cam-nghi-ve-bai-ca-dao-cong-cha-nhu-nui-thai-son

Cảm nghĩ về bài ca dao: Công cha như núi Thái Sơn

Cảm nghĩ về bài ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn”

  • Mở bài:

Kho tàng ca dao tục ngữ của nước ta vô cùng phong phú. Nó phản ánh tâm tư tình cảm của người dân trong cuộc sống lao động hàng ngày. Đồng thời thể hiện mối quan hệ tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý. Nhắc nhở con người phải biết tôn quý công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ca dao có câu:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

  • Thân bài:

Công cha nghĩa mẹ là những điều khắc cốt ghi tâm của phận làm con đối với cha mẹ mình. Bởi công ơn của cha mẹ như trời biển, không gì có thể sánh được. Công ơn sinh thành dưỡng dục, cho chúng ta làm người thì phận làm con chúng ta phải báo hiếu, biết ơn cha mẹ đó mới là phải đạo.

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Hai câu ca dao ví von công lao to lớn của người cha cao tựa như núi Thái Sơn một ngọn núi hùng vĩ, sừng sững ở Miền Bắc nước ta. Một trong những ngọn núi hoang sơ lâu đời có truyền thống lâu năm. Điều này thể hiện cho sự biết ơn, tôn kính của người con với cha mẹ với công lao như trời biển của cha mẹ dành cho con cái.

“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” tình mẹ là cái gì đó ngọt ngào ấm áp vô cùng. Nó tựa như dòng suối mát trong, những dòng sữa ngọt ngào dịu dàng mẹ dành cho con từ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành. Tình mẹ là vô bờ bến, nó chảy hoài chảy mãi như nước trong nguồn không có điểm kết thúc.

Chúng ta dù con cái có lớn khôn, hay có trưởng thành thì tình mẹ vẫn theo chúng ta cho tới khi chúng ta già tóc đã đổi màu mẹ vẫn còn lo lắng cho con. Tình mẹ không bao giờ có giới hạn. Nỗi lo lắng của người mẹ dành cho con mình thì chỉ khi đã nhắm mắt xuôi tay cũng không hết.

“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Trước những công ơn to lớn như trời biển của mẹ cha dành cho mình, thì đạo làm con cần phải coi trọng chữ hiếu nghĩa. Phải biết nghe lời cha mẹ, đền đáp công ơn cha mẹ của mình.

Lúc nhỏ thì học hành chăm chỉ, giúp đỡ cha mẹ những việc nhà phù hợp sức lực. Khi cha mẹ già yếu, không còn sức lao động thì hay chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ như khi chúng ta còn nhỏ cha mẹ đã chăm sóc ta. Đó chính là truyền thống ngàn đời mà cha ông ta muốn răn dạy con cháu mai sau phải khắc cốt ghi tâm công lao cho mẹ. Và phải báo hiếu đền ơn cha mẹ mình cho thật xứng đáng.

Bài ca dao có ý khuyên nhủ con người ta phải sống đúng đạo đức làm người, biết ghi nhớ công ơn của cha mẹ, phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ khi về già.

  • Kết bài:

Với ngôn ngữ bình dị, cô đúc; nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp; giọng điêu thiết tha, bài ca dao đã gắn liền với con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Nó có sức sống vô cùng mãnh liệt mà ai sinh ra cũng đều biết đều thuộc lòng bởi rất dễ đọc, dễ nhớ và có giá trị nhân văn sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang