cam-nhan-cam-hung-lang-man-doan-tho-doanh-trai-bung-len-hoi-duoc-hoa-trong-tay-tien-cua-quang-dung

Cảm nhận vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa… trong Tây Tiến của Quang Dũng

Cảm nhận vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa…” trong Tây Tiến của Quang Dũng

  • Mở bài

– Dẫn dắt, giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và cảm hứng lãng mạn-nét đặc trưng cơ bản trong phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng nói chung và bài thơ Tấy Tiến nói riêng.

– Nêu giới hạn vấn đề: Đoạn thơ “Doanh trại…đong đưa” tái hiện lại đêm liên hoan văn nghệ và cảnh chiều sương Châu Mộc qua đó làm nổi bật cảm hứng lãng mạn trong Tây Tiến cũng như các sáng tác của Quang Dũng.

  • Thân bài

Cảm hứng lãng mạn là gì?

Cảm hứng lãng mạn thể hiện trên những phương diện: cái tôi trữ tình tràn đầy tình cảm, cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng những yếu tố cường điệu, thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hào hùng, tuyệt mĩ. Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng chung của dân tộc, thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn hào hoa thơ mộng.

Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến.

Bài thơ Tây Tiến tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Đó là nét tâm lý chung của con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chồng chất gian khổ, hy sinh nhưng lòng vẫn tràn đầy mơ ước.

Biểu hiên của cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?”. 

Tái hiện đêm liên hoan văn nghệ đốt lửa trại với không khí vui tươi, âm thanh rộn rã, sắc màu rực rỡ. Trong khoảnh khắc đó, những gì thuộc về chiến tranh dường như đã lùi xa chỉ còn lại cái tưng bừng, rạo rực của đêm hội, cái rực rỡ của ánh lửa bập bùng và gương mặt người rạng rỡ áo xiêm. Đoạn thơ lấp lánh vẻ đẹp của tình quân dân thắm thiết, vẻ đẹp của những người chiên sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ.

Kỉ niệm về buổi chia tay tiễn biệt trong chiều sương Châu Mộc vừa mênh mang vừa mờ ảo. Thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa thơ mộng. Đó là không gian bát ngát sương chiều với hoa lau phơ phất, cái dữ dội của nước lũ, cái mỏng manh của dáng thuyền độc mộc, cái mộng mơ của những sắc hoa rừng. Cảnh đặc trưng của núi rừng Tây Bắc mà đẹp như một bức tranh thời cổ. Màn sương khói bao trùm bức tranh thơ cũng là màn sương của hoài niệm, của quá khứ.

Động từ “bừng”, hình ảnh “đuốc hoa” gợi vẻ trang trọng, cổ kính. Cách hiệp vần phối thanh, đặc biệt thanh bằng được sử dụng chủ yếu ở câu “Nhạc về…” để lại dư âm về cảm giác nhẹ nhàng, chơi vơi của lòng người cùng tiếng khèn, lời ca, điệu múa…

Hình ảnh thơ tinh tế, độc đáo, hàm súc: hồn lau, dáng người, hoa đọng đưa…Cách nói phiếm chỉ, phiếm định giàu sức gợi, Cách hỏi: có nhớ? Có thấy? đã gieo vào lòng người đọc những trăn trở, băn khoăn, ngôn ngữ thơ chọn lọc, giàu nhạc điệu….

Với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã đưa người đọc về với những hoài niệm trong trẻo, đáng nhớ, đáng yêu để được sống lại trong những phút giây bình yên hiếm có của thời chiến tranh. Chất nhạc của đoạn thơ ngân nga như tiếng hát. Nhạc điệu ấy được cất lên từ tâm hồn ngây ngất mê say, lãng mạn của một cái tôi trữ tình giàu cảm xúc.

  • Kết bài:

Cảm hứng lãng mạn đã chi phối thế giới quan của người lính, mang đến trong thơ một thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, trữ tình; mang đến những khoảnh khắc hạnh phúc, hân hoan giữa những tháng ngày bom đạn. Tây Tiến xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc khắc tạo hoàn chỉnh bức chân dung tinh thần, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.

Bài văn tham khảo:

Trong “Tây Tiến”, nhà thơ Quang Dũng viết:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa […]
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 88)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về cảm hứng lãng mạn được thể hiện
trong đoạn trích.

BÀI LÀM

  • Mở bài:

Quang Dũng là con người lãng mạn. Điều ấy không chỉ thể hiện trong cuộc đời ưa xê dịch và nhiều mơ mộng của ông, mà nó còn thấm đẫm trong từng trang thơ ông viết. Tuy nhiên, cái lãng mạn của Quang Dũng không phải là lãng mạn thoát li, kiểu “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như các nhà thơ Mới, mà đó là cái lãng mạn bắt rễ từ hiện thực, đứng trên hiện thực để rồi tô điểm cho cái hiện thực ấy bằng những rung động hào hoa của chính mình. Cho nên khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông đã hăng hái lên đường để thực hiện giấc mộng anh hùng, và nhanh chóng thích nghi với điều kiện chiến đấu gian khổ. Và cũng vì lý do ấy, mà hồn thơ của ông không cần làm một cuộc lột xác đau đớn như các nhà thơ Mới, mà ngay lập tức hòa nhập với cảm hứng chung của đất nước, kết tinh thành một trong những thi phẩm để đời của thơ ca Việt: đó là “Tây Tiến”. Trong thi phẩm này, cảm hứng lãng mạn là nguồn mạch chủ đạo làm thăng hoa hồn thơ, và nhờ nó mà Quang Dũng đã khắc họa nên được những bức tranh vừa chân thực lại vừa tuyệt mĩ, trữ tình ngây ngất. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho điều đó chính là tám câu thơ sau đây:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
(…)
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm.

Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc; nhưng ông trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ lãng mạn, hào hoa. Là nhà thơ của “xứ Đoài mây trắng”, thơ Quang Dũng giàu chất nhạc, chất họa. “Tây Tiến” có thể được xem là thi phẩm đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Quang Dũng. Quang Dũng là chiến sĩ trong đơn vị Tây Tiến từ ngày đầu thành lập. Cuối năm 1948, chuyển sang đơn vị khác, nhớ đơn vị cũ, ông đã viết bài thơ này. Bài thơ được viết tại làng Phù Lưu Chanh, lúc đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”, sau đổi thành “Tây Tiến”, in trong tập “Mây đầu ô”. Bao trùm bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên, con người miền Tây, về những người lính Tây Tiến anh hùng.

2. Cảm nhận đoạn thơ.

Nếu ở mười bốn câu thơ đầu, người lính Tây Tiến mới chỉ dừng chân ở bản làng Mai Châu để nhận lấy những nắm xôi nếp đầu mùa thơm thảo tình quân dân và chất chứa những rung động của trái tim người trai trẻ, thì ở bốn câu thơ tiếp theo, những chàng trai Hà thành đã có cuộc sum họp đầm ấm trong một đêm liên hoan văn nghệ vui tươi:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Chỉ bằng bốn câu thơ, thế nhưng Quang Dũng đã dựng được một cảnh liên hoan sinh động với đầy đủ yếu tố: âm thanh, ánh sáng, con người; lại diễn tả được tâm trạng của người lính và những cô sơn nữ; đồng thời còn tái hiện được cái say mê ngây ngất thăng hoa của không khí lễ hội.

Cụm động từ “bừng lên” được sử dụng thật tài tình. Nó không chỉ diễn tả được sự chuyển đổi đột ngột của của không gian từ tối sang sáng, mà còn nói được cái chuyển đổi đột ngột của nếp sinh hoạt: từ không khí sinh hoạt đời thường chuyển sang không khí lễ hội. Không những thế, nó còn thể hiện được cái náo nức vui tươi trong lòng người lính trẻ Hà thành khi lần đầu tiên được tham dự vào một sự kiện văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn vùng miền. Và thế là, cụm từ “bừng lên” đã trở thành một nút nhấn, làm khởi động quá trình lễ hội.

Và thế rồi ánh sáng bắt đầu rực rỡ, ánh sáng từ những bó đuốc bốc cháy trong đêm như những đóa hoa bung nở, mà Quang Dũng gọi bằng một danh xưng thật đẹp: “đuốc hoa”. Một lần nữa, Quang Dũng lại dùng hoa để tả lửa. Nhưng nếu ở đoạn trước chỉ là “hoa về”, chỉ là những bó đuốc soi đường thấp thoáng ẩn hiện trong đêm sương mù dày đặc, thì ở đây, khi người lính đã dừng chân, trong không khí say mê của lễ hội, nó không còn mờ ảo nữa, mà đã rực sáng thành những bó “đuốc hoa”. Nhưng từ “đuốc hoa” còn gợi nhiều hơn thế. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”, để nói về lời thề hẹn của Thúy Kiều với Kim Trọng, dù bây giờ có xa nhau, nàng cũng sẽ nguyện giữ một lòng trinh bạch, để sau này khi hai người đến với nhau, trong đêm động phòng hoa chúc, nàng sẽ không phải hổ thẹn với chàng. Như thế, “đuốc hoa” ở đây, không đơn thuần chỉ là ngọn lửa của bó đuốc đang bung nở, mà nó còn gợi đến tình yêu đôi lứa, gợi đến cái say đắm mặn nồng của đôi trai gái trong cái khoảnh khắc đầu tiên nên vợ nên chồng. Quả thật, đó là một cái nhìn thấm đẫm chất lãng mạn, đa tình của Quang Dũng.

Đồng thời với khoảnh khắc ánh sáng rực rỡ, thì âm thanh cũng reo vang làm náo nức lòng người. Đó là âm thanh của tiếng khèn, một nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Không phải “khèn kêu” mà là “khèn lên”, có cảm giác như trong đêm lễ hội này, “khèn” cũng có linh hồn, cũng cảm nhận được cái vui tươi, cũng trở nên thăng hoa để tự mình phát ra điệu nhạc. Từ “man điệu” cũng rất đa nghĩa. Nó có thể là một điệu nhạc hoang sơ, mang đậm dấu ấn vùng miền. Nhưng chữ “man” ở đây cũng có thể hiểu là mê man, say đắm. Như vậy, vì chiếc khèn thăng hoa nên điệu nhạc cũng đầy mê ly, có sức quyến rũ lòng người.

Cùng với sự bừng lên của ánh sáng, sự reo vang âm thanh là sự xuất hiện của con người, nhân vật chính trong đêm lễ hội: đó là những chàng lính trẻ Tây Tiến và những cô gái bản làng. Ở đây, những người lính Tây Tiến không được miêu tả trực tiếp, mà chỉ xuất hiện gián tiếp thông qua tâm trạng. Đó là tâm trạng náo nức khi nhìn thấy ánh sáng bừng lên. Đó là cái nhìn thảng thốt đầy ngạc nhiên mê đắm trước sự xuất hiện bất ngờ của các cô sơn nữ cùng xiêm áo xinh đẹp. Đó là cảm xúc ngây ngất với giai điệu du dương ma mị của tiếng khèn, với nét thẹn thùng e ấp của những người con gái. Dù không được miêu tả trực tiếp, nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ ta hình dung ra được niềm vui trên khuôn mặt và sự đa cảm lãng mạn trong tâm hồn của người lính Tây Tiến.

Những cô gái bản làng cũng chỉ được Quang Dũng phác họa bằng vài nét vẽ đơn sơ, cốt ghi lấy cái thần nhiều hơn là tả thực. Nhưng kì lạ thay, những phác họa đơn sơ ấy vẫn đủ cho ta hình dung về dáng vẻ, điệu bộ và tâm trạng của họ. Họ đã âm thầm sửa soạn chu đáo cho đêm lễ hội, để rồi có được sự xuất hiện bất ngờ trong bộ trang phục đặc trưng của vùng miền, khiến những chàng trai chốn Hà thành phải thảng thốt ngạc nhiên mà tự hỏi: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Duyên dáng trong bộ trang phục ấy, họ hồn nhiên dịu dàng tha thướt theo điệu nhạc, để rồi khi bắt gặp ánh mắt say mê của những chàng lính trẻ nhìn mình, họ lại trở nên e ấp, thẹn thùng. Nét e ấp thẹn thùng ấy quả thực dễ làm tan chảy cái tâm hồn vốn đã rất đa tình đa cảm của những chàng trai Tây Tiến.

Ánh sáng rực rỡ, âm thanh dìu dặt, tình người say đắm – quả thực, không khí của đêm liên hoan đã hòa quyện thành một khối “hồn thơ”, khiến người lính tạm thời quên đi những vất vả của bao chặng hành quân đã qua và chưa tới, để cho hồn mình thăng hoa. Câu thơ “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” có tới sáu thanh bằng giúp diễn tả sự bay bổng của âm thanh, đồng thời diễn tả cảm giác mơ màng, chơi vơi trong tâm hồn người chiến sĩ. Quả đúng là “ý nghĩa của bài thơ thì đi bộ, còn nhạc điệu thì bay cao” như Tagore nói.

Nếu bốn câu ta vừa phân tích trên đây là cảnh đêm liên hoan văn nghệ vui tươi, say đắm, thì bốn câu thơ tiếp theo lại là khung cảnh sông nước miền Tây Bắc trong một buổi chiều chia ly đượm nét u buồn:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Câu thơ đầu như một lời gợi nhắc, khơi nguồn cho kỉ niệm ùa về, đó là kỉ niệm về một buổi chiều sương xuống lạnh. Sau lời gợi nhắc âm thầm xao xuyến ấy là hai câu hỏi liên tiếp với phép điệp “có thấy”, “có nhớ” thể hiện nỗi nhớ nhung đầy trăn trở về cảnh và người miền Tây Bắc.

Câu hỏi thứ nhất hướng về những hàng lau xám buồn bên bờ sông hoang dại:

“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”

Màu xám của cây lau khiến cho khung cảnh buổi chiều trở nên âm u. Cụm từ “hồn lau” là một sáng tạo thú vị. Những màn sương giăng mắc, luồn lách vào những khóm lau, khiến cho ta có cảm giác những khóm lau đang chuyển động, những “hồn lau” đang lẩn khuất. Cụm từ “nẻo bến bờ” gợi lên trước mắt một không gian hoang vu, hiu quạnh, vắng bóng người. Nó làm ta nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên:

“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh”

(Lau biên giới”, Chế Lan Viên).

Câu hỏi thứ hai dành cho con người miền Tây Bắc:

“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Không gian heo hút, lạnh lẽo được làm ấm lên bởi sự xuất hiện của “dáng người trên độc mộc”. Cụm từ “dáng người trên độc mộc” là một nét vẽ mảnh mai, thanh thoát, gợi lên dáng hình uyển chuyển, khoẻ khoắn của con người. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh thơ đa nghĩa. Đó có thể là những bông hoa rừng chao đảo theo dòng nước lũ. Nhưng, với tâm hồn lãng mạn đa cảm của Quang Dũng, đó cũng hoàn toàn có thể là hình ảnh để chỉ ánh mắt “đong đưa”, đa tình, gợi cảm, níu kéo luyến lưu của những cô gái miền sơn cước.

3. Nghệ thuật.

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ là ở sự thăng hoa của cảm hứng lãng mạn; việc sử dụng ngôn ngữ thơ đa nghĩa, đầy chất tạo hình, giàu có về nhạc điệu; kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật. Tất cả đã làm nên giá trị lâu bền cho đoạn thơ nói riêng và bài thơ “Tây Tiến” nói chung.

4. Nhận xét về cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong đoạn trích:

Cảm hứng lãng mạn của đoạn trích thể hiện trước hết ở nỗi nhớ da diết về những kỉ niệm cùng đoàn binh Tây Tiến. Đó là nỗi nhớ về một đêm liên hoan văn nghệ vui tươi, nỗi nhớ về một buổi chiều sông nước Tây Bắc mang vẻ đẹp huyền ảo. Cảm hứng lãng mạn cũng được thể hiện rõ qua cái nhìn, qua sự rung động của những trái tim đa cảm. Bằng con mắt lãng mạn, những người lính Tây Tiến đã nhìn đêm liên hoan văn nghệ của tình quân dân thành đêm lễ hội của tình yêu. Cảnh vật trong đoạn trích cũng được nhìn bằng con mắt lãng mạn: Đó là khung cảnh nên thơ, huyền hoặc khói sương trong buổi chiều ly biệt.

  • Kết bài:

Có những bài thơ đã sống cuộc đời đầy thăng trầm, trải qua nhiều sóng gió, truân chuyên nhưng cuối cùng vẫn khẳng định được giá trị đích thực của mình và trở nên bất tử trong lòng người đọc. “Tây Tiến” của Quang Dũng là một bài thơ như thế. Bài thơ là một giai điệu đẹp của thời kì kháng chiến, là tiếng thơ của một tâm hồn tràn đầy cảm hứng lãng mạn, hồn hậu và hào hoa. Tám câu thơ mà chúng ta vừa đi vào phân tích ở trên chỉ là một đoạn thơ nhỏ, nhưng vẻ đẹp của cảm hứng lãng mạn bay bổng, của ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình đã khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc thật đẹp về thiên nhiên, về con người, về một thời đầy hào hùng, lãng mạn không thể nào quên. Giang Nam đã không nói quá khi dành những lời khen tặng sau cho bài thơ “Tây Tiến”:

“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và con người ấy, bài thơ ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang