»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận về hình tượng Lorca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
- Mở bài:
Thanh Thảo là gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước, là nhà thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỉ XX. Thơ Thanh Thảo có nhiều tìm tòi đổi mới về hình thức thể hiện, ông đặc biệt có cảm hứng với cuộc đời của những con người nổi tiếng nhưng có số phận éo le, trớ trêu, nghiệt ngã. Đàn ghi ta của Lorca là bài thơ tiêu biểu của Thanh Thảo sau 1975, với nhiều tìm tòi đổi mới và cách tân trong hình thức nghệ thuật. Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca đã xây dựng thành công hình tượng người nghệ sĩ Lorca. Hình tượng trung tâm của bài thơ đã được Thanh Thảo khắc họa thành công, đó là người nghệ sĩ Tây Ban Nha với tài năng vĩ đại và số phận oan khuất.
- Thân bài:
Lorca là người nghệ sĩ tự do và cô đơn:
Hình ảnh người nghệ sĩ Lorca được xây dựng trên phông nền văn hóa đặc trưng của đất nước Tây Ban Nha với âm thanh tiếng đàn ghi-ta, loài hoa tử đinh hương thơm ngát, những trận đấu bò tót dữ dội và kiêu hùng, văn hóa gốc du mục của những con người yêu tự do … nhưng vẫn hết sức cô đơn (vầng trăng chếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn, đi lang thang về miền đơn độc…).
Hình tượng Lorca – người nghệ sĩ có số phận oan khuất:
Hình ảnh Lorca trong giây phút bị điệu về bãi bắn tựa như một du ca của thảo nguyên Gredana bát ngát, đồng thời cũng kinh hoàng khi cái chết ập đến quá bất ngờ và oan ức. Trong giây phút bi phẫn nhất cuộc đời, người nghệ sĩ vẫn gắn với cây đàn ghi-ta – vật bất li thân với những âm thanh tiếng đàn kết đọng thành hình, thành sắc, thành khối, rồi vỡ òa ra trong ròng ròng máu chảy. Đó là nỗi oan khuất cũng như sự bi đát trong số phận người nghệ sĩ Lor-ca.
Hình tượng người nghệ sĩ Lorca bất tử cùng với nền nghệ thuật của mình:
Tiếng đàn được so sánh như cỏ mọc hoang và không ai có thể chôn cất nó cũng như nền nghệ thuật của Lor-ca. Lor-ca bơi qua dòng sông định mệnh trên chiếc ghi-ta màu bạc trong tưởng tượng của Thanh Thảo, thực chất là đi vào cõi bất tử. Hình tượng Lorca được nhìn nhận trọn vẹn, đẹp đến toàn bích, tôn thờ.
Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca còn là tiếng lòng tri âm của Thanh Thảo với người thầy vĩ đại của mình. Qua bài thơ, Thanh Thảo bộc lộ niềm ngưỡng mộ, sự thấu hiểu và tri âm sâu sắc với Lorca – người mà ông từng tôn vinh là “người thầy vĩ đại” của mình.
Bài thơ là tiếng nói thấu hiểu, cảm thông, xót thương cho người nghệ sĩ tài năng có số phận oan khuất. Đó cũng là tiếng nói cảm phục, ngợi ca trước tài năng, bản lĩnh phi thường, những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại của Lor-ca, là tiếng nói khẳng định sức sống bất diệt của Lorca và nền nghệ thuật của ông.
Thể thơ tự do, không dấu ngắt câu, không viết hoa đầu dòng đã tạo cho bài thơ có hình thức một bản đàn với khúc dạo đầu, khúc hòa tấu, khúc cao trào và khúc vĩ thanh. Dấu ấn thơ tượng trưng, siêu thực trong ngôn ngữ và hình ảnh thể hiện những tìm tòi, đổi mới trong thơ của Thanh Thảo sau 1975. Cách sử dụng thành công nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác với trường liên tưởng rộng, phóng túng.
- Kết bài:
Bài thơ khắc họa thành công hình tượng người nghệ sĩ Lorca, đồng thời cũng thể hiện tiếng nói tri âm đối với Lorca của Thanh Thảo. Hai điểm nổi bậc trên tưởng chừng đối lập nhưng lại thống nhất, bổ sung cho nhau tạo nên giá trị nội dung, tư tưởng của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca, thể hiện tài năng và tấm lòng của nhà thơ Thanh Thảo.
- Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo
- Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
- Cảm nhận khổ thơ 1 bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo)
- Cảm nhận ý nghĩa khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
- Cảm nhận ý nghĩa ba khổ thơ cuối bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
- Ý nghĩa hình tượng tiếng đàn trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”