phan-tich-truyen-co-tich-ong-lao-danh-ca-va-con-ca-vang-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận truyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” dưới góc độ thi pháp

Truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng do A. Pu-skin (1799 – 1837) kể lại bằng 205 câu thơ từ nguốn gốc truyện cổ tích Nga, Đức. Do vậy, về mặt thi pháp của truyện, những vấn đề như cốt truyện, tính cách nhân vật, chiều hướng phát triển, xung đột và thắt nút, mở nút là thuộc mô típ truyện cổ tích. Bên cạnh đó, về mặt ngôn từ biểu đạt đã có sự tham gia sáng tạo của cá nhân nghệ sỹ A. Puskin. Thi pháp kết cấu được xây dựng theo xung đột kịch, có các giai đoạn: Mở đầu, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm (mở nút) và kết thúc.

Mở đầu là lời miêu tả hoàn cảnh sống của vợ chồng ông lão đánh cá: Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày người chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Đoạn văn ngắn gọn mở đầu chỉ với hai câu văn, nhưng nêu lên được nhiều tình tiết quan trọng.

Về thời gian: ngày xưa – mô típ mở đầu quen thuộc của truyện cổ tích; nhân vật: hai vợ chồng ông lão đánh cá; quan hệ nhân vật: ở với nhau; không gian: trên bờ biển; công việc của mỗi người: chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Những chi tiết đó là những đầu mối không thể thiếu để câu chuyện tiếp tục được triển khai theo chiều hướng của quan niệm nghệ thuật về con người và cái nhìn nghệ thuật thống nhất trong toàn thiên truyện.

Thắt nút là chi tiết ông lão bắt được con cá, con cá van xin được thả và hứa sẽ đền ơn: Ông lão ơi! Ông sinh phúc thả tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được. Tính hấp dẫn của tình tiết thắt nút thể hiện ở hai điểm:

Một là, con cá vàng biết nói tiếng người. Hai là lời hứa trả ơn Ông muốn gì cũng được. Phần phát triển được triển khai với việc lặp lại năm lần theo mô típ: Mụ vợbđòi hỏi – ông lão nhờ cá giúp – cá vàng giúp.

Trong phần phát triển, bốn điểm nhìn nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên tính kịch của câu chuyện:

Một là, tình tiết tăng nặng của lòng tham vô đáy của mụ vợ: Từ đòi phải có một cái máng lợn mới, đến một ngôi nhà rộng và đẹp, bà nhất phẩm phu nhân, rồi nữ hoàng, và tột đỉnh là Long Vương ngự trên mặt biển để con cá vàng phải hầu hạ và làm theo ý muốn của mụ Hai là thái độ của mụ vợ đối với ông lão và ứng xử của ông. Biểu hiện cụ thể là mụ vợ có thái độ vô lễ, hỗn xược, càng về cuối càng tăng nặng: chửi rủa: đồ ngốc (lần 1), đồ ngu (lần 2), đồ ngu, ngốc sao ngốc thế; xưng với chồng bằng tao (lần 3), bắt ông lão quét dọn chuồng ngựa; xưng tao, mày; không cho ông lão phân trần (lần 4), đuổi đi; xưng mày, tao (lần 5).

Ba là thái độ của ông lão đối với con cá vàng. Ông lão thể hiện thái độ của một người luôn hàm ơn, cầu xin, tôn trọng cá vàng. Khi gọi con cá vàng lên, gặp con cá vàng, bao giờ ông cũng chào hỏi lịch sự, cầu xin giúp đỡ như ngưởi có lỗi. Chẳng hạn như: Ông lão chào con cá và nói: cá ơi! Giúp tôi với!; hoặc: Cá ơi,
giúp tôi với! thương tôi với!…

Bốn là, thái độ của con cá và trạng thái của biển. Con cá vàng luôn giao tiếp lịch sự, ân cần với ông lão trong những lần ông lão nhờ giúp, ngoại trừ chỉ đến lần thứ 5 là con cá không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển. Còn trạng thái của biển thì thay đổi theo từng lần gặp giữa ông lão với con cá vàng, trong biểu hiện của biển bao hàm sự diễn biến của thái độ: biển gợn sóng êm ả (lần 1), biển xanh đã nổi sóng (lần 2), biển xanh nổi sóng dữ dội (lần 3), biển nổi sóng mù mịt (lần 4), một cơn giông tố kinh khủng kéo đến, biển nổi sóng ầm ầm (lần 5).

Phần đỉnh điểm của xung đột là tình tiết nhân vật mụ vợ đòi làm Long Vương ngự trên biển để sai khiến con cá vàng phục vụ mọi nhu cầu của mình. Rõ ràng, trong xu thế phát triển của truyện thì đến đây đã tạo nên một sự chuyển biến về chất, một bước ngoặt hoàn toàn mới so với bốn lần trước.

Trong bốn lần đòi hỏi trước, nhu cầu của nhân vật mụ vợ chỉ tăng về mức độ của giàu sang vật chất và quyền lực tinh thần; nhưng ở lần cuối – lần thứ 5 – không chỉ có vậy mà xuất hiện sự khác biệt về tính chất và ý nghĩa. Đó là, trong bốn lần trước, mối quan hệ giữa nhân vật mụ vợ với con cá vàng thực chất là giữa kẻ hàm ơn và người ban ơn, giữa người chịu ơn và ân nhân của mình; nhưng trong lần thứ năm thì tham vọng của nhân vật mụ vợ là trở thành chủ nhân còn con cá vàng phải trở thành vật sở hữu, là tôi tớ, nghĩa là sự đòi hỏi này thay đổi, đảo ngược về vị thế của mỗi bên so với bốn lần trước. Chính điều này làm cho mâu thuẫn phát triển đến đỉnh điểm, và không thể phát triển thêm được nữa. Từ đó, mở nút câu chuyện là con cá vẫy đuôi lặn xuống biển sâu mà không trả lời đáp ứng sự cầu xin giúp đỡ của ông lão. Tục ngữ Việt Nam có câu: Được voi đòi tiên, và Lòng tham vô đáy mà Tham thì thâm là vậy.

Phần kết thúc là cảnh nhà ông lão trở lại như cũ, như trước khi được con cá vàng giúp: Lâu đài, cung điện biến đâu mất; trước mắt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ. Đây là kiểu kết thúc đầu cuối tương ứng, có tính giáo dục cao. Nhân vật trong truyện được xây dựng thành 3 tuyến, bao gồm: Nhân vật thần linh, siêu nhiên; người lao động trung thực và kẻ tham lam. Tính kịch diễn ra giữa hai nhân vật chính biểu trưng cho hai hệ giá trị tương phản, đối lập nhau: Ông lão đánh cá (hiền lành, trung thực, nhân văn) và mụ vợ (tham lam, bội bạc, tàn nhẫn).

Có thể xem mối quan hệ giữa các đặc tính và giá trị của nhân vật ông lão và mụ vợ là biểu trưng cho những đặc tính vốn có, cố hữu trong bản chất con người thuộc mọi thời gian và không gian. Do vậy, xung đột ở đây cũng chính là xung đột ngay trong chính từng con người nên độ phổ quát của vấn đề được đặt ra là rất sâu sắc và rộng lớn.

Thi pháp ngôn từ thay đổi theo từng ngữ cảnh và hành vi con người, trong đó, dấu ấn sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ A. Pu-skin thể hiện khá rõ trong việc cá biệt hóa tính cách của các nhân vật thông qua miêu tả và thể hiện ngôn từ nhân vật – những đặc điểm vốn rất mờ nhạt trong truyện cổ tích. Việc miêu tả trạng thái của biển – như một nhân vật – hàm chứa nội tâm, thái độ cũng là một biểu hiện đáng kể của việc tham gia sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ.

Thi pháp không gian nghệ thuật có những đặc điểm nổi bật. Đó là không gian thay đổi theo nhịp xúc cảm của tình tiết truyện và phù hợp với thái độ người tiếp nhận. Có hai không gian chính là không gian dịa lý và không gian tâm trạng.

Về không gian địa lý, có hai phân cảnh là nhà vợ chồng ông lão và biển. Hai vùng không gian này không đứng im mà biến đổi và phát triển song hành trong một lô gic nhất định. Trong đó, đặc trưng của gia cảnh và vị thế nhà ông lão thay đổi tăng tiến về vật chất và địa vị của mụ vợ tương thích với sự thay đổi thái độ của biển theo chiều hướng từ bình thường, sang bất bình, giận dữ và đến cuồng nộ.

Về không gian tâm trạng có các miền vừa tương giao vừa tương phản với nhau, bao gồm: Không gian tâm trạng ông lão với tâm lý hàm ơn con cá vàng, day dứt vì làm phiền con cá vàng thái quá, buồn khổ vì lòng tham vô đáy và thái độ đối xử bất nhân của mụ vợ đối với mình. Không gian tâm trạng mụ vợ là không gian vực thẳm của lòng tham, của tâm địa ác độc, bất nhân. Không gian này tương phản với tâm trạng ông lão. Không gian tâm trạng của con cá vàng là không gian biến chuyển từ hàm ơn, báo ân và đi tới chỗ phản ứng lại. Cả ba miền không gian của ba nhân vật này không bất biến mà diễn biến theo sự tương tác trong các mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau từ đầu cho tới kết thúc truyện.

Việc xây dựng hình tượng và kết cấu truyện mang tính kịch cũng như tạo dựng không gian nghệ thuật như thế đã tạo nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cho truyện. những phẩm chất tốt của con người (qua nhân vật ông lão đánh cá) được trân trọng, đề cao, tưởng thưởng; những cái xấu của con người (qua nhân vật mụ vợ của ông lão đánh cá) sẽ bị trừng trị. Tính nhân văn của truyện theo đó cũng thể hiện trên hai phương diện là ca ngợi, trân trọng cái đẹp và phê phán, lên án cái xấu, cái ác của con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang