Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề lối sống sôi nổi và lối sống an nhàn, thảnh thơi
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Phía Đông Nam thành phố, bên kia nhánh sông vùng Vân Dương, là một vùng đất bằng trầm mình trong những khu vườn tre trúc xanh biếc, tên là Vĩ Dạ. Vĩ Dạ là một khu ngoại ô của những vị hưu quan, những người làm vườn và những văn nghệ sỹ, được xem như cái nôi của tư tưởng Lão Trang phóng dật của thành phố Huế
Tuy gọi là một kinh kỳ thơ mộng, nhưng trung tâm Huế thực sự là đất của Triều Đình vua Nguyễn, của những dòng dõi danh gia thế phiệt nối đời làm quan, tư tưởng chính thống của Huế là tư tưởng Nho giáo. Phía tây nam Huế là tư tưởng Thiền với những ngôi chùa cổ chiếm lĩnh những đỉnh núi cao. Bốn vùng ngoại ô Huế bao gồm vùng Gia Hội, dành cho thương nhân; khu Kim Long có các phủ đệ của những vị ngoại thích; khu Nguyệt Biều dành cho vườn nhà của những vị đường quan. Vậy chỉ còn Vĩ Dạ là nơi các văn nhân của mọi thời, những người theo tư tưởng tự do thích ở. Vĩ Dạ là vùng đất bên bờ phía đông sông Hương, là nơi người ta lập vườn theo phong cách dân dã trồng hoa cúc, thường mang lên trung tâm Huế bán để ướp trà, để chơi tết. Nói tóm lại đó là loài hoa có dính líu ít nhiều đến lối sống Lão Trang. Dọc bờ sông, lau lách mọc um tùm, thấp thoáng những mái lầu nhỏ người ta dùng để ngồi uống rượu và xướng họa thơ văn, với những dòng chữ ngoằn ngoèo trên vách kiểu chữ Phạn, do loài ốc khi bò để lại sau mỗi cơn lụt, như trong thơ của Tuy Lý Vương đã từng nói về vùng đất ở của mình. Vĩ Dạ phát xuất từ chữ “Vi Dã”, mà Ưng Bình Thúc Giạ quen gọi là Nội Lách. Người bình dân lập vườn theo phong cách dân gian, những hưu quan chán cảnh cân đai, những nghệ sỹ thích đời sống phóng khoáng đều tìm về Vĩ Dạ tụ tập thành một khối cư dân thích tự do mang màu sắc cá nhân. Không nghi ngờ gì nữa chính nơi đây mà người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên, trong những khu vườn xanh biếc. Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, theo www.tapchisonghuong.com.vn, 07/7/2009)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Theo tác giả, Vĩ Dạ xưa có nét riêng nhất nào so với những khu vực khác của Huế?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh trong những câu sau:
Vĩ Dạ tồn tại ngàn năm như một nhà ẩn dật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như một buồng phổi hít thở đầy không khí tự do của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá…
Câu 4. Theo anh/chị, trong cuộc sống sôi động hiện nay, có nên bảo tồn một Vĩ Dạ “ưa những cách sống thảnh thơi, thú nhàn du trồng hoa, câu cá”?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật 0.5
Câu 2. Nét riêng nhất của Vĩ Dạ xưa so với các khu vực khác ở Huế: là nơi các văn nhân của mọi thời, những người theo tư tưởng tự do thích ở.
Câu 3. Tác dụng của so sánh: gợi một Vĩ Dạ cổ kính mang không khí nhàn du, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên.
Câu 4. Với câu này, có thể trình bày theo cách:
– Nêu ngắn gọn quan điểm.
– Giải thích lí do chọn quan điểm ấy.