phan-tich-truyen-ngan-chiec-la-cuoi-cung-cua-o-henri-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henri (dưới góc độ thi pháp)

O.Hen-ri (1862-1910) là nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết truyện ngắn, có nhiều tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu như Bắp cải và vua chúa (1904), Bốn triệu (1906), Trung tâm miền Tây (1907), Tiếng nói của thành phố (1908)… Giữa sáng tác của O Hen-ri với cuộc đời thực của ông có mối liên hệ sâu sắc. Ông mất mẹ khi mới lên ba, tuổi thơ thiếu vắng tình thương và phải lăn lộn trong cuộc sống bươn chải mưu sinh rất sớm với nhiều nghề. Chính hoàn cảnh đó đã làm cho nhà văn có một vốn sống, một quá trình trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc tình đời, tình người cũng như nỗi khổ đau của những thân phận con người bất hạnh, nghèo khổ. Từ đó, tác phẩm của O Hen-ri chủ yếu hướng về, viết về những thân phận bất hạnh, những con người nghèo túng, khốn khó, khổ đau nhưng luôn tiềm ẩn và hàm chứa nhân cách và tâm hồn đẹp đẽ, cao thượng. Chiếc lá cuối cùng là một trong những tác phẩm như thế.

Chiếc lá cuối cùng là sự thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới mẻ, nhân văn về con người của O Hen-ri. Tác phẩm đã thể hiện một cách lạ hóa đối tượng phản ánh, một góc nhìn và phát hiện mới về tâm hồn, tính cách con người, về mục tiêu của nghệ thuật chân chính. Điều đó được thể hiện ở nhiều điểm nhìn, tiêu biểu như trong tình cảm chân thành và thắm thiết, sâu sắc của hai chị em Xiu và Giônxi; về mối quan hệ giữa quan niệm sống và chết của Giôn-xi; về sức mạnh của tinh thần, niềm tin đối với con người… Nhưng đặc biệt nhất là ở hành vi dũng cảm, cao thượng của cụ Bơ-men khi quyết định vẽ chiếc lá thường xuân lên bức tường ngôi nhà đối diện phòng trọ của hai chị em Xiu và Giôn-xi, để rồi hứng chịu cái chết cho riêng mình.

Tính thẩm mỹ và tư tưởng trong quan niệm nghệ thuật của O Hen-ri chính là sự tương phản giữa những điều kiện sống của cụ Bơmen, những việc làm mà cụ, dù muốn hay không, cũng phải thực hiện là làm người mẫu vẽ để kiếm thù lao mưu sinh, với tâm hồn, tính cách cao thượng, sáng ngời giá trị nhân văn trong hành vi vẽ chiếc lá cuối cùng để cứu sống một con người dù phải chấp nhận hi sinh.

Không gian và thời gian nghệ thuật của truyện cũng là một trong những phương diện có vai trò to lớn trong thi pháp truyện, có ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên sự sâu sắc và độc đáo trong tư tưởng hiện thực và nhân văn của truyện. Không gian truyện được xây dựng trong phạm vi và bối cảnh của một ngôi nhà ba tầng cũ kỹ, tồi tàn với những căn phòng cho thuê giá rẻ trong một khu phố nhỏ ở phía tây công viên Oa-sin-tơn. Đó là một không gian xám ngắt, buồn tẻ không chỉ vì sự cũ kỹ, xuống cấp của ngôi nhà, mà còn bởi thời gian lúc bấy giờ là vào tháng mười một – tháng của những cơn gió mùa đông thổi tới làm lạnh giá mọi vật.

Đặc biệt, cái xám, tối, buồn lạnh của không gian càng được tô đậm hơn nữa khi các nhân vật được miêu tả sống trong căn nhà đó là những con người – những họa sỹ nghèo khổ có khát vọng sáng tạo đẹp đẽ với ước muốn tạo nên tác phẩm để đời, nhưng chưa thực hiện được. Hiện tại, họ phải đối mặt với mưu sinh gian khó, và có người còn ở trong tình trạng bệnh tật mà sự tuyệt vọng dường như đang xâm chiếm gần hết hi vọng sự sống còn nơi họ. Đó chính là các nhân vật Xiu và Giônxi, hai chị em họa sỹ nghèo thuê phòng trên tầng thượng ngôi nhà; là cụ Bơ-men, cũng là một họa sỹ nghèo thuê phòng ở tầng dưới cùng. Không gian không chỉ xám ngắt, tẻ nhạt, buồn thảm bởi sự vật, thời tiết, quang cảnh mà còn bởi những phận người hiu hắt, nghèo khó, mòn mỏi vừa vì ước nguyện dường như không thể thực hiện được, vừa vì hoàn cảnh sống bi đát.

Kết cấu của truyện độc đáo, hấp dẫn, dù truyện không có những tình tiết ly lỳ, gay cấn của xung đột giữa các nhân vật. Có được điều đó là nhờ tác giả đã xây dựng thành công tình huống truyện hàm chứa tính kịch mang nét đặc thù của truyện. Cái đặc thù của tính kịch trong Chiếc lá cuối cùng không biểu hiện bằng mâu thuẫn giữa các lực lượng, giai cấp, tầng lớp xã hội về lợi ích, lý tưởng… mà là giữa những xung lực đối kháng, trái ngược ngay trong chính từng con người là các nhân vật của truyện. Với Giôn-xi thì đó là cuộc đấu tranh, vật lộn giữa bệnh sưng phổi càng ngày càng nặng, giữa tuyệt vọng ngày càng lớn, hi vọng sống ngày càng teo lại với nghị lực chống chọi lại định mệnh dường như đang đến rất gần theo những chiếc lá cây thường xuân bám vào bức tường đối diện với phòng ở của cô đang lần lượt rụng trong mưa lạnh, và nhất là khi chỉ còn lại chiếc lá cuối cùng hết sức mong manh:

Sáng hôm sau, Xiu tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ thì thấy Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống. “Kéo nó lên, em muốn nhìn”, cô thều thào ra lệnh. Xiu làm theo một cách chán nản. (…) “Đó là chiếc lá cuối cùng”, Giôn-xi nói, “Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”.

Trong Xiu diễn ra một cuộc đấu tranh kép vừa cho chính mình vừa cho Giônxi, người em gái thân yêu của cô đang trong cơn tuyệt vọng. Với chính mình, Xiu phải dùng nghị lực để vượt thoát hoàn cảnh, đó là cuộc chiến giữa vượt lên và chiến thắng với buông trôi, cam chịu và đầu hàng. Hướng về Giôn-xi, Xiu phải đấu tranh giữa dùng tình thương, niềm tin khuyên giải em, thuyết phục em, tăng thêm niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi, kéo Giôn-xi ra khỏi sự ám ảnh quái ác rằng nếu một khi chiếc lá cuối cùng ấy rụng xuống thì Giôn-xi cũng sẽ ra đi: “Em thân yêu, thân yêu !”, Xiu nói, cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối, “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây ?”

Với cụ Bơ-men thì cuộc đấu tranh diễn ra giữa hai xung lực: làm ngơ, phớt lờ tình trạng của Giôn-xi và Xiu, giữ cho riêng mình tình trạng sống yên lành với tự nguyện ra ngoài đêm lạnh và vẽ lên bức tường ấy chiếc lá thường xuân bất tử.

Chính những cuộc chiến giữa các xung lực trong Xiu và Bơ-men diễn biến theo xu hướng nhân văn, vị tha cao cả nên đã tạo nên các tình huống bất ngờ đảo ngược. Một là, khi chiếc lá cuối cùng không rụng, Giôn-xi thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng, nhận ra lỗi của mình, và chuyển sang trạng thái khỏe lên, hy vọng sống và làm việc trở lại mạnh mẽ: “Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi”, Giôn-xi nói, “Có một cái gì đấy làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút nữa pha chút rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng”. Một tiếng đồng hồ sau, cô nói: “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”

Tình huống thứ hai là sự ra đi của cụ Bơ-men, tác giả của kiệt tác chiếc lá cuối cùng: Cụ đã chết vì sưng phổi do cụ ra ngoài trời mưa lạnh khủng khiếp để vẽ nên chiếc lá nhiệm màu ngay tại vị trí của chiếc lá thực cuối cùng đã rụng. Hành vi dũng cảm, cao đẹp của cụ Bơ-men không chỉ cứu Giôn-xi, cứu cả Xiu thoát khỏi trạng huống gian nan mà còn là một sự vinh danh cho chân lý của nghệ thuật chân chính: Nghệ thuật phải vì con người!

Phương diện quan trọng thứ hai trong kết cấu thẩm mỹ của truyện là sự phối kết sáng (tâm hồn, nhân cách nhân văn) với tối (cảnh vật, không gian, điều kiện và hiện trạng sống của nhân vật). Không gian nền xám, tối, lạnh; thời gian tối, rét; cảnh sống của ba nghệ sỹ nghèo chật vật, túng thiếu, khó thực hiện được ước mơ và hoài bão nghệ thuật của mình khi phải đối mặt với cuộc sống áo cơm đời thường khôn khó và trạng huống cực kỳ khó khăn khi Giôn-xi đang trong cơn tuyệt vọng. Trên cái nền ấy là ba đốm sáng, ba ngọn lửa sáng lên từ chính tâm hồn và nhân cách của Giôn-xi, Xiu và Bơ-men. Đặc biệt là với Xiu và Bơ-men, họ không chỉ đấu tranh để tồn tại và vượt thoát cho chỉ riêng mình mà vì người khác, và họ đã chiến thắng. Riêng với nhân vật Bơ-men, hành vi vẽ chiếc lá cuối cùng để cứu không chỉ Giôn-xi, mà cả Xiu, đã chuyển vị thế ý nghĩa của mình từ một họa sỹ bình thường bị áo cơm đời thường che lấp thành một họa sỹ anh hùng nhân văn.

Những đặc sắc trong thi pháp của truyện ở các phương diện tạo tình huống, xây dựng nhân vật, kết cấu truyện, không gian và thời gian nghệ thuật đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc và độc đáo cho truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.

Cảm nhận ý nghĩa truyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O.Henri

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang