doc-hieu-chu-de-tam-long-cua-me

Đọc hiểu chủ đề tấm lòng của mẹ.

Đọc hiểu chủ đề tấm lòng của mẹ.

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Đi dọc lời ru

À ơi…đi suốt cuộc đời,
Vẫn nghiêng cánh võng những lời mẹ ru
Câu ca từ thuở ngày xưa,
Hắt hiu những nẻo nắng mưa cuộc đời.
Chông chênh hạnh phúc xa vời,
Lắt lay số phận những lời đắng cay.
Mẹ gom cả thế gian này,
Tình yêu hạnh phúc trao tay con cầm
Nẻo xưa nước mắt âm thầm,
Đường gần trái ngọt con cầm trên tay.
À ơi…
Bóng cả mây bay
Lời ru đi dọc tháng ngày trong con…

(Chu Thị Thơm – “Bờ sông vẫn gió”, NXB Giáo dục 1999, tr.41)

Câu 1. (0,25 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của các từ láy trong đoạn thơ sau:

“Câu ca từ thuở ngày xưa,
Hắt hiu những nẻo nắng mưa cuộc đời.
Chông chênh hạnh phúc xa vời,
Lắt lay số phận những lời đắng cay”.

Câu 3. (1,0 điểm) Ngẫm về lời ru của mẹ, nhân vật “con” đã thấu hiểu điều gì?
Câu 4. (1,25 điểm) Bài thơ có kết cấu và giọng điệu như thế nào?
Câu 5. (0,5 điểm) Theo em, nỗi niềm của “con” trong bài thơ trên có điểm gì giống với nỗi niềm của “con” trong hai câu thơ sau:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

(Con cò – Chế Lan Viên)

GỢI Ý TRẢ LỜI.

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Biểu cảm.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của các từ láy trong đoạn thơ:

– các từ láy: hắt hiu, chông chênh, lắt lay.

– Tác dụng: Giúp người đọc hình dung rõ hơn về bao nhọc nhằn, cay đắng của cuộc đời; về những phận người mong manh, cơ cực trên con đường kiếm tìm hạnh phúc – được vọng lên từ lời ru của mẹ.

– Sự thấu cảm rất sâu của đứa con về lời ru của mẹ.

– Hình ảnh thơ sống động; ngôn ngữ thơ gợi hình, gợi cảm, có sức hấp dẫn với người đọc.

Câu 3: Ngẫm về lời ru của mẹ, nhân vật “con” đã thấu hiểu:

– Về cuộc đời: có bao mưa nắng nhọc nhằn; hạnh phúc xa vời, mong manh; phận người sống lắt lay, buồn tủi.

– Tình mẹ: cuộc đời dù nhiều nước mắt, khổ đau nhưng mẹ chỉ gom tìm tình yêu, hạnh phúc, trái ngọt trên thế gian để trao cho con.

– Cội nguồn hạnh phúc, trái ngọt của đời con: có được là từ tình yêu của mẹ.

– Hiểu về sức sống vĩnh hằng của tình mẫu tử: lời ru, tình mẹ – đã đi dọc tháng ngày và mãi thao thức trong tâm tưởng của con.

Câu 4: Kết cấu và giọng điệu của bài thơ:

– Bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng (hoặc kết cấu vòng tròn): phần mở đầu là lời ru: À ơi…đi suốt cuộc đời và phần kết thúc là : À ơi…đi dọc tháng ngày…

– Giọng điệu của bài thơ:)

+ Giọng ru ngọt ngào, vỗ về: thể hiện qua cụm từ À ơi; tiếng cuối các dòng thơ đều sử dụng thanh bằng.

+ Giọng trầm lắng, xót xa: thể hiện qua các từ láy gợi nhắc về cuộc đời cay đắng, về phận người buồn tủi, lắt lay.
– Giọng da diết, vời vợi nhớ thương : thể hiện qua điệp từ À ơi, đi dọc, đi suốt, lời ru, lời mẹ ru…; dấu ba chấm xuất hiện trong bài thơ.

+ Giọng suy tư, triết lí: thể hiện qua từ vẫn, những cụm từ mang nghĩa ẩn dụ: bóng cả mây bay, nắng mưa đi suốt cuộc đời, đi dọc tháng ngày trong con…)

Câu 5: Nỗi niềm của “con” trong bài thơ có điểm giống với nỗi niềm của “con” trong hai câu thơ của Chế Lan Viên:

– Cùng thấm thía về tình mẫu tử đi suốt cuộc đời con.

– Đều là tiếng lòng biết ơn của những người con khi đã thực sự trưởng thành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang