Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
- Mở bài:
Xây dựng thiên truyện “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đắc sắc. Nhà văn đã xây dựng tính cách nhân vật theo thủ pháp quen thuộc của truyện cổ dân gian, để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ bản chất, tính cách bằng những hành động cụ thể. Từ tình huống độc đáo, nhà văn tạo dựng kịch tính truyện gây cấn, kịch liệt.
- Thân bài:
Thắt nút truyện bằng yếu tố bất ngờ. Một câu nói ngây thơ nghe như thật của trẻ thơ mà gây bão tố dây chuyền trong cuộc đời. Bão tố nghi kị trong đầu óc nam quyền độc đoán, thiếu trí tuệ; bão tố bất hòa dữ dội phá tan hạnh phúc của một gia đình êm ấm. bão tố oan khiên phá nát cuộc đời của một người con gái trong trắng, phải kết thúc bi thảm trên một dòng sông. Gỡ nút cũng bất ngờ bằng nột câu nói trẻ thơ non dại (khi chỉ cái bóng của chàng Trương trên vách: “cha Đản lại đến kia kìa” thì bao nhiêu oan khiên gây thảm kịch trong phút chốc bỗng được sáng tỏ.
Có thể nói, chi tiết cái bóng được xây dựng rất khéo vừa phù hợp với cách nhìn, cách miêu tả thơ ngây cảu trẻ con vừa khiến cho một người hay đa nghi như Trương Sinh tưởng lầm rằng đó là người đàn ông đêm đêm đến dan díu cùng vợ mình. Chi tiết cái bóng thắt mở câu chuyện cùng với bản tính đa nghi của Trương Sinh đã gây nên cái chết bi thảm cho Vũ Nương.
Truyện có những đoạn đối thoại và những lời tâm linh của nhân vật được sắp xếp đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật. Lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân hậu, từng trải. Lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lí, có tình. Đó là lời của người phụ nữ hiền thục, đoan chính. Lời của bé Đản hồn nhiên, ngây thơ, thật thà.
Chuyện đáng lẽ có kết thúc ở đoạn “gỡ nút” truyện, chàng Trương tỉnh ngộ, thấu hiểu nỗi oan của vợ. Nhưng Nguyễn Dữ đã thêm phần Vũ Nương được linh phi cứu sống trở về dương thế, gặp chồng trong thoáng chốc. So với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, Nguyễn Dữ đã tái tạo, thêm thắt nhiều tình tiết mới lạ, hấp dẫn đem đếm cho truyện những giá trị tư tưởng và thẩm mĩ mới. Chi tiết ấy làm tăng thêm sức hấp dẫn của truyện và hoàn chỉnh tính cách nhân vật Vũ Nương, thỏa mãn ước mơ của nhân dân là “ở hiền gặp lành”, người tốt sẽ được đền bù. Dù có bị oan thì cuối cùng sẽ được giải oan, giúp cho truyện kết thúc có hậu.
Trong truyện, có rất nhiều những yếu tố kì ảo tập trung ở phần sau của truyện như con rùa mai xanh được Phan Lang cứu, Vũ Nương được ở lại Thủy cung, rồi hiện về với kiệu hoa rực rỡ trên sông… Đó là những tình tiết kì ảo, không có thực nhưng đã tạo ra một thế giới nghệ thật lung linh huyền ảo, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, ẩn chứa trong đó là biết bao mơ ước tốt đẹp của nhà văn dành cho những ngường bất hạnh.
- Kết bài:
“Chuyện người con gái Nam Xương” mãi mãi được coi là áng “thiên cổ kì bút” (bút lạ ngàn đời), nó không chỉ thể hiện văn tài lỗi lạc của Nguyễn Dữ mà còn nói lên tấm lòng nhân đạo của ông thương cảm cho cuộc đời, số phận bất hạnh cảu người phụ nữ trong xã hội cũ. Có thể nói, ông đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương người con gái là hiện thân cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội thời phong kiến: nết na, đức hạnh; đảm đang, tháo vát; thương chồng thương con nhưng cuộc đời lại gặp nhiều cảnh ngộ éo le, ngang trái để từ đó ông lên án gay gắt xã hội đương thời với những hủ tục khắt khe đã chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của biết bao người phụ nữ đáng thương vô tội. Đúng như Nguyễn Du đã từng nói:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)