Cách khắc phục những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội (học sinh giỏi).
1. Cách khắc phục lỗi xác định vấn đề nghị luận.
– Trước khi làm bài học sinh cần đọc thật kĩ yêu cầu của đề để xác định đúng dạng đề rồi mới có thể định hình chính xác được phạm vi vấn đề nghị luận.
– Chú ý những từ khóa của đề (với đề dưới dạng ý kiến, nhận định, đoạn thơ, đoạn văn), tìm ra cốt ý của cả câu; quan sát tỉ mỉ những điểm đặc biệt đáng chú ý của đề (với đề là bức tranh, hình ảnh) để có thể xác định đúng, trúng trọng tâm vấn đề cần nghị luận.
– Nâng cao vốn từ vựng, vốn hiểu biết để không bị động trước những từ ngữ khó, những đề mở hóc búa, những tầng nghĩa sâu xa ẩn dưới lớp ngôn từ và hình ảnh của đề bài.
– Học sinh trước những đề văn cần tư duy thật sâu sắc, thật mạch lạc, cần phải tỉnh táo để không xác định sai, thiếu hoặc xác định vấn đề quá rộng so với yêu cầu của đề tránh dẫn đến việc bài viết lan man, dài dòng mà vẫn thiếu ý, lập luận không chặt chẽ, sắc bén.
– Nâng cao vốn từ vựng, vốn hiểu biết để không bị động trước những từ ngữ khó, những đề mở hóc búa, những tầng nghĩa sâu xa ẩn dưới lớp ngôn từ và hình ảnh của đề bài.
– Bên cạnh đó học sinh cũng cần phải thường xuyên rèn luyện, tự mình tìm tòi luyện tập xác định vấn đề nghị luận của các đề văn do thầy cô giáo ra đề hay các đề học sinh tự tìm kiếm được trên mạng, qua sách báo,… Từ đó rèn cho mình được kĩ năng đọc, phân tích đề hiều quả để không còn bỡ ngỡ trước những kiểu đề khó, đề mới và có thể xác định được đúng vấn đề cần nghị luận, có được một bài viết chất lượng, đi vào lòng người đọc.
– Song ngoài việc trau dồi, học tập và cải thiện về mặt kĩ năng tìm hiểu, xác lập sao cho có thể xác định chính xác vấn đề nghị luận, học sinh cũng cần không ngừng bồi đắp vốn kiến thức thực tế để không bỡ ngỡ trước những dạng đề mới về những vấn đề của đời sống.
– Có thể thấy để có thể xác định đúng, trúng vấn đề và viết được một bài văn có độ sâu, độ lắng, độ sắc bén trong triển khai và lập luận cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Để xác định được sâu sắc một vấn đề nghị luận thì cũng rất cần sự kiên trì, tinh thần không ngừng học hỏi, cầu thị để có thể tiến bộ từng ngày và có thể dễ dàng xác định và giải quyết được bất cứ một đề bài nào.
2. Cách khắc phục lỗi về luận điểm.
2.1 Không xác lập được luận điểm, nói chung chung, thiếu luận điểm
– Muốn xác lập đúng luận điểm thì phải thường xuyên đặt ra vấn đề: Vì sao? Tại sao? cách hỏi ấy làm hiện lên ý trả lời trong đầu.
Chẳng hạn với vấn đề nhận thức đặt ra trong quan niệm của J.Houston: “Chúng ta sẽ nắm được 10% những gì đọc được, 15% những gì nghe thấy và 80% những gì tự trải nghiệm” thì sau khi giải thích để xác định rằng chúng ta chỉ làm được phần nhỏ những gì mình đọc được, nghe thấy và sẽ nắm được phần lớn những gì sự trải nghiệm”, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi sau:
– Vì sao chúng ta chỉ tiếp thu được một phần nhỏ những gì đọc được, nghe thấy?
– Vì sao chúng ta sẽ nắm được phần lớn những gì tự trải nghiệm?
Việc suy nghĩ tìm ra câu trả lời sẽ giúp ta tháo gỡ dần để tiếp cận và nắm vững bản chất vấn đề. Với câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần thấy rõ những khía cạnh sau:
– Vì mỗi chúng ta đều chỉ có một giới hạn về năng lực, một giới hạn về chuyên môn và một giới hạn về phạm vi hiểu biết nên không phải những gì ta đọc được nghe thấy đều có thể hiểu hết được.
– Vì trong trường hợp đó sự tiếp thu của chúng ta chỉ là tiếp thu một cách gián tiếp qua hiểu biết, nhận thức cách nhìn và cách lý giải của người khác.
– Vì những gì đọc được, nghe thấy mà chưa có sự kiểm nghiệm trong thực tế thì ý nghĩa giá trị của nó chưa thể bộc lộ rõ ràng trọn vẹn.
Với câu hỏi thứ hai, chúng ta cần thấy được những khía cạnh sau:
– Khi trải nghiệm, chúng ta sẽ nắm bắt trực tiếp vấn đề trong ý nghĩa thực tế của nó.
– Khi trải nghiệm, dù thành công hay thất bại ta cũng có được những kinh nghiệm thực tế để giải quyết vấn đề.
– Khi tự trải nghiệm, ta sẽ phải vận dụng toàn bộ năng lực hiểu biết trong quá trình tích lũy trước đó để ứng phó, xử lý những tình huống cụ thể, đó chính là điều kiện để ta nắm bắt nó một cách trọn vẹn hơn.
Ví dụ như với đề bài :
“Mây bay bằng gió của trời
Là ta ta hát bằng lời của ta”
(Khúc dân ca – Nguyễn Duy)
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên ?
Đa số học sinh chỉ làm luận điểm chính của bài là “con người cần phải sống là chính mình” tức là chỉ chú ý đến vế hai của câu thơ mà quên đi vế một “Mây bay bằng gió của trời”. Điều này dẫn đến việc luận điểm không được chặt chẽ, không làm nổi bật được rõ nội dung của đề. Bởi vậy, với đề bài này thì học sinh khi làm bài cần phải nhìn bao quát toàn vấn đề từ diện đến điểm. Không thể chỉ dựa vào chính bản thân mà làm nên hạnh phúc cho con người mà còn cần đến sự quan tâm giúp đỡ của người khác. Đặc biệt không thể cực đoan chỉ nhất nhất làm theo ý mình mà không cần quan tâm đến người khác.
Như vậy khi làm bài văn NLXH thì học sinh cần chú ý đến yêu cầu của đề bài, nhìn nhận vấn đề mà đề bài đặt ra dưới nhiều góc độ để không bị thiếu luận điểm hay luận điểm chung chung. Có như thế bài viết mới sắc sảo và gây được hứng thú cho người đọc.
2.2 Lặp ý, sắp xếp các ý lộn xộn
– Để khắc phục lỗi này thì học sinh nên tuân thủ theo các bước của bài văn NLXH thông thường là : Giải thích -> Bình luận chứng minh ý kiến nhận định đó là đúng hay là sai -> rút ra bài học cho bản thân. Như vậy bài văn sẽ tránh được việc lộn xộn, lập luận không có sức thuyết phục.
– Còn về lỗi lặp ý, hiện tượng ý sau lặp ý trước, ý trước bao trùm lên ý sau hoặc trình tự các ý lộn xộn dài dòng. Để khắc phục tình trạng trên, các bạn học sinh nên làm dàn ý trước, đề ra những luận điểm, luận cứ cần triển khai trong bài viết.
2.3 Ý không phục vụ cho vấn đề
– Lỗi ý không phục vụ cho vấn đề là do khi viết bài học sinh không chịu đọc kỹ đề, không xác định đúng được các yêu cầu của đề ra, không nắm phương pháp làm bài, hoặc chỉ chăm chăm chú chú học thuộc lòng văn mẫu để đối phó…
– Để tránh trường hợp này, trước hết cần phải đọc đề thật kỹ, sau đó cẩn trọng xác định thật chính xác 3 yêu cầu đề ra:
+ Yêu cầu về nội dung nghị luận. Đây là yêu cầu quan trọng nhất.
+ Yêu cầu về phương pháp – cách thức nghị luận (nghị luận bằng cách nào? Phân tích hay chứng minh …)
+ Yêu cầu về phạm vi nghị luận (trong thực tế cuộc sống, trong văn học,…)
Chốt lại, lỗi về ý căn nguyên chủ yếu là do việc lập dàn ý của HS chưa chu toàn, sửa từ gốc sẽ không gây khó khăn cho HS khi loay hoay chữa lỗi từng bài viết về ý vốn thuộc phần ngọn. Bài viết có thể giới hạn trong số lượng nhất định, song lập dàn ý với HS giỏi cần trở thành công việc hàng tuần, thậm chí hàng ngày, GV kết hợp sửa chéo giữa các HS và sửa trực tiếp cho HS là cách làm tốt nhất để HS không mắc lỗi về ý trong quá trình viết.
3. Cách khắc phục lỗi về dẫn chứng.
– Để có nguồn dẫn chứng phong phú cho mình, học sinh cần phải thu thập bằng cách quan sát xã hội, theo dõi thông tin báo đài, ghi chép và ghi nhớ. Có thể lấy dẫn chứng từ người thật việc thật, từ sách, từ các tác phẩm văn học. Cần chia các nguồn dẫn chứng thành các nhóm đề tài, chủ đề riêng để tiện cho việc sử dụng. Ví dụ: Dẫn chứng về những nhân vật giàu nghị lực sống; những con người có niềm đam mê, có khát vọng lớn; những việc tử tế, những hành dộng nhân đạo trong cộng dồng;…
* Lưu ý: NLXH cần hài hòa dẫn chứng từ văn học và đời sống. Trong đó cần ưu tiên hơn từ đời sống để phù hợp với kiểu bài. Chẳng hạn một bài văn NLXH chỉ cần một hoặc cũng có thể không cần đến dẫn chứng từ văn học, nhưng chúng ta cần hai đến ba dẫn chứng từ đời sống. Bởi văn học dù xuất phát từ hiện thực nhưng vẫn là sản phẩm của hư cấu tưởng tượng.
– Người xưa có câu: “Nói có sách, mách có chứng”. Nay học sinh muốn thuyết phục giám khảo, cần biết cách đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận. Để đưa dẫn chứng vào bài làm hiệu quả, nên áp dụng 3 bước sau:
Bước 1, từ luận điểm đang nghị luận, liên hệ với dẫn chứng tương ứng (dẫn chứng có thể tương đồng hoặc dị biệt).
Bước 2, tái hiện lại dẫn chứng (có kèm phân tích/diễn giải/bàn luận).
Bước 3, chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm (dẫn chứng có liên hệ gì với luận điểm, dẫn chứng làm sáng tỏ hơn cho luận điểm điều gì…).
– Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục. Đó thường là các dẫn chứng về những tấm gương tốt, người nổi tiếng, có tài năng, phẩm chất và có đủ sức tác động đến bạn đọc; những việc làm nhân đạo, ý nghĩa, truyền cảm hứng đến cho người tiếp nhận.
VD: vấn đề nghị luận là nghị lực, sự cố gắng bền bỉ không ngừng, vượt lên hoàn cảnh, ta có thể lấy một số dẫn chứng như:
Nhà sáng lập hãng xe Ford – Henry Ford: Trước khi hãng xe Ford có được một cơ ngơi như ngày nay, người sáng lập Henry Ford đã từng lập rồi phá ba công ty. Công ty thứ nhất mang tên Detroit nhưng nhanh chóng phá sản do Henry Ford chỉ tập trung thiết kế xe mà không kinh doanh. Công ty thứ hai mang tên ông chuyên về xe đua, nhưng sau đó chính Henry Ford bị các nhà đầu tư buộc rời khỏi công ty. Doanh nghiệp thứ ba thì bị phá sản do doanh thu đi xuống. Nhưng ông không hề nản hí mà tiếp tục cố gắng và giành được thành công trong sự nghiệp của mình.
Alexander Graham Bell: Khuyết tật: Mắc chứng khó đọc – viết (dyslexia) và không có khả năng học tập (learning disability) Nhưng ông vẫn phát minh ra điện thoại – một phát minh giúp ích rất lớn cho cuộc sống của con người và cũng là một bước tiến trong sự phát triển ngành thông tin liên lạc.
Đề bài: Có ý kiến cho rằng: Sống là một cuộc vượt thoát khỏi những định kiến. Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
Bài làm:
“Định kiến ban đầu bắt nguồn từ lối suy nghĩ áp đặt. Đó là hệ lụy của môi trường sống, cách giáo dục, quan hệ xã hội và nhiều yếu tố khác nữa. Sống trong cùng một gia đình, tư tưởng của bố mẹ ảnh hưởng trực tiếp di truyền đến con cái. Điều đó lí giải vì sao một đứa trẻ quý tộc ngay từ khi còn nhỏ đã mang định kiến, xa lánh bạn bè nghèo khó. Nhớ lại lịch sử thế giới những năm 1930, ở Châu Âu, người da màu không bao giờ được hưởng quyền lợi hay công bằng. Họ bị kì thị, bị khinh thường, rẻ rúng. Người da đen không được phép đi vào các nhà hàng, khách sạn. Thậm chí sinh mạng của họ còn không đáng giá bằng một con chó của người da trắng. Họ chỉ là lũ tay sai ngu dốt, mạt hạ. Định kiến găm chặt vào tiềm thức, chỉ cần nhìn thấy bất cứ một ai mang màu da khác biệt đều bị coi là kẻ thấp kém hơn mình. Nó đã phân tách thế giới của người da trắng và người ra màu thành hai thế giới biệt lập, cũng là cách chúng tạo ra sự khoảng cách giữa người với người, thử hỏi còn gì đáng sợ hơn khoảng cách ấy?”
