»» Nội dung bài viết:
Dàn bài phân tích đoạn trích “CHỊ EM THÚY KIỀU” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du).
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều.
– Vị trí đoạn trích: nằm ở phần mở đầu của tác phẩm. Đoạn trích đã khắc họa rõ nét chân dung tuyệt mĩ của chị em Thúy Kiều, ca ngợi vẻ đẹp, tài năng và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều, đây là biểu hiện cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du
- Thân bài:
1. Giới thiệu vẻ đẹp chung của chị em Kiều – Vân.
– “Đầu lòng hai ả tố nga”: Sự kết hợp giữa từ thuần Việt với từ Hán Việt khiến cho lời giới thiệu vừa tự nhiên vừa sang trọng.
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ muời phân vẹn mười”
– Hình ảnh ẩn dụ, ví ngầm tượng trưng, thể hiện vẻ đẹp trong trắng, thanh tao, trang nhã đến mức hoàn hảo. Nhưng mỗi người vẫn mang một vẻ đẹp riêng.
+ “Mai”: mảnh dẻ thanh tao
+ “Tuyết”: trắng và thanh khiết.
– Tác giả đã chọn 2 hình ảnh mỹ lệ trong thiên nhiên để ngầm so sánh với người thiếu nữ.
2. Vẻ đẹp của Thuý Vân.
– Từ “Trang trọng” → Vẻ đẹp cao sang, quí phái, đoan trang.
– Liệt kê: “Khuôn trăng đầy đặn”: Khuôn mặt đầy đặn, đẹp như ánh trăng rằm. “Nét ngài nở nang”: lông mày sắc nét, đậm → khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói. Kết hợp dùng từ “đầy đặn, nở nang, đoan trang” làm nổi bật vẻ đẹp riêng của Thúy Vân.
– Ẩn dụ, nhân hóa, so sánh: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/Hoa cười ngọc thốt đoan trang” → Thể hiện vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu, quí phái.
– Hoa cười ngọc thốt đoan trang/Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da → Chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp tạo sự hòa hợp, êm đềm với thiên nhiên nên Thúy Vân có một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.
→ Tác giả đã sử dụng các biện pháp ẩn dụ, so sánh đặc sắc, hình aûnh öôùc leä, kết hợp với những thành ngữ dân gian để làm nổi bật vẻ đẹp của Thuý Vân, qua đó, dựng lên một chân dung khá nhiều chi tiết có nét hình, có màu sắc, âm thanh, tiếng cười, giọng nói. Sắc đẹp của Thuý Vân sánh ngang với nét kiều diễm của hoa lá, ngọc ngà, mây tuyết,… toàn những báu vật tinh khôi, trong trẻo của đất trời. Thuý Vân là cô gái có vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu. Vẻ đẹp của Thuý Vân là vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên, tạo hoá. Thiên nhiên chỉ “nhường” chứ không “ghen”, không “hờn” như với Thuý Kiều. Điều đó dự báo một cuộc đời êm ả, bình yên.
3. Vẻ đẹp và tài năng của Thuý Kiều.
* Vẻ đẹp của Thúy Kiều đạt đến bậc ngoại hạng, hiếm có.
– Tác giả khái quát đặc điểm của nhân vật: “Kiều càng sắc sảo mặn mà”. Nàng “sắc sảo” về trí tuệ và “mặn mà” về tâm hồn.
– Nghệ thuật đòn bẩy lấy Vân làm nền để khắc hoạ rõ nét Kiều: “So bề tài sắc lại là phần hơn”.
– Không như tả Thúy Vân một cách cụ thể, chi tiết, khi tả Kiều tác giả tập trung vào đôi mắt vì đôi mắt thể hiện sự tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi. Đôi mắt tạo một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.
– Ẩn dụ: “làn thu thủy” đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt. “Nét xuân sơn” sự thanh tú trên gương mặt trẻ trung tràn đầy sức sống.
+ Vẻ đẹp mang tính cách, số phận; không hòa hợp, làm cho thiên nhiên phải ghen ghét, đố kị.
– Nhân hóa “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” → Vẻ đẹp làm người say đắm.
– Nghệ thuật ẩn dụ, hình ảnh ước lệ, dùng điển cố: “Nghiêng nước nghiêng thành”.
→ Kiều là một trang tuyệt sắc với vẻ đẹp độc nhất vô nhị.
* Tài năng của Thúy Kiều cũng đạt đến bậc xuất chúng:
+ Đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến: cầm, kì, thi, họa.
+ Tài đàn là sở trường, năng khiếu “nghề riêng”, vượt lên trên mọi người: “ăn đứt”.
+ Tài đã thể hiện cái tâm của nàng: một trái tim đa sầu, đa cảm.
– Vẻ đẹp của Kiều là cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn. Tác giả đã hết lời ca ngợi tài sắc của Kiều với bút pháp ước lệ, vẻ đẹp của Thúy Kiều được đặt tả thật kiêu sa, lộng lẫy, sắc nước hương trời khiến cho hoa ghen, liễu hờn.
→ Tài năng và nhan sắc ấy làm cho tạo hóa phải ghen ghét, các vẻ đẹp khác phải đố kỵ – ngầm báo trước cuộc đời đầy sóng gió, bất hạnh của nàng sau này.
4. Nghệ thuật biểu hiện:
– Nghệ thuật tả người từ khái quát đến tả chi tiết; khắc họa rõ nét chân dung hai chị em Thúy Kiều. Tả ngoại hình mà bộc lộ tính cách, dự báo số phận.
– Ngôn ngữ gợi tả, sử dụng hình ảnh ước lệ, các biện pháp ẩn dụ, nhân hoá, so sánh, dùng điển cố.
– Nghệ thuật ước lệ cổ điển lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để tả vẻ đẹp con người.
- Kết bài:
Đoạn thơ “Chị em Thúy Kiều” sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc họa rõ nét chân dung chị em Thúy Kiều. Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp trác việt và tài năng xuất chúng của Thúy Kiều và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du.