Cảm nhận vẻ đẹp tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của người lính lái xe
- Mở bài:
Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông say mê đi tìm cái đẹp từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống, đặc biệt là chất liệu hiện thực của cuộc sống chiến trường vào trong thơ. Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính. Với Bài thơ tiểu độ xe không kính, tác giả khắc hoạ thành công hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mỹ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ, hình ảnh người lính lái xe hiện lên với tư thế hiên ngang, ngạo nghễ:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.
Cách diễn tả mộc mạc, chân tình, hóm hỉnh rất lính của Phạm tiến Duật mở ra không khí cuộc chiến đấu với hình ảnh chiếc xe không có kính và người lính lái xe kiên cường, bất khuất. Cùng với tư thế nổi bật ấy là tầm quan sát cao rộng thể hiện qua điệp ngữ “nhìn” biểu hiện sự tập trung cao độ bằng một tinh thần trách nhiệm, bằng tâm hồn lãng mạn, bình thản, chủ động chiêm ngưỡng và tận hưởng từng vẻ đẹp của thiên nhiên qua ô cửa kính vỡ.
Dưới mưa bom bão đạn, sự khốc liệt của thiên nhiên và vật chất không đảm bảo, người lính vẫn cứ “ung dung” chẳng chút bận tâm, không hề sợ hãi đưa xe đi tới. Tam thế của họ hướng về phía trước cứ “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Họ chỉ có một hướng nhìn duy nhất là nhìn về miền Nam, bỏ lại sau lưng những hiểm nguy, gian khổ.
Chính hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Dù thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lái xe bọc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh ý chí lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.
Những câu thơ tả thực tới từng chi tiết, diễn tả cảm giác về tốc độ của những chiếc xe đang lao nhanh trên đường. Không có kính chắn gió, các anh đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm, nào “gió vào xoa mắt đắng” rồi “sao trên trời”, “chim dưới đất”, đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa, rơi rụng, va đập, quăng ném… vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Những hình ảnh gió, con đường, sao trời, cánh chim vừa thực vừa thơ, là cái thi vị nảy sinh trên những con đường bom rơi đạn nổ.
Điều đó khẳng định ở họ một nghị lực, một bản lĩnh phi thường. Đặc biệt hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” là một khái quát đặc sắc của con đường đi đến miền nam, con đường chiến đấu, con đường dân tộc đang đi và cũng chính là con đường duy nhất trong trái họ. Những câu thơ trên hé lộ diện mạo tinh thần thầm kín của người chiến sĩ. Thiên nhiên, vạn vật dường như cũng bay theo ra chiến trường. Tất cả điều này đã giúp người đọc cảm nhận được ở các anh nét hào hoa, kiêu bạc, lãng mạn và yêu đời của những người trẻ tuổi.
Hiện thực thì khốc liệt, nhưng người chiến sĩ cảm nhận nó bằng một tâm hồn phóng khoáng, trẻ trung, lãng man nhạy cảm với cái đẹp.
Không có kính, người lính đối diện với những khó khăn mà nếu không từng trải qua thật lòng khó thấu hiểu hết được:
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
Bụi là kẻ thù của người lình lái xe. Đường Trường Sơn thì lắm bụi biết bao. Bụi đường biến những mái tốc tươi xanh bạc trắng “như người già”. Đâu chỉ có thế, bụi còn làm cay xè đôi mắt, hạn chế tầm nhìn, dễ đưa xe vào tình thế nguy hiểm. Thế nhưng, sau những chặng đường bụi bặm, người lính “chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc” ngẫm ngợi về đoạn đường đã qua, rồi “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” hết sức vô tư. Trước mọi khó khăn, nguy hiểm, các anh vẫn “cười” rồi chẳng cần bận tâm, lo lắng, các anh sẵn sàng chấp nhận thử thách, gian lao như thể đó là điều tất yếu. Các anh lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, của thái độ hiên ngang để thắng lại cái vạn biến của chiến trường sinh tử gian khổ, ác liệt
Đâu chỉ có bụi, người lính còn đối diện với mưa. Những cơn mưa Trường Sơn dai dẳng biến con đường vốn đã thô sơ thành những cái bẫy chết chóc, thử thách ghê gớm tình thần người chiến sĩ lái xe:
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.
Dù “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” ướt mèm và lạnh lẽo nhưng người lính vẫn không thấy phiền hà gì. Họ khảng khái “chưa cần thay, lái trăm cây số nữa”, bởi họ tin tưởng: “mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.
Thiên nhiên khốc liệt đến thế nhưng người lính lái xe với một thái độ ngang tàng thách thức, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn với tinh thán quả cảm đã vượt qua tất cả.
Giọng điệu ngang tàng, bất chấp thể hiện rõ trong cấu trúc từ: “Không có kính chưa cần” và trong các chi tiết “phì phèo châm điếu thuốc”, cái cười “ha ha” hay hay ý chí “lái trăm cây số nữa” giữa đường Trường Sơn đầy bom đạn, đèo dốc, gió bụi, mưa có thể gây bao khó khăn. Tình cảnh của các anh được miêu tả rất chân thực: “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”, nhưng người chiến sĩ đã bình thường hoá cái không bình thường đó và vượt lên cùng tất cả sự cố gắng, cùng tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ chấp nhận gian khổ như một điều tất yếu, khó khăn không mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Hình ảnh của họ mang một vẻ đẹp kiên cường, thật đáng nể phục.
Sau những chiến hàng tới đích, họ đưa xe trở về trong niềm vui chiến thắng:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.
Lúc này, họ mới thực sự có giây phút nghỉ ngơi thành thơi cùng đồng đội. Những câu chuyện kể rôm rả, nhũng tiếng cười sảng khoái, những cái bắt tay thân tình, ấm áp là động lực tiếp thêm cho họ sức mạnh chiến đấu. Cái bắt tay thể hiện niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh, bù đắp tinh thần cho những thiếu thốn về vật chất mà họ phải chịu đựng. Chính tình đồng chí, đồng đội đã biến thành động lực giúp các anh vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.Sức mạnh của người lính thời đại Hồ Chí Minh là vẻ đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại. Sau đó, họ “lại đi, lại đi”, tiếp tục cuộc hành trình không ngừng nghỉ.
Kết thúc bài thơ, một lần nữa hình ảnh những chiếc xe không kính hiện lên, có vai trò tô đậm hình tượng người lính, lấy cái không để nói cái có, lấy tình yêu thương và lý tưởng cao đẹp lấn át hiểm nguy:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực,chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi.
- Kết bài:
Bằng lời thơ nhẹ nhõm, chắc nịch và trôi chảy như những chiếc xe vun vút bươn chải trên đường; đôi chỗ nhịp nhàng, trong sáng như văng vẳng tiếng hát vút cao, tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc một cách cụ thể và sâu sắc về hiện thực chiến tranh khốc liệt, dữ dội, về cuộc chiến đấu gian khổ mà người lính phải trải qua. Với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, người lính khắc tạc vào lịch sử tư thế hào hùng, bất khuất của dân tộc trong trận chiến với kẻ thù xâm lược, bảo vệ tổ quốc thiêng liêng.
- Cảm nhận về hình tượng người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
- So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ “Đồng chí” và &”Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
- Qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cảm nhận vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ thời máu lửa