»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận ý nghĩa khổ thơ cuối bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
- Mở bài:
Phẩm chất cao đẹp của người lính: lòng yêu nước, ý chí chiến đấu bảo vệ tổ quốc…Điều đó được thể hiện rõ qua hai khổ cuối trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
- Thân bài:
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật được sáng tác trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt.
Cả hai bài thơ đều lấy cảm hứng từ hình tượng anh bộ đội cụ Hồ cho nên có những phẩm chất chung đẹp đẽ rất đáng tự hào của hình tượng người lính cụ hồ vừa dũng cảm, kiên trung, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh vừa có tâm hồn lãng mạng, yêu đời, hướng tới tương lai.
Khổ thơ cuối bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.
Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút “chờ giặc tới”. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả.
Câu thơ cuối chứa đựng chủ đè bài thơ. Nếu “trăng” là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, là sự sống thanh bình thì “súng” là hiện thân cho cuộc chiến đấu gian khổ, hi sinh. Nếu “súng” là hình ảnh hiện thực khốc liệt thì “trăng” là biểu tượng của khát vọng hướng tới tương lai hòa bình của đất nước. Nếu “súng” là biểu tượng cho cái chết, sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù thì “trăng” là biểu tượng của ý chí chiến đấu, của niềm tin vào sức mạnh và khả năng chiến thắng của dân tộc. Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền. Súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ. Hai hình ảnh đó trong thực tế vốn xa nhau vời vợi nay lại gắn kết bên nhau trong cảm nhận của người chiến sĩ: trăng treo trên đầu súng.
Ở đây, người lính không chỉ có vẻ đẹp về ý chí kiên định, nghị lực phi thường, lòng yêu nước sâu đậm mà còn cỏ vẻ đẹp tâm hồn tươi sáng, đầy lạc quan, tin tường không có gian khổ, khắc nghiệt nào có thể lung lay được.
Hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đôi, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang
Đồng chí là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của vàn học thời kháng chiến chống Pháp. Khổ thơ cuối không chỉ ca ngợi tình đồng chí mà còn khắc họa hình ảnh ảnh bộ đội cụ Hồ có ý chỉ, tinh thần yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vẫn lạc quan, yêu đời, hướng tới tương lai, có tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, hi sinh vì lí tưởng cách mạng.
- Cơ sở tạo nên tình đồng chí ở bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
- So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
Khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính ” của Phạm Tiến Duật:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe hiên ngang dũng cảm, lạc quan, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu vì miền Nam, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Sự thiếu thốn về vật chất bên ngoài đối lập tinh thần yêu nước, bất khuất trong tâm hồn.
Hình ảnh hoán dụ “trái tim” để chỉ người lính lái xe, trong nguy hiểm gian lao xe vần chạy về phía trước bởi có tấm lòng của người lính yêu nước: “chỉ cần trong xe có một trải tim”. Đó là trái tim yêu nước, mang lý tưởng, khát vọng cao đẹp, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều chất liệu hiện thực, nhiều câu đậm chất văn xuôi tạo sự phóng khoáng, ngang tàng. Nhịp thơ sôi nổi, trẻ trung tràn đầy sức sống. Giọng điệu ngang tàng, dí dỏm, hóm hỉnh mà chân thật phù hợp với tính cách phóng khoáng của những người lính lái xe. Thể thơ tự do, lời thơ rất gần với lời nói thường đậm chất văn xuôi.
Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực, chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi. Đằng sau những ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lý thời đại của chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, quyết thắng.
Bài thơ biểu dương sức mạnh tinh thần của con người, nêu bật ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, ngợi ca tinh yêu đất nước nồng nhiệt, sâu sắc của những người chiến sĩ đối với tổ quốc, với đồng bào Miền Nam ruột thịt. Tác giả đã tìm thấy, phát hiện, khẳng định cái chất thơ, cái đẹp nằm ngay trong hiện thực đời sống bình thường nhất, thậm chí trần trụi, khốc liệt nhất, ngay cả trong sự tàn phá dữ dội, ác liệt của chiến tranh.
- Ý nghĩa nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
- Cảm nhận về hình tượng người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
Những nét đẹp chung của hình tượng anh bộ đội cụ Hồ qua hai bài thơ:
Họ là những người linh chiến đấu cho một lí tưởng cao đẹp: lòng yêu nước, ý chí quyết tâm và khát vọng chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc là những nét nổi bật nhất trong tâm hồn người lính cả hai thời kì kháng chiến cứu nước.
Họ có tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết như anh em ruột thịt. Với người lính, đó là nguồn sức mạnh thiêng giúp họ vượt qua gian khổ, hiểm nguy, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Họ là những con người lạc quan yêu đời, tâm hồn bay bổng, lãng mạn, tin tưởng ở ngày mai. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến thế nào đi chăng nữa, dù hiểm nguy cận kề, người lính vẫn mở rộng tâm hồn, đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống.
Những nét riêng trong vẻ đẹp của hình tượng người lính:
Người lính trong bài thơ Đồng chí vốn là những người nông dân áo vải, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, họ rời bỏ gia đình, quê hương cầm súng chiến đấu. Tâm hồn họ mang hơi thở của đồng ruộng chân chất, mộc mạc muôn đời của người nông dân mặc áo lính. Cho nên, giọng thơ vì thế cũng hết sức nhẹ nhàng, đằm thắm, có chút khắc khoải. Cảm xúc cũng điềm nhiên, lắng động. Đôi khi ngập ngừng, lặng im.
Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính ” lại mang một tâm thế hoàn toàn khác: trẻ trung, tinh nghịch, hóm hỉnh và hết sức sôi nổi. Họ là những chàng trai thị thành, tâm hồn mang nặng tình yêu đối với nhân dân, đất nước, xếp bút nghiêng lên đường làm nhiệm vụ. Vẻ hào hoa vẫn còn sâu đậm trong ánh mắt, trong ý nghĩ, hành động và lối sống. Phù hợp với tính cách ấy, Phạm Tiến Duật đã lựa chọn một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi. Ngôn ngữ thơ phóng tung, hào sảng như khức trường ca ra trận. Thủ pháp đối lập giữa không và có của Phạm Tiến Duật được vận dụng khéo léo. Đó là những đóng góp riêng về cá tính và phong cách của hai nhà thơ tạo nên bức chân dung đẹp về người lính.
- Kết bài:
Bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã khắc họa thành công hình ảnh người lính cụ Hồ kiên trung, bất khuất. Mỗi bài thơ một hoàn cảnh, một tâm hồn, một suy nghĩ riêng nhưng thống nhất ở niềm tự hào, ở tình yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù.