»» Nội dung bài viết:
Nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và người vợ “nhặt” (Vợ Nhặt – Kim Lân)
- Mở bài:
– Nam Cao và Kim Lân là hai trong những cây bút hiện thực xuất sắc trong đời sống văn học hiện đại Việt Nam, đều viết thành công về đề tài người nông dân.
– Chí Phèo và Vợ nhặt là hai thiên truyện khắc họa tình trạng thê thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên kết quả cuối cùng có những bước ngoặc khác nhau: Một bên là những ám ảnh đen tối; một bên là hình ảnh gợi nhiều hy vọng.
- Thân bài:
Khái niệm nhân đạo trong văn học:
Nhân đạo là nội dung lớn, xuyên suốt nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay, bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt và chịu ảnh hưởng từ những điểm tích cực của các tôn giáo. Trong tác phẩm văn học, đó là những cảm thông, chia sẻ của nhà văn đối với nỗi khổ đau, bất hạnh của con người; là tiếng nói lên án, tố cáo các thế lực chà đạp con người; là lời đề cao, ca ngợi con người; đề cao quan hệ đạo đức, đạo lí làm người và mở ra cho con người niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Hình tượng nhân vật “Chí Phèo” (Chí Phèo – Nam Cao)
Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao, đồng thời là một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.
Thông qua cuộc đời và số phận bi thảm của nhân vật Chí Phèo, một gã nông dân bần cùng, lầm lỗi, nhà văn đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.
Cuộc đời đầy bi kịch của người nông dân Chí Phèo:
Không biết ai đã sinh ra Chí Phèo, chỉ biết, trong một buổi sáng sớm tinh sương, một anh thả được lươn đã nhặt được hắn trong cái lò gạch cũ. Một bà góa mù trong làng đã cho hắn bú mớm, bà này bán lại cho bác phó cối. Khi bác phó cối chết, hắn bơ vơ, mãi năm 20 tuổi hắn làm canh điền cho cụ Bá Kiến, một địa chủ khét tiếng tàn ác và mưu mẹo. Tính tình Chí Phèo hiền lành như cục đất, ấy thế mà, một buổi sáng, người ta thấy Chí bị người ta giải huyện…
Đi tù bảy, tám năm sau hắn trở lại làng, mặt mày trông khác hẳn, trông gớm chết trông như một thằng săng đá. Trở về, hắn lao vào rượu chè, nghiện ngập, gây sự, rạch mặt ăn vạ khắp thôn trên xóm dưới. Chỉ một câu nói khích, Bá Kiến đã sai được Chí Phèo và biến hắn trở thành anh đầy tớ chân tay mới, chuyên đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ.
Cả làng Vũ Đại đều sợ hắn một khi hắn đi qua trước mặt. Sau cuộc tình trái ngang, chóng quánh với Thị Nở, nhận được sự chăm sóc chân thành của thị, Chí Phèo nhận ra những trớ trêu của cuộc đời, lương tâm hắn thức tỉnh. Quá đau khổ, hắn lại uống, uống thêm chai nữa, càng uống càng tỉnh, càng nhớ cái cuộc đời mình. Hắn đi đến nhà Bá Kiến với con dao ở thắt lưng để đòi lương thiện. Chém chết Bá Kiến, hắn đâm cổ tự sát.
Hình ảnh “cái lò gạch bỏ không” qua sự ám ảnh của thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo:
– Hình ảnh cái lò gạch cũ nát lại hiện lên ở cuối truyện: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua… ” có sức ám ảnh mạnh mẽ.
– Đó là nỗi ám ảnh về sự đen tối và bế tắc của người nông dân trong xã hội bất công khi chưa có ánh sáng cách mạng. Ở đó tình trạng người nông dân bị bọn cường hào ác bá đẩy vào “bước đường cùng”. Người nông dân lương thiện bị bỏ rơi như đứa bé từng bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ.
– Nông thôn Việt Nam ngày ấy tan hoang chẳng khác gì cái lò gạch bị bỏ hoang.
– Hiện thực đó có ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến trước đã tiếp tay cho bọn ác bá giày xéo nông dân.
– Thể hiện cái nhìn xót xa của nhà văn đối với tương lai đen tối của người nông dân.
⇒ Chi tiết kết thúc tác phẩm đầy ngụ ý, biết đâu lại chẳng có một “Chí Phèo con” bước từ cái lò gạch cũ vào đời để “nối nghiệp cha” như lời người dân bàn tán: “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu”. Hiện tượng Chí Phèo chưa thể hết khi xã hội tàn bạo vẫn không cho con người được sống hiền lành, tử tế, vẫn còn những người dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi. Sức mạnh phê phán, ý nghĩa điển hình của hình tượng Chí Phèo chính là vạch ra được cái quy luật tàn bạo, bi thảm này trong cái xã hội tối tăm của nông thôn Việt Nam thời đó. Đây là mô típ rất độc đáo của tác phẩm và nó cũng thể hiện sức sống mạnh mẽ về thời gian của tác phẩm.
Cảm nhận hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” thoáng hiện qua tâm trí nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt”.
Vợ nhặt là một tác phẩm văn học của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. In trong tập Con chó xấu xí (truyện ngắn 1962). Tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tuy nhiên tác phẩm còn dang dở và bị mất bản thảo. Về sau, tác giả đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Qua hình ảnh người vợ “nhặt”, Kim Lân đã dựng lên hiện thực đau lòng của nạn đói năm 1945: con người phải vật vờ sống qua ngày bằng thức ăn của loài vật bên trong một căn nhà lụp xụp đổ nát với xung quanh là cái đói đang bao trùm ám ảnh. Tuy vậy ông đã phản ánh hiện thực ấy bằng tất cả nỗi niềm day dứt, trăn trở. Phải có một tình cảm gắn bó thực sự với người nông dân như vậy, Kim Lân mới có để hiểu đến từng ngóc ngách trong cuộc đời đói khổ của họ, để từ đó mà phát hiện ra những nét đẹp ngời sáng đang ẩn sâu trong sự tăm tối đó.
Mặc dù bị đẩy đến đường cùng, bị cái đói làm cho biến dạng méo mó nhân cách, nhưng người nông dân vẫn sẵn sàng chia sẻ nhau từng miếng cơm manh áo, vẫn sẵn sàng cưu mang nhau, và quan trọng hơn là cùng mơ về một tương lai tươi sáng. Đồng thời Kim Lân cũng thể hiện sự trân trọng và đặt niềm tin vào khao khát và ước mơ mở đường của các nhân vật. Mặc dù cơ hội đó rất mong manh, nhưng nhà văn vẫn hé mở cho họ một tương lai tươi sáng.
Cuộc đời nhân vật Tràng:
Tràng vốn là dân ngụ cư. Anh có thân hình thô kệch, tính tình ngơ ngẩn như trẻ con. Hắn có một mẹ già đã luống tuổi. Trong một lần kéo xe thóc lên tỉnh, bằng một vài câu nói vu vơ và mấy bát bánh đúc, hắn đã có được vợ. Việc tràng lấy vợ khiến cho người trong xóm ngụ cư hết sức ngỡ ngàng, mẹ hắn, bà cụ Tứ cũng không thể giấu được sự kinh ngạc. Sau những phút giây bàng hoàng, mọi người đều chúc phúc, vun vén cho hạnh phúc nhỏ nhoi của hắn.
Sau đêm “tân hôn”, Tràng bổng đổi khác, hắn nhận ra mọi thứ sung quanh trở nên sáng sủa hơn và lòng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Cuối truyện, tiếng trống thúc thuế ngoài đình phá tan không khí đầm ấm của bữa ăn sáng đạm bạc ngày đói. Qua lời của người vợ nhặt, trong ý nghĩ của hắn hiển hiện hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…”
Ý nghĩa “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”:
+ “đám người đói” vẫn đang là hiện thực.
+ “lá cờ đỏ bay phấp phới” gợi ra một thứ ánh sáng cao đẹp là cách mạng sẽ xua tan bóng tối của hiện thực đói khát ấy.
+ Vượt qua hiện thực đen tối của nạn đói, nhân vật có cái nhìn tin tưởng về phía tương lai.
+ Thông điệp ngợi ca cách mạng, bởi chỉ có cách mạng mới có thể mang đưa nhân dân đến bến bờ tươi sáng.
⇒ Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai.
4. So sánh hai hình tượng nhân vật:
a. Điểm tương đồng:
– Truyện ngắn “Chí phèo” của Nam Cao và “Vợ nhặt” của Kim Lân đều thể hiện ánh nhìn nhân đạo của hai nhà văn đối với đời sống, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội cũ.
– Cả hai thiên truyện đều mang ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội thực dân, phong kiến, phát xít.
– Cả hai nhà văn đều thể hiện tài năng trong sáng tạo nghệ thuật.
b. Điểm khác biệt:
Hai chi tiết, hai tác phẩm đã ra đời trong hai giai đoạn khác nhau của văn học: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Hai hình ảnh mang hai ý nghĩa khác nhau:
+ Người nông dân trong truyện ngắn Chí Phèo hoàn toàn bế tắc vì không được cách mạng soi sáng.
+ Người nông dân trong truyện ngắn “Vợ nhặt” dạt dào niềm tin vào tương lai vì có hình ảnh cách mạng xuất hiện.
+ Bút pháp: Nam Cao viết theo khuynh hướng hiện thực phê phán; Kim Lân viết theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.
- Kết bài:
Thông qua hai hình tượng nhân vật điển hình, Nam Cao và Kim Lân đã khắc họa chân thực, sinh động đời sống đáng thương của nhân dân ta thời kì trước cách mạng tháng Tám. Hai nhân vật là hai bước chuyển tiếp của lịch sử dân tộc, đi từ bóng tối cuộc đời đến ánh sáng.
- Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
- Phân tích hình tượng người vợ “nhặt” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân