Sự mong manh và trường cửu của tình yêu trong thi ca

su-mong-manh-va-truong-cuu-cua-tinh-yeu-trong-thi-ca

Sự mong manh và trường cửu của tình yêu trong thi ca

Tình yêu là một trạng thái tình cảm khó nắm bắt nhất của con người. Nó luôn vận động đa chiều và chứa đựng nhiều đặc tính rất khó giải thích bằng ngôn từ. Chính vì thế, từ xưa đến nay, tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn để các nhà nghệ thuật, các nhà khoa học say mê khám phá, đi tìm chân lí thực sự ẩn chứa trong nhân tố này.

Theo từ điển, tình yêu là một loại tình cảm đặc biệt của con người, là sự rung cảm và quyến luyến sâu sắc giữa hai cong người khác giới. Ở họ có sự phù hợp với nhau về nhiều mặt, có nhu cầu gần gũi, gắn bó, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sàng hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình.

Triết học khái niệm tình yêu là sự hòa hợp giữa người nam và người nữ ở mặt tâm hồn (tình cảm) và thể chất (bản năng) hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ.

Khi đi vào nghẹ thuật, tình yêu mang nhiều trạng thái khác nhau. Các nghệ sĩ cố gắng đi tìm một cách biểu đạt chung nhất. Thế nhưng, càng cố gắng biểu đạt nó lại càng mơ hồ hơn. Tình yêu là một cái gì đó vừa mong manh dễ vỡ, vừa trường cửu bất biến, vừa có thể cảm giác được vừa bất lực trước sức mạnh ảo diệu, kì bí của nó.

Xuân Diệu nói:

“Làm sao định nghĩa được tình yêu?
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.

Đây là một cách hiểu thanh thoát về tình yêu, tránh được sự rườm rà và nặng nề của lí thuyết, đưa tình yêu bay bổng trong nghệ thuật. Tình yêu được biểu đạt bằng hình ảnh có tính biểu trưng: “mây nhè nhẹ”, ” gió hiu hiu”. Xét về đặc tính, cả hai trạng thái đều rất mềm mại, nhẹ nhàng, thanh thoát, trong sạch, bất định. Cũng giống như mây và gió, tình yêu chính là sự kết tụ, thăng hoa của cảm xúc, được tích lũy qua thời gian hoặc cũng có thể là đột biến trong khoảnh khắc. Mây, gió hợp rồi tan, bùng phát rồi trầm lắng, rự rồi tan biến. Cũng như thế, tình yêu đến rồi đi, có rồi lại không, nồng thắm rồi nhạt phai. Nhưng sức sống sống của nó trong nhân loại là mãi mãi.

Puskin, một bậc thầy của thơ tình thế giới cũng từng thổ lộ:

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”.

Cụm từ “Tôi yêu em” làm hiện hình tình yêu một cách khá rõ ràng. Nó muốn minh chứng tình yêu là một cái gì đó có thật trong con người. Tiếp đến, mức độ tình yêu ấy được cụ thể hóa bằng “ngọn lửa tình”, một biểu tượng của sự say me, ấm áp. Dù giữa hai người sợi dây kết nối tình yêu không còn nữa đặc tính (sức sống) của nó không bao giờ mất đi (chưa hẳn đã tàn phai). Puskin cũng khẳng định, tình yêu vừa mong manh nhưng cũng vừa trường cửu với thời gian. Cho đến khi trái tim thôi không còn đập nữa thì tình yêu sẽ tự khắc chuyển hóa, tìm kiếm một hình thức khác để trú ngụ chứ không bao giờ chịu sự hủy diệt của thời gian.

Đại thi hào vĩ đại Tagore lại có cách biện hộ khá dài dòng nhưng đầy đủ về tình yêu:

“Đôi mắt âu lo của em buồn 
Em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh 
Như trăng kia nhìn sâu vào biển cả, 
Em đã biết cõi đời anh 
Anh không giấu em một điều gì cả, 
Chính vì thế mà em không bao giờ hiểu biết hết về anh”.

Đôi mắt là cánh cửa, là lối đi ra của tình yêu từ trong sâu thẳm tâm hồn. Đôi mắt của em buồn vì em muốn thấu suốt tình cảm của anh nhưng không thể nào nắm bắt được dù anh không giấu em một điều gì và em đã biết cõi đời anh hơn tất cả. Chính vì không thể nắm bắt được nên em vẫn mãi có gắng kiếm tìm. Càng kiếm tìm càng mơ hồ hơn nữa. Từ đó nỗi hoài nghi xuất hiện. Thế nên, người con trai phải vội vã chứng minh:

“Nếu đời anh là hạt ngọc, 
Anh sẽ đập tan ra hàng trăm mảnh để xâu thành 
một chuỗi hạt và quàng vào cổ em 
Nếu đời anh là một đóa hoa, dịu dàng bé bỏng 
Anh sẽ tách ra khỏi cành và cài lên mái tóc em”.

Bằng các hình thức giả định: “nếu đời anh là hạt ngọc”,, anh sẽ đập nó ra và xâu lại thành chuỗi ngọc và quàng vào cổ em;  “nếu đời anh là một đóa hoa” anh sẽ tách nó ra khỏi cành và cài lên mái tóc em. Tình yêu chính là sự dâng hiến tột cùng, kể cả sự sống. Và bởi nó sẵn sàng cho đi tất cả nên nó còn mãi với con người. Thế nhưng, chính họ cũng bất lực về tình yêu mà mình đang có và thế là hàng loạt các giả định khác được bổ sung để cố tìm kiếm một sự thấu hiểu:

“Nhưng than ôi! đời anh là một trái tim
Nào ai biết được bến bờ của nó 
Em là nữ hoàng của Vương quốc đó 
Thế mà em có bao giờ biết được biên giới của nó đâu. 
Nếu trái tim anh là lạc thú 
Nó sẽ nở ra nụ cười sung sướng và em sẽ thấu suốt 
được ngay

Nếu trái tim anh là khổ đau 
Nó sẽ lặng yên biến thành những hạt lệ trong,
Phản chiếu nỗi niềm u uẩn 
Nhưng trái tim anh là tình yêu 
Niềm vui, nỗi buồn của nó là vô biên 
Cái giàu cái nghèo của nó là trường cửu 
Trái tim anh ở gần em như chính cuộc đời em đó 
Nhưng em có bao giờ hiểu được rõ cả nó đâu”.

Có khi nó là cả một vương quốc, và kẻ ngự trị chính là người yêu. bến bờ của nó là vô hạn, nỗi buồn của nó là vô biên, sự giàu nghèo của nó là trường cửu vượt qua tất cả sự thấu nhận của con người.

Tình yêu giống như một bóng ma, lúc hiện hình, lúc ẩn nấp, tan biến đi, lúc như ở nơi xa xôi mà lại rất gần trong trái tim ấm áp. Ôi tình yêu, nó nuôi dưỡng tâm hồn, nó cho ta sự sống, nó cho ta khát vọng, ước ,mơ, sự mộng tưởng và cũng chính nó là thủ phạm làm tàn héo khu vườn mà chính nó đã vun trồng lên. Nó vừa hồn nhiên, đáng yêu lại vừa rất tàn bạo, sẵn sàng tàn phá những gì mà nó không mong muôn. Ta vừa như muốn có được nó, vừa như kinh sợ sức mạnh của nó.

Đôi khi ta xác định, nó chỉ để chiêm ngưỡng mà thôi. Nhưng càng rời xa nó tâm hồn ta càng héo hắt hơn. Thế nên, người Mỹ cũng từng nhắc nhở: “thà được yêu một lần và bị ruồng bỏ còn hạnh phúc hơn là không bao giờ được yêu”.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đặc điểm nghệ thuật thơ Tagore - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.