»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận hình ảnh người bà tảo tần qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt và Đò lèn của Nguyễn Duy
- Mở bài:
Bằng Việt và Nguyễn Duy đều sinh ra và lớn lên qua hai thời ki kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ, nếm trải nhiều khổ cực, gian lao tuổi thơ, và đồng thời cũng được bao bọc bởi ánh sáng ấm áp của tình bà cháu. Bếp lửa được viết khi nhà thơ đang là du học sinh, và trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Trong khi đó, Đò Lèn ra đời lúc đất nước đã hòa bình, nhà thơ có giây phút lắng đọng suy tư về người bà. Cả hai nhà thơ đều chọn thể thơ tự do tám chữ, âm điệu câu thơ trầm lắng thiết tha để tái hiện dòng hồi tưởng của đứa cháu nhớ về tuổi thơ cơ cực nhưng luôn nồng nàn tình bà cháu.
Hình ảnh những người bà tần tảo, thương con quý cháu giàu đức hi sinh thường trở về trong kí ức của các nhà thơ thành mạch nguồn cảm xúc cho những vần thơ thể hiện niềm tri ân chân thành và cảm động. Hãy trình bày cảm nhận của em về nội dung này qua các đoạn trích sau:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
(…………………………)
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”
(Bếp lửa – Bằng Việt)
“Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”
(Đò lèn – Nguyễn Duy)
- Thân bài:
– Đoạn thơ trong bài Bếp lửa (“Bằng Việt).
Bằng Việt viết bài thơ Bếp lửa khi đang học ở Liên Xô. Từ nơi xa Tổ quốc, tác giả nhớ về hình ảnh bếp lửa quê hương nồng ấm và người bà tảo tần, hiền hậu. Qua dòng hoài niệm, bài thơ gợi lên những kỉ niệm sâu sắc về tuổi thơ, tình bà cháu thiêng liêng, cảm động. Hình ảnh người bà nhân hậu, giàu tình yêu thương, sự hi sinh vì con cháu hiện lên thật giản dị, gần gũi và ấm áp.
Từ bếp lửa nơi đất khách quê người, Bằng Việt hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên cạnh người bà và bếp lửa. Kỉ niệm tuổi thơ lên bốn với mùi khói ghê rợn của năm “đói mòn đói mỏi” vừa lắng xuống, thì hình bóng người bà tần tảo nắng mưa chở che cho cháu ở tuổi thiếu niên lại hiện ra rõ nét.
Đất nước xóm làng tang thương trong khói lửa chiến tranh, bà và cháu phải tản cư, trở về thì nhà cửa tan hoàng. Hàng xóm đỡ đần giúp bà cháu dựng lại túp lều tranh. Gian khổ vô cùng, vậy mà khi cháu viết thư cho bố, bà cứ dặn đi dặn lại cháu đừng khiến bố mẹ lo. Cụm từ “vững lòng” và từ láy “đinh ninh” gợi lên sự mạnh mẽ của bà khi đối mặt với cái khốc liệt, gian lao.
Kỉ niệm tuổi thơ lắng xuống, anh sinh viên du học xa nhà gửi về bà những dòng tri ân rất chân thành. Hình ảnh bếp lửa đơn sơ và người bà giản dị vẫn là nỗi nhớ không nguôi. Câu hỏi tu từ cuối đoạn thơ “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? ”diễn tả nỗi nhớ thường trực, khắc khoải trong lòng cháu hướng về bà.
– Đoạn thơ trong bài Đò Lèn (Nguyễn Duy).
Người bà tiếp tục hiện ra trong dáng vẻ nhẫn nại, chịu thương chịu khó mà tấm lòng dành cho con cháu thì mênh mông dịu vợi. Tuổi thơ nghịch ngợm nào biết những cơ cực của bà trong cuộẹ mưu sinh. Phép tu từ liệt kê các địa danh “Đồng Quan”, “Ba Trại”, “Quán Chảo”, “Đồng Giao” liệt kê những việc làm của bà “mò cua”, “xúc tép”, “gánh chè”... đủ cho thấy nỗi nhọc nhằn của bà. Bà in dấu chân mình khắp mọi nẻo đường quê để kiếm cái ăn cho cả hai bà cháu. Từ láy “thập thững” với hai âm trắc khiến câu thơ nặng nề, khắc khoải. Từ láy ấy vừa gợi tả bóng dáng bà chậm chạp, bước thấp bước cao với gánh nặng trên vai.
Đoạn thơ sau kể gọn, lời thơ dứt khoát làm hiện lên hình ảnh người bà tần tảo, mạnh mẽ, bền bỉ mưu sinh đầy khó khăn trong bom Mĩ. Nhà bà không còn, nhà thánh với Phật cũng không còn, chỉ còn bom đạn trút trên mái nhà. Bà trụ lại, kiếm sống ngay nơi ga Lèn và tất nhiên bên cạnh bà là cháu nhỏ côi cút.
Nguyễn Duy cũng dành cho người bà tình cảm chân thành, nhưng bên cạnh lòng biết ơn còn là nỗi xót xa tfếc nuối. Người cháu năm nào giờ đã thành người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, vẫn không quên nhớ về những tháng năm có bà sớm chiều bầu bạn. Khi tác giả trở về, quang cảnh năm xưa vẫn không thay đổi, chỉ khác là bà đã đi xa. Khi đã trưởng thành, biết nhận ra mọi giá trị thì tất cả muộn màng. Lời thơ vừa là lời tri ân vừa là lời tự trách của tác giả. Hình ảnh ẩn dụ kết hợp với nói giảm nói tránh cuối bài thơ gieo vào lòng người đọc nỗi xót xa, nghẹn ngào “Bà chỉ còn là một nắm cổ thôi vì ai cũng có một người bà tảo tần như thế, hi sinh như thế.
– So sánh 2 đoạn thơ.
+ Nét chung: Hai nhà thơ trải nghiệm đời mình trong cuộc sống kháng chiến gian lao, họ đều có những người bà giàu đức hi sinh nên lời thơ như là lời tâm tình thiết tha. Cả hai người bà đều phải cơ cực mưu sinh, và cùng bước qua những năm tháng lận đận gian nan cùng đất nước. Và họ – những người phụ nữ Việt Nam đáng khâm phục đã nuôi nấng cháu, dạy dỗ cháu nên người. Bà là người duy nhất để cháu nương tựa vào trong cái bầu không khí hỗn loạn của chiến tranh, ở bà luôn ấp ủ tình cảm thương con quý cháu và đức hy sinh. Chính tình cảm của bà đã mang lại ánh sáng niềm tin cho cháu. Qua dòng hồi ức của cháu – nhà thơ Bằng Việt và Nguyễn Duy, hình ảnh người bà với vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa nay, tần tảo hi sinh cho con cho cháu. Người cháu hiếu thảo ân tình đã dành cho người bà những xúc cảm yêu thương đẹp đẽ vả lòng tri ân sâu sắc nhất.
+ Nét riêng: Người bà trong bài thơ Bếp lửa luôn gắn với cái bếp đơn sơ và đứa cháu nhỏ côi cút, còn người bà trong Đò Lèn có vẻ lầm lũi, đơn độc in dấu chân mọi nơi để kiếm cái ăn cho mình và cho cháu. Có thể vì thế mà nỗi niềm của cháu trong Đò Lèn còn là sự tự thức tỉnh, ăn năn vì đã có một tuổi thơ quá vô tư trước nhọc nhằn của bà. về phong cách, mỗi nhà thơ đều in đậm dấu ấn của minh trên các khổ thơ. Bếp lửa mang âm điệu thủ thỉ tâm tình, trầm lắng thiết tha đưa người đọc đi vào miền cổ tích của riêng tác giả, và nhân vật cổ tích là người bà và đứa cháu. Trong Đò Lèn, phong vị dân gian man mác trong lời thơ, từ các hình’ảnh văn hóa “đền Trần”, “đền Sòng”, hát văn”, “Thánh”, đó chính là hồn thơ dung dị của tác giả Nguyễn Duy.
- Kết bài:
Hình ảnh người bà tảo tần, thủy chung ở bài thơ Bếp lửa và Đò lèn gợi cho người đọc những suy ngẫm về tình cảm gia đình, về truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam, và để lại trong tâm hồn của độc giả những dư âm tuyệt đẹp về tình yêu bà cháu và hình ảnh người bà kính yêu. Từ việc truyền đạt những giá trị tốt đẹp nhất cho cháu, gắn kết và chăm sóc cho xóm làng, đến sự hy sinh và kiên cường trước những gian khó, người bà đã để lại một di sản tuyệt vời cho thế hệ sau.
Xem thêm: