Chứng minh: “Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân thể hiện những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu kháng chiến chống Pháp”.
- Mở bài:
Kim Lân là nhà văn có sở trường về mảng đề tài cuộc sống và con người ờ nông thôn Việt Nam. Theo Nguyên Hồng thì đó là một nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống, con người ở thôn quê”. “Làng” là một truyện ngắn thành công của Kim Lân ở giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm thể hiện sâu sắc những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp: yêu làng, yêu nước, ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ hồ, quyết tâm góp sức chống giặc cứu nước.
- Thân bài:
Truyện có kết cấu đơn giản xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu của ông đối với cái làng Chợ Dầu của mình. Với những biến chuyển trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành hình tượng điển hình cho người: nông dân Việt Nam ở giai đoạn chống Pháp: yêu làng, yêu nước, ủng hộ cách mạng,…
Nét nổi bật ở nhân vật ông Hai là tình yêu đặc biệt đối với làng chợ Dầu. Ông hay khoe, hay kể về làng. Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi khi kể về làng, ông chỉ khoe và tự hào về cái sinh phần sừng sững ở cuối làng của viên tổng đốc làng ông, cho dù bản thân ông và nhiều người khác trong làng đã phải khốn khổ vì cái sinh phần ấy. Sau Cách mạng, làng ông trở thành làng kháng chiến. Ông Hai không còn khoe cái sinh phần ấy nữa mà khoe làng kháng chiến. Tình yêu làng gắn bó với niềm vui của con người hòa vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng gắn với tình yêu nước. Phải xa làng đi tản cư, ông Hai tự an ủi mình “đi tản cư cũng là kháng chiến”. Thế nhưng, ông luôn day dứt vì nhớ làng và anh em đồng chí đã ở lại làng. Những lúc nhớ làng: “Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá”. Điều đó khẳng định, ông Hai hết sức yêu thương, gắn bó với làng quê, tự hào và có trách nhiệm với cuộc kháng chiến của làng.
Ông thường đến phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến: “một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm lá guốc kì lên Tháp Rùa. Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lưu đạn cuối cùng”. Nghe những tin tức ấy, ruột gan ông “cứ múa cả lên” vì phấn khởi.
Ông vô cùng buồn khổ và tủi nhục khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc: “Có ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Mấy hôm liền, ông không dám đi đâu vì xấu hổ: “ông Hai nằm vật ra giường”: “Nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Tâm trạng ông đầy giằng xé “bao nhiêu suy nghĩ đen tối, ghê rợn nối tiếp, bời bời trong đâu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâv bây giờ ?”.
Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai. Có lúc ông đã nghĩ đến việc về lại làng nhưng “về làm gì cải làng ấy nữa. chúng nó theo Tây cả rồi. Cuối cùng, ông đã có một sự lựa chọn dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.
Ông chỉ biết tâm sự với đứa con trai út bé bỏng để cho vơi bớt buồn khổ và khẳng định tấm lòng của ông đối với kháng chiến, với cụ Hồ: “Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt: Ung hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. Lúc ấy, ông tin rằng : “anh em đồng chí biết cho bố con ông”, “nước mắt ông chảy ròng ròng trên má”.
Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động. Nhớ quê, yêu quê, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão. Nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Niềm tin ấy đã phần nào giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn này. Dường như ông Hai đang nói chuyện với chính mình, đang giãi bày với lòng mình và cũng như đang tự nhắc nhở: hãy luôn “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh”. Tình quê và lòng yêu nước thật sâu nặng và thiêng liêng.
Đúng lúc ông Hai có được quyết định khó khăn ấy thì cái tin làng Chợ Dầu phản bội đã được cải chính. Sự đau khổ của ông Hai trong những ngày qua nhiều bao nhiêu thì niềm phấn khởi và hạnh phúc của ông lúc này càng lớn bấy nhiêu
Gặp ai ông cũng khoe rằng Tây đã đốt nhà mình như một minh chứng cho làng Chợ Dầu không hề theo giặc: “Bác Thứ đâu rồi ? Bác Thứ làm gì đấy ! Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn ! … Toàn là sai sự mục đích cả”; “ông lão lại bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho người khác biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cải tin vui ấy với mọi người”. Sự mất mát về vật chất ấy chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông đang được đón nhận. Nhà văn Kim Lân đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc nắm bắt và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân.
Kháng chiến, cách mạng đã đem lại cho những người nông dân những nhận thức, những tình cảm mới mẻ: sự nhiệt tình, hăng hái tham gia kháng chiến, lòng tin tường tuyệt đối vào kháng chiến, vào lành tụ … Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai.
Sự thống nhất và gắn bó giữa tình yêu quê hương và tình yêu đất nước của nhân vật ông Hai cũng chính là nét mới mẻ trong nhận thức của người nông dân, của quần chúng cách mạng trong văn học ờ giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Điểm nhân mạnh mẽ của truyện chính là ở chỗ tình yêu làng, yêu nước của ông hai đã có sự thử thách cao độ. Thử thách để kiểm chứng. Thử thách để làm nó chuyển biến. Trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, tình yêu làng của ông Hai thuận theo lẽ tự nhiên của bao người. Đó là tình yêu làng tự phát. Thế nhưng, sau khi nghe tin làng chợ dầu theo giặc và trải qua mọt cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, ông Hai quyết bỏ làng, quyết ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến. Đến khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính, làng ông bị cháy, nhà ông bị đốt, ông lại trở về với tình yêu làng cố hữu và yêu nước sâu đậm hơn. Lúc này, ông tự giác yêu làng, yêu nước, tự hào về cuộc kháng chiến của dân tộc. Những chuyển biến trong tình cảm của nhan vật ông Hai hay cũng chính là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp
Kim Lân đã xây dựng rất thành công nhân vật ông Hai với phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Nhà văn đã khéo tạo ra những tình huống thử thách gây cấn, để từ đó bộc lộ chiều sâu tâm trạng nhân vật. Tác giả đặc biệt tài tình khi miêu tả nội tâm nhân vật với những suy nghĩ phức tạp, giằng xé từ bên trong. Cách sử dụng từ ngữ mộc mạc, gần gũi với người nông dân, sự hiểu biết sâu sắc vể cuộc sống của họ đã khiến Kim Lân có những trang văn thật dung dị mà sâu sắc. Chính vì vậy, người đọc có cảm tường ông Hai như một người nông dân với tất cả sự chân chất, mộc mạc ngoài đời bước vào trang sách Kim Lân.
Nhân vật ông Hai đã để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng người đọc: sự yêu mến, trân trọng và cảm phục. Qua nhân vật ông Hai, ta thấy được những biểu hiện cụ thể, sinh động về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong cuộc khảng chiến hào hùng của dân tộc.
- Kết bài:
Với truyện ngắn “Làng”, Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện những chuyển biến mới mẻ trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Nhân vật ông Hai trong truyện tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chân chất, luôn cháy bỏng tình yêu đất nước, quê hương.