»» Nội dung bài viết:
Dẫn chứng về Tình mẫu tử, tình yêu thương con người, lòng bao dung, vị tha, cho và nhận, sự cống hiến.
1. Câu chuyện bác thợ săn và con vượn.
Một bác thợ săn nọ nổi tiếng là người săn giỏi, con thú nào để bác nhìn thấy thì coi như nó đã tận số. Một lần đi săn, bác nhìn thấy một con vượn mẹ đang cho con mình bú sữa, như bao lần, bác rút mũi tên bắn trúng vượn mẹ. Vượn mẹ quay ra nhìn bác đầy căm giận rồi từ từ đặt con xuống, lấy một nắm bùi nhùi gối đầu cho con, và lấy một lá cây vắt lấy sữa đặt ngang miệng con mình. Sau đó, vượn mẹ rút mũi tên ra, gào lên một tiếng rồi ngã xuống. Chứng kiến cảnh đó, bác thợ săn rơi nước mắt và từ đó về sau bác không bao giờ đi săn nữa.
⇒ Ngay cả khi cận kề cái chết thì vượn mẹ cũng vẫn lo lắng và nghĩ cho con mình hơn cả bản thân.
2. Câu chuyện con bồ nông
Con bồ nông mẹ bay về tổ sau một ngày đi kiếm ăn nhọc nhằn. Trời mưa gió. Hôm nay, trong cái diều to của nó chẳng có gì. Nó không tìm được chút thức ăn nào để đem về cho những con bồ nông con. Nó đang bay ngược gió. Nó kiệt sức, nhưng nó vẫn cố tìm về tổ, về với các con. Khi bồ nông mẹ về đến nhà, những con bồ nông con nháo nhác vươn cổ lên, đưa mỏ của mình lấy mồi trong diều của mẹ. Bồ nông con được no bụng nhưng chúng không biết rằng đấy là bữa ăn cuối cùng mẹ có thể dành cho chúng.
⇒ Sự hy sinh cao cả của mẹ bồ nông cho các con nhưng qua đó cũng thể hiện sự vô tâm của lũ trẻ. Chúng coi rằng việc mẹ mang thức ăn về cho mình là hiển nhiên và không màng gì đến dáng vẻ nhọc nhằn, mệt mỏi của mẹ. Và chúng phải trả giá vì sự vô tâm ấy.
3. Mẹ là tất cả.
Có một người con gái khi không thể chịu được những lời trách mắng của mẹ, đã giận dữ bỏ nhà đi. Một ngày kia khi cô không thể đi được nữa, trong lòng nhớ mẹ và ân hận vô cùng, cô đã tìm về nhà. Hoảng hốt khi từ xa thấy nhà không khoá cửa, đã khuya mà đèn vẫn sáng, cô sợ có điều gì không lành liền vừa chạy về nhà mình vừa khóc gọi mẹ…
Khi thấy mẹ, cô oà khóc nức nở và ôm chặt lấy mẹ. Khi đã bớt xúc động, cô hỏi mẹ vì sao lại để cửa mở như thế làm cô lo lắng, và người mẹ trả lời “từ khi con đi, ngày nào mẹ cũng mở cửa và để đèn sáng mong con trở về”…
⇒ Tình thương và lòng bao dung của mẹ là vô bờ bến, vô điều kiện….
4. Câu chuyện hoa hồng tặng mẹ.
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó cẩn thận đặt cành hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.
⇒ Hãy yêu thương mẹ của mình khi còn có thể
5. Câu chuyện về cậu bé với ông lão ăn xin.
Trước mặt người ăn xin già nua, khắc khổ, rách rưới, cậu bé đã lục hết túi này đến túi khác mà không có lấy một xu lẻ, cậu bối rối nắm tay ông: “Xin lỗi cháu không có gì cho ông cả” .
Ông lão mỉm cười: “Cảm ơn cháu, như vậy là cháu đã cho lão nhiều lắm rồi”. Cả ông lão ăn xin và cậu bé đều cảm thấy mình đã nhận được một điều quý giá.
⇒ Hãy cho nhau yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ điều đó còn hơn hết thảy mọi thứ vật chất trên thế gian
6. Câu chuyện Hai biển hồ.
Đất nước Palestin có 2 biển hồ: biển Chết và biển Galile cùng xuất phát từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
⇒ Chia sẻ những gì mình có, giúp đỡ mọi người sẽ làm cho chính bản thân chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, chúng ta cảm nhận được cuộc sống một cách ý nghĩa, lạc quan; còn sự ích kỷ chỉ khiến mình ngày trở nên cô đơn và cằn cỗi.
7. Khoan dung và biết ơn.
Có hai người bạn đang cùng nhau trải qua một chuyến đi dài. Trên đường đi qua sa mạc, hai người đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.”
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.”
Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?” Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”
8. Giải tỏa cơn giận.
Giữ những giận dữ, oán hận trong lòng cũng giống như bỏ đầy muối vào một cốc nước, nước sẽ mặn chát mà cơn giận dữ ấy cũng không nguôi ngoai bớt.
Nhưng cũng ngần ấy muối, nếu chúng ta mang bỏ xuống một cái hồ thì nước trong hồ vẫn trong xanh và dịu mát, muối lại có thể tan đi.
⇒ Tha thứ khoan dung làm cho ta thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.
9. Cậu bé và món cà ri.
Có một cậu bé hay nghịch ngợm, một chiều nọ khi ông của cậu đang ngủ, cậu liền nghĩ ra trò lấy cà ri bôi lên râu của ông. Đối với một số người, cà ri là món khoái khẩu, nhưng cũng có rất nhiều người thấy khó chịu với mùi này.
Khi ông của cậu bé thức dậy, ông lập tức đã cau mày và mũi đánh hơi thấy một mùi mà ông không ưa. Ông lão cho rằng căn phòng hôm nay có một thứ mùi rất khó chịu, liền mở cửa đi ra ngoài. Nhưng kỳ lạ, ông đi đến đâu cũng thấy mùi đó, càng đi lại càng ngửi thấy rõ rệt, ông càng tức giận và gắt lên rằng “tại sao thế giới này lại nhiều những điều kinh tởm như thế!”, nào ông có biết cái “điều kinh tởm” ấy lại từ chính ông mà ra.
⇒ Đôi lúc chúng ta chỉ biết than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng không biết rằng chính bản thân mình mới là nguyên nhân gây ra những điều không tốt.
10. Thiên Đàng và Địa Ngục có gì khác biệt?
Có người một lần trong mộng được Diêm Vương dẫn đi thăm quan địa ngục, đến đó, anh ta phát hiện mọi người đang cãi nhau. Vốn là ở địa ngục có một cái bàn lớn, trên bàn bày một số món ăn, mỗi người cầm một cái thìa rất dài. Không có cách nào để lấy được thức ăn ngoài việc dùng những cái thìa dài đó, hậu quả là thìa dài vướng víu, ai cũng muốn ăn nhiều, tranh giành, không nhường nhịn nhau nên sinh cãi vã om sòm.
Tiếp theo, ông ta lại lên thăm cõi cực lạc. Thật kỳ lạ, quang cảnh nơi đây không khác gì địa ngục, cũng một chiếc bàn lớn, với các món ăn và những chiếc thìa rất dài. Điểm duy nhất khác nhau là mọi người ở đây ăn uống với nhau một cách vui vẻ. Tại sao vậy? Vì mọi người dùng chiếc thìa rất dài đó để xúc thức ăn cho nhau, nhường nhịn nhau nên không xảy ra va chạm, cãi vã.
⇒ Thiên Đàng và Địa Ngục không có gì khác biệt, chúng chỉ khác nhau ở cách con người đã sống và đối xử với nhau như thế nào mà thôi.
Bài học:
– Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
– Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên)
– Trong vũ trụ có 7 kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ
– Dù vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự bình an trong gia đình thì kẻ đó là người sung sướng nhất
– Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác
– Con ong được ca tụng vì nó làm việc không phải cho chính mình nhưng cho tất cả (Saint J.Chrysistome)
– Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí (Nikolai A.Ostrovsky)
– Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình? (Tố Hữu)
– Lễ vật lớn nhất đời người là khoan dung (14 điều dạy của Phật)
– Tội lỗi lớn nhất đời người là bất hiếu (14 điều dạy của Phật)
– Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau? (Tố Hữu)
– Chúng ta tạo nên cuộc sống từ những điều nhận được, nhưng chúng ta thực sự làm nên cuộc đời chính từ điều mà chúng ta cho đi.(Wiston Churchill)
– Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta còn vương mãi mùi hương (Ngạn ngữ Bungari)
– Con người được tạo hoá ban cho hai cái túi, một cái túi đựng trước ngực và một cái túi ở sau lưng. Túi ở trước ngực chứa đựng toàn những điều xấu xa, hạn chết của người khác, còn túi ở sau lưng lại đựng khuyết điểm của chính bản thân mình. Vì thế mà con người thường chỉ biết cao ngạo nhìn xuống mà chỉ trích và phán xét lỗi lầm của người khác trong khi cố giấu đi những sai phạm của chính mình.
– “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… Toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…” (Nam Cao)
– Con người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ. (Nam Cao)
– Thế giới đã phải chịu những tổn thất rất lớn, không phải vì sự tàn ác của những kẻ xấu xa mà vì sự im lặng của những người tốt.(Napoleon) -> phải biết đấu tranh chống lại cái xấu cái ác, lên tiếng bảo vệ lẽ phải, tình thương, sự công bằng, phê phán biểu hiện vô cảm…
– Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ gíup đỡ người khác trên đôi vai mình. (Nam Cao)