de-thi-hsg-ngu-van-10-chu-de-1-hay-dua-vao-ban-than-chu-de-2-tho-khong-phai-la-hoa-trong-chau-canh-o-do-tat-ca-deu-hien-ra-truoc-mat-anh-anh-khong-can-phai-tim-dau-them-tho-giong-nhu

Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: “Hãy dựa vào bản thân”. Chủ đề 2: “Thơ không phải là hoa trong chậu cảnh – ở đó tất cả đều hiện ra trước mắt anh, anh không cần phải tìm đâu thêm. Thơ giống như hoa trên đồng nội, trên rặng núi An- pơ, nơi mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, diệu kì hơn” (Raxun Gamzstov).

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 10
Thời gian: 180 phút
(Đề thi gồm 02 trang)

Câu 1: (8 điểm)

HỎI ĐƯỜNG

Phía trước nhiều lối rẽ
Chưa biết đi đường nào
Đang bước thấp, bước cao,  gặp cụ
Một dáng người lụ khụ
Chiếc gậy bóng mòn
Chỉ ngoặt lối này
Rồi rẽ hướng Tây
lại ngoặt
lại ngoặt.

Tôi lầm lũi bước cao bước thấp
Bóng nghiêng nghiêng như một thằng say
Bỗng giật mình! Ô hay
ao ngoặt mãi lại về chỗ cũ
Tại ta?
Hay tại cụ ?
Hay tại con đường nhiều ngả lắm người đi ?

(Đỗ Việt Dũng – Báo Văn nghệ số 48, ngày 26-11-2016)

Suy nghĩ của anh / chị về vấn đề mà bài thơ đặt ra.

Câu 2: (12 điểm)

“Thơ không phải là hoa trong chậu cảnh – ở đó tất cả đều hiện ra trước mắt anh, anh không cần phải tìm đâu thêm. Thơ giống như hoa trên đồng nội, trên rặng núi An- pơ, nơi mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, diệu kì hơn”. (Trích “Đaghextan của tôi” – Raxun Gamzstov)

Anh/ chị hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên.

——————— Hết ———————-

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 10
 

Câu 1: (8 điểm)

* Nội dung chính cần đạt:

I.. Giới thiệu vấn đề (mở bài): (0,5 điểm)

II. Giải quyết vấn đề: (6.0 điểm)

1. Xác định vấn đề:

a) Bài thơ mở ra với hình ảnh một người đi đường đứng trước nhiều lối rẽ, không xác định được con đường mình phải đi thì gặp một cụ già được cụ chỉ đường. Người hỏi đường không nghi ngờ mà mải miết đi theo cây gậy chỉ đường của cụ. Kết quả là sau một hồi lòng vòng lại trở về chỗ cũ. Người hỏi đường giật mình đặt ra những câu hỏi dồn dập nhưng không có lời đáp.

b) Vậy ai là người có lỗi? Con đường hay cụ già ? Xét đến cùng cả hai đều không có lỗi. Lỗi là ở người hỏi đường. Có thể cụ già chỉ sai vì cụ không còn minh mẫn nhưng anh hoàn toàn tin cụ. Có thể cụ chỉ đúng nhưng do con đường có nhiều lối, nhiều ngả mà anh cứ lầm lũi bước cao, bước thấp không chịu dừng lại để đoán định hay hỏi người khác.

c) Vấn đề tác giả đặt ra là: Ở đời con người đừng quá tin hoàn toàn, ỷ lại vào người khác mà chính mình phải có chính kiến, phải suy xét và tỉnh táo trên đường đi tới đích, nhất là khi con đường tới đích xuất hiện nhiều ngả đi, nhiều lối rẽ. Nói cách khác, con người phải dựa vào chính mình.

2. Bàn luận vấn đề:

a) Vì sao đừng quá tin hoàn toàn, ỷ lại vào người khác? (1,0 điểm)

– Vì ý kiến của người khác không phải bao giờ cũng đúng. Họ cũng chịu những giới hạn về nhận thức, về trải nghiệm. Ý kiến của họ xuất phát từ góc nhìn của cá nhân họ, có thể đúng với họ nhưng không hẳn đúng với ta, có thể đúng với trường hợp này nhưng không hẳn đúng với trường hợp khác.

– Vì tin hoàn toàn, ỷ lại vào người khác chúng ta sẽ trở nên bị động khi ý kiến của họ không giúp ta giải quyết được vấn đề như trường hợp người đi đường trong bài thơ trên.

b) Vì sao phải dựa vào chính mình? (2,0 điểm)

– Trong cuộc sống, sự giúp đỡ luôn đáng quý và cần thiết. Nhưng chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ sẽ hình thành nên thói quen sống dựa dẫm, ỷ lại, phụ thuộc vào người khác, con người sẽ trở nên yếu đuối, không có ý chí nghị lực vươn lên,  không thể trưởng thành; khi đối mặt với những bão táp của cuộc đời sẽ sớm ngã gục.

– Mặt khác, có những lúc chúng ta gặp may mắn được chở che, giúp đỡ nhưng không phải lúc nào cũng gặp may bởi vậy phải biết chấp nhận hoàn cảnh, biết tự vươn lên, tự cứu lấy mình bằng cách dựa vào chính sức mình. Hơn nữa, sự nỗ lực, cố gắng tự vượt qua khó khăn sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến  thành công.

– Con người là cá thể độc lập, nó phải tồn tại, phát triển bằng chính nội lực của nó thì  sự tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững. Nếu dựa vào những yếu tố bên ngoài thì sự tồn tại là không vững bền, sự phát triển là không vững chắc.

– Dựa vào chính mình để sinh tồn, để sáng tạo, để phát triển là một biểu hiện của nhu cầu tự khẳng định mình ở mỗi con người; là cách thể hiện lòng tự trọng- một biểu hiện của nhân tính ở  mỗi con người; dựa vào chính mình còn là danh dự của quốc gia, là tinh thần tự  cường tự tôn dân tộc.

c) Mở rộng, nâng cao: (1,5 điểm)

– Để chọn cho mình một lối đi đúng, một mặt phải lắng nghe ý kiến của người khác, nhất là những người từng trải nhưng điều cốt yếu là phải dựa vào chính bản thân mình. Ngay việc tiếp nhận ý kiến của người khác chúng ta cũng phải có một lí trí tỉnh táo, biết suy xét, biết phân biệt đúng sai. Không có một nội lực mạnh mẽ rất dễ dẫn đến sai lầm nhất là khi đứng trước những sự lựa chọn.

– Hiện nay, các nước với chế độ chính trị – xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng ta cần phải dựa vào nội lực của chính mình để lựa chọn một lối đi vừa phát triển đất nước vừa bảo vệ được độc lập tự do của dân tộc.

3. Bài học: (1,0 điểm)

Con người phải tự dựa vào chính mình để tồn tại, phát  triển,  không được ỷ lại, dựa dẫm; để dựa vào chính mình con người cần phải có ý thức, khát vọng, nỗ lực không mệt mỏi; cũng cần phải biết hài hòa giữa cá  nhân và xã hội, biết tự trọng, tự tôn nhưng không tự mãn….

III. Kết thúc, khái quát lại vấn đề (kết bài): (0,5 điểm)

Câu 2: (12 điểm)

  1. Yêu cầu:
  2. Về kĩ năng:

–  Biết cách vận dụng kiến thức về lí luận văn học, về tác giả, tác phẩm để làm kiểu bài nghị luận văn học theo yêu cầu của đề.

  • Bài viết có lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, biết cách giải thích, chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
  • Bài viết diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, ngôn ngữ chọn lọc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
  1. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

I. Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận: (1,0 điểm)

II. Giải quyết vấn đề: (10 điểm)

1. Giải thích nhận định: (1,0 điểm)

– “Thơ không phải là hoa trong chậu cảnh – ở đó tất cả đều hiện ra trước mắt anh, anh không cần phải tìm đâu thêm”: Hoa trong chậu cảnh là vẻ đẹp dễ nhìn thấy, hiển hiện rõ ràng trước mắt. Vẻ đẹp và ý nghĩa của thơ không phải lúc nào cũng hiện ra một cách rõ ràng, đầy đủ. Nếu chúng ta chỉ nhìn ngắm những gì sẵn có, hiển hiện trên bề mặt câu chữ thì không thể nào cảm nhận hết vẻ đẹp và ý nghĩa của thơ.
– “Thơ giống như hoa trên đồng nội, trên rặng núi An- pơ, nơi mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, diệu kì hơn”. Thơ tiềm ẩn một vẻ đẹp không giới hạn, càng khám phá, chúng ta càng phát hiện ra nhiều ý nghĩa tinh tế. Dùng cả tâm hồn mình để lắng nghe và cảm nhận, người đọc sẽ tìm thấy những vẻ đẹp kì diệu, những hàm ý mới mẻ, bất ngờ trong chiều sâu cảm xúc của nhà thơ.

=>Nhận định trên đã chỉ ra được đặc trưng của thơ ca. Vẻ đẹp và giá trị của thơ không chỉ giới hạn trên bề mặt ngôn từ. Những gì ta nhìn thấy thôi là chưa đủ. Cần phải cảm nhận thơ bằng cả tâm hồn và sự trải nghiệm. Đọc thơ, cảm thơ giống như một hành trình khám phá, đi tìm vẻ đẹp của “hoa trên đồng nội, trên rặng núi An- pơ”, luôn hứa hẹn những bất ngờ và thú vị. Nghệ sĩ tạo ra thơ, người đọc thưởng thức và cảm nhận. Đó là quá trình làm nên sức sống và giá trị lâu bền của thơ.

2. Bàn luận về nhận định: (3,0 điểm)

Văn học nói chung và thơ ca nói riêng đều sử dụng ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện biểu hiện. Ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ đòi hỏi sự cô đọng, hàm súc. Thơ hay thì lời ít mà ý nhiều, lời hết mà ý còn dư vang. Thơ hay là tứ thơ không lộ hết trên bề mặt ngôn từ, càng đọc càng thấm, càng khám phá thì càng nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn bất ngờ.

Ngôn ngữ thơ thường đa nghĩa, giàu hàm ý. Bởi vì ngôn ngữ thơ được chưng cất từ cảm xúc, được chắt chiu và chọn lọc. Đó là ngôn ngữ đã đạt đến độ tinh. Một hình ảnh, một tứ thơ có thể mở ra nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau khiến cho người đọc bất ngờ, thú vị.

Thơ là một thể loại trữ tình, là sự thổ lộ mãnh liệt những cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ. Thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn thể hiện những cung bậc, sắc thái phức tạp, bí ẩn của thế giới tâm hồn con người. Thơ là tiếng nói tình cảm, là cung đàn muôn điệu. Thơ hàm chứa “những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người” (Nguyễn Đăng Mạnh). Mà tâm hồn con người là một vũ trụ chứa đầy bí mật, cảm xúc của nhà thơ như một mạch ngầm ẩn dưới bề mặt ngôn từ. Cho nên đọc và cảm nhận thơ ca là một cuộc hành trình đầy thú vị, đem đến những phát hiện bất ngờ, những giá trị và vẻ đẹp kì diệu.

“Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong…” (Viên Mai). Chỗ cong đó là những hàm ý sâu xa, những liên tưởng sáng tạo, là “ý tại ngôn ngoại”. Cho nên đọc thơ, cảm thơ như thưởng hoa trên đồng nội, ngắm hoa trên đỉnh núi, khó mà thấy được tận cùng cái đẹp. Mỗi bước chân là một phát hiện mới, mỗi lần nhìn ngắm là nhận ra một vẻ đẹp mới. Tài năng nghệ thuật, cảm xúc và trí tưởng tượng của nhà thơ làm nên sự sống động, gợi cảm của hình tượng thơ. Và sau đó, sự đồng cảm và khả năng liên tưởng của độc giả làm hiện hình, sống dậy những vẻ đẹp, ý nghĩa, giá trị được mã hóa trong kí hiệu ngôn từ.

3. Mở rộng và nâng cao vấn đề nghị luận: (2,0 điểm)

Ý kiến của Raxun Gamzatov không chỉ bàn về đặc trưng của thơ ca mà còn nhấn mạnh đến tài năng nghệ thuật của nhà thơ và khả năng cảm thụ của người tiếp nhận. Chính mối quan hệ giữa người sáng tác- tác phẩm- độc giả tạo nên giá trị đích thực và sức sống lâu bền của thơ ca.

Thơ gắn với sự cô đúc. Trong một diện tích ngôn từ ít mà mở ra nhiều cảm xúc rộng lớn. Những điều nhà thơ muốn bộc lộ, kí thác được nén lại trong ngôn từ giàu sức gợi, hình ảnh giàu biểu tượng. Thơ luôn tồn tại những khoảng trống, khoảng trắng. Chính độc giả trong quá trình khám phá tác phẩm sẽ suy ngẫm, giải mã, phát hiện ra được vẻ đẹp bất ngờ, tinh tế của thơ ca.

Nhà thơ trong quá trình sáng tác phải có xúc cảm mãnh liệt, chân thành, tài năng nghệ thuật điêu luyện, trí tưởng tượng phong phú để không chỉ phản ánh hiện thực sẵn có mà còn nói lên những điều cần có, chưa có trong cuộc đời; thể hiện ước mơ, khát vọng và những cảm xúc tinh tế trong chiều sâu tâm hồn con người. Độc giả trong quá trình tiếp nhận phải thật sự sống cùng tác phẩm, có năng lực rung cảm và nhạy bén trước ngôn từ nghệ thuật, có sự đồng điệu với tác giả. Có như vậy, ta mới cảm nhận được sự sâu sắc về nội dung, sự tinh tế về hình thức; mới phát hiện ra những thông điệp, những dư âm, đánh thức vẻ đẹp của thơ và những tình cảm sâu kín, nhân bản của con người. Đó chính là cuộc hành trình mà “mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, diệu kì hơn”.

4. Phân tích dẫn chứng để chứng minh: (4,0 điểm)

Học sinh chọn và phân tích một số bài thơ, đoạn thơ hoặc câu thơ tiêu biểu để chứng minh cho nhận định đã nêu ở đề bài.

5. Khái quát lại vấn đề: (1,0 điểm)

– Vẻ đẹp và giá trị của thơ không chỉ giới hạn trên bề mặt ngôn từ. Đọc thơ, cảm thơ như một cuộc hành trình khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn, luôn hứa hẹn những bất ngờ và thú vị.

– Thơ là nơi gặp gỡ, giao thoa giữa những tâm hồn đồng điệu. Người làm thơ bằng tài năng nghệ thuật và xúc cảm chân thành của mình tạo ra tác phẩm. Người đọc bằng cả tấm lòng, sự trải nghiệm và khả năng tiếp nhận của mình sẽ đồng cảm, đồng sáng tạo, phát hiện những vẻ đẹp mới mẻ, bất ngờ; những hàm ý tinh tế, sâu sắc của thơ. Đó chính là những yếu tố tạo nên sức sống và giá trị lâu bền của văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang