Suy nghĩ về cuộc đấu tranh kịch liệt giữa hồn và xác trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt

suy-nghi-ve-cuoc-dau-tranh-kich-liet-giua-hon-va-xac-trong-hon-truong-ba-da-hang-thit

Suy nghĩ về cuộc đấu tranh kịch liệt giữa hồn và xác trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, trong màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba cho rằng: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Sau màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân, Hồn Trương Ba nhận ra: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm mọi cách để lấn át ta… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?. “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016)

Hãy cảm nhận về hai lời thoại trên, từ đó nhận xét về sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba.


Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Lưu Quang Vũ viết vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới công diễn. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Qua cuộc đấu tranh kịch liệt giữa phần hồn và phần xác, đoạn trích đã truyền đi bức thông điệp: Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mà mình vốn có càng quý giá hơn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống theo lẽ tự nhiên, hài hoà thể xác và tinh thần. Con người phải biết luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

  • Thân bài:

1. Hai lời thoại của Hồn Trương Ba.

* Hoàn cảnh éo le, bi đát của ông Trương Ba:

Tài năng kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện trên nhiều phương diện, tiêu biểu nhất là tài dựng cảnh và dựng đối thoại. Kịch tính căng ra trong những xung đột, những mâu thuẫn bên ngoài và bên trong nhân vật. Ngôn ngữ hành động và ngôn ngữ nội tâm được diễn tả sống động, lời thoại thấm đẫm triết lí nhân sinh.

Đoạn trích có thể gọi là “thoát ra nghịch cảnh” là cảnh cuối, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm, đòi hỏi phải được giải quyết dứt khoát. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, cả những người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình. Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống trong thân xác anh hàng thịt, không thế kéo dài “nghịch cảnh” này mãi được. Hồn muốn tách ra khỏi cái thân xác kềnh càng, thô lỗ. Nhà văn đã sáng tạo khi dựng lên đoạn đối thoại giữa hồn và xác để rồi trước sự giễu cợt, mỉa mai của xác, hồn Trương Ba càng trở nên đau khổ, bế tắc.

Đúng là “nghịch cảnh” trớ trêu. Lưu Quang Vũ đã dựng lên hai cuộc đối thoại đặc sắc (đối thoại giữa hồn và xác và đối thoại giữa hồn và Đế Thích) cùng những đối thoại hỗ trợ khác (hồn với người vợ, với cái Gái, với chị con dâu) để đẩy xung đột nội tâm của hồn Trương Ba lên đến tận cùng từ đó ý nghĩ tư tưởng, những triết lí nhân sinh được phát biểu một cách sâu sắc, thấm thía.

Trước khi diễn ra cuộc đổi thoại giữa hồn và xác, nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba “ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy” với một lời độc thoại đầy khẩn thiết. “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”.

Rõ ràng, hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với cái ước nguyện khắc khoải của hồn đã nói lên điều đó. Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ đâu còn là một người làm vườn chăm chỉ, hết lòng thương yêu vợ con, quan tâm tới hàng xóm láng giềng như ngày trước. Ông Trương Ba được mọi người kính trọng đã chết rồi. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Người đọc, người xem càng lúc càng được thấy rõ điều đó qua các đối thoại và hồn Trương Ba càng lúc rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng.

* Lời thoại thứ nhất của Hồn Trương Ba: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”

Đây là lời thoại xuất hiện trong màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt. Hồn Trương Ba khao khát cháy bỏng được tách mình ra khỏi cái thân xác công kềnh, thô lỗ và phàm tục, dù chỉ là chốc lát. Xác khẳng định Hồn không thể tách ra khỏi Xác, Xác và Hồn đã hòa với nhau làm một. Tuy nhiên Hồn vẫn khẳng định: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”

Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hồn vẫn phải thừa nhận. Cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì…”. Đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây hồn cho là “phàm tục“. Đó là cái lần ông tát thằng con ông “tóe máu mồm máu mũi”, … Tất cả đều là sự thật.

Lời thoại cho thấy thái độ tự tin của Hồn Trương Ba, quyết liệt khẳng định sự toàn vẹn, trong sạch, thẳng thắn của bản thân. Mọi tội lỗi đều do xác thịt gây nên. Thực chất đây là một sự ngộ nhận của Hồn về chính mình. Sau bấy nhiêu chuyện đã xẩy ra với gia đình và bản thân, Hồn vẫn cho rằng mình nguyên vẹn, trong sách, thẳng thắn. Cho nên không phải ngẫu nhiên xác khẳng định ‘tác giả” của “trò chơi tâm hồn” không ai khác ngoài “những điều ông vẫn thường nói với mình và với người khác đấy chứ”, xác chỉ làm nhiệm vụ phát biểu “luật chơi” cho rõ ràng, cụ thể mà thôi.

Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả những sự thật ấy khiến hồn càng cảm thấy xấu hổ. Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà ông đưa ra để ngụy biện: “Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Trong cuộc đối thoại này, xác thắng thế nên rất hể hả tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo, khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu. Không chỉ đau khổ, hồn còn xấu hổ trước những lời nói công khai của xác mà trước đó hồn đã cảm thấy mà không muốn nói ra, không muốn thừa nhận. Những đối thoại ngắn và dần dần là những lời thoại bỏ lửng cho thấy sự đuối lí của hồn trong cuộc đối thoại cùng xác.

Ý nghĩa gửi gắm qua lời thoại: Linh hồn và xác thịt là hai phương diện tồn tại hữu cơ trong mỗi con người. Có thể nào sống mà không cần đến dáng hình, thân thể. Nhưng lẽ nào đời sống của con người chỉ thu gọn trong những nhu cầu thuần túy bản năng. Đừng bỏ bê thân xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung, trừu tượng không thuộc về một ai. Cũng đừng chỉ chạy theo những khát thèm của thân xác mà trở về với hồng hoang nguyên thủy. Con người cần có sự tồn tại hài hòa cả linh hồn và xác thịt. Đó là sự tồn tại trọn vẹn, tốt đẹp.

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ. Một bên đại điện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Lưu Quang Vũ đã đưa ra một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Màn đối thoại này cho thấy: Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục ấy đồng hoá. Không chỉ đừng lại ở đó, tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người. Điều này làm ta nhớ đến một câu nói “Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính”. Đó là chân lí giản đơn của cuộc sống mà Lưu Quang Vũ đã gửi đến bạn đọc trong màn đối thoại này.

* Lời thoại thứ hai của Hồn Trương Ba: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm mọi cách để lấn át ta… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?. “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

Đây là lời thoại xuất hiện sau màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với người thân. Gia đình luôn là mái ấm, là nơi nâng đỡ con người sau những mỏi mệt và vấp ngã của cuộc sống. Là nơi dang rộng vòng tay đón ta trở về dù cho ngay khi mọi cánh cửa của cuộc đời đã đóng, khép. Trương Ba cũng tìm về với những người thân yêu sau cuộc đối thoại đầy đau khổ, bế tắc với xác hàng thịt. Nhưng càng tìm về lại càng thấy mình đi xa hơn, càng tìm về lại càng đau khổ, tuyệt vọng. Đó là tâm trạng của hồn Trương Ba khi đối thoại với những người thân.

Tất cả những người thân đều đã nhận thấy và đau đớn, lo lắng, bàng hoàng, bế tắc khi Hồn Trương Ba ngày càng thay đổi, lệch lạc; bị xác hàng thịt lấn lướt, tha hóa. Vì ông mà những người thân yêu nhất đều phải khóc. Vì ông mà nhà cửa tan hoang.

Người vợ mà ông rất mực vêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi. Với bà “đi đâu cũng được… còn hơn là thế này”. Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng đã cảm nhận được: “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Còn gì đau đớn hơn khi người vợ, người gần gũi nhất với ông cũng đã chán. Bởi chính ông đã mang đến cho bà những đớn đau, buồn tủi. Và vì hiểu ông, thương ông nên bà đã nhường ông cho cô vợ hàng thịt nhưng những mâu thuẫn cứ ngày một nhiều để rồi bà nản lòng muốn bỏ đi. Điều đó càng làm Trương Ba thấy đau khổ hơn.

Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Nó một mực khước từ tình cảm của ông: Tôi không phải là cháu ông. Ông nội tôi chết rồi. Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cụ Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó “ông nội đời nào, thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.

Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông “khổ lắm, khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… Mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.

Đây là những lời độc thoại nội tâm được nói to ước lệ trên sân khấu kịch, phơi trải cơn bão tố dữ dội và đau đớn của Hồn Trương Ba. Ông nhận thức sâu sắc về sự lệch lạc, thay đổi của mình; nhận thức về sự thắng thế, lấn lướt của Xác thịt đối với bản thân. Hồn Trương Ba quyết tâm thực hiện cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình từ bàn tay thô bạo của con quỷ dữ bản năng.

Mỗi lời nói của người thân trong gia đình như mũi dao găm vào trái tim đang đau đớn bế tắc của Trương Ba, để giờ đây còn đẩy Trương Ba vào sự tuyệt vọng khôn cùng. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lớn dần… lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào. Đặc biệt sau hàng loạt câu hỏi có vẻ tuyệt vọng của chị con dâu: “Thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?”. Khi nghe hết những lời nói tự đáy lòng của chị con dâu, đương nhiên hồn không thể chịu đựng thêm được nữa. Màn đối thoại với người thân của Trương Ba khiến mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm đòi hỏi phải được giải quyết. Đó là lần cuối cùng hồn Trương Ba độc thoại nội tâm để tự mình cứu mình, quyết định tìm đường thoát khỏi tấn bi kịch cuộc đời.

Ý nghĩa gửi gắm qua lời thoại: Con người là một thực thể thống nhất toàn vẹn, hài hòa của cả cái bên trong và cái bên ngoài, giữa tâm hồn và thể xác. Sự khập khiễng giữa Hồn Trương Ba, da hàng thịt và cái giá mà nó phải trả đã giúp Trương Ba thấm thía hơn bao giờ hết khát vọng “là tôi toàn vẹn”. Thói quen sống nhờ, sống gửi đã có lúc khiến con người ta quên đi bản thân mình. Thói quen áp đặt của Đế Thích cho người đời đôi khi làm cho mong muốn giản dị “là tôi toàn vẹn” trở thành khát vọng. Cuộc đấu tranh giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt thực chất là cuộc đấu tranh giữa dục vọng và khát vọng, giữa phần con và phần người, giữa thiện và ác, giữa đạo đức và tội lỗi trong mỗi con người. Lưu Quang Vũ cũng đặt ra vấn đề: con người luôn phải có ý thức đấu tranh với cái dung tục, tầm thường; đấu tranh với hoàn cảnh sống để hoàn thiện nhân cách.

3. Nhận xét về sự vận động tư tưởng của Hồn Trương Ba:

Nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! “Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Sự vận động trong tư tưởng của Hồn Trương Ba là sự vận động từ ngộ nhận về đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn của mình đến chỗ nhận thức về sự thay đổi, lệch lạc, mờ nhòa của bản thân; từ chỗ tin tưởng đến đau khổ, thất vọng; từ suy nghĩ mình không hề bị chi phối bởi xác thịt đến chỗ công nhận xác thịt đã thắng thế, đã lấn át; từ suy nghĩ chấp nhận cuộc sống lắp ghép, khập khiễng, giả tạo đến chỗ quyết tâm đấu tranh giành lại chính mình, giành lại sự nguyên vẹn cho dù phải trả giá bằng cả cái chết; từ suy nghĩ phải sống bằng bất cứ giá nào đến khát vọng sống có ý nghĩa.

Dựng tả quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm. Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, với tinh thần chiến đấu thẳng thắn của một nghệ sĩ hăng hái tham dự vào tiến trình cải cách xã hội, trong vở kịch này nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hường thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Nói như Chế Lan Viên trong một bài thơ đã từng cánh báo “muốn nuôi sống xác thân đem làm thịt linh hồn”. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn.

Thực chất đây là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của sự lười biếng, không tưởng. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán. Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha húa do danh và lợi. Vở kịch không chỉ nói đến sự hoà hợp và ý thức đạo lý về phần hồn và phần xác con người mà còn đề cao cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người.

Sự vận động của nhận thức cho thấy linh hồn và xác thịt là hai phương diện tồn tại hữu cơ trong mỗi con người. Con người cần có sự tồn tại hài hòa cả linh hồn và xác thịt. Đó là sự tồn tại trọn vẹn, tốt đẹp. Sự vận động nhận thức cũng đặt ra vấn đề con người luôn phải có ý thức đấu tranh với cái dung tục, tầm thường; đấu tranh với hoàn cảnh sống để hoàn thiện nhân cách. Sự vận động cũng cho thấy tư tưởng lạc quan, niềm tin của nhà văn vào sự chiến thắng của cái tốt, cái đẹp, phần thiện trong mỗi con người, đồng hời cũng thể hiện tài năng viết kịch của Lưu Quang Vũ.

  • Kết luận:

Qua những lời đối thoại ngắn gọn, súc tích, các nhân vật trong thế giới dân gian xưa cũ trở nên gần gũi, quen thuộc, như đang cùng tham dự với cuộc sống đương đại của chúng ta. Vở kịch không chỉ đề cập đến chuyện của một thời mà còn đề cập đến chuyện của muôn đời. Đó là triết lý nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người.

14 Trackbacks / Pingbacks

  1. Kịch Lưu Quang Vũ giàu giá trị nhân văn. Anh/chị hãy phân tích đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" để làm rõ điều đó. - Theki.vn
  2. Dàn bài: làm rõ thông điệp "Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo" trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" - Theki.vn
  3. Dựa vào cuộc đối thoại giữa nhân vật Hồn Trương Ba và nhân vật Đế Thích trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ chứng minh rằng, tác giả đã gửi vào lớp kịch nà
  4. Phân tích những triết lí sâu sắc trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  5. Chứng minh: tư tưởng, triết lí nhân văn sâu sắc trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Theki.vn
  6. Soạn bài: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Lưu Quang Vũ) - Theki.vn
  7. Ý nghĩa nhan đề: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  8. Nguồn gốc vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" và những sáng tạo của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  9. Phân tích đoạn kịch "Hồn Trương ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  10. Phân tích màn đối thoại giữa hai nhân vật Trương Ba và Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  11. Ôn tập luyện thi đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. - Theki.vn
  12. Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ) (dưới góc độ thi pháp) - Theki.vn
  13. Dàn bài phân tích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ - Theki.vn
  14. Đoạn trích: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích) (Lưu Quang Vũ) - SGK Ngữ văn 12, tập 1 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.