bắt đầu để tâm đến cái cách mà Tràng đối xử với mình. Đến lúc nhìn thấy có người đàn bà lạ đứng ở đầu giường thằng con trai mình thì thái độ bà lão thay đổi hẳn, bà hết sức ngạc nhiên với hàng loạt câu hỏi xuất hiện cùng lúc trong đầu. Bà “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn” để nhìn kĩ người đàn bà lạ đó. Khác hẳn với từ “nhấp nháy” ở trên, từ “hấp háy” bộc lộ rõ vẻ lúng túng nhưng có chủ ý của bà. Có thể thấy, bà cụ Tứ bắt đầu chủ động trước tình huống bất ngờ đang diễn ra khi bà “lập cập bước vào” nhà trong niềm vui khôn tả của Tràng. Bà “lập cập” tức là bà đang run rẩy trong cả bước đi lẫn ý nghĩ trước điều gì đó rất hệ trọng đang xảy ra trong ngôi nhà của mình mà bà chưa thể xác định được.

Hiểu ra cơ sự, sau những nỗi niềm ưu tư trước hạnh phúc bất ngờ của con trai mà bà cụ Tứ chưa bao giờ dám nghĩ tới, Kim Lân lại đưa người đọc trở lại hình ảnh tội nghiệp ban đầu của bà lão với đôi mắt “kèm nhèm” đầy nước mắt trong tiếng thở dài và “đăm đăm nhìn người đàn bà” – nàng dâu mới của mình. Từ “đăm đăm” diễn tả sâu sắc sự thấu hiểu cảnh ngộ và sẵn sàng chia sẻ của bà cụ đối với người đàn bà chấp nhận theo không con trai mình.

Tất cả những suy nghĩ sau đó của bà lão nói lên điều đó. Rồi bà lão “khẽ dặng hắng” trước khi nói với con dâu những lời nhẹ nhàng. Từ “dặng hắng” được Kim Lân dùng để giúp người đọc nhận ra sự thay đổi ngấm ngầm trong người mẹ khốn khổ ấy, “dặng hắng” để trút đi những gánh nặng trong lòng, để bắt đầu một cuộc sống mới nhẹ nhõm và vui vẻ hơn, để xóa đi những ngày u tối đã qua. Dặn dò các con xong, bà cụ Tứ lại “đăm đăm nhìn ra ngoài”, lần này từ “đăm đăm” ẩn dấu biết bao những lo toan bộn bề phía trước.

Kim Lân thật tinh tế, cùng một từ láy, ông đã đặt đúng chỗ để phát huy tối đa khả năng diễn tả những trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật. Điều đó khiến chân dung nhân vật trở nên chân thực và sống động hơn. Kết thúc chuỗi tâm lí phức tạp của bà cụ Tứ trong đoạn văn này là những giọt “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng” trên gương mặt khắc khổ với những nét buồn vui lẫn lộn.

Buổi sáng sau hôm Tràng có vợ thật đặc biệt đối với ngôi nhà và tất cả các thành viên trong gia đình Tràng. Hình ảnh mới của bà cụ Tứ được Kim Lân diễn tả ngắn gọn trong bốn từ láy “nhẹ nhõm”, “tươi tỉnh”, “rạng rỡ”, “xăm xắn”: “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Từ “bủng beo” được đặt trong sự đối sánh với bốn từ trên là cách để Kim Lân vẽ lên chân dung của một người mẹ hạnh phúc.

Niềm vui của bà lão còn được thể hiện rất cảm động trong bữa cơm ngày đói qua những hành động, cử chỉ chan chứa yêu thương mà bà dành cho vợ chồng Tràng: “Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút”. Bà nở nụ cười tươi tắn và “đon đả” động viên các con ăn món “chè khoán” do bà nghĩ ra. Chính những từ láy mà Kim Lân sử dụng ở trên đã khiến cho chân dung người mẹ nghèo trở nên thật gần gũi và gợi cho người đọc nhiều nỗi xúc động sâu sắc.

Có thể thấy, một lần nữa, Kim Lân đã thực sự thành công khi sử dụng từ láy để làm hiện lên chân dung bà cụ Tứ với tất cả những biểu hiện rất chân thực về một người mẹ nghèo khổ, tội nghiệp trước niềm hạnh phúc lớn lao mà bà bất ngờ được đón nhận. Người đọc khó mà quên được dáng đi “lọng khọng”, tiếng ho “húng hắng”, đôi mắt “hấp háy”, cái nhìn “đăm đăm”, khuôn mặt “nhẹ nhõm tươi tỉnh”… khi nhắc đến nhân vật này của Kim Lân.

Nhân vật người “vợ nhặtlà một sáng tạo độc đáo của kim Lân. Đây là một nhân vật không được Kim Lân đặt tên nhưng lại là nhân vật làm nên câu chuyện kì diệu về sự thay đổi số phận của một con người có cảnh ngộ như Tràng trong tác phẩm. Người đàn bà không tên này là cũng chính là hiện thân rõ rệt nhất của cái đói mà Kim Lân phản ánh trong Vợ nhặt.

Lần đầu, Tràng gặp thị ở kho thóc và thị chính là người “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Chỉ với từ láy “ton ton” Kim Lân đã cho tấy đó là một người đàn bà hoạt bát và vào thời điểm đó, cái đói vẫn chưa lấy đi hết sinh khí của thị. Thị vẫn còn “cười tít” rất “tình tứ” với Tràng.

Lần thứ hai, gặp lại Tràng, thị thay đổi hẳn khiến Tràng không thể nhân ra ngay: “Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa”. Hai từ láy “sầm sập’, “sưng sỉa” miêu tả thật ấn hành động và thái độ của người đàn bà để vẽ nên một chân dung khác của thị. Chân dung của người đàn bà đã bị cái đói lấy đi hoàn toàn vẻ nữ tính vốn có.

Tiếp đó, Kim Lân dùng hai từ “tả tơi”“xám xịt” để tô đậm cái dáng vẻ tiều tụy, xơ xác vì thiếu ăn của thị nhưng ông vẫn ý thức giữ lại cái vẻ “cong cớn” rất đanh đá khi nghĩ rằng Tràng quên lời hứa cho “ăn cơm trắng mấy giò” để trả công đẩy xe cho Tràng lần gặp trước. Khi thấy Tràng thật lòng mời ăn “thị đon đả” sà xuống “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc”, cái từ “đon đả” đã trả lại cho thị hình ảnh “ton ton” ban đầu. Ăn xong, thị quyết định theo không Tràng về làm vợ. Để diễn tả hình của người đàn bà lần đầu trở thành cô dâu, Kim Lân đã lại chọn những từ láy rất thích hợp: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách cà tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”. Rõ là những biểu hiện rất ngượng ngùng, e lệ và có vẻ sợ sệt của nàng dâu mới về nhà chồng.

Hình ảnh thị và Tràng “lủi thủi đi về bến” trông thật đáng thương, dường như mọi nỗi tủi cực đang đè nặng trong lòng người đàn bà khốn khổ ấy. Khi cả xóm ngụ cư cùng đổ xô ra bàn tán về sự có mặt của mình bên cạnh Tràng, “thị càng ngượng nghịu”.

Về đến nhà Tràng, “thị lẳng lặng theo hắn vào nhà”, “thị đảo mắt nhìn xung quanh” và dù Tràng tỏ ra rất vui thì thị chỉ “nhếch mép cười nhạt nhẽo”. Hai từ láy “lẳng lặng”“nhạt nhẽo” gợi lên nỗi thất vọng sâu xa của người vợ nhặt, thị không thể ngờ được gia cảnh của anh Tràng hào phóng lại thảm hại như vậy. Nhưng thị không nói gì, thị vẫn tỏ ra “ngượng nghịu” nhưng “hai tay ôm khư khư cái thúng mặt bần thần”. Hành động và trạng thái tâm lí của người đàn bà lộ rõ những lo lắng trong lòng thị về cái hạnh phúc vật vờ mà thị có được “nhờ” cái đói, qua những từ láy “khư khư”, “bần thần”.

Sau khi được mẹ Tràng chấp nhận làm dâu, “người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Từ “nhúc nhích” cho thấy thị đang dần thoát khỏi cái tâm lí nặng trĩu từ lúc bước chân vào ngôi nhà “rúm ró” của Tràng. Còn trước mặt mẹ chồng, Kim Lân khéo tìm một từ thích hợp – “khép nép” – để thị trở về đúng với hình ảnh của cô dâu ngày cưới.

Trong mắt Tràng, sau đêm tân hôn, người vợ nhặt “rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn gì vẻ chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. “Hiền hậu” mới đúng là hình ảnh mà Kim Lân muốn đem đến cho người đọc về người đàn bà đặc biệt này. Không phải miếng ăn mà chính mái ấm gia đình và tình yêu thương của mẹ con Tràng đã đưa thị trở về với đúng bản chất của mình. Điều này được Kim Lân bổ sung ở hai từ láy cuối cùng của truyện qua chi tiết “thị nói lí nhí trong miệng” khi nghe tiếng trống rồi hỏi mẹ chồng: “Trống gì đấy, u nhỉ?” và khi “thị lẩm bẩm” ngạc nhiên khi biết đó là tiếng trống thúc thuế.

Cũng như Tràng và bà cụ Tứ, chân dung người vợ nhặt được Kim Lân xây dựng trên nền tảng cơ bản là những từ láy có khả năng gợi hình, gợi cảm rất cao. Chính điều này đã giúp các nhân vật của Kim Lân đã gặp một lần là rất khó quên.

Bằng việc xây dựng tình huống truyện đặc sắc cùng hệ thống các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm sâu sắc cùng ngôn từ giản dị mà giàu sức biểu đạt, Kim Lân đã dựng nên một tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Đó là tiếng nói thiết tha, thương cảm và trân trọng những người nông dân nghèo trong xã hội giữa nạn đói năm những năm 1945 đầy đau xót. Đó là tiếng nói căm phẫn trước tội ác “trời không dung, đất không tha” của bọn thực dân xâm lược. Là sự trân trọng những khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người trong gian khổ. Đồng thời, mở ra một con đường để nhân dân vượt qua tăm tối, vươn tới những điều tốt đẹp hẹp, đó là con đường đấu tranh cách mạng.

  • Kết bài:

Có thể khẳng định, với truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã tạo dựng cho mình một chỗ đứng bền lâu trong lòng người đọc bởi truyện đặt ra một vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc và chuyển tải vấn đề ấy bằng một giọng văn hóm hỉnh, nhẹ nhàng; bởi cách thể hiện chân dung các nhân vật rất đặc biệt tác giả qua một hệ thống từ láy dày đặc trong tác phẩm, khẳng định tài năng xây dựng nhân vật của nhà văn.

Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.