(Trích bài làm của học sinh)
→ Trước hết việc lựa chọn dẫn chứng ở bài viết này tiêu biểu, gắn với vấn đề. Đồng thời người viết không chỉ dừng lại ở việc đưa ra dẫn chứng mà việc phân tích dẫn chứng cũng khá hay khi biết từ dẫn chứng ấy chỉ ra được tác hại to lớn của “định kiến”. Đó là cách tạo ra sự liên kết các ý một cách tự nhiên, khiến cho dẫn chứng phát huy được hết tác dụng của mình, mang tính thuyết phục cao, lôi cuốn được người đọc.
Tương tự, chúng tôi có một số cách phân tích dẫn chứng tham khảo sau:
Đề bài:“Thất bại lớn nhất của con người là sợ phải thất bại”.Anh/chị có đồng tình với quan điểm trên hay không?
Bài làm:
“Nếu thành công là quả ngọt của những năm tháng nỗ lực theo đuổi mục tiêu, thì thất bại chính là người thầy tuyệt vời trên chặng đường ấy. Thất bại cho ta những kinh nghiệm, hiểu biết mà không có bất cứ sách vở nào nói đến. Bạn có biết rằng Edison đã thành công phát minh ra bóng đèn điện sau hơn 10000 lần thất bại, tất nhiên điều đó cũng đã từng đem đến cho ông những mỏi mệt; nhưng một điều chắc chắn rằng Edison không bao giờ nản chí, hai chữ “thất bại” không thể hình thành nên trong ông nỗi sợ hãi. Tôi vẫn có nhớ như in những lời bất hủ của ông: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là tìm ra được 10000 cách nó không hoạt động”. Trước ý chí và niềm tin ấy, thất bại đã ngả mũ trước ông, người đàn ông không mang trong mình nỗi sợ thất bại ấy đã làm lên lịch sử với phát minh khiến toàn nhân loại sửng sốt. Đúng vậy, mỗi chúng ta sinh ra định sẵn là một kẻ chiến đấu, nếu cứ mang trong mình nỗi sợ thất bại vậy kết cục chỉ là một sự tồn tại vô danh, chứ liệu rằng có được mọi người nhớ đến muôn đời như Edison? […]”
(Trích bài làm của học sinh)
*Lưu ý rằng, khi đưa dẫn chứng không nhất thiết lúc nào cũng phải lựa chọn những dẫn chứng cụ thể, đôi khi cũng thể nói chung chung chỉ một tập thể, một loại người cũng là một cách hay:
“Ai cũng ôm giấc mộng muốn làm được những điều lớn lao, vì vậy, mơ ước, khát vọng của mỗi người chính là những điều nhỏ để tạo nên những khát vọng lớn. Những nguyện vọng ấy là tâm huyết chính đáng của mỗi người vì thế mọi người xung quanh cần tôn trọng, động viên, khuyến khích họ thực hiện. Như mỗi học sinh chúng ta thì mong muốn mình sẽ đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước, bác nông dân thì mơ tới một mùa màng bội thu hay những người nghèo thì mơ tới một cuộc sống đủ cơm ăn áo mặc, có khi lại là người thầy giáo, cô giáo với ao ước được truyền lại cho học trò của mình những kiến thức bổ ích về cả học thuật lẫn đạo đức, … Mong muốn của con người là vô tận và trong cuộc sống xung quanh ta có nhiều người ấp ủ trong mình những khát vọng lớn lao”.
(Trích bài làm của học sinh)
4. Cách khắc phục lỗi về trình bày.
4.1 Bố cục bài viết hợp lí
Dù bài viết ở dạng đề nào thì cũng phải duy trì bố cục 3 phần là mở bài, thân bài, kết luận để làm hài hòa phần hình thức của bài viết, Dù là bài viết của HSG có phá cách, sáng tạo thì vẫn phải đảm bảo bố cục ba phần:
Mở bài: Cần trình bày được vấn đề được đặt ra trong đề ( hiện tượng, tư tưởng nào đó ). Cần có phần dẫn dắt vấn đề đi vào một cách tự nhiên, tránh gò bó, tránh gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc, mở đầu phải tạo được ấn tượng cho người đọc.
Thân bài: Được xem như phần xương sống của bài viết, bởi vì nó giải quyết những vấn đề chính của đề bài. Thường phần thân bài sẽ trả lời cho các câu hỏi vấn đề này có ý nghĩa gì? Nó đúng hay sai, tại sao? Vấn đề này thường diễn ra phổ biến trong cuộc sống như thế nào? Cần làm gì để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì để hiện thực hóa nó trong cuộc sống thực tế hiện tại? Đó là một yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của dạng bài nghị luận xã hội.
Đối với phần nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống nên lấy nhiều ví dụ minh họa cụ thể ở ngoài đời sống đề làm cho bài viết của bạn thêm sinh động, thuyết phục người đọc hơn.
Kết bài: tuy ngắn nhưng có vai trò quan trọng vì nó khép lại cả vấn đề mà bài viết đang đề cập tới và mở rộng liên tưởng ra những ý kiến cá nhân của bạn về bài viết.
Một số cách để viết đoạn văn đúng, hay:
+ Xác định đoạn văn thuộc phần nào của thân bài (giải thích hay bình luận, chứng minh) để có thao tác lập luận phù hợp.
+ Xác định luận điểm, các ý cần triển khai trong đoạn văn (đã xây dựng ở phần dàn ý) để đi đúng hướng, tránh lan man, xa đề không làm sáng rõ được luận điểm.
+ Mỗi đoạn văn chỉ nên phục vụ một hoặc hai ý chính, tránh việc lẫn lộn, không rõ ý, mất đi tính logic của văn bản.
+ Đảm bảo sự cân bằng: Để tăng tính khoa học cho toàn bài các đoạn văn cần sự cân bằng, không đoạn văn nào quá dài cũng không đoạn văn nào quá ngắn.
+ Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để tăng tính thuyết phục cho đoạn văn
+ Đảm bảo tính liên kết giữa các câu văn trong đoạn, xác định và sắp xếp các luận cứ một cách rõ ràng (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp).
VD:
Đề bài: Giản Tư Trung trong cuốn sách “Đúng việc” có đưa ra khái niệm người trí thức. Đó là những người có đủ ba điều kiện:
1) Sự hiểu biết.
2) Thức tỉnh xã hội.
3) Vì mục đích cao quý (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp).
Nếu không hội tụ đủ ba điều kiện này(hoặc chỉ có đủ điều kiện đầu tiên) thì chỉ là trí nô mà thôi.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về quan điểm trên.
Bài làm:
“Trong bất kì xã hội nào, thời đại nào cũng vậy, con người luôn cần có kiến thức, có hiểu biết về cuộc sống xung quanh. Thế giới mà chúng ta đang sống theo guồng quay của công nghệ, kĩ thuật số không ngừng biến đổi như vũ bão. Mỗi giây trôi qua lại ghi nhận vào kho tàng tri thức của nhân loại bao khám phá mới về mọi lĩnh vực. Nếu con người không có hiểu biết phong phú và không ngừng mở rộng vốn hiểu biết ấy sẽ nhanh chóng bị đánh bật ra khỏi vòng xoáy chung của cuộc sống, công việc. Có ai đó đã từng nói “Điều duy nhất giúp con người tồn tại được là khả năng thích nghi mạnh mẽ” và hiểu biết chính là một loại năng lực thích nghi của con người vói sự chuyển biến không ngừng trong cuộc sống bộn bề, phức tạp này. Cứ nhìn vào cuộc hành trình của nhân loại từ lửa đến khí ga và năng lượng điện từ, từ ti vi đen trắng đến màn hình tinh thể siêu mỏng, chỉ trong vòng vài chục năm mà chiếc điện thoại bàn cồng kềnh đã bị thay thế bởi chiếc điện thoại thông minh cũng đủ thấy sự cần thiết của hiểu biết, tri thức với mỗi con người,. Thiếu đi hiểu biết, con người lập tức sẽ trở nên lạc lõng, tụt lại phía sau quy luật phát triển chung.
