Cảm nhận ý nghĩa của từ “giọt” trong câu thơ “Từng giọt long lanh rơi” (Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải)
Kết thúc đoạn thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải tập trung khắc họa hình ảnh mùa xuân thiên nhiên đất trời với sức sống rạo rực, tràn trề. Sức sống ấy cô đọng lại trong từ “giọt” hết sứ tinh tế và độc đáo:
“Từng giọt long lanh rơi.
Tôi đưa tay tôi hứng”
Qua phép ẩn dụ, nhà thơ đã khiến cho từ “giọt” mang nhiều ý nghĩa biểu trưng đặc sắc. Trước hết, từ “giọt” là hình ảnh của giọt sương sớm mai, giọt mưa còn đọng lại trên lá, long lanh ánh trời. Hiểu như thế mới thấy được những rung động sâu lắng, tâm hồn tinh tế và điểm nhìn nghệ thuật độc đáo của tác giả. Cả đất trời đọng lại trong giọt nước bé nhỏ. Nét quen thuộc của khung cảnh mùa xuân cũng dễ gợi cảm xúc xôn xao trong lòng người
Thế nhưng, tầm nhìn trong đoạn thơ là rất lớn: dòng sông, bầu trời. Nếu hiểu “giọt trong câu thơ “từng giọt long lanh rơi” là giọt sương, giọt mưa thì thật chưa thỏa đáng. Khi con chim chiền chiện đã “hót vang trời” cũng là lúc mặt trời đã lên, giọt sương hay giọt mưa cũng đã tan biến, không còn hiện hữu nữa. Lại thêm “từng giọt… rơi”, nghĩa là rơi nhiều. Nếu là giọt sương thì điều đó không thể xảy ra. Nếu là giọt mưa, trong khung cảnh ấy lại càng phi lý
Có lẽ ở đây, nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. “Giọt” kia nên hiểu là “giọt âm thanh” của tiếng chim chiền chiện đang say mê hót vang trên bầu trời xanh cao rộng. Đáng lẽ, nhà thơ sẽ lắng nghe bằng tai (thính giác), cảm nhận bằng tâm hồn (cảm giác) thì ông lại đưa tay hứng từng giọt âm thanh tiếng chim (xúc giác). Tiếng chim từ chỗ là sóng âm thanh, chuyển thành giọt âm thanh, một sự biến đổi tinh vi có lẽ chỉ xảy ra trong nghệ thuật. Từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc hết sức cụ thể và sinh động, có thể cảm nhận bằng xúc giác. Hình ảnh giàu cảm xúc, diễn tả niềm say sưa, ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất lúc vào xuân.
Cách hiểu “giọt” là giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện xuất phát từ chỗ cho rằng giữa câu thơ này với hai dòng thơ trước nó là liền mạch. Hiểu như vậy thì câu thơ, không dừng lại ở tả thực mà là biểu hiện một sự chuyển đổi cảm giác: Tiếng hót lánh lót, vang vọng, trong trẻo của con chim chiền chiện được cảm nhận như một dòng âm thanh tuôn chảy và trong ánh sáng tươi rạng rỡ của trời xuân, giọt âm thanh cũng long lanh và nhà thơ nâng niu, trân trọng đưa tay đón lấy từng giọt.
Hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, giọt long lanh kia hay chính là kết tinh tình yêu cuộc sống thiết tha và tâm nguyện hiến dâng cho cuộc sống tinh hoa cuộc đời mình đang lặng lẽ vo tròn, kết tụ trong tâm hồn nhà thơ. Đó phải chăng là nhà thơ đang nghĩ về sự biến hoá của vũ trụ và ý niệm thân vô thường trụ của phật giáo vốn có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống con người Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, ý nghĩa của từ “giọt” trong câu thơ đã mang lại cho bài thơ một giá trị nghệ thuật đặc sắc, biểu hiện tinh tế và chân thực vẻ đẹp dòng cảm xúc, tình yêu cuộc sống của nhà thơ trước mùa xuân đất trời và với cuộc đời.
bó tay