dan-bai-nghi-luan-ve-hien-tuong-vo-cam

Dàn bài nghị luận về hiện tượng vô cảm

Dàn bài nghị luận về hiện tượng vô cảm.

  • Mở bài:

– Vô cảm là hiện tượng phổ biến trong đời sống hiện nay.

– Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực, dần làm mờ nhạt “lòng nhân ái” của con người, đáng phê phán và lên án.

  • Thân bài:

– Nhà văn Maksim Gorky từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Một khi con người chỉ quan tâm đến chính mình, thờ ơ với mọi thứ ở xung quanh sẽ khiến cho tình người trở nên lạnh lẽo. Đặc biệt, sự vô tâm, vô cảm của thế hệ trẻ ngày nay đã khiến các bậc cha mẹ không khỏi giật mình.

1. Vô cảm là gì?

Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự việc xảy ra xung quanh mình, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác.

2. Biểu hiện của hiện tượng vô cảm.

–  Biểu hiện ban đầu là không biết nói lời cảm ơn và lời xin lỗi, không thể hiện sự vui mừng, phấn khích trước những hoạt động có tính chất vui vẻ (khai giảng, bế giảng, cuộc thi thể thao,…).

– Khi lắng nghe bạn bè hoặc người thân chia sẻ những sự việc có tính chất đau buồn, người vô cảm thường tỏ thái độ không quan tâm và thờ ơ.

– Không biết giúp đỡ những người gặp phải nghịch cảnh hoặc chỉ đơn giản là vô cảm trước sự nhờ vả của những người xung quanh như anh chị em ruột, người già, bạn bè,…

– Khi đối mặt với những tình huống như gặp người bị thương trên đường, tai nạn giao thông, cháy nhà,… những người vô cảm thường không quan tâm vì nghĩ đây không phải việc của mình và không hề cảm thấy đau xót. Thực tế, cũng có nhiều người không dám giúp đỡ khi thấy người gặp nạn vì lo sợ bị lừa đảo. Tuy nhiên, những người này vẫn có cảm xúc thương xót và đồng cảm với người khác.

– Trong phạm vi nhà trường, nhiều học sinh vô cảm khi chứng kiến bạn bè bị bạo lực. Thậm chí, nhiều học sinh còn cổ vũ nhiệt tình và quay phim lại. Một số người còn vô cảm với chính mình với những biểu hiện như không quan tâm khi bản thân gặt hái được thành công hoặc bị thất bại. Ngoài ra khi bị trách phạt, người bị vô cảm cũng không cảm thấy buồn bã hay thất vọng về bản thân.

3. Nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm.

– Do lối sống ích kỷ, mong muốn được hưởng thụ và thực dụng nên thiếu đi sự đồng cảm với nỗi đau và những mất mát của người khác. Chứng kiến sự vô cảm từ những người khác và bản thân không có chính kiến dẫn đến việc có thái độ, cảm xúc tương tự. Nhiều người trở nên vô cảm vì liên tục bị hãm hại, lừa dối dẫn đến mất niềm tin trong cuộc sống.

– Do tính cách nhút nhát, sống khép mình và thiếu bản lĩnh sống nên lo sợ việc giúp đỡ người bị nạn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân. Dần dần, bản thân mất đi sự đồng cảm và trở nên thờ ơ, chai lì cảm xúc.

– Do lối sống thiếu trách nhiệm.

– Do gia đình không gương mẫu về lối sống, thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con. Nhiều phụ huynh chỉ chú trọng đến việc học tập mà không bồi dưỡng nhân cách và rèn cho con những đức tính tốt như tương thân tương ái, yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với mọi người xung quanh. Vì không được nuôi dưỡng những tính cách này nên trẻ có thể thờ ơ và không thấu hiểu được nỗi đau của người khác. Phụ huynh có lối sống ích kỷ, thờ ơ và không có sự đồng cảm với người khác.

– Do nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ. Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, …

– Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội góp phần đáng kể trong việc “lây lan” thái độ sống vô cảm của một bộ phận thanh niên ngày nay. Đa phần người trẻ đều hướng đến những giá trị vật chất mà quên nuôi dưỡng tâm hồn và hướng bản thân đến những tính cách tốt. Nhiều cá nhân đạt được thành công sớm trở nên tự cao, kiêu căng và thiếu sự đồng cảm với những người xung quanh.

4. Hậu quả do sự vô cảm gây ra.

– Đối với cá nhân, thái độ vô cảm tàn phá tâm hồn khiến bản thân mỗi người mất đi những cảm xúc vốn dĩ và trở nên chai sạn trước nỗi đau, mất mát của người khác. Lối sống vô cảm khiến con người mất đi liên hệ với cuộc sống và những người xung quanh dẫn đến những biểu hiện như thiếu tinh thần trách nhiệm, trơ lì, thậm chí bất cần đời và không có động lực để học tập hay làm việc. Những người vô cảm cũng dễ có hành vi vi phạm quy chuẩn đạo đức và pháp luật vì không hề biết thương xót, đồng cảm hay chia sẻ.

– Sự dửng dưng và thờ ơ của những người xung quanh khiến người gặp nạn không được cứu giúp kịp thời, dần dần mất đi hy vọng và niềm tin với cuộc sống.

– Vô cảm khiến xã hội tụt hậu, suy đồi bởi những giá trị đạo đức không được coi trọng và nguy hại đến tính mạng con người. Bên cạnh đó, thái độ dửng dưng và thờ ơ ở học sinh còn ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.

– Vô cảm làm xói mòn về đạo đức, khiến con người chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng. Đó là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.

5. Cách khắc phục.

– Bồi dưỡng tình yêu thương con người và cuộc sống xung quanh. Bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất.

– Gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp của lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm.

– Đề cao tình người, lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỉ.

6. Bài học nhận thức và hành động.

– Vô cảm là căn bệnh nguy hại, cần phải loại bỏ ra khỏi bản thân và cuộc sống.

– Để ngăn chặn căn bệnh vô cảm, học sinh cần nỗ lực học tập tốt, xây dựng lối sống lành mạnh, sống biết yêu thương, sẻ chia đồng cảm với những người xung quanh. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội có tính nhân văn cao như phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào thanh niên lập nghiệp… Ngoài việc trau dồi và bồi dưỡng nhân cách cho chính bản thân, bạn cũng nên quan tâm đến những người xung quanh để xây dựng tập thể lành mạnh và đoàn kết.

  • Kết bài

– Vô cảm dần giết chết tình người trong mỗi chúng ta. Nếu không tìm cách ngăn chặn, sự thờ ơ và lãnh đạm sẽ trở nên sâu sắc hơn, từ đó trở thành mối nguy hại cho gia đình và xã hội. Bởi thế, chúng ta cần lên án mạnh mẽ bệnh vô cảm, coi đó như là một cuộc chiến đấu để loại bỏ căn bệnh này ra khỏi cuộc sống xã hôi.

Bài văn tham khảo:

Nghị luận về căn bệnh vô cảm.

  • Mở bài:

Helen Keller từng nói: “Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa; nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người”. Rõ ràng, sự vô cảm của nhiều người đã gây nên biết bao nhiêu đau thương đối với cuộc sống. Ngăn chặn và loại bỏ căn bệnh vô cảm là điều chúng ta cần phải loại bỏ đầu tiên ngay bây giờ nêu mong muốn xây dựng một cuộc sống nhân ái, hòa đồng và hạnh phúc.

  • Thân bài:

Vô cảm là trạng thái cảm xúc không quan tâm đến những khó khăn, khô đau của người khác.  Vô cảm chính là thái độ sống, lối sống thờ ơ, dửng dưng, vô tâm, không cảm xúc, thiếu sự chia sẻ và yêu thương đối với tất cả sự việc và con người diễn ra ở xung quanh.

Vô cảm hiện nay có biểu hiện thật rõ ràng. Nó không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Nhiều người thờ ơ, vô cảm với những việc làm trái đạo lí, pháp luật của người khác. Nhiều người thờ ơ, vô cảm với những nỗi buồn đau, nghịch cảnh của người thân, của đồng bào. Nhiều người thờ ơ, vô cảm với những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, sống thiếu trách nhiệm đối với môi trường sống. Tệ hại hơn, nhiều người tỏ ra thờ ơ, vô cảm với chính cuộc sống của bản thân mình, buông thả mình trong lối sống thụ hưởng tiêu cực.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm trong cuộc sống hiện nay. Trước hết là do nền tảng đạo đức xã hội bị suy thoái nghiêm trọng. Con người ngày càng đề cao đời sống vật chất, đề cao giá trị của tiền bạc, xem thường đạo lý, pháp luật, sinh mệnh con người, sống thiếu tình yêu thương, chia sẻ. Kết nối mạng xã hội rộng rãi và sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng khiến cho những văn hóa phẩm độc hại được lan truyền rộng rãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của con người, đặc biệt là giới trẻ. Bản thân giới trẻ thiếu bản lĩnh tiếp nhận, thích sự dễ dãi, dễ sa ngã vào những cám dỗ vật chất. Người lớn bận rọn trong công việc, thiếu sự quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách và bản lĩnh sống vững mạnh cho con cái. Sự chiều chuộng, chăm sóc, bao bọc quá kĩ lưỡng cha mẹ đối với con cái khiến các bạn trẻ coi mình là trung tâm, không để ý đến điều gì khác nữa.

Căn bệnh vô cảm gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với bản thân con người và xã hội. Sống trong vô cảm, con người mất đi những chỗ dựa mỗi lúc khó khăn, xã hội tràn đầy những điều xấu, điều ác. Xa hơn, con người đánh mất đi những giá trị người tốt đẹp của dân tộc, ảnh hưởng, làm lệch lạc những suy nghĩ của thế hệ tương lai. Vô cảm là nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau thương trong cuộc sống. Vo cảm khiến cho sự gắn kết xã hội trở nên rời rác, con người càng ngày càng xa cách nhau. Các giá trị của niềm tin tưởng, sự trung thành, tình người bị xói mòn. Con người rơi vào bóng tối của sự hoài nghi về thế giới xung quanh và nỗi sợ hãi bất tận.

Khắc phục hậu quả, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt căn bệnh vô cảm, mỗi chúng ta cần quyết liệt lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, thờ ơ vô cảm đối với đời sống xung quanh. Đề cao sự gắn kết, tinh thần tương trợ, đề cao tình người, sự chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ trong cuộc sống. Tuổi trẻ cần rèn luyện cho mình lối sống tích cực, trong sáng, vững mạnh, biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người…Nhà trường cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh học cách yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Gia đình giáo dục con cái dúng cách, dựa trên những chuẩn mực cao quý của truyền thống. Xã hội lên án thói thờ ơ, vô cảm, đề cao lối sống yêu thương, chia sẻ, đồng cảm và tương trợ lẫn nhau. Đây là trách nhiệm có liên quan đến mỗi xá nhân và toàn xã hội. Tất cả mọi giải pháp nhằm hướng tới một cuộc sống nhân ái và tịnh vượng hơn.

Thật đáng chê trách cho những ai đang vô cảm trước cuộc sống. Họ sống ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, thiếu tình yêu thương, quan tâm, đồng cảm và chia sẻ với người khác. Bởi thế, họ cũng không nhận được sự đồng cảm và tình yêu thương từ người khác. Cuộc sống như thế thật đáng buồn biết bao.

Là học sinh, chúng ta cần tránh xa thói vô cảm, chăm chỉ học tập và rèn luyện cho mình những phẩm chất tốt đẹp. Đó chính là nền tảng vững chắc nâng bước chúng ta trên đường đời.

  • Kết bài:

Lối sống vô cảm là lối sống tiêu cực, cần phải loại bỏ ra khỏi cộng đồng. Sống vô cảm là tự tách mình ra khỏi cộng đồng, từ chối tình yêu thương và sự giúp đỡ của người khác, vô tình âm thầm ủng hộ cho điều xấu, điều ác.

Chứng minh: Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người (Văn học và tình thương).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang