Dàn bài suy nghĩ về trách nhiệm trong nghề nghiệp qua câu nói: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương… ”.
- Mở bài:
“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh”.
(Thời gian – Văn Cao)
Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi thì giá trị của câu nói tưởng chừng giản đơn nhưng đầy ngụ ý của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao vẫn luôn gợi nhắc mỗi người cần có thái độ đúng đắn khi chọn nghề và làm việc: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương… “.
- Thân bài:
1. Giải thích:
– “Nghề nghiệp”: việc mà ta lựa chọn và thực hiện để sản xuất ra những giá trị về vật chất lẫn tinh thần phục vụ cho cuộc sống, là mục tiêu ta theo đuổi, là ước mơ, là thứ gắn bó với ta trong suốt quãng đời của mình.
– “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”: chỉ sự cẩu thả, thái độ hời hợt, vô trách nhiệm với việc mình làm, làm cho có, không quan tâm đến hậu quả và hệ lụy.
→ Lựa chọn nghề nghiệp với thái độ nghiêm túc, chọn nghề mình thích, ước mơ và có khả năng thực hiện, khi đã chọn phải toàn tâm toàn ý làm việc, theo đuổi lý tưởng cao đẹp đó.
2. Bàn luận:
– Đối với nhà văn Nam Cao, ý thức trách nhiệm đối với công việc chính là thước đo nhân cách con người. Đó là lí do vì sao nhà văn cho rằng “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Bởi nghề nghiệp tượng trưng cho lý tưởng sống của mình, nếu “cẩu thả” sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. “Một kỹ sự cẩu thả có thể làm hỏng một công trình. Một bác sĩ cẩu thả có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân. Một vị tướng cẩu thả có thể sẽ giết chết một vài đạo quân. Một người thầy giáo cẩu thả sẽ giết chết nhiều thế hệ”.
– Câu hỏi đặt ra là ta phải chọn nghề nghiệp như thế nào để có thể toàn tâm toàn ý với công việc và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình?
– Tinh thần trách nhiệm là yếu tố then chốt dẫn đến kết quả. Bởi dẫu có tài mà không có tâm thì cũng không thể phát huy được hết khả năng vốn có, công việc không thể đạt được hiệu quả tối ưu. Nếu như đến công việc ta làm – thứ gắn liền với lợi ích của cá nhân ta mà bản thân còn không có trách nhiệm thì làm sao có thể làm chủ cuộc sống của mình, nói gì đến lắng lo cho người xung quanh.
– Công việc của mỗi người đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người khác, đến hiệu quả của cả một hệ thống làm việc, một dây chuyền sản xuất. Bởi chúng ta sống trong một cộng đồng, một xã hội, mà bất cẩn trong công việc tức là thiếu trách nhiệm với cả cộng đồng, với công việc chung của mọi người. Một kĩ sư nhầm lẫn trong thiết kế sẽ kéo theo sự sai sót trong quá trình thi công, công việc sẽ vì thế mà phải đình đốn. Mỗi người tựa như một mắt xích trong guồng máy chung đang hoạt động. Nên vô trách nhiệm trong công việc của bản thân mình cũng đồng thời sẽ là lãng phí không chỉ những của cải vật chất mà cả công sức của người khác, ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
– Mỗi nghề nghiệp luôn đòi hỏi ở con người một trái tim, lương tâm, ý thức. Bởi vì có những sai lầm sẽ không bao giờ có cơ hội sửa chữa, làm lại.
– Nguyên nhân dẫn đến sự cẩu thả trong nghề nghiệp: do lối sống nhanh, sống vội, vô cảm, dẫn đến sự ích kỉ, vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm, chán nản, bất mãn với công việc mà mình đang làm.
3. Bài học:
Nghề nghiệp, với một số người chỉ là cách thức mưu sinh, cũng có người coi đó là nghĩa vụ lao động để đóng góp và cống hiến, lại có người làm việc vì niềm hứng thú, đam mê. Chúng ta đứng ở góc độ nào để nhìn nhận, điều đó dẫn đến ý thức trách nhiệm đối với nghề của mình.
Nếu xem nghề nghiệp là cách mưu sinh kiếm sống, chúng ta chỉ giới hạn ở mức độ hoàn thành công việc mà không cố gắng sáng tạo nên những điều mới mẻ, hay sẽ vì món lợi trước mắt mà sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ.
Khi coi nghề là lý tưởng, là niềm vui, chúng ta sẽ có động lực và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
– Cần thận trọng ngay từ lúc lựa chọn nghề nghiệp, để chọn lựa được công việc phù hợp với sở thích, ý muốn của bản thân, không chạy theo số đông, phải xem xét đến khả năng của mình. Bởi chỉ khi chọn nghề mà mình đam mê, ta mới có thể gắn bó với nó một cách bền vững lâu dài, mới có động lực để vượt qua những trở ngại mà bất cứ nghề nào cũng có
– Chọn nghề là một quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, đừng bao giờ vội vàng, hấp tấp hay cẩu thả.
- Kết bài:
Quả thật “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương… “. Quan niệm của nhà văn là một nhận thức đúng đắn về thái độ trách nhiệm của mỗi người đối với nghề nghiệp của mình, ngay từ khi chọn nghề đến cả quá trình gắn bó với nó. Chính điều đó sẽ làm nên cuộc sống đúng nghĩa.