Hiểu biết còn là một nhu cầu mang tính bản năng của con người. Đứng trước thế giới phong phú với vô vàn những hiện tượng phức tạp, đa chiều, con người luôn có nhu cầu được tìm hiểu, khám phá. Hiểu biết giúp chúng ta có được cái nhìn sâu sắc, toàn diện về đời sống xung quanh, tránh gặp phải những sai lầm không đáng có. Ngày xưa hay ngày nay, trong bất kể lĩnh vực nào cũng vậy, không có hiểu biết thì kể cả những công việc lao động chân tay con người cũng khó mà làm được. Trồng cây, trồng lúa mà không biết gì về thời vụ, đặc tính cây trồng hay xây nhà mà không hiểu gì về loại gạch, cách thiết kế thì cũng chóng thất bại mà thôi. Con người sẽ dễ dàng bị biến thành kẻ thụ động trước cuộc sống khi không biết gì về nó. Không có kiến thức, con người thậm chí không thể phục vụ nhu cầu vật chất, tinh thần của bản thân mình. Thế mới thấy vốn hiểu biết, tri thức như chiếc chìa khóa duy nhất để tồn tại, để sống có ý nghĩa vậy”.
(Trích bài làm của học sinh)
→ Hai đoạn văn đều trên phục vụ cho việc lí giải, chứng minh cho luận điểm: Để trở thành người tri thức cần “sự hiểu biết”. Tuy vậy mỗi đoạn văn đều làm sáng rõ lên một ý riêng biệt, đoạn thứ nhất nói về sự hiểu biết về kiến thức trong đời sống thường nhật của con người; đoạn thứ hai khẳng định tích lũy kiến thức là một nhu cầu bản năng của con người và tính cần thiết, lợi ích của sự hiểu biết. Hai đoạn văn có dung lượng gần như cân bằng khiến bài viết không nghiêng quá về một phần, cũng nhờ vậy mà luận điểm được sáng rõ. Các ý được sắp xếp logic, rõ ràng, câu văn có sự liên kết khiến cho tư duy được thể hiện một cách liền mạch.
4.2 Phần mở bài, kết bài.
– Để khắc phục các lỗi trong phần mở bài đã nêu trên, chúng ta cần đọc kỹ đề, xác định chính xác vấn đề nghị luận. Đề yêu cầu nghị luận vấn đề gì thì trong mở bài phải đặt ra được vấn đề ấy, nếu vấn đề nằm trong một nhận định thì mở bài cần phải trích nguyên nhận định ấy vào. Mở bài phải nằm tách khỏi thân bài, là một đoạn văn tách biệt, đặt ở đầu bài văn, lùi đầu dòng, chấm xuống dòng đầy đủ. Phần mở bài không được quá dài, nên giới hạn trong một đoạn văn khoảng 10 đến 12 dòng.
Đối với mở bài của học sinh giỏi, yêu cầu đặt ra không chỉ cần đúng, mà còn cần phải hay, sáng tạo, gây ấn tượng đối với người đọc. Học sinh có thể dẫn dắt vào vấn đề nghị luận bằng một ý kiến, một đoạn thơ hay một câu chuyện (ngắn gọn) có sự tương đồng về ý nghĩa với vấn đề nghị luận ấy. Làm sao để phần dẫn dắt liền mạch, ăn khớp với ý kiến nhận định, câu chuyện mà đề bài đưa ra. Ví dụ:
Đề bài “Có một gã khổng lồ đang say ngủ trong mỗi con người. Khi gã khổng lồ thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra.” (Frederick Faust)
Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên?
Mở bài của học sinh:
“Nhà thơ Isa có đôi vần thơ làm tôi nhớ mãi chẳng thể nào quên:
“Chậm rì chậm rì Kìa con ốc nhỏ Leo đỉnh Fuji…”
Chặng đường mà “con ốc nhỏ” phải leo khiến người đọc liên tưởng tới cuộc đời của mỗi con người. Cuộc hành trình của con ốc trong bài thơ trên là một cuộc hành trình không tưởng, cũng như chặng đường đời của con người còn nhiều lắm những chông gai. Tuy nhiên, con đường lên đỉnh Fuji dẫu khó leo tới mức nào, đường đời dù có khó khăn gian khổ ra sao, con người cũng sẽ vượt qua được. Bởi lẽ gì? Phải chăng như Frederick Faust đã từng nói: “Có một gã khổng lồ đang say ngủ trong mỗi con nguời. Khi gã khổng lồ đó thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra.”, nâng bước con người đi qua những giông tố của biển đời mênh mông để đặt chân tới đỉnh cao của thành công, danh vọng và niềm hạnh phúc.”
