Cảm nhận bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn

cam-nhan-bai-tho-con-chao-mao-cua-mai-van-phan

Cảm nhận bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn.

I. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả Mai Văn Phấn, bài thơ “Con chào mào”:

+ Mai Văn Phấn là nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đương đại. Ở Việt Nam, Mai Văn Phấn đã xuất bản 16 cuốn thơ và một cuốn sách, phê bình – tiểu luận; 29 cuốn thơ xuất bản ở nước ngoài. Thơ của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng; xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế.

+ Bài thơ “Con chào mào” in trong tập “Bầu trời không mái che”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, (2010). Tác phẩm là tiếng lòng yêu thiên nhiên cùng khao khát tự do của tác giả.

II. Thân bài:

1. Hình ảnh con chào mào trong thực tế:

– Vị trí: trên cây cao chót vót

– Màu sắc: đốm trắng, mũ đỏ

– Âm thanh: tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”

→ Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc.

2. Hình ảnh con chào mào trong suy nghĩ:

– Xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi”.

– Hành động: vẽ chiếc lồng chim vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên.

– Cuộc rượt đuổi giữa hai nhân vật:

+ Nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi.

+ Tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây: ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn.

+ Hối hả đuổi theo: nhanh chóng, gấp gáp và lo sợ

→ Khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn.

3. Hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng:

– Không gian: vô tăm tích, không biết là ở đâu

– Hành động: nghĩ

– Những hoạt động của chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn.

“Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”: Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫncó thể cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.

III. Kết bài:

– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Con chào mào”.

+ Bài thơ khắc họa hình ảnh con chim chào mào với bút pháp tả thực ngập tràn màu sắc và âm thanh. Đồng thời thấy được sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, tình yêu dành cho thiên nhiên của nhân vật “tôi” khi hiểu rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.

+ Bài thơ sáng tác theo thể thơ tự do. “Con chào mào” là một bài thơ ngắn gọn mà đặc sắc của tác giả Mai Văn Phấn khi viết về thiên nhiên. Cả bài thơ nổi bật với hình ảnh đẹp đẽ của chú chim chào mào trong tự nhiên.


Bài băn tham khảo:

  • Mở bài:

Mai Văn Phấn được xem là gương mặt thơ ca tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại. Với những cách tân mạnh mẽ, Mai Văn Phấn từng bước đưa nền văn học Việt nam đến với thế giới và được đón nhận nồng hậu. Bài thơ “Con chào mào” được in trong tập “Bầu trời không mái che” (2010). Tác phẩm là tiếng lòng yêu thiên nhiên thiết tha cùng khao khát tự do của tác giả.

  • Thân bài:

Trước hết, nhan đề bài thơ “Con chào mào” giúp cho người đọc nhận biết được nhân vật trung tâm của bài thơ là con chim chào mào. Bài thơ miêu tả con chào mào của tự nhiên, con chào mào trong ý nghĩ, con chào mào trong tâm hồn.

Mở đầu bài thơ, thi sĩ khắc họa hình tượng con chim chào mào với lối đặc tả gần, khá kĩ:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…

Chỉ bằng vài nét vẽ, hình ảnh chú chim chào mào hiện lên vô cùng chân thực, người đọc như đang được nhìn ngắm hình tướng của nó trong một cự li gần nhất. Trước mắt người đọc là hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh.

Câu thơ thứ ba của khổ thơ này vang lên như một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Mỗi lần đọc câu thơ ta như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kì vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Ba câu thơ đầu tạo một bức tranh tràn đầy âm thanh, ánh sáng. Với hình ảnh thơ chân thực, sống động, ngôn từ cô đọng, hàm súc (bút pháp tả thực), nhà thơ phác họa hình tượng chào mào tuyệt đẹp, là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, sống động đến vô cùng.

Khi nhìn thấy hình ảnh con chim chào mào, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ ra sao ? Từ khổ thơ thứ hai mở ra những suy nghĩ của nhà thơ trong không gian tâm tưởng:

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo.

Bất chợt, khi nhìn thấy con chim, cùng là lúc trong tâm hồn thơ Mai Văn Phấn có những khoảnh khắc ý nghĩ rất đời thường mà cũng rất thơ: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Có người đặt ra vấn đề “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Không! Chiếc lồng của nhà thơ tượng trưng cho khát vọng sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.

Và trong khoảnh khắc “Vừa vẽ xong nó cất cánh” thì dường như nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.

Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi

Khi không còn thấy tăm tích con chim chào mào, nhân vật “tôi” đã hình dung ra con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín, giọt nước thanh sạch” của tôi. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào. Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước… Đó chính là một cách “chuộc lỗi” khi con người hiểu ra rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.,…Từ đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên thực sự và trọn vẹn của mình.

Dòng thơ “triu… uýt… huýt… tu hìu…” được lặp lại 2 lần trong bài thơ. Nhà thơ nhấn mạnh điệp khúc những thanh âm của thiên nhiên, tiếng hót trong trẻo của con chào mào lại vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.

Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Hai câu thơ kết khẳng định sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Chẳng cần con chào mào bay về nữa, tiếng hót du dương của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn ông. Bởi vì nhân vật “tôi” biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm”, ích kỉ, hẹp hòi. Tình yêu khiến cho tâm hồn người ta rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống…

  • Kết bài:

Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bài thơ thành công với thể thơ tự do, có những câu thơ lặp lại hoàn toàn gợi âm thanh thiên nhiên với nhiều âm vực ngân vang, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, cấu tứ bài thơ lạ, kết thúc mở tạo nhiều dư âm trong lòng người đọc. Tác giả giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Tình yêu thiên nhiên của Mai Văn Phấn được thể hiện qua thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bài thơ này khơi gợi tình yêu thiên nhiên và khuyến khích chúng ta suy ngẫm về thái độ ứng xử với thiên nhiên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.