Tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
I. Đặt vấn đề.
– Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vị trí của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.
– Nhiều vấn đê có ý nghĩa tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc đã được tác giả gửi gắm vào cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích.
II. Giải quyết vấn đề.
– Sau cuộc đối thoại với Xác hàng thịt và với những người thân, Hồn Trương Ba đã ý thức hết những hậu quả nặng nề, đau đớn của kiếp sống chắp vá “Hồn nọ, xác kia”:
+ Kiếp sống ấy đẩy con người vào tình trạng sống day dứt, tủi nhục, đau khổ và khiến linh Hồn bị tha hóa.
+ Kiếp sống chắp vá, giả dối còn khiến cho tất cả những người thân của Hồn Trương Ba đều phải gánh chịu nỗi đau khổ, bất hạnh ; đẩy gia đình ông vào nguy cơ tan nát.
– Hồn Trương Ba gọi Đế Thích xuống trần gian đòi trả lại xác cho anh hàng thịt. Ông không muốn tiếp tục cuộc sống vay mượn, chắp vá “hồn nọ xác kia” tủi nhục và đau đớn này nữa! Đế Thích khuyên Hồn Trương Ba hãy chấp nhận để được sống vì “dưới đất trên trời đều thế cả, nữa là ông” – đến Ngọc Hoàng cũng chẳng phải bao giờ cũng được là mình! Hồn Trương Ba kiên quyết chối từ: “Nếu ông không giúp tôi, tôi sẽ… tôi sẽ… nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ…” Đế Thích lại muốn duy trì sự sống cho Hồn Trương Ba bằng cách để ông nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã nhìn thấy trước bao điều vô lí, bao nhiêu phiền hà rắc rối sẽ đến với mình, với gia đình mình. Và điều đáng sợ hơn là kiếp sống lẻ loi, lạc lõng trong thân xác một đứa trẻ, đáng ghét: “như một kẻ tham lam, một kẻ lí ra phải chết từ lâu mà vẫn cứ sống, cứ trẻ khỏe, cứ ngang nhiên hưởng thụ mọi lộc trời”.
– Hồn Trương Ba đã lựa chọn dứt khoát con đường của riêng mình: trả lại thân xác hàng thịt, đổi mạng sống của mình cho cu Tị. Ông không chấp nhận nhập vào bất kì thân xác nào nữa vì: “không thể sống bằng bất cứ giá nào được… sống thế này còn khổ hơn là cái chết”. Hồn Trương Ba không muốn những người thân của ông phải đau khổ. Ông muốn dùng chính cái chết của mình để cứu vãn đứa con trai đang sa chân vào con đường tội lỗi và giữ cho đứa cháu gái hình ảnh người ông nội mà nó yêu quý.
– Đoạn kết của vở kịch chứa đựng những bi kịch của hiện thực khắc nghiệt: con người đáng sống như Trương Ba lại phải chết; vợ Trương Ba phải một lần nữa trải qua nỗi đau mất chồng. Nhưng linh hồn của Trương Ba – người làm vườn nhân hậu, người đánh cờ thanh cao vẫn sống “trong ánh lửa nấu cơm… trong vườn cây…trong những điểu tốt lành của cuộc đời… trong mỗi trái cây…”.
– Bằng sự lựa chọn dũng cảm của mình, Trương Ba đã gìn giữ được những kỉ niệm tốt lành, đã giữ cho các thế hệ sau niềm tin vào con người, cuộc sống. Hình ảnh hai đứa trẻ gắn bó, yêu thương và hạt na cái Gái vùi vào đất cho cây xanh “nối nhau mà lớn khôn” như lời ông nội dạy chính là niềm hi vọng, niềm tin mãnh liệt cuả tác giả vào những “điều không thể mất” trên cõi đời này.
III. Kết thúc vấn đề
– Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích chứa đựng nhiều vấn đề thiết yếu và cấp bách của cuộc sống hiện đại. Tác giả đã “trình bày” những vấn đề ấy bằng xung đột, mâu thuẫn chồng chất lên nhau: hồn và xác, con người và hoàn cảnh sống, lòng ham sống và ý thức về nỗi nhục của cuộc sống vay mượn.
– Lưu Quang Vũ đã gửi vào sự lựa chọn của Hồn Trương Ba những trăn trở, day dứt và cả niềm tin mãnh liệt về con người, cuộc đời…
- Phân tích đoạn kịch “Hồn Trương ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
- Suy nghĩ về mối quan hệ giữa “bên ngoài và bên trong“ qua vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt“ (Lưu Quang Vũ)
- Suy nghĩ về cuộc đấu tranh kịch liệt giữa hồn và xác trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
Bài tham khảo:
Tư tưởng, triết lí nhân sinh trong đoạn trích “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ
- Mở bài:
Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam thế kỉ 20. Trương Ba, da hàng Thịt là vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Đoạn kịch nằm ở phần cuối của vở kịch. Qua cuộc đấu tranh kịch liệt giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt, đoạn kịch thể hiện rõ tư tưởng và triết lí nhân sinh sâu sắc.
- Thân bài:
Mac-xim Gor-ki đã từng khẳng định: “nhà văn nào không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”. Lưu Quang Vũ đã viết lại cổ tích dựa vào một cốt truyện dân gian: Trương Ba giỏi đánh cờ nên quen thân với Đế Thích. Nam Tào bắt chết nhầm Trương Ba, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào thân xác anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba sống lại, hạnh phúc, đoàn tụ với vợ con. Nhưng kịch hiện đại không có một kết thúc có hậu kiểu như vậy. Lưu Quang Vũ bắt đầu khai thác bi kịch ngay từ chỗ hồn Trương Ba sống lại và tất cả được nhìn dưới góc độ khác, dưới ánh sáng thật của bao nhiêu ưu phiền khi hồn Trương Ba ở trong xác anh hàng thịt
Lưu Quang Vũ tập trung khai thác bi kịch hồn Trương Ba không thể dung hòa với xác hàng thịt. Hồn tượng trưng cho thế giới tinh thần cao khiết, kết tinh văn hóa của con người. Còn xác tượng trưng cho những nhu cầu, bản năng của con người. Bi kịch xảy ra là hồn không thể nào tìm thấy sự bình yên trong chính cái xác ấy, trong chính gia đình mình và cả trong gia đình hàng thịt, cuối cùng đã chọn giải pháp là cái chết.
Từ một câu chuyện dân gian quen thuộc, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một tình huống kịch với những xung đột quyết liệt, mới mẻ, độc đáo. Qua đó, nhà văn đã gửi gắm triết lý sống sâu sắc về lẽ sống làm người.
Bi kịch xảy ra khi hồn Trương Ba sống lại trong xác hàng thịt. Đây là bi kịch chính, bi kịch nội tại của nhân vật trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt. Hồn Trương Ba trước nay vốn nhân hậu, nay dần dần đổi khác: thích uống rượu, thích bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao trí tuệ. Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và càng đau khổ khi không giải quyết được mâu thuẫn. Hồn Trương Ba càng cố gắng thoát khỏi sự chi phối của thân xác thô phàm thì càng bị thân xác ép buộc.
Chính vì vậy, hồn Trương Ba mới có khát vọng mãnh liệt muốn thoát ra khỏi thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn càng đau khổ vì mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ đâu còn là một người làm vườn chăm chỉ, hết lòng yêu thương vợ con mà biến thành một người thô lỗ vụng về. Trong cuộc đối thoại với xác hàng thịt, ta thấy hồn Trương Ba bị đẩy vào thế yếu, đuối lí còn xác hàng thịt ngày càng thắng thế bởi xác có sức mạnh riêng của nó. Xác đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể để thấy sự chi phối của mình. Đó là cảm giác xao xuyến trước món ăn: tiết canh, cổ hũ…, đó là cảm giác: “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực” khi đứng bên cạnh người vợ hàng thịt… Đó là cái lần ông tát thằng con ông “tóe máu mồm máu mũi”. Những dẫn chứng đó là sự thật khiến hồn Trương Ba cảm thấy xấu hổ, ti tiện, xác còn chế nhạo với cái lí lẽ mà hồn Trương Ba chỉ đưa ra để ngụy biện: “ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Xác đồ tể nhận thấy những lí lẽ của hồn Trương Ba ngày càng đuối dần nên đã ép hồn thỏa hiệp với mình. Lí lẽ mà xác đưa ra là cả hai đã hòa làm một, không thể tách rời. Hồn cứ thỏa mãn nhu cầu của xác rồi làm điều xấu lại đổ cho xác.
Có thể thấy trong cuộc đối thoại này xác thắng thế nên rất hả hê. Khi thì mỉa mai, khi thì châm chọc. Còn hồn thì vô cùng đau khổ, xấu hổ vì những điều xác nói ra mà mình thì không muốn thừa nhận. Quả thực, hồn đã bị xác chi phối.
Xung đột kịch chưa được giải quyết, chưa dừng lại. Tuy nhiên qua cuộc đối thoại giữa hồn và xác, người đọc nhận ra những hàm ý sâu xa Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong đó. Thể xác là tiếng nói bản năng của con người, trong con người có phần tự nhiên và phần xã hội. Con người tự nhiên cũng có tiếng nói riêng, nhu cầu riêng, bản thân nhu cầu đó không xấu, con người cũng phải đáp ứng được những nhu cầu tự nhiên đó. Thể xác có những tác động ghê gớm đối với tâm hồn. Vì vậy, con người luôn luôn phải đấu tranh và tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những đòi hỏi sai lạc của thể xác, để vượt lên những dung tục của đời thường. Ở đây, ta thấy được hồn Trương Ba đã được sống lại nhưng lại sống với một cuộc sống hổ thẹn, bị dung tục, hủy hoại. Qua đây, Lưu Quang Vũ muốn đề cập tới vấn đề phải hoàn thiện môi trường, hoàn cảnh sống của con người. Trong môi trường, hoàn cảnh tốt, con người mới có thể hoàn thiện nhân cách, bảo vệ những giá trị văn hóa.
Nỗi đau khổ tuyệt vọng của hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân trong gia đình. Trong cuộc đối thoại với người vợ hiền của mình, ông đã nhận ra trong hình hài của anh hàng thịt, tính tình ông cũng đã thay đổi. Người vợ mà ông rất mực yêu thương đã đòi ra đi và đau khổ, buồn bã còn hơn cả khi ông mất. Bà cũng đã dám nói ra sự thay đổi nơi ông: “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Lời nói của người vợ một lần nữa khẳng định sự tha hóa, thay đổi ở hồn Trương Ba và sự phủ nhận đó đồng nghĩa với sự khước từ
Cái Gái – cháu ông cũng một mực không chấp nhận hồn Trương Ba là ông nội. Nó không chấp nhận cái con người có bàn tay giết lợn, chân to bè bè như cái xẻng, hành động vụng về, thô lỗ, giẫm nát cả cây sâm quý mới ươm. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt, một sự phủ nhận tuyệt đối: “Cút đi, lão đồ tể cút đi!”
Người con dâu vốn được miêu tả là một người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt, chị rất cảm thông với nỗi đau của bố chồng: “Bởi con biết giờ thầy khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng trước tình cảnh gia đình sắp tan hoang cả, chị cũng đành phải nói ra sự thật: “nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy…mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”
Như vậy tất cả những người thân yêu trong gia đình đều nhận ra nghịch cảnh trớ trêu, nhận ra sự thay đổi ở Trương Ba. Dù rất thương Trương Ba nhưng họ vẫn phải nói ra thành lời bởi họ nhận ra một điều: cái ngày họ chôn xác Trương Ba xuống đất, họ cũng không đau khổ như bây giờ. Bi kịch của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch không được thừa nhận. Hồn Trương Ba xa lạ trên cõi đời, xa lạ ngay giữa gia đình của mình.
Bi kịch gia đình là nút nhấn cuối cùng trong chuỗi xung đột kịch. Gia đình đối với người phương Đông rất quan trọng, nó là căn cốt để phục sinh nhân tính. Mất gia đình là mất mát lớn lao nhất của hồn Trương Ba, ý nghĩa sống của hồn Trương Ba không còn nữa. Đỉnh điểm xung đột xuất hiện khi hồn Trương Ba quyết định thắp hương để gọi Đế Thích.
Trước khi vào cuộc đối thoại với Đế Thích, Lưu Quang Vũ để cho hồn Trương Ba độc thoại, thể hiện nỗi đau đỉnh điểm tột cùng: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Từ lời độc thoại này dẫn đến quyết định Trương Ba lập cập thắp hương gọi Đế Thích
Qua cuộc đối thoại với Đế Thích, người đọc nhận ra quan niệm về hạnh phúc, về cái chết. Hồn Trương Ba đã dứt khoát thể hiện niềm khát khao qua lời thoại: “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”; “sống nhờ vào đồ đạc, của cải đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết!”
Những lời thoại của hồn Trương Ba chính là cốt lõi tư tưởng mà Lưu Quang Vũ gửi gắm. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi con người được là chính mình. Và sự sống của con người là đáng quý nhưng sống thực sự cho ra cuộc sống của con người mới là điều quan trọng. Sống không được chắp vá, không được vay mượn. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là con người được sống trung thực với vạn vật và với chính bản thân mình.
Hồn Trương Ba dứt khoát xin Đế Thích cho mình được chết. Ông không nghe theo giải pháp nhập vào hồn cu Tị , cũng không thỏa hiệp với Đế Thích rằng thế giới này không trọn vẹn. Một vị thần tiên lại đi chấp nhận một cuộc sống giả tạo nhưng một con người thì không. Qua đây ta thấy Trương Ba là con người sáng suốt, giàu lòng tự trọng, ý thức sâu sắc về cuộc sống đích thực.
Lẽ ra vở kịch nên kết thúc ở chỗ hồn Trương Ba chết, anh hàng thịt chết, cu Tị chết, nhưng Lưu Quang Vũ đã không rơi vào tâm trạng hoài nghi, bi quan bởi vì hồn Trương Ba đã thuyết phục Đế Thích để cu Tị sống lại, còn hồn Trương Ba-người làm vườn nhân hậu, người đánh cờ thanh tao vẫn sống trong ánh lửa nấu cơm, trong vườn cây, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây…
Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào sự lựa chọn của hồn Trương Ba những trăn trở, day dứt và cả niềm tin mãnh liệt vào con người. Bằng cái chết của mình, Trương Ba đã gìn giữ được những kỉ niệm tốt lành, đã giữ cho các thế hệ sau niềm tin vào con người, cuộc sống. Hình ảnh 2 đứa trẻ gắn bó, yêu thương và hạt na cái Gái vùi vào đất: “Cho cây xanh nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…” Lời dạy của ông nội chính là niềm hi vọng, niềm tin mãnh liệt của tác giả vào “những điều không thể mất” trong mỗi con người
Qua vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Quang Vũ góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường, muốn thỏa mãn những nhu cầu của bản năng, đến nỗi trở nên phàm phu, tục tử như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Muốn nuôi sống thân xác
Đem làm thịt linh hồn”
Nhưng lại có một xu hướng ngược lại, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống linh hồn là cái cao nhất, không chăm lo gì đến đời sống vật chất, không chịu phấn đấu vì hạnh phúc trọn vẹn
Vở kịch còn phê phán tình trạng con người sống giả dối, không dám sống là mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người vào chõ tha hóa do danh và lợi. Nhưng kịch của Lưu Quang Vũ có được sức sống lâu dài là bởi những triết lý sâu sắc, có ý nghĩa đối với muôn đời. Vở kịch cho ta những bài học về lẽ sống, chết, về hạnh phúc. Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống trọn vẹn, sống thật với chính mình, với mọi người.
- Kết bài:
Qua vở kịch, người đọc cũng cảm nhận được tài năng của Lưu Quang Vũ. Vở kịch là sự kết hợp giữa tính hiện đại và giá trị truyền thống, giữa sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, giữa triết lý nhân sinh sâu sắc và lời văn bay bổng, lãng mạn.