Cảm nghĩa về vầng trăng trong quá khứ qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ qua bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

  • Mở bài:

Một thành công lớn của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng đó là đã xây dựng hình tượng ánh trăng từ một đề tài khá cũ kĩ và đã hết đất để dụng công nghệ thuật, thế mà ông vẫn làm nên những điều mới mẻ đến bất ngờ. Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ chứa đựng tâm tư của cả một thời đại khiến chúng ta không ngừng suy nghĩ.

  • Thân bài:

Trước hết, đó là hình ảnh vầng trăng tình nghĩa, hiền hậu, bình dị gắn liền với kỷ niệm một thời nhà thơ hằng gắn bó. Ánh trăng gần với những kỷ niệm trong sáng thời thơ ấu tại làng quê.

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển”.

Thời gian là “hồi nhỏ”. Không gian là những “đồng, sông, bể” gợi về một vùng không gian quen thuộc của tuổi ấu thơ, có những lúc sung sướng đến hả hê được chan hoà, ngụp lặn trong cái mát lành của quê hương như dòng sữa ngọt. Cuộc sống tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng con người được gắn bó, gần gũi và hoà hợp với thiên nhiên. Trăng khi đó là trò chơi của tuổi thơ cùng với những ước mơ trong sáng. Con người khi đó sống giản dị, thanh cao, chân thật trong sự hòa hợp với thiên nhiên “trần trụi”, “hồn nhiên”. Điệp từ ”với” như gắn kết ý thơ nhưng cũng là gắn kết con người với thiên nhiên, với vũ trụ, với vầng trăng tình nghĩa,

Cuộc sống hồn nhiên, không chen lấn giành giật với đời, không nghi kị xảo trá mà tự nhiên, chan hòa với mọi người mọi vật. Vầng trăng của ngày ấy thật tự nhiên, không giấu, không che đậy, gần gũi hoang sơ như dáng vóc mộc mạc của con người, tỏa sáng vằng vặc. Thời gian dần qua, con người lớn lên và tham gia chiến đấu. Ánh trăng theo người lính ra chiến trường:

hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ”

Trăng khi đó là ánh trăng trong đêm tối chiến tranh, là người bạn thân thiết của người lính trong gian lao của cuộc kháng chiến. Bằng nghệ thuật nhân hoá, Nguyễn Duy đã gợi về trong lòng người đọc cả một ký ức tuổi thơ, một tình bạn cao đẹp, thuần khiết, vô tư, không vụ lợi. Nhân vật trữ tình gắn bó với trăng trong những năm dài kháng chiến đằng đẵng. Qua bao năm tháng chiến đấu, trăng vẫn tròn đầy, tình nghĩa, thuỷ chung.

Như vậy, trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuốc sống bình di, vô tư, hồn nhiên và khẳng định tình cảm gắn bó bền chặt của con người với vầng trăng nghĩa tình, thủy chung. Hơn cả một sự chân thành, đó là lời thề trọn đời gắn bó, không bao giờ đổi thay.

Trăng là người bạn sẵn sàng chia sẻ mọi vui buồn. Trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu. Trăng đồng hành cùng con người  trên mỗi bước đường gian lao. Trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của ký ức chan hoà tình nghĩa…

  • Kết bài:

Ở đây vầng trăng được nhân hoá trở thành người bạn tri kỷ với con người. Với sự gắn bó tình nghĩa ấy, nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu trước sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ. Ý thơ lay động tâm hồn, thức tỉnh lương tâm những kẻ vô tình, gợi nhắc về cái “vầng trăng tình nghĩa”, về biểu tượng đẹp của một thời quá khứ hào hùng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang