Cảm nhận 24 câu thơ đầu đoạn thơ Việt Bắc (trích Việt Bắc của Tố Hữu)
- Mở bài:
Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu, cũng là một trong những thành công xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm được coi là khúc hùng ca và bản tình ca về cách mạng, cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. 24 câu thơ đầu đoạn trích Việt Bắc miêu tả cảnh chia tay giữa “mình” và “ta”, giữa nhân dân Việt bắc và người cán bộ về xuôi. Qua cuộc chia tay thắm đượm nghĩa tình của nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng, nhà thơ đã thể hiện nghĩa tình thắm thiết với Việt Bắc – quê hương cách mạng, với đất nước và nhân dân, với cuộc kháng chiến nay đã trở thành kỷ niệm khiến niềm vui trong hiện tại luôn gắn kết với nghĩa tình trong quá khứ và niềm tin ở tương lai.
- Thân bài:
Đoạn thơ trích nằm ở phần đầu bài thơ Việt Bắc, chủ yếu thể hiện nỗi niềm tâm trạng của người ở lại trong sự thấu hiểu, đồng cảm, đồng vọng của người ra đi, qua đó khẳng định tình cảm son sắt của người dân Việt Bắc với kháng chiến cũng như sự thủy chung của những người cán bộ kháng chiến với Việt Bắc. Mở đầu đoạn thơ là khúc dạo đầu ân tình thủy chung và niềm nhớ thương đầy trăn trở của người ở lại với người ra đi:
– Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
“Mình” và “ta” là những đại từ nhân xưng quen thuộc trong ca dao xưa, là lối xưng hô bình dị, thương mến vô cùng của tình yêu đôi lứa. Hai câu hỏi trong đoạn mở đầu đã gợi nhắc tới những câu ca dao nói về cảnh chia tay bịn rịn, nhớ nhung của đôi lứa:
“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
Hoặc:
“Mình về ta dặn câu này
Dặn dăm câu nhớ, dặn vài câu thương”
Tố Hữu đã mượn một hình thức ngôn từ quen thuộc của văn học dân tộc để gửi gắm những nội dung tình cảm lớn lao của thời đại mới, những câu ca ngọt ngào của tình yêu đã trở thành những câu hỏi xao xuyến của nghĩa tình cách mạng, thể hiện nỗi nhớ nhung của người ở lại với người về xuôi.
Hai câu thơ lục bát có tới bốn chữ “mình” và chỉ có một chữ “ta”. Tương quan ngôn từ ấy đem lại cảm giác hình ảnh người ra đi tràn ngập không gian và đầy ắp trong nỗi nhớ của người ở lại đồng thời cũng gợi một chút đơn côi, lặng thầm cho người ở lại nơi núi rừng hoang vắng, hắt hiu…
Đoạn thơ đã sử dụng phép lặp quen thuộc trong ca dao khiến nỗi nhớ trở nên miên man da diết không thể nguôi ngoai, cũng đồng thời tạo nên âm hưởng day dứt, trăn trở, thể hiện một trong những cảm hứng chủ đạo của bài: liệu những người chiến thắng có giữ được tấm lòng thủy chung, có mãi nhớ tất cả những người đã góp phần tạo nên chiến thắng.
Câu hỏi thứ nhất hướng về thời gian, đó là “mười lăm năm ấy…”. Trong tiếng Việt, đại từ “ấy” luôn khiến những danh từ chỉ thời gian đứng trước nó bị đẩy về một quá khứ thật xa xăm, trở thành những thời gian gợi nỗi nhớ thương, ngậm ngùi, tiếc nuối… Câu thơ cũng đồng thời gợi liên tưởng đến câu Kiều đằm thắm về: “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”. Còn trong câu thơ của Việt Bắc, “mười lăm năm ấy” là những thời gian từ “… khi thắng Nhật, thuở Việt minh” và sau đó là những năm tháng kháng chiến, là những thời gian Việt Bắc trở thành căn cứ địa của Cách mạng, trở thành thủ đô kháng chiến
Đó cũng là những thời gian “thiết tha mặn nồng”, là thời gian mà “ta” và “mình” từng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với “biết bao nhiêu tình”, biết bao ân sâu nghĩa nặng. Nếu câu hỏi thứ nhất “mình về mình có nhớ ta” làm xao xuyến lòng người bởi sự phảng phất giọng điệu những câu ca về tình yêu, thì câu hỏi thứ hai “mình về mình có nhớ không” lại khiến con người phải trăn trở, suy ngẫm vì sự tha thiết và nghiêm nghị trong giọng điệu câu thơ. Câu hỏi này hướng đến không gian: “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
Hai vế của câu thơ đan xen những hình ảnh của cả miền xuôi như “cây”, “sông” và miền núi như “núi”, “nguồn”. Nỗi nhớ và sự gắn bó khăng khít trong lòng người như đã hiện hữu ngay trong sự đan xen ngôn từ. “Nhìn cây… nhìn sông” là thực tế chắc chắn trong tương lai khi người kháng chiến đã về xuôi, đã sống với quê hương, với đồng bằng còn “nhớ núi”, “nhớ nguồn” là để tâm hồn trở về với quá khứ, với Việt Bắc, điều này có xảy ra hay không còn tùy thuộc vào sự thủy chung của người ra đi. Câu thơ tiềm ẩn mối tương quan giữa thực tế và mong đợi, như tiềm ẩn một chữ “có” đầy trăn trở: “nhìn cây có nhớ núi, nhìn sông có nhớ nguồn?”
Trong câu hỏi thứ hai, bên cạnh nỗi nhớ nhung và niềm trăn trở, ý thơ còn đem đến những suy ngẫm sâu xa về nghĩa tình đạo lý, về cội nguồn chung thủy, về nét đẹp trong đời sống tư tưởng của một dân tộc luôn nhắc nhau “uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là một lẽ sống cao cả, một tình cảm lớn đã nhiều lần xuất hiện trong thơ Tố Hữu:
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”
Với những câu hỏi tu từ da diết, những hình thức điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, những cách vận dụng tinh tế và sáng tạo ca dao tục ngữ dân gian…, đoạn thơ đầu đã thể hiện ân tình sâu nặng của đồng bào miền Bắc với bộ đội, cán bộ kháng chiến trong giờ phút chia tay đầy lưu luyến.
Bốn câu tiếp miêu tả cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi lưu luyến, nhớ nhung của người đi kẻ ở:
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Câu thơ đầu nhắc tới “tiếng ai tha thiết bên cồn” cho thấy những nhớ nhung xao xuyến, những day dứt trăn trở trong lòng người ở lại gửi gắm trong 4 câu thơ trên đã được người ra đi thấu hiểu cảm nhận. “Ai” chính là người ở lại nhưng tính chất phiếm chỉ trong cụm từ tiếng ai đã đem lại cảm giác những câu hỏi tha thiết trong 4 câu đầu là tiếng của ai đó chưa nhìn rõ mặt, mới chỉ như những âm thanh vọng từ cỏ cây núi rừng, suối sông Việt Bắc, là tiếng lòng của người ở lại, tuy nhiên sự tri âm tri kỷ đã khiến họ thấu hiểu lòng nhau, người ở lại “thiết tha”, người ra đi “tha thiết”, hô ứng, đồng cảm, đồng vọng…
Những âm thanh ấy cứ quấn quýt vương vấn theo từng bước chân khiến người đi: “Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”. Sự đăng đối trong 2 vế câu thơ đã góp phần thể hiện sự đăng đối, đồng điệu trong cảm xúc của con người.
“Bâng khuâng” là từ láy gợi ra những trạng thái cảm xúc mơ hồ khó tả bởi sự đan xen buồn vui, luyến tiếc nhớ nhung…, khiến con người như ngơ ngẩn… “Bồn chồn” là tâm trạng thấp thỏm nôn nao khiến con người không yên. Tuy cũng là từ láy miêu tả trạng thái cảm xúc nhưng “bồn chồn” không dừng lại ở những nỗi niềm trong tâm tưởng mà còn có thể ngoại hiện trong ánh mắt, dáng vẻ hay hành động… Vì thế câu thơ không chỉ thể hiện nỗi bịn rịn nhớ nhung trong lòng mà còn gợi tả cả những bước chân ngập ngừng lưu luyến của người đi.
Sự ngập ngừng được thể hiện rõ nét trong cử chỉ “cầm tay nhau” chứa chan ân tình xúc động; trong sự lặng im vì “biết nói gì hôm nay…”, khi mọi lời nói đều bất lực, đều không thể diễn tả những nỗi niềm đang trào dâng mãnh liệt; sự ngập ngừng đặc biệt hiện ra trong nhịp thơ 3-3-2 bồn chồn, day dứt thay thế cho nhịp chẵn êm đềm thông thường của thể thơ lục bát: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
Trong giờ phút chia ly, nếu “tiếng ai” là những âm thanh mơ hồ vì thực ra nó là tiếng lòng của người ở lại, là tiếng vọng từ trong tâm tưởng, trong cảm nhận của người ra đi thì hình ảnh chiếc “áo chàm” lại cụ thể đến nao lòng:
“Áo chàm đưa buổi phân ly”.
Đây là biểu tượng đơn sơ mà xúc động về những người dân Việt Bắc nghèo khổ, nghĩa tình. Sắc áo chàm có thể nhòa mờ trong khói sương rừng núi nhưng sẽ vĩnh viễn in đậm trong nỗi nhớ thương của người về xuôi. Hình ảnh hoán dụ về chiếc áo chàm vừa gợi ra trang phục đặc trưng của người dân Việt Bắc, vừa khắc họa tính cách mộc mạc và tấm lòng son sắt của họ với cách mạng, với kháng chiến. Câu thơ đã đồng thời cho thấy cả sự xót xa và niềm cảm phục đầy thương mến của những người ra đi với đồng bào Việt Bắc.
Đoạn thơ đã miêu tả giờ phút chia tay giữa những người dân Việt Bắc với bộ đội, cán bộ kháng chiến, từ nỗi bâng khuâng trong tâm trạng, sụ ngập ngừng mỗi bước chân đi, cử chỉ “cầm tay nhau” thân thương trìu mến, cho đến cả sự im lặng không lời xiết bao xúc động… Bốn câu thơ vừa là sự đồng vọng nhớ nhung của người về xuôi với người ở lại, vừa tái hiện sinh động cảnh tiễn đưa bịn rịn, lưu luyến, sâu nặng nghĩa tình trong ngày chiến thắng.
Nếu 2 câu hỏi ở phần đầu mới chỉ gợi ra hình ảnh khái quát của chiến khu “mười lăm năm ấy” thì với những gắn bó thiết tha của chiến khu Việt Bắc với “núi”, với “nguồn” thân thuộc thì những câu hỏi trong đoạn thơ sau đã hướng tới những kỷ niệm thật cụ thể, xúc động:
– Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già?
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son?
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh?
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
Đoạn thơ gồm sáu câu hỏi của người ở lại với người ra đi, những câu hỏi dồn dập, gấp gáp bởi nỗi nhớ trào dâng khi giờ phút chia tay đang đến gần. Sự đắp đổi nhịp nhàng trong các điệp ngữ của câu 6 “mình đi có nhớ… mình về có nhớ…”, sự đắp đổi trong 2 vế của các câu 8, đó là những yếu tố tạo nên nhạc điệu ngân nga, dìu dặt, ngọt ngào cho đoạn thơ. Nhạc điệu trữ tình ấy đã góp phần thể hiện tinh tế nỗi vấn vương, xao xuyến, giăng mắc trong lòng kẻ ở người đi, để qua đó, quá khứ đầy ắp kỷ niệm đã ào ạt trở về.
Trong những lời nhắc nhở tha thiết của người ở lại với người ra đi, Việt Bắc đã hiện lên thật sống động từ những khắc nghiệt của thiên nhiên với “mưa nguồn, suối lũ, lau xám, mây mù…” tới cuộc sống kháng chiến gian khổ thiếu thốn với “miếng cơm chấm muối”, từ những trang sử hào hùng “khi kháng Nhật, thuở Việt minh” tới những sự kiện trọng đại của cách mạng và kháng chiến nơi “Tân Trào, Hồng Thái…”
Những câu hỏi tha thiết của người ở lại đã làm rõ cội nguồn tạo nên sự gắn bó sâu nặng giữa “mình” và “ta”, giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ kháng chiến. Họ đã cùng nhau chia sẻ từ những kham khổ thiếu thốn khi nhương nhau “miếng cơm chấm muối” đến những tâm tư nỗi niềm khi chung nhau “mối thù nặng vai”; họ đã sát cánh bên nhau cùng vào sinh ra tử trong những năm tháng ác liệt hào hùng từ thời mặt trận Việt Minh tới thời kháng chiến chống Pháp. Những chia sẻ trong quá khứ tạo nên sự gắn bó trong hiện tại và nghĩa tình thủy chung trong tương lai. Gian truân vất vả chỉ làm ngời lên vẻ đẹp trong tâm hồn của những người dân Việt Bắc nghèo khổ mà sắt son, trung hậu, nghĩa tình, một lòng với cách mạng và kháng chiến.
Những gắn bó ân tình trong suốt “mười lăm năm ấy” đã làm tăng thêm nỗi nhớ nhung và cảm giác trống vắng cho núi rừng khi chia biệt:
“Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già?”
Câu 6 vẫn mang hình thức của một câu hỏi nhưng không dùng để hỏi người đi mà chỉ để thể hiện nỗi lòng người ở lại. “Rừng núi” là hoán dụ cho người dân Việt Bắc ở lại nơi rùng xanh núi đỏ, “ai” chính là “mình” – người ra đi. Nỗi nhớ và một chút mặc cảm ngậm ngùi được bộc lộ gián tiếp qua cách nói tránh trong cấu trúc câu nghi vấn lại càng thêm xao xuyến. Tính chất phiếm chỉ của đại từ “ai” khiến hình ảnh người đi trở nên xa xôi hơn trong ánh mắt nhớ nhung của những người dân Việt Bắc mộc mạc, chân thành.
Câu 8 gồm hai vế đối xứng nhắc đến “trám bùi” và “măng mai” là những sản vật quen thuộc và quý giá của núi rừng. Phép điệp trong cấu trúc “Trám bùi để rụng, măng mai để già” gợi nên hình ảnh cuộc sống như ngưng trệ sau lưng người đi cùng cảm giác buồn bã, trống trải trong lòng người ở lại. Dường như sau khi người ra đi, trám bùi trên cây không ai hái, rụng xuống đất không ai nhặt, măng mai để già hoang phí giữa rừng sâu.
Sự gắn bó khiến họ thêm hiểu nhau – đó là sự thẩu hiểu, cảm thông đầy tâm trạng:
“Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son?”
Đó là một lời nhắc nhở cảm động với người ra đi: đừng bao giờ quên những con người nghèo khổ mà son sắt kiên trung, một lòng đi theo cách mạng và kháng chiến. Phép tương phản trong hai tiểu đối trong câu 8 đã trở thành những nét phác họa đặc trưng nhất cho cuộc sống và con người Việt Bắc. “Hắt hiu lau xám” vừa là hình ảnh thực gợi tả không gian hoang vắng tiêu sơ, buồn bã của núi rừng, vừa là ẩn dụ cho cuộc sống nghèo khổ của người dân Việt Bắc. “Nhà” là hoán dụ cho con người, “đậm đà lòng son” là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi những tấm lòng trung hậu, nghĩa tình của người dân Việt Bắc nghèo khổ. Và có lẽ chính màu lau xám hắt hiu của rừng núi lại càng làm đậm thêm những tấm lòng son sắt thủy chung.
Câu thơ “mình đi, mình có nhớ mình” có nhiều cách hiểu căn cứ vào những nét nghĩa khác nhau của từ “mình” thứ ba ở cuối câu thơ. Có thể hiểu “mình” là “ta” – người ở lại, khi ấy câu hỏi sẽ xao xuyến một nỗi nhớ nhung, day dứt một niềm trăn trở: mình đi, mình có còn nhớ đến ta không – đây cũng là nỗi niềm da diết trong suốt bài thơ. Cách hiểu này cho thấy sự hòa nhập, gắn kết thật đằm thắm giữa “ta” và “mình”, người đi và kẻ ở, tuy hai mà một, không thể chia xa, tách rời.
Lại cũng có thể hiểu “mình” là người ra đi, Và khi ấy, câu hỏi sẽ trở thành lời nhắc nhở tha thiết, sâu xa và nghiêm nghị: “mình” đi, “mình” có nhớ và giữ được mãi là con người mình của “mười lăm năm ấy” – con người “ta” yêu mến, trân trọng, nhớ thương; có mãi còn là con người bất khuất, nghĩa tình đã sát cánh bên “ta” trong kháng chiến, đã cùng “ta” chia ngọt sẻ bùi trong quá khứ? Đây cũng có thể coi là lời nhắc: đừng đánh mất chính con người mình trong cuộc sống phồn hoa đô hội, đừng bao giờ quên “mảnh trăng giữa rừng”, đừng bao giờ quên những năm tháng kháng chiến gian khổ hào hùng, khi trở về với cuộc sống hòa bình! (Liên hệ ánh trăng của Nguyễn Duy).
Câu thơ “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa” đã thể hiện được những tầng ý nghĩa sâu sắc. Mái đình Hồng Thái và Cây đa Tân Trào đã được tách ra trong hai vế của câu thơ: Tân Trào, Hồng Thái là những địa danh lịch sử trong đó đình Hồng Thái là nơi họp Quốc dân Đại hội tháng 8 năm 1945, thành lập Ủy ban dân tộc giải phòng và phát động lệnh tổng khởi nghĩa; bên gốc cây đa Tân Trào, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã làm lễ xuất phát chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa; vế thứ hai của câu thơ là “mái đình, cây đa” – những hình ảnh bình dị, quen thuộc và xưa cũ vô cùng của làng quê Việt Nam, là nơi tụ họp hẹn hò, là không gian gần gũi thân yêu với cả cộng đồng và đôi lứa.
Hai tiểu đối trong câu thơ đã thể hiện sự gắn bó sâu sắc của người dân với cách mạng và kháng chiến: Khi Việt Bắc trở thành quê hương cách mạng, khi người dân Việt Bắc một lòng đi theo cách mạng thì những sự kiện lớn lao của cách mạng sẽ trở thành sự quan tâm thiêng liêng, thành những tâm tư sâu nặng trong lòng người; những địa danh lịch sử cũng trở nên gần gũi như cây đa, bến nước, con đò… tình cảm của nhân dân với người kháng chiến cũng trở nên thân yêu như tình làng nghĩa xóm hay tình yêu đôi lứa.
Có thể nhận ra ngôn ngữ giao đối trong đoạn thơ đầu khi sau những câu hỏi trăn trở của người ở lại là những đồng vọng xao xuyến của người ra đi. Và bây giờ, sau 6 câu hỏi băn khoăn, nhớ nhung của người dân Việt Bắc, 4 câu thơ cuối tiếp tục là sự khẳng định nỗi nhớ thủy chung son sắt của người ra di khi từ biệt quê hương cách mạng về xuôi:
– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Câu thơ đầu gồm 2 tiểu đối trong đó sử dụng phép lặp đan xen giữa “ta” – “mình” cùng từ “với” kết nối: “Ta với mình, mình với ta”. Kết cấu ngôn ngữ đặc sắc ấy đã gợi tả sự quấn quýt, giao hòa, gắn kết giữa người đi, kẻ ở, khăng khít không thể tách rời. Sau câu thơ thể hiện sự gắn bó thân thiết giữa “mình” và “ta” là một lời khẳng định sắt son: “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”.
Nghĩa tiếng Hán của cụm từ “sau trước” chính là “chung thủy” – sống có trước có sau, thủy chung như nhất là đạo lý truyền thống của người Việt Nam từ bao đời nay. Sau trước còn gợi một khoảng thời gian dài từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai, “thức lâu mới biết đêm dài…”, thời gian khiến con người thêm hiểu lòng nhau. Khi đã có những năm tháng gắn bó trong quá khứ, những khó khăn gian khổ cùng nhau chung vai gánh vác, những tâm tình cùng nhau chia sẻ đã khiến tình cảm giữa họ thêm “mặn mà”, sâu nặng; “đinh ninh” là chắc chắc, là không đổi, không quên – tình cảm đã “mặn mà” trong quá khứ sẽ mãi bền chặt theo thời gian không bao giờ nhạt phai, thay đổi.
Hai câu cuối như một lời thề chung thủy:
“Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”.
Nếu người ở lại đã băn khoăn, trăn trở trong 1 câu hỏi hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa: “Mình đi mình có nhớ mình” thì người ra đi cũng trả lời trong một sụ hô ứng, đồng cảm, đồng vọng: “Mình đi mình lại nhớ mình”. Vẫn là cách sử dụng đại từ “mình” ở cuối câu thơ với những tầng ý nghĩa sâu sắc: nếu hiểu “mình” là người ở lại, câu trả lời của người đi thể hiện nỗi nhớ nhung tha thiết của những con người có sự gắn bó hòa nhập sâu sắc; còn nếu hiểu “mình” là người ra đi, câu trả lời sẽ là lời khẳng định: ánh đèn thành phố và cuộc sống hòa bình sẽ không bao giờ có thể khiến người trở về quên “vầng trăng tình nghĩa”, quên “mảnh trăng giữa rừng”, quên quá khứ đẹp đẽ, nghĩa tình, càng không bao giờ đánh mất chính mình, không bao giờ phụ tình yêu thương của Việt Bắc.
Câu 8 xuất hiện một hình ảnh so sánh phảng phất phong vị ca dao “nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”. Hình ảnh này trước hết đã nhấn mạnh mức độ của nỗi nhớ và nghĩa tình thủy chung” nỗi nhớ vốn là một khái niệm trừu tượng nay được cụ thể hóa và hiện hữu như nước trong nguồn đầy ắp, lặng thẩm và vô tận; sau nữa, hình ảnh “nước trong nguồn” còn gợi những suy ngẫm sâu xa về nguồn cội, về đạo lý thủy chung “uống nước nhớ nguồn”. Hình ảnh so sánh trong câu thơ còn như thầm đáp lại sự trăn trở của Việt Bắc:
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
- Kết bài:
Đoạn thơ lục bát mang âm hưởng ngọt ngào của ca dao đã ghi lại những lời giao đối, những câu hỏi da diết, những tiếng vọng thủy chung của người đi kẻ ở trong một cuộc chia tay đầy lưu luyến. Đoạn thơ đã thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật: từ lẽ sống và tình cảm lớn lao đến giọng điệu tâm tình ngọt ngào, từ những bút pháp nghệ thuật đậm đà tính dân tộc cho đến những thi liệu, thi tứ phảng phất âm hưởng của ca dao dân ca… Qua đó, nhà thơ đã khẳng định tình cảm son sắt của người dân Việt Bắc với cách mạng cũng như tình cảm thủy chung của người kháng chiến với mảnh đất và con người Việt Bắc, với những năm tháng kháng chiến hào hùng, oanh liệt và sâu nặng nghĩa tình.