HS cũng cần phải luôn luôn ghi nhớ yêu cầu của mở bài:
– Ngắn gọn, súc tích: Không ít học sinh vì muốn tạo được ấn tượng từ đầu mà đã tốn rất nhiều thời gian vào phần mở bài. Đây là một lỗi cần phải khắc phục vì mở bài NLXH yêu cầu cao sự cô đọng, súc tích bởi nếu quá chú trọng sẽ mất thời gian và nếu quá dài sẽ khiến bị mất ý hoặc lặp ý trong phần thân bài.
– Đầy đủ: Dù mang tính gợi mở nhưng một mở bài đúng là một mở bài phải nêu ra được yêu cầu của đề một cách rõ ràng, chính xác.
– Độc đáo: Phần mở bài phải gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu hoặc có những liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Đặc biệt với học sinh giỏi bài viết NLXH yêu cầu cao tính sáng tạo, để gây ấn tượng với người đọc về “chất riêng” của người viết.
– Tự nhiên: Một mở bài hay không đồng nghĩa với sự phức tạp cầu kì. Đa số mở bài gây được cảm tình thường là những mở bài mang tính tự nhiên, gợi mở, gần gũi tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc. Do đó, phần mở bài cũng chỉ nên dùng các ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Bởi điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
– Tránh lạc đề: Nếu xác định vấn đề sai dẫn đến việc lạc đề ngay ở mở bài sẽ là một “điểm trừ” lớn, toàn bài có thể không trúng trọng tâm và mất đi cảm tình của người chấm. Bởi vậy một yêu cầu vô cùng quan trọng đó là phải đọc kĩ yêu cầu đề, xác định vấn đề và hướng triển khai một cách rõ ràng.
Khi kết bài học sinh cần thể hiện đúng quan điểm mà bản thân đã trình bày ở phần thân bài. Tùy mục đích nghị luận, người viết có thể sử dụng một trong các cách kết bài sau đây:
– Cách 1: Kết bài mang tính tóm lược, khái quát lại những vấn đề đã nêu ra ở thân bài.
Đề bài: Có ý kiến cho rằng: Sống là một cuộc vượt thoát khỏi những định kiến. Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
Bài làm:
“Như vậy,“Sống là cuộc vượt thoát khỏi những định kiến”. Tất cả đều phụ thuộc vào cá nhân có ý thức vượt qua cách trở ấy của loài người. Và tôi luôn tin rằng nếu cố gắng mình có thể khẳng định được nét đẹp phẩm chất người bên trong tâm hồn. Một hình xăm không nói lên điều gì cả, định kiến không thể chiến thắng vẻ đẹp vốn có bên trong con người bạn…”
(Trích bài làm của học sinh)
– Cách 2: Mở rộng và phát triển vấn đề theo chiều hướng mới hoặc rộng hơn.
Đề bài: Nhà văn Đoàn Minh Phượng có lần nảy ra ý tưởng về một bộ phim ngắn với nội dung như sau: “Có một đám dân làng kia được thầy pháp của họ dạy cho bí quyết để không bao giờ còn phải gặp đau khổ phải phiền lụy, không có gì để phải xót thương. Ông dạy họ làm những hình nhân bằng giấy, mỗi hình nhân nhận lấy một khoảng lịch sử, một câu chuyện, một số phận, mỗi hình nhân trở thành một số phận của mình và sau một thời gian khi số phận đó được sống đủ, người ta đem những hình nhân ấy đi nhấn chìm dưới sông, hay bất cứ một con mương con lạch nào đó tình cờ chảy ngang nơi họ sống. Các hình nhân ấy nhận lấy tất cả các buồn phiền và xao động thay cho dân làng.
Dân làng bắc ghế ngồi cạnh nhau nhìn ngắm các hình nhân đại diện đi qua các thứ số phận nhỏ lớn trước khi chìm vào những dòng nước.
Những hình nhân bằng giấy càng về cuối phim càng giống người, và ngược lại. Ở cuối phim ta thấy các hình nhân bằng giấy ngồi nhìn đám người vật vã trong số phận và cuối cùng bị nhấn chìm trong nước”.
Anh chị cảm nhận được điều gì từ ý tưởng của nhà văn Đoàn Minh Phượng?Hãy trình bày những suy nghĩ của mình bằng một bài văn ngắn.
Bài làm:
“Thay vì kết thúc bằng cách nhắc lại những gì đã phân tích trên, tôi muốn mở rộng thêm vấn đề theo một hướng mới. Bởi đôi khi, để cho người khác thấy mình thực hiện một công việc, một trách nhiệm nào đó không phải lúc nào cũng là sai trái. Chỉ là con người có điểm mạnh, điểm yếu, và chúng ta cần có nhau để tồn tại, để sống. Thế nên điều quan trọng chúng ta cần nghĩ tiếp là mỗi con người cần tìm ra ranh giới giữa việc tìm đến sự giúp đỡ và tự tạo con đường dẫn đến hủy diệt chính mình”.
(Trích bài làm của học sinh)
– Cách 3: Vận dụng, nêu phương hướng, bài học phát huy hay khắc phục vấn đề nêu ở thân bài.
Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của nhà chính trị Mĩ Fran.KA.Clark đã nói: “Ai cũng muốn làm những điều gì đó lớn lao nhưng không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều nhỏ nhất.”
Bài làm:
“Có thể nói, cuộc sống của ta là muôn vàn những điều nhỏ nhặt thú vị. Chính vì vậy, mỗi người hãy sống chậm lại, hãy cảm nhận những giá trị cao đẹp của những điều nhỏ để góp phần vun đắp lên cái lớn lao, xây dựng được những thành công của riêng mình bằng cách ngay bây giờ hãy tập bắt đầu mọi việc bằng những việc nhỏ nhất.
(Trích bài làm của học sinh)
– Cách 4: Mượn lời những câu nói, nhận định có uy tín hay những câu chuyện mang tính chất tương đồng để thay cho lời kết luận của người viết.
Đề bài: Vì mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất…
Bài làm:
“Nguyên Tổng thống Mĩ Barack Obama từng nói: “Thay đổi sẽ không đến nếu ta trông chờ người khác hay chờ thời điểm khác. Ta chính là người ta chờ đợi, là khoảnh khắc ta cần đến”. Vì mọi khoảnh khắc đều là duy nhất nên sống ra sao, ghi lại được dấu ấn, ý nghĩa gì đều phụ thuộc ở bản thân mỗi chúng ta. Có thể ngay sau khoảnh khắc này, tôi và bạn đã khác….”
(Trích bài làm của học sinh)
4.3 Khắc phục lỗi về đoạn văn, câu văn, ngôn ngữ.
– Để tránh lỗi viết đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn, trước tiên học sinh cần hiểu cấu trúc của một đoạn văn và cách viết một đoạn văn hoàn chỉnh, Có nhiều phương pháp viết đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng – phân – hợp (trong đó phương pháp sử dụng phổ biến là diễn dịch, quy nạp… tổng – phân – hợp là phương pháp đòi hỏi ở người viết phải thật “khéo” để diễn ý “trùng nhưng không lặp”; có nghĩa là diễn tả một nội dung nhưng theo cách nói khác nhau. Một đoạn văn hoàn chỉnh sẽ diễn tả trọn vẹn một ý. Bài viết phải được chia thành những luận điểm. Và mỗi luận cứ của luận điểm đó, học sinh có thể trình bày thành một đoạn văn theo một trong các phương pháp trên. Khi bài viết được chia thành đoạn, mỗi đoạn diễn tả một nội dung trọn vẹn, chắc chắn bài viết của học sinh sẽ ghi điểm trong mắt người đọc, người chấm.
– Đối với các lỗi về ngữ pháp, chính tả, học sinh cần tự mình trau dồi, nâng cao vốn từ vựng tiếng Việt, nắm rõ cách sử dụng ngữ pháp để tránh những lỗi sai đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng cần hiểu thấu nghĩa của từ để sử dụng chính xác, hợp lí.
– Giáo viên phải giao bài thường xuyên cho học sinh và yêu cầu các em viết bài nhiều. Khi học sinh viết xong, giáo viên cần chấm kĩ và sửa lỗi, chỉ ra những điểm đã được và chưa được yêu cầu học sinh phát huy và khắc phục, tránh viết nhận xét chung chung. Giáo viên cần dành thời gian và tâm huyết cho việc này.
Việc chữa lỗi cho HS thường được tiến hành thường xuyên và đồng bộ, không thể nay chữa ý mai chữa diễn đạt. Kết quả về sự chuyển biến tiến bộ của HS cần được theo dõi sát sao qua các bài viết liền kề. Đôi khi HS cần viết lại chính bài viết, đề bài mình đã được sửa chữa để rèn kỹ năng. Sau đây là một ví dụ về việc HS chữa lỗi sau khi viết bài. Với đề bài dưới đây, ban đầu, HS không xác định được luận điểm trung tâm mà loay hoay viết về định kiến của bản thân, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, bài viết thiếu chất văn, dưới đây là bài viết sau khi HS được chữa lỗi: