chat-nhac-trong-but-ki-ai-da-dat-ten-cho-dong-song

Cảm nhận chất nhạc trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông

Cảm nhận chất nhạc trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”

Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được viết vào tháng 1- 1981 tại Huế. Trong những dòng mở đầu tác phẩm tác giả cho biết: mùa thu ông ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay ra mặt sông Hương trong khung cảnh rất thơ. Trong trạng thái tiêu diêu giữa cõi thực và thơ, ông cảm nhận ra âm hưởng của Huế trên mỗi trang Kiều. Tình yêu sông Hương với các giá trị văn hóa, lịch sử của nó đã mở lối cho sự ra đời của bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Viết về sông Hương, nhiều lần nhà văn đã liên tưởng đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đại thi hào đã từng có thời gian sống ở Huế, những trang Kiều ra đời từ mảnh đất có truyền thống nhã nhạc cung đình. Đó là cơ sở để Hoàng Phủ Ngọc Tường hóa thân vào một nghệ sĩ già, nghe những câu thơ tả tiếng đàn của nàng Kiều, chợt nhận ra âm hưởng của âm nhạc cung đình và bật thốt lên “Tứ đại cảnh”.

Qua cách cảm nhận của âm nhạc, sông Hương đẹp và êm đềm như một điệu slow chậm rãi, trữ tình, sâu lắng. Chất âm nhạc của dòng sông hiện ra ở chính âm hưởng, nhịp điệu của văn bản ngôn từ. Đó là một nhịp điệu êm đềm, tĩnh lặng, được tạo ra bởi những câu văn dài nối tiếp, với rất ít dấu ngắt và rất nhiều thanh bằng, bởi sự giãn cách trong nhịp trầm tư sâu lắng của những suy ngẫm, những liên tưởng mênh mang trong không gian, thăm thẳm trong thời gian. Chất liệu miêu tả đã làm hiện hữu sinh động đối tượng miêu tả, nhịp điệu ngôn từ đã mô phỏng tài hoa nhịp điệu êm đềm, yên ả của dòng sông.

Chất nhạc còn hiện ra qua cách nhà văn miêu tả dòng chảy của sông Hương: “một dòng sông trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”, trong đó từ nhịp ngắt, các yếu tố điệp cho đến so sánh đều góp phần làm đậm thêm nhịp chảy chậm rãi, yên ả của dòng sông; có lúc nhà văn không giấu được tình yêu thiên vị của mình khi so sánh dòng chảy băng băng của sông Nêva lúc xuân về với “điệu chảy lặng tờ” của dòng sông xứ Huế, nhà văn còn cho rằng chỉ dòng chảy êm lặng ấy mới giúp con người cảm nhận được tâm hồn dịu dàng, đa cảm của một dòng sông “ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”.

Chất nhạc của dòng sông cũng được thể hiện qua những âm thanh của chính dòng sông và cảnh sắc đôi bờ. Đó là âm thanh gợi cõi vô thường huyễn hoặc vủa “tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia”, âm thanh nồng ấm thân yêu của “những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”, âm thanh không lời của một tình yêu e ấp, âm thanh của chính dòng sông được ví như “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, “tiếng nước rơi bán âm”, tiếng “những mái chèo khua đập nước”…; và chất nhạc đặc biệt được hiện ra trong những liên tưởng tới “nền âm nhạc cổ điển Huế”.

Từ âm thanh của dòng sông (tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng đêm khuya, tiếng nước vỗ mạn thuyền…) đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế. Và rồi cũng chính trên dòng sông ấy, những câu hò Huế vang lên mênh mang, xao xuyến…

Một giá trị văn hóa đặc sắc của cố đô, luôn gắn bó và làm nên một phần linh hồn của dòng sông xứ Huế. Những so sánh, nhân hóa đặc sắc, những liên tưởng mang đậm chất trữ tình khiến dòng sông Hương hiện ra thủy chung và tình tứ giữa thành phố quê hương, vừa dịu dàng mềm mại như một bức tranh lụa huyền ảo, vừa tha thiết đắm say như một bản nhạc êm đềm.

Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đến với Huế và đã bị con Sông Hương mê hoặc. Nhiều tác phẩm văn học đã đưa con sông này đến với người đọc để từ đó đem lòng yêu Huế, dù chưa một lần đặt chân đến nơi này. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người một đời gắn bó với Huế, bằng tình cảm tha thiết, bằng tiềm năng văn hóa đã khám phá vẻ đẹp của Hương Giang một cách toàn diện, đưa Sông Hương trở thành biểu tượng của đất cố đô…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang