»» Nội dung bài viết:
Làm rõ đặc điểm văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945 qua Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
1. Trong các sáng tác văn xuôi lãng mạn, các nhân vật, tình huống hình ảnh được nhà văn sáng tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu biểu hiện lí tưởng và tình cảm của tác giả.
– Các nhà văn lãng mạn thường tìm kiếm những giá trị cao đẹp trong những cảnh đời tăm tối, tầm thường; khám phá cái cao cả trong những số phận bị ruồng bỏ, chà đạp. Ví dụ: nhà văn Thạch Lam trong tác phẩm Hai đứa trẻ đã xúc động và trân trọng biết bao nhiêu cái khát vọng được đổi đời, được sống hạnh phúc hơn của những con người bé nhỏ bị lãng quên nơi phố huyện nghèo xưa. Còn Nguyễn Tuân trong tác phẩm Chữ người tử tù lại tìm thấy sự tỏa sáng của nhân cách người tử tù nơi ngục thất tăm tối; sự vươn lên cái đẹp, cái thiên lương của một ngục quan, trong một nhà tù xã hội phong kiến xấu xa, suy tàn.
– Nhân vật của văn xuôi lãng mạn hành động theo sự tưởng tượng chủ quan của nhà văn và trực tiếp thể hiện tư tưởng của tác giả. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ, Liên và An tuy còn nhỏ nhưng phải thay mẹ trông coi một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống. Hàng đêm các em lại cố thức để đón chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Con tàu với những toa sang trọng, đèn sáng trưng chiếu sáng xuống mặt đường và tiếng còi rít lên rầm rộ như mang theo cả một thế giới khác đối lập với cái phố huyện tăm tối, tĩnh lặng. Nó như thắp lên trong tâm hồn của các em một niềm khát vọng dẫu mơ hồ nhưng thật xúc động, đáng trân trọng. Qua đó, nhà văn muốn thể hiện khát vọng của những con người bé nhỏ bị lãng quên trong xã hội cũ.
– Văn học lãng mạn là tự do biểu hiện tình cảm của cái tôi cá nhân, các nhà văn lãng mạn thường tuyệt đối hóa vai trò của cái tôi cá nhân, đặt chúng cao hơn thực tế khách đời sống để thể hiện tư tưởng của mình. Tác phẩm Chữ người tử tù thể hiện quan điểm thẩm mĩ riêng của Nguyễn Tuân: Cái đẹp gắn với văn hóa dân tộc, gắn với cái thiện, có sức cảm hóa cái xấu, cái ác và cái đẹp luôn bất tử với đời.
2. Văn học lãng mạn thường được viết bởi cảm hứng lãng mạn.
– Nhà văn thường hướng tới những cái phi thường có tính biệt lệ. Trong Chữ người tử tù, nhà văn đã dụng công xây dựng một không khí thiêng liêng khác thường, con người cũng tài hoa, dũng liệt một cách rất đỗi nghệ sĩ như Huấn Cao.
– Xây dựng những hình tượng con người vượt lên thực tại của đời sống của hoàn cảnh, hướng tới một cái gì tốt đẹp và thánh thiện hơn hiện thực. Có khi đó chỉ là những khát võng dẫu mơ hồ nhưng cũng đủ để niềm tin của con người có điểm tựa. Khát vọng chờ chuyến tàu đêm qua phố huyện nghèo trong tác phẩm Hai đứa trẻ chính là được viết theo cảm hứng lãng mạn bay bổng ấy. Hai chị em Liên đợi tàu không xuất phát từ nhu cầu vậ chất. Hai đứa trẻ chờ tàu bởi nhu cầu tinh thần, chuyến tàu đêm là cả một niềm vui lớn. Con tàu mang đến phố huyện một luồng ánh sáng rực rỡ và những âm thanh sôi động xua đi không khí tĩnh lặng của phố huyện nghèo. Bên cạnh đó, con tàu khiến chị em Liên như trở về với quá khứ tươi đẹp, con tàu chạy tới từ Hà Nội, chạy tới từ tuổi thơ đã qua. Hai chị em đã có thời sống ở Hà Nội xa xăm, tươi đẹp, huyên náo, hai chị em từng được đi chơi bờ hồ, được ăn những thức quà ngon, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Con tàu đã đánh thức dậy một miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp để cân bằng lại cuộc đời không mấy niềm vui, hp nơi phố huyện nghèo. Vì vậy khi tàu đến, Liên và An đứng cả dậy hướng về phía con tàu và khi con tầàđi rồi Liên vẫn lặng theo mơ tưởng.
– Lãng mạn nhưng vẫn được kết hợp nhuần nhuyễn với chất hiện thực tạo nên vẻ đẹp riêng của văn xuôi lãng mạn.
+ Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù được Nguyễn Tuân miêu tả một cách chân thực, cụ thể, chi tiết: Thời gian: lúc nửa đêm; không gian: trại giam tỉnh Sơn; sự việc: diễn ra giữa 3 nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục, thầy thơ lại. Tuy nhiên cảnh hiện thực mà lại lãng mạn gợi liên tưởng tới sự bất tử của cái đẹp. Ngọn đuốc rừng rực trong bong đêm gợi liên tưởng tới tài năng khí phách, thiên lương; mùi thơm của chậu mực và mầu trắng tinh của tấm lụa bạch . Từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của tấm long và tài năng.
+ Ở nhà văn Thạch Lam, sự kết hợp lãng mạn và hiện thực được thể hiện rõ nét trong Hai đứa trẻ. Đó là kiểu truyện ngắn trữ tình, truyện không có cốt truyện nhưng vẫn tràn đầy không khí và lãng mạn.
– Thạch Lam là một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng có một gương mặt rất riêng. Nếu các tác giả của Tự lực văn đoàn thường hướng ngòi bút của mình vào những con người thuộc tầng lớp trung lưu, cành vàng lá ngọc thì Thạch Lam lại dành sự quan tâm tới những con người nhỏ bé chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Văn của Tự lực văn đoàn thường đượm nỗi buồn lãng mạn còn văn của Thạch Lam thường chất chứa nỗi đau hiện thực. Có thể gọi văn của Thạch Lam là hương hoàng lan được trưng cất từ những nỗi đau đời. Đặt Thạch Lam cạnh tự lực văn đoàn chất hiện nỗi lên đậm nét trên những trang viết. Chính vì thế, truyện ngăn của Thạch Lam như những bài thơ trữ tình đượm buồn.
– Với bút pháp và cảm xúc lãng mạn thì cảnh thiên nhiên phố huyện mang một vẻ đẹp trữ tình thơ mộng. Giọng văn của Thạch Lam cũng êm đềm, cảm xúc: “Chiều, chiều rồi,một chiều… quê hương”.
– Với cảm nhận và bút pháp hiện thực thì cuộc sống nơi phố huyện là một bức tranh nghèo khổ, sơ xác, tiêu điều, tăm tối. Bởi những cảnh ngày tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn đến cả đồ vật được nói đến cũng nát tàn: một ngôi quán ọp ẹp, một cái chõng sắp gãy, một manh chiếu rách, một thau sắt rúm ró , đua lại cho người đọc cảm giác về cuộc sống cứ lụi đi, tàn đi. Giọng văn của Thạch Lam cũng buồn thấm thía.
– Chất lãng mạn kết hợp với hiện thực khiến truyện của Thạch Lam đẹp như những bài thơ trữ tình đượm buồn.
3. Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập, thích khoa trương, phóng đại, sử dụng ngôn ngữ giàu sức biểu hiện cảm xúc.
– Cảnh tượng cho chữ trong Chữ người tử tù là một đoạn văn giầu kịch tính, sử dụng thành công nghệ thuật đối lập, tương phản:
+ Đối lập tương phản về cảnh:
- Về không gian: Chơi chữ là một thú chơi tao nhã thường được diễn ra ở các thư phòng, lại được diễn ra tại phòng giam “Tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.
- Về thời gian: Cảnh cho chữ lại không diễn ra lúc thanh thiên bạch nhật lại được diễn ra lúc nửa đêm khi lính canh đã ngủ, đêm cuối cùng của tử tù Huấn Cao.
- Cả không gian và thời gian đều tăm tối. Tương phản với cái tăm tối, bẩn thỉu ấy là ánh sáng: ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, là mầu trắng tinh của tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, là mùi thơm của chậu mực bốc lên. Tuyệt vời hơn tương phản với cái tăm tối ấy của ngục thất là sự sáng tạo ra cái đẹp: cái đẹp của nghệ thuật, cái đẹp của tài năng, của dũng khí và nhân cách.
+ Tương phản về nhân vật: Vị thế và tư thế của các nhân vật trong cảnh cho chữ cũng có sự thay bậc, đổi ngôi.
+ Những từ ngữ Hán – Việt cổ kính như thiên lương, bức châm, bái lĩnh được sử dụng nhuần nhiễn vừa phù hợp với không khí, cảnh tượng vừa góp phần tạo nên sự thiêng hóa nhân vật theo bút pháp lãng mạn.
– Thạch Lam cũng sử dụng rất đắt thủ pháp tương phản trong Hai đứa trẻ:
• Tương phản giữa bóng tối và ánh sáng:
+ Bóng tối: Khi chiều muộn ánh sáng còn yếu ớt. Khi màn đêm buông xuống bóng tối cứ lan dần, lấn dần từng con phố, từng ngõ xóm để rồi nhấn chìm phố huyện trong màn đêm: “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra song, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối được gợi đi, gợi lại như những nét vẽ phong phú như một mô típ đầy ám ảnh, ám ảnh nhất là khi bóng tổi như một bức tường dầy cản cả âm thanh khiến “trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối.
+ Ánh sáng của phố huyện lúc này chỉ là những khe sáng từ nhà ai hắt ra; là hột sáng của những ánh đèn tù mù vặn nhỏ; là chấm sáng từ ánh đèn cuối toa tàu . Tất cả để nhỏ nhoi, yếu ớt trước vũ trụ thăm thẳm trong bóng tối.
+ Nếu ví tác phẩm của Thạch Lam như một bài thơ, lại là bài thơ hay thì phải có “thi nhãn” tức con mắt thơ tỏa sáng cả thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đâu là con mắt thơ trong tác phẩm Hai đứa trẻ?
- Đó là ngọn đèn dầu nơi hàng nước của chị Tí được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, là chi tiết nghệ thuật giầu ý nghĩa. Ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí, ngọn đèn con của chị Tí, vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ngọn đèn con tù mù leo lét ấy chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đó vừa là hình ảnh thực nhưng đồng thời gợi sự liên tưởng tới những kiếp người nhỏ bé bị lãng quên đang sống lay lắt trong đêm trường xã hội cũ. Những cư dân phố huyện kiếm sống trong đêm, mỗi người cần đem theo một ngọn đèn và chính họ cũng như những ngọn đèn leo lét.
- Đó là Hình ảnh những ngôi sao lấp lánh, cũng được miêu tả nhiều lần. Trời bắt đầu vào đêm “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”. Càng về khuya, “qua kẽ lá của cây bang, ngàn sao vẫn lấp lánh”. Và khi con tàu đi qua, tiếng vang động nhỏ dần, mất dần trong bóng tối thì “sao trên trời vẫn lấp lánh”. Sự tương phản giữa ánh sap lấp lánh trên trời với ánh đèn tù mù dưới mặt đất đã làm vút lên một niềm tin và một chất thơ lãng mạn. Điều đó cần thiết biết bao trong hoàn cảnh con người đang phải sống lay lắt trong bóng tối, trong nghèo khổ, lam lũ, tẻ nhạt và bế tắc.
– Tương phản quá khứ, hiện tại ( của Liên ), nhờ đó bộc lộ được chủ đề tác phẩm.
+ Hiện tại nghèo khổ: “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.”
+ Quá khứ vui vẻ: “Liên nhớ lại khi ở Hà Nội, chị được hưởng những thức quà ngon, lạ bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền được đi chơi bờ hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Ngoài ra, kỷ niệm nhớ lại không rõ rệt, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá! Từ khi nhà Liên dọn về đây, từ khi có cái cửa hàng này, đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh”.