cam-nhan-ve-ve-dep-cua-song-da-qua-doan-van-mieu-ta-canh-thac-nuoc-va-doi-bo

Cảm nhận về vẻ đẹp của Sông Đà qua đoạn văn miêu tả cảnh thác nước và quang cảnh hai bên bờ sông

Cảm nhận về vẻ đẹp của Sông Đà qua đoạn văn miêu tả cảnh thác nước và quang cảnh hai bên bờ sông.

  • Mở bài:

– Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã có những khám phá mới mẻ, độc đáo, để lại dấu ấn không thể phai mở trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

Người lái đò Sông Đà là một tuỳ bút đặc sắc của Nguyễn Tuân in trong tập “Sông Đà” xuất bản năm 1960. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân không chỉ ca ngợi con người Tây Bắc mà còn phát hiện vẻ đẹp độc đáo của con sông Đà – vừa hung dữ, hiểm trở, lại vừa thơ mộng, trữ tình. Vẻ đẹp ấy được tái hiện rất sống động đoạn miêu tả tiếng thác nước chảy và quang cảnh đôi bên bờ sông: vừa dữ dội, vùa trữ tình, thơ mộng.

  • Thân bài:

Khái quát hình tượng Sông Đà.

– Trải suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm là hình ảnh dòng sông Đà được chụp lại ở nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. Mở đầu bài tuỳ bút, Nguyễn Tuân đã có hai câu đề từ giới thiệu tính chất độc đáo của dòng sông Đà “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” “Chúng thuỷ giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”.

– Lời đề từ thứ nhất gợi ra vẻ đẹp kiều diễm, thơ mộng của dòng sông. Câu thứ hai nhấn vào tính chất đặc biệt của sông Đà, mọi con sông đều chảy theo hướng đông, riêng mình sông Đà chảy theo hướng bắc. Đó như là một sự cưỡng lại tự nhiên để khẳng định cá tính của dòng sông. Và điều này đã khiến con sông trở nên dữ tợn với nhiều vực xoáy, luồng chết, đá ghềnh, sóng thác.

– Hung bạo mà trữ tình, những nét đẹp ấy đã cuốn hút tâm hồn người nghệ sĩ, để nhà văn làm sống dậy trên trang văn một dòng sông độc đáo, lạ thường không kém gì dòng sông của tự nhiên.

Vẻ đẹp con sông Đà qua cảnh thác nước chảy.

– Đoạn văn miêu tả âm thanh nước thác, qua đó làm hiện lên vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà.

+ Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng đang điều khiển một dàn giao hưởng chơi thật hùng tráng bài ca của gió thác xô sóng đá.

+ Ban đầu tác giả mới để cất lên khúc như đang “oán trách”, “van xin”, “khiêu khích”, “giọng gằn mà chế nhạo”. Thế rồi bất ngờ âm thanh được phóng to hết cỡ, các nhạc khí bừng bừng thét lên khúc nhạc của một thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của một cơn phấn khích mạnh mẽ và man dại: “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa”, “rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”.

→ Sự liên tưởng vô cùng phong phú, âm thanh của thác nước sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông, Nguyễn Tuân quả là đã chơi ngông lắm trong nghệ thuật ngôn từ.

– Nghệ thuật khắc họa cảnh đá, nước và tiếng nước chảy độc đáo, giàu tính hình tượng:

+ Bằng thủ pháp nhân hóa, người đọc nhận ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri.

+ Câu văn ngắn, nhịp nhanh; nghệ thuật nhân hóa cùng các từ réo gần, réo to, gằn, chế nhạo, khiêu khích, van xin, oán trách … khiến nước thác vừa như một sinh thể có linh hồn sống động, tâm trạng phong phú, tính cách dữ dội vừa như một bản hùng ca tráng liệt của đại ngàn.

3. Vẻ đẹp Sông Đà qua quang cảnh hai bên bờ.

– Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. “Thuyền tôi trôi trên sông Đà” – câu văn mở đầu đoạn hoàn toàn là thanh bằng gợi cảm giác lâng lâng, mơ màng; ý lặng tờ nhắc lại trùng điệp tạo chất thơ.

– Thiên nhiên hài hòa mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, kỳ thú: Cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non, đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương.

– So sánh bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa mở ra những liên tưởng về sự bát ngát, lãng mạn, hư hư thực thực của dòng sông.

– Người với cảnh có sự tương giao, hư thực đan xen: Tiếng còi, con hươu ngộ ngẩng đầu nhìn và hỏi ông khách sông Đà. Cảnh làm cho vị tình nhân non nước sông Đà xúc động trong thực và mơ.

→ Miêu tả dáng sông và màu nước sông Đà, qua đó tô đậm vẻ đẹp thơ mộng của con sông Tây Bắc.

–  Nghệ thuật của ngòi bút lãng mạn tài hoa, tinh tế. Nhà văn hiến cho độc giả hình ảnh sống động, ấn tượng sâu sắc:

+ Lấy động tả tĩnh: Cá quẫy đủ khiến ta giật mình.

+ Cái tĩnh hàm chứa sự bất ngờ bởi sự biến hóa liên tiếp: thuyền thả trôi, con hươu thơ ngộ vểnh tai, áng cỏ sương, tiếng còi sương, đàn cá dầm xanh quẫy vọt. Cảnh và vật đều ở trạng thái động, không chịu ép mình và đều mang hơi thở vận động của cuộc sống nhiều chiều

– Nhà văn đã trải lòng mình với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe nhịp sống cuộc đời mới, để nhớ, để thương cho dòng sông, cho quê hương đất nước:

+ Thưởng ngoạn vẻ đẹp sông Đà,lòng ông dậy lên cảm giác liên tưởng về lịch sử, về tình cảm đối với cố nhân: nhắc tới đời Lí đời Trần.

+ Trước vẻ đẹp hoang dại nhà văn suy nghĩ về về tiếng còi tàu, cuộc sống hiện đại.

+ Trải lòng, hóa thân vào dòng sông trong đắm đuối của tình non sông đất nước: Nhớ thương hòn đá thác, lắng nghe giọng nói, trôi những con đò mình nở.

→ Câu văn dài, nhịp văn chậm rãi, thong thả; ngôn ngữ và hình ảnh gợi cảm tuôn dài tuôn dài, áng tóc trữ tình, xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ; nghệ thuật nhân hóa làm nổi bật vẻ đẹp mềm mại trữ tình thơ mộng và gợi cảm của dòng sông.

4. So sánh vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn.

– Điểm giống:

+ Trong nội dung: hai đoạn văn đều nói đến vẻ đẹp sông Đà, đặc biệt là nước sông Đà, qua đó, làm hiện lên cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân (ngôn từ phong phú; khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình; trí tưởng tượng mãnh liệt; tiếp cận đối tượng ở phương diện văn hóa thẩm mỹ; không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt…)

+ Trong nghệ thuật: ngôn ngữ giàu có; nghệ thuật nhân hóa

– Điểm khác:

+ Nội dung: cùng tả nước sông Đà nhưng đoạn 1 tả âm thanh, đoạn 2 tả màu nước nên đoạn 1 như một bản nhạc, đoạn 2 như một bức họa; đoạn 1 tô đậm vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội; đoạn 2 tô đậm vẻ đẹp thơ mộng trữ tình

+ Nghệ thuật: câu văn (đoạn 1 câu ngắn, nhịp nhanh; đoạn 2 câu dài, nhịp chậm); ngôn ngữ (đoạn 1 thiên về góc cạnh, nhiều động từ; đoạn 2 thiên về cái đẹp mềm mại, gợi hơn tả); về giọng điệu (đoạn 1 giọng mạnh mẽ; đoạn 2 giọng tha thiết nhẹ nhàng)

5. Giá trị nghệ thuật đặc sắc.

– Nguyễn Tuân có một vốn tri thức phong phú, nhiều mặt về lịch sử, địa lí, quân sự, điện ảnh. Qua việc miêu tả Sông Đà trong tác phẩm nói chung và trong đoạn trích nói riêng, ông đã cung cấp hiểu biết mọi mặt về dòng sông này, mang lại cho người đọc những kiến thức lí thú.

– Nguyễn Tuân cũng đã vận dụng mặt mạnh của nhiều ngành khoa học khác để làm tăng khả năng biểu hiện của văn chương, Miêu tả sông Đà có lúc ông giống như một nhà quay phim lão luyện, hết lùi lại để bao quát toàn cảnh sông Đà, có lúc lại quay cận cảnh một con thác hung dữ. Khi miêu tả cảnh sắc hai bên bờ sông và dòng nước sông Đà, Nguyễn Tuân lại sử dụng các gam màu rất táo bạo, tài tình như một hoạ sĩ tài năng: màu xanh ngọc bích của mùa xuân, lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa vào mùa thu. Cách miêu tả sông Đà từ phương diện văn hoá, mĩ thuật của Nguyễn Tuân đã tạo nên những trang văn thực sự độc đáo.

– Miêu tả con sông Đà, Nguyễn Tuân huy động một vốn từ ngữ phong phú, đa dạng. Miêu tả cuộc quyết đấu của người lái đò với con Sông Đà, Nguyễn Tuân sử dụng những từ ngữ quân sự, võ thuật với những câu văn ngắn. Khi miêu tả vẻ đẹp trữ tình, câu văn của ông kéo dài, mang đậm chất trầm tư, mơ mộng. Ông thực sự xứng đáng là “người nghệ sĩ của ngôn từ”.

6. Sự độc đáo của hình tượng sông Đà qua tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân.

– Qua đôi mắt của nhà văn Nguyễn Tuân, sông Đà trở thành một hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong trang văn của ông.

– Hình tượng con sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” mang vẻ đẹp hùng vĩ, hung dữ nhưng rất thơ mộng, trữ tình. Hai nét tính cách tương phản đan xen, hài hoà tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho hình tượng sông Đà.

– Qua hình tượng sông Đà, nhà văn thể hiện tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên. Đồng thời còn cho thấy công phu lao động khó nhọc, cùng sự tài hoa uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hoá.

  • Kết bài:

Qua hai lần miêu tả dòng sông, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà vừa dữ dằn, hung bạo vừa thơ mộng, trữ tình. Những đặc sắc nghệ thuật với rất nhiều biện pháp tu từ và kho ngôn ngữ phong phú ngùn ngụt chất liệu sức sống khiến dòng sông Đà của thiên nhiên vĩnh viễn trở thành dòng sông nghệ thuật.

Phân tích vẻ đẹp hình tượng con sông Đà trong tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang