Suy nghĩ về căn bệnh vô cảm của con người hiện nay

suy-nghi-ve-can-benh-vo-cam-cua-con-nguoi-hien-nay

Suy nghĩ về căn bệnh vô cảm của con người hiện nay.

1. Vô cảm là gì?

Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của một người hay một nhóm người thờ ơ, dửng dưng không biết quan tâm đến mình đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nói cách khác là không có cảm xúc trước bất kỳ sự việc sự vật nào, không động lòng trước nỗi đau của người khác, không phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày.

2. Biểu hiện và các mức độ của bệnh vô cảm.

Bệnh vô cảm lây lan rất nhanh trong xã hội hiện đại, trong học sinh với các mức độ và các biến chứng khác nhau.

– Người vô cảm không biết nói lời “Xin lỗi” khi làm sai hay mắc lỗi và không biết “cám ơn” khi được giúp đỡ. Họ tiếc cả tràng vỗ tay khi giới thiệu về một đại biểu, khi xem một tiết mục văn nghệ, thể thao …

– Người vô cảm quên đi trách nhiệm giúp đỡ người khác kho gặp nạn: không cứu giúp người gặp tai nạn giao thông, cháy nhà, gặp người đau ốm … ; đứng xem thậm chí còn lợi dụng cơ hội để đoạt tài sản của người bị nạn; dửng dưng quay phim, đứng xem không vào can ngăn mà vừa chửi bới vừa cổ vũ nhiệt tình,…

– Họ vô cảm với chính mình, vô cảm với những thành công, thất bại, với niềm vui hay nỗi buồn với kết quả học tập của bản thân.

– Họ vô cảm với cộng đồng với sự kiện lớn của dân tộc (bão lụt thiên tai, quyền về biển đảo … ) nhưng lại nhạy cảm về danh vị và quyền lợi của mình. Có trường hợp lại hãnh diện về sự vô cảm của mình đó là sự vô cảm cố ý được đẩy thành lối sống cực đoan, tất cả đều “Mặc kê nó – Mặc kệ nó”

– Họ sống thụ động, không tham gia vào bất cứ việc gì của lớp, của trường như: văn nghệ, thể thao, cắm trại …

– Họ sống bất cần đời, không chịu học hành, không tu dưỡng không cần tương lai, mọi cái đều không quan trọng, không có gì cả.

– Vô cảm tự biến mình thành kẻ vô tri vô giác, mọi lời dạy bảo, khuyên nhủ, phê bình không có tác động gì, con người trở nên trơ lỳ, không tự ái, không tự trọng, không xấu hổ …

3. Tác hại, hậu quả của bệnh vô cảm.

– Đối với từng cá nhân, từng người: lối sống vô cảm làm tàn phá tâm hồn, làm trái tim con người trở nên chai sạn và dễ dẫn đến tội ác.

– Đối với gia đình, xã hội: vô cảm làm suy thoái đạo đức của một cá nhân hay của một tập thể, đẩy đất nước đến tụt hậu, có thể làm nguy hại đến tính mạng con người và vận mệnh dân tộc.

4. Nguyên nhân của bệnh vô cảm

– Nguyên nhân từ bản thân mỗi người:

+ Có thể những người vô cảm do họ bị ngoại cảnh tác động, hoặc bị cái xấu hãm hại nên mất niềm tin vào cuộc sống.

+ Do lối sống ích kỷ thực dụng, hưởng thụ người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế thậm chí bị triệt tiêu.

+ Một số người sống thiếu bản lĩnh, sống khép mình, sợ va chạm, không muốn những mất mát, khổ đau của người khác đụng chạm vào sự bình an thanh thản trong lòng mình và cuộc sống của mình.

– Nguyên nhân từ gia đình:

+ Một số gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái về sự đồng cảm, yêu thương giúp đỡ nhau và biết bao dung, tha thứ cho người khác.

+ Có nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh thiếu gương mẫu về lối sống và giao tiếp.

+ Cha mẹ quá cưng chiều con nên sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện, nên tạo cho con lối sống chỉ biết nhận, không biết cho, sống nghèo nàn cảm xúc,vô tâm trước tình người, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.

– Nguyên nhân từ nhà trường:

+ Giáo dục phiến diện không đầy đủ, chỉ chủ yếu chạy đua theo thành tích về văn hoá, ít quan tâm hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức (môn công dân chỉ dạy qua loa chiếu lệ vì là môn phụ, không rèn luyện kỹ năng sống) thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người.

+ Hiện nay, một bộ phận giáo viên ít quan tâm đến số phận, hoàn cảnh khó khăn, tâm sự vui buồn của học sinh, có xu hướng phai nhạt tình yêu thương. Đi dạy là trách nhiệm, là nghĩa vụ nên ít gần gũi và xây dựng tình yêu thương gắn bó với học sinh.

+ Môi trường giáo dục bị ảnh hưởng xã hội cũng gây nhiều bất ổn cho giáo dục đạo đức lối sống, giữa lý thuyết và thực tế chênh nhau khá lớn.

– Nguyên nhân từ xã hội:

+ Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tư duy, sự giao tiếp làm cho giới trẻ không quan tâm những việc xung quanh, khi thế giới mạng xã hội, những blog xuất hiện, lớp trẻ tự do thể hiện mình – khi giam mình quá lâu trong thế giới ảo sẽ trở nên trầm cảm và vô cảm.

+ Nền kinh tế thị trường một mặt phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới, nhưng mặt khác nó lại tạo điều kiện cho cái tôi phát triển cực đoan, đề cao giá trị vật chất nảy sinh cách sống ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng.

+ Những tiêu cực của lối sống phương tây qua sách báo, phim ảnh, mạng … làm cho giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, con người ít quan tâm lẫn nhau, sống co mình trong thế giới riêng theo kiểu “đèn nhà ai , nhà nấy rạng ”.

5. Biện pháp khắc phục

– Đối với bản thân mỗi người:

+ Hãy sống đúng với chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội, biết yêu thương đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau (nhà thơ Li Băng: cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương).

+ Biết học tập noi gương những con người giàu lòng nhân ái, biết sống vì mọi người.

+ Nên tránh xa những tệ nạn xã hội, cảnh giác với lối sống vô cảm.

+ Có nhận thức đúng đắn có niềm tin vào con người vào lòng tốt, biết sửa đổi bản thân mình khi có lỗi lầm trong lối sống dẫn đên tình trạng vô cảm.

– Đối với gia đình:

+ Trước hết, các thế hệ trong gia đình phải biết quan tâm lẫn nhau, từ đó giáo dục, xây dựng lối sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

+ Cha mẹ trong gia đình khi dạy bảo con cái cũng cần phải lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con cái, không chỉ dạy con nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu biết nguồn gốc của cảm xúc đó. Giáo dục dạy bảo con cháu lối sống đẹp, biết nhận và cũng biết cho, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm.

– Đối với nhà trường:

+ Nhà trường không chỉ dạy chữ mà từ dạy chữ để dạy cách làm người có nhân cách, có đạo đức, có xúc cảm và sự sẻ chia bằng nhiều hình thức dạy lồng ghép qua bộ môn Công dân, qua môn Văn và những sinh hoạt tập thể.

+ Mỗi thầy, cô luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những vui buồn và quan tâm thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thành nhất.

+ Nhà trường cần giáo dục học sinh lòng tin vào cái tốt, cái thiện, biết tránh xa và phát hiện cái xấu để cảnh giác và đấu tranh với nó.

+ Có kế hoạch và tích cực giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh hoạt tập thể bằng mọi hình thức có sức hấp dẫn lôi cuốn các em tạo ra mối liên hệ mật thiết để các em có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau.

+ Tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm việc từ thiện … học tập noi theo các gương sống tốt, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập tu dưỡng và rèn luyện …

– Đối với xã hội:

+ Các cấp có thẩm quyền có kế hoạch xây dựng một lối sống đẹp văn minh thân thiện trong toàn xã hội để tạo dựng niềm tin cho thế hệ trẻ.

+ Tích cực tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và những gương người tốt việc tốt.

+ Xây dựng hệ thống pháp luật, các chế tài đủ mạnh để trừng phạt những kẻ phạm tội, những kẻ xấu đi ngược lại lối sống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

+ Tạo điều kiện cho lớp trẻ sống rèn luyện theo chuẩn mực của xã hội, luôn luôn quan tâm giúp đỡ họ để họ sống tốt hơn, thân ái trong xã hội mới.

Bài văn tham khảo:

Suy nghĩ về hiện tượng vô cảm trong đời sồng.

  • Mở bài:

Vô cảm là một hiện tượng đang xảy ra hết phổ biến trong đời sống con người. Chính căn bệnh vô cảm đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự, an toàn xã hội, trở thành một vấn nạn cần phải khắc phục ngay lập tức.

  • Thân bài:

Tinh thần “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cò” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những người sống tốt luôn nghĩ tới người khác vẫn còn những người sống thờ ơ, vô cảm với người khác, ích kì chỉ nghĩ cho bản thân. Nói cách khác, họ là những kẻ vô cảm trước hiện thực cuộc sống, trước cộng đồng.

Vô cảm là gì?

Vô cảm là hiện tượng con người không có cảm xúc, dửng dưng trước những sự việc, những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Họ chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân, sẵn sàng dẫm đạp lên người khác. Không những đối với những sự việc bình thường, kể cả những sự việc cần sự cảm thông, chia sẻ hay giúp đỡ, con người cũng tỏ ra lạnh lùng, bỏ mặc, lãng tránh.

Tại sao con người ngày nay ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm?

Hiện nay cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện khiến lòng tham không đáy của con người nổi lên kéo theo sự ích kì nhỏ nhen, thờ ơ, lãnh đạm với mọi việc xung quanh mình.

Căn bệnh vô cảm của con người ngày nay được biểu hiện hết sức rõ ràng và ngày càng nghiêm trọng. Mỗi khi nhà hàng xóm gặp hoạn nạn người vô cảm thường tỏ ra không hay không biết không hỏi han, an ủi lấy một lời. Gặp người bị tai nạn trên đường, người vô cảm thường bỏ đi, chẳng chịu quan tâm đến đồng loại. Hoặc có đến chỗ người bị nạn để thỏa mãn sự hiếu kì. Họ không giúp đỡ nạn nhân vì sợ phải gánh trách nhiệm.

Những tác hại của căn bệnh vô cảm đối với con người và xã hội.

Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, không chỉ làm suy thoái đến đạo đức của một cá nhân mà còn ảnh hưởng đến một xã hội. Một bác sĩ vô cảm, sẽ không có tình thương đối với bệnh nhân, dễ đánh mất đi lương tâm thầy thuốc. Một nhà lãnh đạo vô cảm thì hậu quả là đất nước suy vong, nhân dân lầm than. Một nhà giáo vô cảm sẽ giáo dục ra biết bao con người vô cảm khác. Bệnh vô cảm đã làm cho con người giống một cổ máy không có tình cảm, không yêu thương, không sẻ chia và chắc chắn cũng không nhận lại tình cảm từ người khác.

  • Kết bài:

Sự vô cảm của con người chính là nguyên nhân làm nảy sinh tội ác. Bởi thế, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả để sớm hạn chế và chấm dứt hiện tượng vô cảm của con người.

Bài văn tham khảo 2:

Hiện tượng vô cảm trong đời sồng ngày nay.

  • Mở bài:

Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả. Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu; đó là sự vô cảm. căn bệnh vô cảm chẳng khác gì bóng ma len lỏi và gieo rắc sự tàn nhẫn trong thế giới này.

  • Thân bài:

Vô cảm là gì?

Vô cảm là hiện tượng con người không có cảm xúc, dửng dưng trước những sự việc, những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Họ chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân, sẵn sàng dẫm đạp lên người khác. Không những đối với những sự việc bình thường, kể cả những sự việc cần sự cảm thông, chia sẻ hay giúp đỡ, con người cũng tỏ ra lạnh lùng, bở mặc, lãng tránh.

Biểu hiện sự vô cảm của con người trong xã hội ngày nay.

Ngày nay, một thực trạng đáng lo là căn bệnh vô cảm này dường như đang rất phổ biến trong giới trẻ. Bệnh này thể hiện ở chỗ: không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra trước mắt.

Sự vô cảm của con người ngày nay được biểu hiện hết sức rõ ràng và ngày càng nghiêm trọng. Mỗi khi nhà hàng xóm gặp hoạn nạn người vô cảm thường tỏ ra không hay không biết không hỏi han, an ủi lấy một lời. Gặp người bị tai nạn trên đường, người vô cảm thường bỏ đi, chẳng chịu quan tâm đến đồng loại. Hoặc có đến chỗ người bị nạn để thỏa mãn sự hiếu kì. Họ không giúp đỡ nạn nhân vì sợ phải gánh trách nhiệm.

Những người sống vô cảm thường mang trong mình tâm niệm “đèn nhà ai nây sáng”. Tức là họ không muốn dính dáng đến những rắc rối, phiền toái có thể mang lại cho họ. Vì vậy mà thời gian qua có rất nhiều vụ hành hung, đánh nhau giữa các học sinh không hề thấy những bạn trẻ xung quanh can ngăn mà ngược lại còn ủng hộ hoặc thản nhiên đứng nhìn. Có bạn còn dùng điện thoại di động ghi hình rồi tung lên mạng. Còn đáng buồn hơn khi nhiều thanh niên học sinh dường như không biết đến khái niệm chia sẻ, vô cảm với bạn bè và mọi người xung quanh rồi dẫn đến vô cảm với chính những người thân trong gia đình.

Tại sao con người ngày nay ngày càng trở nên vô cảm?

Căn bệnh vô cảm nảy sinh trước hết là do con người đã không đủ sức mạnh để chiến thắng cái ác, cái xấu, cái cá nhân. Quan trọng hơn là do lối sống vị kỷ, thích hưởng thụ của giới trẻ hoặc không muốn quan tâm vì sợ trách nhiệm, liên lụy. Xã hội còn nhiều người vô cảm thì sẽ có những hành vi phi đạo đức. Vì vậy đây là căn bệnh rất nguy hại đến truyền thống giá trị đạo đức của con người.

Những tác hại của căn bệnh vô cảm đối với con người và xã hội:

– Vô cảm phá hỏng nền tảng đạo đức xã hội và tính tôn nghiêm của pháp luật.

– Vô cảm khiến con người dễ bị cô lập khỏi cộng đồng.

– Vô cảm đẩy con người đến với tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự, kỉ cương của xã hội.

– Vô cảm làm suy kiệt tình người, chia rẽ cộng đồng và làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn cá nhân.

– Vô cảm là cái chết từ từ trong tâm hồn. Người vô cảm không còn cảm nhận được hạnh phúc, giá trị của đạo đức, sự gắn kết cộng đồng, niềm vui chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Họ sống không ước mơ, hoài bão và không có lý tưởng sống tích cực và cao đẹp.

Làm thế nào để chữa trị căn bệnh vô cảm?

Vô cảm thể hiện sự suy thoái nghiệm trọng nền tảng đạo đức trong xã hội. Sự vô cảm của con người khiến cho các mối liên hệ của con người xã hội trở nên rời rạc. Điều đó, khiến cho cái xấu, cái ác có cơ hội bùng phát. Để hạn chế sự vô cảm có ở con người, không có cách nào tốt hơn là giáo dục lòng nhân ái, sống biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Phải xem giáo dục là giải pháp đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Giáo dục phải có vai trò tiên phong trong việc bồi dưỡng, định hướng và hoàn thiện tình cảm tốt đẹp ở con người.

Tạo dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ là điều rất cần thiết để chữa trị căn bệnh vô cảm hiện nay. Trước hết, phải đảm bảo công bằng về quyền lợi và lợi ích của con người. Tiếp đó, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội để cái tốt được tôn vinh, cái xấu bị trừng trị, đem lại niềm tin cho con người.

Mạnh mẽ lên án, xử phạt những hành vi vô cảm. Điều này thực sự khó khăn bởi ranh giới giữa sự vô cảm và tội ác là rất mong manh, khó phân biệt.

May mắn thay bên cạnh những người sống vô cảm vẫn còn nhiều bạn trẻ biết yêu thương chia sẻ, biết sống đẹp theo truyền thống cao đẹp từ bao đời nay. Sống biết yêu thương, giàu vị tha chính là phương pháp hữu hiệu để chữa can bệnh vô cảm đang có nguy cơ lan rộng trong giới trẻ.

  • Kết bài:

Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa; nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người. Căn bệnh vô cảm vẫn còn âm ỉ trong lòng đời sống xã hội. Bởi thế, mỗi con người phải tự mình nâng cao đạo đức, hướng đến những điều tốt đẹp, sống bằng tình thương và lòng nhân ái. Làm được như thế, căn bệnh vô cảm sẽ không có cơ hội để nảy sinh và gây tai họa nữa.

Bài văn tham khảo 3:

Trình bày suy nghĩ của em về một sự việc hoặc hiện tượng vô cảm ở địa phương hoặc ở trường học, lớp học.

  • Mở bài:

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt. Càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống.

  • Thân bài:

Chỉ lạ một điều, đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chíp “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lóp xã hội: căn bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chi là cái xác khô của một cỗ máy?

Truớc hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thường ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đây trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền bạc, công danh, địa vị hay nghĩ đến công việc ngày mai?

Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thây bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng vói những nạn nhân bị hại.

Ta chưa thể nào vụ việc em bé Duyệt Duyêt ở Trung Quốc bị xe tải cán nhiều làn trước sự nhẫn tâm của con người. Thương  xót, đaụ lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bể để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình.

Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé năm đó, vẫn thoi thóp thờ, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không cỏ chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu sổ chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện.

Mới đây, báo chí rầm rộ đưa tin vụ việc 39 người Việt Nam bị bọn buôn người lừa gạt đã chết ngạt trong một container đông lạnh ở nước Anh. Những người lao động hiền lành cả tin đã vô tình phó thác sinh mệnh của mình cho ác quỷ. Bọn bất nhân chỉ vì tiền mà đã đẩy 39 con người vào chỗ hiểm nguy để rồi nhận lấy cái chết thương tâm. Sự vô cảm lên đến tột đỉnh.

Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là bảo công an. Đó là những con người “không dại gì” và cũng chính những người “không dại gì” đỏ mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn.

Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi.

Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Nhiều lãnh đạo lợi dụng chức quyền và ảnh hưởng để làm điều phạm pháp, thu lợi bất chính, tham nhũng, hối lộ, hà hiếp nhân dân khiến cho bao nhiều non người phải rơi vào cảnh điêu đứng, lầm than đói khổ, vào tù ra tội, hết sức thương tâm. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả những điều vô lương ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.

Rốt cuộc thì nguyên nhân vì đâu? Suy cho cùng, tình cảm ỉà điều chi phối tắt cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.

  • Kết bài:

Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm “không còn đất sống” là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tốt đẹp đó cho những người xung quanh mình.

Nghị luận: Mỗi ngày chúng ta không thắp sáng ngọn lửa yêu thương thì có biết bao người chết vì giá lạnh

12 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng yêu thương con người - Theki.vn
  2. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng tự tin - Theki.vn
  3. Viết bài văn nghị luận ngắn bàn về hiện tượng vô cảm - Theki.vn
  4. Nghị luận: Suy nghĩ về tình yêu thương và chia sẻ - Theki.vn
  5. Nghị luận: “Hãy vui với người đang vui, hãy khóc với người đang khóc!”. - Theki.vn
  6. Suy nghĩ về những tác hại của căn bệnh vô cảm - Theki.vn
  7. Nghị luận về lòng nhân ái - Theki.vn
  8. Nguyên nhân của hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày nay - Theki.vn
  9. Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ bàn về căn bệnh vô cảm của con người ngày nay - Theki.vn
  10. Suy nghĩ về sức mạnh tinh thần đoàn kết - Theki.vn
  11. Suy nghĩ về câu tục ngữ: Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. - Theki.vn
  12. Nghị luận vấn đề vô cảm của con người ngày nay - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.