cam-thuc-tha-huong-trong-bai-tho-nuoc-mat-tha-nhan-cua-duong-le

Cảm thức “tha hương” trong bài thơ “Nước mắt tha nhân” của Dương Lê

Cảm thức “tha hương” trong bài thơ “Nước mắt tha nhân” của Dương Lê

Đời người là một chuyến đi dài trong vô tận thời gian và bao la vũ trụ. Cứ đi, cứ đi cho đến khi nào con tim ngừng nhịp đập, khối óc ngừng suy nghĩ, đôi bàn chân rụng rồi và ào ào ngã xuống. Hãy trở về với tâm thức, thuở mông muội tồn sinh, trở về cài ngày:

“Hạt bụi hoài thai sự sống
Phù sa bồi đắp đồng sâu”.

Tạo vật đã không cho đất trời trọn vẹn, huống chi là đời người sao khỏi thăng trầm, nổi trôi. Thuở ấy, loài người chưa có, tình yêu cũng chưa có, những hạt bụi vô hồn kết tụ tinh anh vũ trụ đã tạo ra gió, gió bay đi tạo ra nước và nước tạo ra loài người. Nghe có vẻ vô lý quá. làm sao có thể như thế được. Mà thôi, nói chi chuyện đất trời, trách chi kẻ mộng du nói lời vô nghĩa. Tất cả đều vô nghĩa lí khi ta không còn có một niềm tin nào vững chắc đủ sức vực ta đứng vững. Bởi đức phật có nói: ” Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm”. Vô tâm hay hữu tâm cũng sẽ là vô nghĩa lí cho đến khi cái chết hiện hữu, vòng sinh diệt lộ ra trong vô ngã, vô thường:

“Nếu ngày mai ta lìa xa trần thế
Thì người ơi có còn nhớ thương nhau?”

Và thế là lưu lạc. Tôi cũng không biết “ra đi” là khởi đầu một hành trình hay vừa mới kết thúc một hành trình trên vạn lý trường miên nữa:

“Ta lưu lạc như loài bồ câu trắng
Trời tháng ba, cơn nắng xé trên đầu
Ta lưu lạc nơi miền Nam đất mặn
Trời tháng ba cay đắng với thương đau”.

Lưu lạc có phải là sự đọa đày của trần thế không? Hay đó là tự ta cảm nghiệm những đọa đày của trần thế? “Lưu lạc” là giải phóng thể thức để đuổi kịp cái tham vọng mà tàng thức đã khởi hành. Và khi tham vọng đã quá đầy, căn sân si lên quá trán, một lần nữa người ta lại mơ hồ về định mệnh:

“Đâu là nhà? Ừ, đâu sẽ là nhà!
Đâu là em và đâu là ta nữa?
Ngày ra đi đất trời xa lạ
Nước mắt hành nhân mặn đắng cơn mưa”.

Nhà là nơi lưu trú của thân thể. Thân thể là nơi lưu trú của tinh thần. Và em lưu trú trong tinh thần ta. Cũng có thể ta đang lưu trú trong em mà không hề hay biết! Cái này chồng lên cái kia bề bề bộ bộn. Quả thực, trên bước đường đời, người ta cũng chỉ có bấy nhiêu hành lí ấy thôi:

“Ngày ra đi tím đường hoa lối cỏ
Sầu man man qua mấy ngọn đồi
Gượng cười chào biệt mối tình sâu bọ
Với dòng sông hờ hững lục bình trôi”.

Vạn vật ngậm ngùi tiễn đưa bước chân xa xứ. Con đường dấu cỏ, ngọn đồi cây xanh, dòng sông hoa tím thầm biệt “mối tình sâu bọ” qua nụ cười biệt ly. Ta đi hay người đi? Ta đi hay hồn đi không biết nữa. Chỉ biết ngày sau khó trở về:

“Em cứ thế, cứ hồn nhiên em nhé!
Cứ điêu ngoa, hờn ghét thật lòng
Cứ chối bỏ (như em từng chối bỏ)
Ta trở về dẫu có cũng là không”.

Và một khi ta giả dối, ta lại thường yêu cầu ở người khác sự chân thực. Đời người lắm kẻ sống bằng phiếm hoặc, và sự giả dối của lòng mình đủ để ta suy nghĩ hết một đêm. Trở về bằng tâm thức điên cuồng lừng lẫy là cái cớ để ra “đi biền biệt”. Đó cũng là thường thấy xưa nay:

“Ta trở về như loài cây tứ thiết
Giữa âm u gầm thét với ngàn thâu
Ta trở về để rồi đi biền biệt
Để muôn đời, ngày đó nhớ thương nhau”.

Đáng tiếc thay cho những ai đang cố giữ lại lòng mình những ngày xưa cũ. Bởi vì những ngày xưa cũ thường rất ủy mị và chứa đựng nhiều khổ đau, gây cho con người ta nhiều suy nghĩ. Người ta gọi nó là kỉ niệm, là trải nghiệm đối chứng. Và cũng thật đáng tiếc thay cho những ai đã không kịp gửi lại quá khứ niềm khổ đau, trong căn phòng kỉ niệm hoàn toàn lạnh lẽo.

Người ta thường cố quên đi những gì khốc liệt, có thể làm người ta đau khổ, còn các thi sĩ lại cố tình giữ lại và thêu dệt nó thành biết bao nhiêu tấm thảm đa sắc màu. Họ đã phủ trên khắp mặt đất này những thảm màu kì diệu và, lộng lẫy. Họ đã làm cho sa mạc khô cằn trở nên trở nên hiền hòa với những ốc đảo tươi xanh và miền tuyết trắng không còn lạnh nữa. Họ khâu lại những vết thương và bôi thuốc giảm đau vào những tâm hồn rệu rã. Họ phục sinh cho những linh hồn và đi ngược lại quy luật của tạo hóa. Họ là những thiên thần.

Thế nhưng, có thi sĩ nào mà không đứng trong nghịch cảnh. Có thể là nghịch cảnh do tạo hóa giăng bày để cản trở sự bất tuân quy luật  của họ. Nhưng, nghịch cảnh càng cao, họ lại càng tỏa sáng. Họ biến niềm khổ đau thành ánh sáng, biến thất vọng thành niềm tin, biến hoài nghi thành sức mạnh chinh phục. Họ đã suy nghĩ nhiều hơn tất cả những gì loài người có thể nghĩ, họ khổ đau hơn tất cả những gì nhân loại đã trải qua. Họ tạo ra nguồn sống và dành tặng cho những ai cần tìm lấy một trợ lực để tiếp tục bước tiếp trên đường đời vạn khổ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang