cam-nhan-ve-nhung-ve-dep-trong-tam-hon-cua-nhan-vat-phuong-dinh-qua-truyen-ngan-nhung-ngoi-sao-xa-xoi

Cảm nhận vẻ đẹp trong sáng và trẻ trung của nhân vật Phương Định qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi

Cảm nhận vẻ đẹp trong sáng và trẻ trung của nhân vật Phương Định qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

  • Mở bài:

Có rất nhiều tác phẩm hay viết về hình ảnh của những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất và để lại nhiều suy nghĩ cao đẹp phải kể đến Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê. Nổi bậc trong tác phẩm là nhân vật Phương Định với những nét tính cách cao đẹp thực sự để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng người đọc mọi thế hệ.

  • Thân bài:

Đến sau trong thế hệ nhà văn chiến trường, Lê Minh Khuê buộc phải tìm tòi và sáng tạo nhiều hơn trong cách viết, cách phản ánh hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc. Thật may mắn, ngay tác phẩm đầu tay, bà đã có thành công lớn. Những ngôi sao xa xôi được xem là một trong nhưng tác phẩm xuất sắc nhất viết về hình ảnh thanh niên xung phong trong thời đại kháng chiến chống Mĩ.

Chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong gồm Thao, Phương Định và Nho cùng làm nhiệm vụ phá bom và san lấp mặt đường cho xe thông tuyến ra tiền tuyến. Cả ba người, ai cũng đáng mến, đáng nể phục dù còn rất trẻ tuổi. Trong ba cô gái trẻ ấy, có lẽ Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với độc giả.

Phương Định vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuổi trẻ tràn đầy khát vọng và hứa hẹn ở tương lai. Nhưng khi tổ quốc thiêng liêng cần đến, chiến trường vẫy gọi, cô lập tức lên đường tham gia chiến đấu, bỏ lại quê hương và miền kí ức đầy yêu thương.

Phương Định là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, hồn nhiên và đầy mơ mộng của tuổi trẻ. Nơi chiến trường ác liệt, cô vẫn thường sống với những kỉ niệm về quê nhà. Vì là một cô gái Hà Nội, cô có một tuổi thơ học sinh vui tươi, vô tư bên người mẹ kính yêu của những ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy vẫn luôn sống dậy trong lòng cô ngay giữa chiến trường mưa đạn dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn giữa hoàn cảnh chiến tranh đầy căng thẳng, khốc liệt.

Cô vào chiến trường mới đó đã ba năm rồi, đã quen với mọi thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày vơi cái chết. Tuy nhiên, ở cô cũng như ở đồng đội mình, tất cả không hề mất đi sự hồn nhiên, trong sáng và những ước mơ về tương lai, niềm khao khát hòa bình. Nét cá tính ở Phương Định được thể hiện khá rõ ràng. Cô có tâm hồn lãng mạn, giàu tình cảm. Cô gửi lòng mình trong tiếng hát. Cô hát trong bom đạn, hát khi máy bay rít. Cô tự nhận rằng mình “mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát…”. Cô hát để động viên Nho và chị Thao, cũng là động viên chính mình. Cô thích những bài hát hành khúc bộ đội, dân ca quan họ, thích Ca-chiu-sa của Hồng Quân Liên Xô hay ngồi bo gối mơ màng theo dân ca trữ tình Ý.

Cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định cũng rất hay quan tâm và trau chuốt vẻ đẹp của mình. Cô tự đánh giá: “nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa hèn…”. Đặc biệt cô có cặp mắt đẹp nên cô thích ngắm mình trong gương. Cô biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô tự hào, nhưng chưa dành tình cảm riêng cho một ai. Nhạy cảm, nhưng cô không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như kiêu kì.

Cô có tình cảm đồng đội sâu sắc, gắn bó keo sơn. Cô yêu mến, thân thiết với hai đồng đội trinh sát. Cùng vui đùa, vui ca, cả khi chia sẻ những ngọt bùi, đắng cay. Cùng đồng đội vượt qua nhiều nguy hiểm của bom đạn. Khi Nho bị thương, cô vô cùng lo lắng. Vốn có nhiều kinh nghiệm, cô “rửa cho Nho bằng nước đun sôi”, băng bó, pha sữa cho Nho, săn sóc tận tình, chu đáo. Khi chị Thao vấp ngã, cô đỡ chị. Trong bom đạn cô vẫn lo lắng cho đồng đội: “Không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gáo thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất”. Đặc biệt, cô dành tình yêu thương và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Cô nói: “thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.”

Nhưng có lẽ điểmđáng khâm phục nhất ở Phương Định là lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể đến từng cảm giác, ý nghĩ nổi bật phẩm chất ấy. Mặc dù đã quen công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thể phá tới năm quả bom, nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách với thần kinh. Từ khung cảnh và không khí đầy sự căng thẳng đến thót tim là “các anh ca xạ” ở trên kia theo dõi đang theo dõi từng động tác, cử chỉ của mình, để rồi lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: “tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà đi bước tới”. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn: “thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao  mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Cô dùng lưỡi xẻng đào đất, có lúc xém chạm vào quả bom. Thần chết đang chờ đợi! Ấy thế cô vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Thế giới tâm hồn của Phương Định thật phong phú, trong sáng nhưng không phức tạp. Không xen lẫn những bâng khuâng, day dứt, trăn trở trong ý nghĩ và tình cảm của cô gái khi phải sống chiến đấu trước hoàn cảnh khốc liệt, hiểm nguy mà vẫn tươi cười, hồn nhiên lạc quan, yêu đời.

Truyện sử dụng người kể là nhân vật chính trong câu chuyện, có cách kể tự nhiên, trẻ trung sinh động và đặc biệt thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật. Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, tẻ trung, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên của những cô gái thanh niên xung phong.

  • Kết bài:

Câu chuyện đã làm sống lại cho ta thấy những hình ảnh vô cùng tuyệt vời về những chiến sĩ làm việc trên chiến trường đầy cam go, mạo hiểm. Thao, Phương Định, Nho là một biểu tượng cho thế hệ trẻ sau này noi theo. Cho dù chiến tranh đã đi qua, nhưng truyện đã một lần nữa đưa ta đến cảm giác hào hùng của người dân Việt Nam anh hùng, bất khuất và họ vẫn luôn tỏa sáng như những vì sao tỏa sáng trên bầu trời rất đáng được nể phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang