dan-bai-suy-nghi-ve-doi-song-tinh-cam-gia-dinh-trong-chien-tranh-qua-truyen-ngan-chiec-luoc-nga-cua-nguyen-quang-sang

Dàn bài: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Dàn bài: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng

  • Mở bài:

Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho nền văn học Việt Nam một sự nghiệp văn học khá đồ sộ. Đóng góp lớn của Nguyễn Quang Sáng cho văn học Việt Nam là nhà văn đã ca ngợi những con người bình dị và anh hùng mang đậm tính sử thi và cảm thông cho những phận người nhỏ nhoi cả trong và sau cuộc chiến. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” thể hiện sâu sắc đặc điểm nghệ thuật ấy trong sáng tác của ông.

  • Thân bài:

Có thể nói, “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm trong đó có bản lĩnh riêng của Nguyễn Quang Sáng được bộc lộ trên khá nhiều mặt đặc sắc. Không chỉ khắc họa thành công các nhân vật, truyện ngắn Chiếc lược ngà còn ca ngợi tình cha con sâu đậm mà đẹp đẽ, thiêng liêng.

* Tóm tắt:

Anh Sáu được giới thiệu là người lính chiến tranh, vì nhiệm vụ cao cả mà phải tham gia chiến đấu, bỏ lại gia đình, quê hương và tình yêu con tha thiết. Sau ngần ấy năm tham gia kháng chiến, anh Sáu vẫn luôn nung nấu khao khát cháy bỏng mong được gặp con và nghe con gọi một tiếng cha. Thế nhưng ngày gặp lại con thì lại nảy sinh một nỗi éo le – bé Thu không nhận cha.

Anh Sáu càng muốn gần gũi thì dường như sự lạnh lùng, bướng bỉnh của con bé làm tổn thương những tình cảm da diết nhất trong lòng anh. Còn gì đau đớn hơn một người cha giàu lòng thương con mà bị chính đứa con gái ấy từ chối. Dù mọi người hết lời giải thích nhưng bé Thu vẫn bướng bỉnh không chịu nghe. Cho đến khi cha con nhận ra nhau cũng là lúc anh sáu phải trở lại chiến khu. Cuộc chia tay trên bến sông đẫm đầy nước mắt, làm xúc động người đọc.

* Phân tích:

– Ẩn sau cái tình huống trớ trêu ấy là chiến tranh, kẻ thù của hòa bình, tự do và hạnh phúc. Không một tiếng súng, không đạn bom, không tiếng gầm thét, chiến tranh giống như một bóng ma, lẩn lút trong từng số phận, trong từng gia đình.

– Chỉ tại chiến tranh mà anh Sáu phải rời xa gia đình khi con gái anh mới chưa tròn một tuổi. Chỉ tại chiến tranh mà con bé lớn lên không có sự chăm sóc và che chở của cha. Tâm hồn thơ dại của con bé tin rằng cha ở trong bức ảnh và luôn ở bên mình. Chỉ tại chiến tranh đã gây nên vết thương trên mặt anh Sáu và mọi ngộ nhận, khúc mắc cũng từ đó mà ra.

– Thật đớn đau thay, chỉ một vết thương nhỏ trên mặt thôi mà gây ra cái bị kịch đẫm đầy nước mắt. Nhà văn không lên tiếng tố cáo chiến tranh nhưng thông qua câu chuyện, ông đã gián tiếp thể hiện sự phẫn nộ của mình trước sự tàn khốc, ác nghiệt do chiến tranh gây ra. Ông tạo nên một nhận thức mới trong tâm trí người đọc: chiến tranh đâu chỉ hiển hiện qua đạn bom và và chết chóc; chiến tranh còn ẩn mình trong từng số phận con người, gây nên biết bao thương đau, mất mát. Nó còn đáng sợ hơn cả khi ta đối mặt với kẻ thù trên trận tuyến.

– Trên chiến khu, anh Sáu dành tất cả tình yêu thương con gái vào việc làm cây lược. Thế nhưng, khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái, anh Sáu đã hi sinh.

– Chiến tranh không hiện hình nhưng tội ác đang tung hoành. Chính chiến tranh đã làm cho con người phải xa nhau, chiến tranh làm khuôn mặt ông Sáu biến dạng, chiến tranh khiến cuộc gặp gỡ của hai cha con bị đặt trong tìn huống trớ trêu đầy nước mắt. Tình cảm bị thử thách cao độ, rồi một lần nữa chiến tranh lại khắc nghiệt để ông Sáu chưa kịp trao chiếc lược ngà đến tận tay cho con mà đã phải hi sinh trên chiến trường.

– Cái chết của anh Sáu, hình ảnh chiếc lược ngà là nhân chứng tố cáo chiến tranh phi nghĩa, gây đổ máu vô ích, làm nhà nhà li tán, người người xa nhau vĩnh viễn.

– Cái chết của anh Sáu làm người đọc sực tỉnh nhận ra bộ mặt tàn khốc của chiến tranh. Một câu chuyện đẹp sắp đến hồi kết bỗng dưng bị cụp tắt, niềm hi vọng bị cắt rời ra từng mảnh. Người đọc không khỏi hụt hẫng rồi quằn quại xót đau và không cầm được nước mắt khi anh Sáu móc cây lược trao lại cho người đồng chí và gửi gắm ý nguyện cuối cùng.

– Chiếc lược ngà còn là một niềm an ủi đối với người đọc, để cho người đọc còn tin tưởng tưởng rằng tình yêu luôn bất tử dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và nhận ra nguồn sống đang kết tụ, đang lớn dần lên trong tâm hồn mình bé Thu, trở thành sức mạnh quật cường sau này.

* Nhận xét:

Chiếc lược ngà như một câu chuyện cổ tích hiện đại, thành công trong việc xây dựng hình thượng bé Thu và gửi gắm thông điệp đẹp về tình cha con. Phải là người từng trải, sống hết minh vì cách mạng kháng chiến của quê hương, gắn bó máu thịt với những con người giàu tình yêu, nhân hậu mà rất kiên cường, bất khuất, nhà văn mới có thể nhập hồn được vào các nhân vật, sáng tạo nhiều hình tượng với các chi tiết sinh động, bất ngờ; hơn nữa lại có giọng văn dung di, cảm động.

  • Kết bài:

Qua câu chueyenj cảm động của gia đình ông Sáu,tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh gây chia cách gia đình nhưng không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ. Ý nghĩa ấy làm xúc động người đọc, có tác dụng cổ vũ và nâng cao tâm hồn con người. Nguyễn Quang Sáng là nhà văn ngợi ca, ông ngợi ca không chỉ bằng niềm tin Cách mạng mà bằng cả sự hiểu biết, bằng những suy nghĩ về con người miền Nam quật cường, anh dũng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang