Cách thức đọc hiểu một văn bản thơ dễ dàng mà hiệu quả

Cách thức đọc hiểu một văn bản thơ dễ dàng mà hiệu quả

1. Tìm hiểu bố cục văn bản thơ:

Trước khi tiến hành đọc hiểu một văn bản thơ, cần đọc kĩ nhan đề, nắm bắt nội dung cơ bản của các khổ thơ. Từ đó, có thể xác định các đoạn thơ và ý chính của từng đoạn. Đặc biệt, đối với những bài thơ dài, việc chia tách đoạn và khái quát ý lớn sẽ giúp người đọc nắm được nội dung cơ bản cũng như mạch cảm xúc của toàn bài.

Ví dụ:

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có thể chia tách thành ba đoạn: đoạn 1 (hai khổ thơ đầu) – giãi bày, thổ lộ khát vọng tình yêu táo bạo, mãnh liệt; đoạn 2 (năm khổ thơ tiếp) – khám phá, thể hiện những cung bậc cảm xúc phong phú, phức tạp của trái tim tình yêu; đoạn 3 (hai khổ thơ cuối) – giấc mơ về một tình yêu bất tử…

Ở bài thơ Việt Bắc của Tó Hữu với độ dài lớn, hình tượng vận động đa chiều, phức tạp nên bố cục chia làm nhiều phàn hơn:

– Tám câu đầu: những phút giây đầu tiên của buổi chia tay đầy bâng khuâng, lưu luyến giữa kẻ ở người đi.

– Mười hai câu tiếp: gợi lại những kỉ niệm chiến khu gian khổ mà nghĩa tình:Từ câu 25 đến câu 42: Nỗi nhớ những kỉ niệm sinh hoạt nghèo khổ mà ấm áp nghĩa tình.

– Từ câu 43 đến câu 52: bức tranh tứ bình về thiên nhiên, con người Việt Bắc.

– Từ câu 53 đến câu 83: khung cảnh Việt Bắc kháng chiến, lập nhiều chiến công, vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến.

2. Lựa chọn, khai thác hệ thống từ ngữ, hình ảnh, trạng thái cảm xúc:

Khi phân tích hoặc trình bày cảm nhận về tác phẩm thơ, để tránh lối diễn xuôi, suy diễn, cần biết nắm bắt, khai thác những nét đặc sắc nghệ thuật được tác giả sáng tạo để biểu đạt cảm xúc, tâm trạng. Người phân tích có thể là những từ ngữ độc đáo, các hình ảnh nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, tượng trưng; là cấu trúc đặc biệt của câu thơ, cách ngắt nhịp, tứ thơ…

Ví dụ:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông mã gầm lên khúc độc hành.

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Khi phân tích khổ thơ rên, cần khai thái được các yếu tố như: sự tương phản giữa không gian núi rừng dằng dặc xa vắng, quạnh hiu (biên cương, viễn xứ…) với hình ảnh nấm mộ lẻ loi, thưa thớt (rải rác…); tư thế hiên ngang và lí tưởng sống cao cả: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”; hình ảnh cái chết nhẹ nhàng mà hùng tráng, giọng điệu khỏe khoắn, bi hùng… để làm nổi bật vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến.

Hoặc sử dụng phối hợp các thao tác phân tích, bình giảng, so sánh, đối chiếu, liên tưởng… để vừa khai thác sâu vừa mở rộng ý nghĩa và nêu bật được sáng tạo độc đáo của nhà thơ.

Ví dụ:

Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Hình tượng sóng trong những câu thơ của Xuân Quỳnh in đậm dấu ấn riêng của một trái tim phụ nữ yêu thương chân thành, mãnh liệt nên trăn trở, thao thức khôn nguôi. Nó thống nhất với vẻ đẹp nữ tính của thơ tình Xuân Quỳnh – yêu thương tha thiết gắn liền với khắc khoải, âu lo “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?” (Hoa cỏ may); “Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh” (Mùa hoa rơi); “Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?” (Thuyền và biển)… Nó khác biệt hẳn với những con sóng nồng nàn, mê đắm trong thơ Xuân Diệu: “Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi!” (Biển)…

3. Khái quát giá trị tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật văn bản thơ:

Đọc hiểu nội dung một bài thơ trữ tình là hiểu một bức tranh tâm trạng, tiếp xúc trực tiếp với tâm hồn của một con người trong những khoảnh khắc rung động mãnh liệt, sâu sắc. Vì thế, có thể tìm thấy trong đó những chân lí phổ biến nhất của cuộc sống: tình yêu, nỗi đau, ước mơ, hạnh phúc, lí tưởng, sự sống, cái chết… Cấn phải khái quát được giá trị của những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm.

Đóng góp của tác phẩm văn học nói chung và thơ trữ tình nói riêng không chỉ là “nói điều gì” mà chủ yếu là “nói như thế nào”. Cho nên, cần khái quát được những đóng góp đặc sắc về mặt nghệ thuật của tác giả. Có thể xem xét ở các phương diện cơ bản như sau: sáng tạo hệ thống ngôn từ, hình ảnh; cách thức biểu đạt dòng cảm hứng trữ tình; hình thành giọng điệu; những cách tân về thể loại… Từ đó, thấy được cái nhìn mới mẻ, độc đáo về thế giới mà nhà thơ mang đến qua tác phẩm của mình.

Ví dụ:

Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu vừa mang đến một triết lí sống hiện đại, sâu sắc vừa kết tinh những cách tân nghệ thuật độc đáo của Xuân Diệu. Đó là sống với một “tốc độ” gấp gáp, vội vã để chạy đua với thời gian: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”; “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”; sống với mức độ sâu sắc, mãnh liệt để tận hưởng từng giây phút, từng vẻ đẹp nơi cõi đời trần thế “Ta muốn ôm…”, “Ta muốn riết…”, “Ta muốn say…”,” Ta muốn thâu…”…

Tác giả Vội vàng cũng sáng tạo những từ ngữ, hình ảnh mới lạ chưa từng thấy trong thơ truyền thống: “Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”; “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”; “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!…”; cấu trúc dòng thơ, câu thơ và cách ngắt nhịp, gieo vần linh hoạt, phóng khoáng; giọng điệu phong phú…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang