doc-hieu-van-ban-ma-giam-sinh-mua-kieu-trich-truyen-kieu-cua-nguyen-du

Đọc hiểu văn bản Mã Giám Sinh mua Kiều (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)

Đọc hiểu văn bản:

Mã Giám Sinh mua Kiều
(trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả:

– Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long.

– Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học.

– Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX.

– Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.

– Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm.

– Một số tác phẩm tiêu biểu: “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”.

2. Tác phẩm.

– Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). Sau khi gia đình Kiều bị vu oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha, giúp gia đình thoát khỏi tai họa. Đoạn trích kể về việc Mã Giám Sinh mua Kiều.

– Bố cục gồm 3 phần:

+ Phần 1. 10 câu đầu: Chân dung của Mã Giám Sinh.

+ Phần 2. 6 câu tiếp: Nỗi đau đớn tủi nhục của Thúy Kiều.

+ Phần 3. 10 câu cuối: Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh.

– Nội dung: Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một bức tranh hiện thực về xã hội đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trên cả hai phương diện: Phơi bày bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, vừa lên án các thế lực xấu xa, tàn bạo vừa thương cảm, xót xa trước sắc đẹp, tài năng, nhân phẩm của người phụ nữ bị trà đạp.

II. Đọc – hiểu văn bản.

1. Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh.

– Chân dung Mã Giám Sinh hiện ra đầy đủ:

+ Tên: Mã Giám Sinh. Tuổi tác: trạc ngoại tứ tuần.

+ Quê quán: Huyện Thanh Lâm cũng gần.

+ Cách ăn mặc: áo quần bảnh bao.

+ Khuôn mặt: mày râu nhẵn nhụi.

+ Nói năng: thô lỗ, vô lễ.

+ Cử chỉ: ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

→ Vẻ bề ngoài quá chải chuốt, không hề phù hợp với tuổi tác và không gợi cho người đối diện thiện cảm.

– Bản chất con người:

+ Giả dối từ lai lịch đến tướng mạo.

+ Bản tính con buôn, lưu manh.

→ Bút pháp tả thực, làm hiện lên hình ảnh Mã Giám Sinh với bản chất là một con buôn thực thụ.

* Bình luận: 

– Cái tin Kiều muốn bán mình đã gây xôn xao dư luận cả một vùng rộng lớn vì không ai không biết đến nàng – người con gái nức tiếng tài sắc vẹn toàn. Mã Giám Sinh đã nhờ người mai mối dẫn đến nhà để cưới nàng làm vợ lẽ.

– Một điều dễ nhận thấy trong bút pháp tả người của Nguyễn Du là khi tả những nhân vật chính diện ( như chị em Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải…)thì ông dùng bút pháp ước lệ; còn tả những nhân vật phản diện (như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến…) thì ông dùng bút pháp tả thực. Qua công thức này,người đọc có thể xác định nhân vật thuộc loại nào và thái độ yêu ghét của nhà thơ ra sao. Mã Giám Sinh cũng không nằm ngoài công thức đó.

+ Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả chung chung mà đi sâu vào những chi tiết tiêu biểu, chọn lọc, thể hiện được thần thái của nhân vật.Không ai biết rõ tung tích Mã Giám Sinh, chỉ biết hắn là người từ phương xa tới(“viễn khách”). Hỏi hắn thì hắn trả lời cộc lốc, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi: “Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh” – Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Hai câu mà chỉ cung cấp được một thông tin nhỏ là hắn mang họ Mã. Còn tất cả đều mập mờ, không rõ ràng. “Giám Sinh”  là tên gọi chung của các sinh viên trường Quốc tử giám chứ không phải là tên riêng. Còn “huyện Lâm Thanh” rộng bao la, ai biết hắn ở chỗ nào, gia thế ra sao?

+ Cách nói năng của Mã đã bộc lộ một phần về con người hắn. Hắn chẳng có chút gì là nho nhã, thanh lịch của một chàng “giám sinh”, hạng người có học. Nguyễn Du chụp cận cảnh làm rõ bộ mặt và trang phục của Mã:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

+ Bộ mặt mày râu nhẵn nhụi dĩ nhiên là thiếu tự nhiên, râu cạo nhẵn, lông mày tỉa tót rất trai lơ. Từ “nhẵn nhụi” gợi cảm giác về một sự trơ trẽn, phẳng lì. Áo quần bảnh bao là áo quần trưng diện, cũng thiếu tự nhiên, “Hai chữ“bảnh bao” thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn”(Trần Đình Sử). Phủ một lớp hào nhoáng lên vẻ ngoài nhân vật, tác giả đã chế giễu, mỉa mai tên buôn người họ Mã. Sự đả kích ngầm càng sâu cay hơn khi một người đã “trạc ngoại tứ tuần” ( sắp lên lão ) lại tỉa tót công phu, lại cố tô vẽ cho mình ra dáng trẻ trung như trai mới lớn.

+ Chân dung của y còn rõ nét qua hành động. Chỉ một câu: “Trước thầy sau tớ lao xao”, Nguyễn Du đã tô đậm cái cung cách đi hỏi vợ lạ đời của Mã Giám Sinh. Thầy tớ hắn có khác chi một lũ người ô hợp, nhốn nháo, lộn xộn, lưu manh lấc cấc.

+ Đặc biệt hành động thô lỗ, sỗ sàng của một kẻ vô học, đội lốt người học trò trường Quốc tử giám, đã hiện lên khá rõ qua chi tiết: “Ghế trên ngòi tót sỗ sàng”. “Ghế trên” là ghế ở vị trí trang trọng,dành cho bậc cao niên, bậc huynh trưởng, bậc đáng kính. Kẻ đi hỏi vợ là bậc con cái mà lại “ngồi tót” thì thật chướng mắt, vô lễ.

Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh bộc lộ đầy đủ hơn trong cuộc mua bán Kiều. Miệng nói những lời hoa mỹ ” Rằng:”Mua ngọc đến Lam Kiều – Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”nhưng hành động của y lại hoàn toàn trái ngược. Một loạt các từ “cò kè, thêm bớt, ngã giá…” đã chứng tỏ Mã Giám Sinh là một kẻ buôn người sành sỏi, lọc lõi. Y đã lộ nguyên hình là một con buôn sành sỏi. Mã Giám Sinh đâu còn là người học trò trường Quốc tử giám như đã xưng danh. Mặc dù ăn mặc chải chuốt, nói những lời hoa mỹ, ra vẻ lịch sự nhưng dần dần bản chất xấu xa, đê tiện, giả dối của y đã lộ rõ.

→ Với bút pháp kết hợp giữa kể và tả, bằng một số nét phác họa về mối quan hệ mờ ám, vẻ ngoài chải chuốt, nói năng vô lễ, cử chỉ vô học, hành động vô lương, Nguyễn Du đã khắc họa sắc nét hình tượng Mã Giám Sinh,kẻ buôn người, từ ngoại hình đến tính cách. Mã Giám Sinh trở thành một điển hình bất hủ cho sự đê tiện, tàn ác.

2. Nỗi đau đớn tủi nhục của Thúy Kiều.

– Tình cảnh của Kiều: Trở thành một món hàng để người ta rao bán.

– Nỗi đau đớn tủi nhục:

+ Buồn rầu, tủi hổ: Nỗi mình thêm tức nỗi nhà.

+ Ê chề, hổ thẹn với chính mình: Ngừng hoa thẹn bóng trông gương mặt dày.

+ Đau đớn trước tình duyên bị đứt gánh.

+ Uất hận trước tình cảnh gia đình bị vu oan.

→ Nguyễn Du đã bộc lộ sự căm tức, uất hận cái xã hội đồng tiền đã chà đạp lên nhân phẩm con người.

* Bình luận

– Trong toàn bộ cuộc mua bán, Nguyễn Du đã để cho Kiều câm lặng, không nói được một lời nào. Nỗi đau đớn, thẹn thùng, xót xa tủi hổ ê chề đã lên đến đỉnh điểm. Từ một người con gái, gia đình phong lưu, “Kín cổng cao tường”, nay biến thành một món hàng dưới bàn tay bẩn thỉu của mụ mối và Mã Giám Sinh, làm sao không khỏi đau đớn cho được. Nguyễn Du đã sử dụng một loạt hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, để diễn tả tâm trạng của Kiều khác hẳn với đoạn miêu tả Kiều trong cuộc mua bán ở “Kim Vân Kiều truyện”, từ đầu đến cuối, Kiều tuyệt nhiên không nói một lời. Điều đó chứng tỏ sự sáng tạo của Nguyễn Du, sự am hiểu sâu sắc và thấu đáo tâm lý nhân vật của đại thi hào.

– Nguyễn Du không đưa ra một lời nhận xét, đánh giá trực tiếp nhưng qua một loạt các hình ảnh,từ ngữ miêu tả dáng vẻ, tâm trạng Kiều “Ngại ngùng dợn gió e sương…..mặt dày”, “nét buồn……..như mai” chúng ta cũng cảm nhận được sự cảm thông, xót xa cho người con gái đẹp tài hoa nhưng đã bị những thế lực hắc ám trong xã hội phong kiến ( bọn buôn thịt bán người, thế lực đồng tiền) chà đạp, biến thành một món hàng giữa chợ.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã bóc trần được bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.

2. Nghệ thuật:

– Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều còn cho thấy tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du: miêu tả nhân vật phản diện bằng ngòi bút hiện thực, khắc hoạ tính cách nhân vật qua diện mạo, cử chỉ (khác với nhân vật chính diện bằng bút pháp ước lệ lý tưởng hoá nhân vật).

–  Thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lý nhân vật của Nguyễn Du trong tác phẩm.


* Trả lời câu hỏi SGK:

Trả lời câu 1 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Phân tích những nét về ngoại hình, tính cách để làm nổi bật bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh.

Trả lời:

– Ngoại hình: Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

– Cử chỉ, hành động, cách nói năng: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; Đắn đo cân sắc cân tài, ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ; Cò kè bớt một thêm hai,…

– Tính cách: thể hiện bản chất con buôn, bất nhân, xem con người chỉ như một món hàng hoá có thể mua bán, thậm chí cò kè bớt xén; giả dối từ việc giới thiệu lí lịch cho đến trình bày mục đích mua Kiều: “Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều – Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”…

Trả lời câu 2 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Cảm nhận của em về hình ảnh Thúy Kiều.

Trả lời:

Thuý Kiều ở vào tình cảnh tội nghiệp, phải bán mình, chấp nhận hi sinh tình duyên với chàng Kim:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.

– Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng, Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. Đó là nỗi đau đớn đến tột cùng. Từ một cô gái khuê các, sống trong cảnh “trướng gấm màn che” bỗng dưng nàng bị ném vào cuộc đời ô trọc, bầm dập.

– Trong lòng nàng lúc bấy giờ đang ngổn ngang trăm mối tơ vò: tình duyên đứt đoạn, cha và em bị đánh đập, cửa nhà tan nát thế nhưng nàng phải đánh đàn, phải làm thơ để cho Mã Giám Sinh vừa lòng, trong lòng thì lại chất chứa lo lắng vì số phận sắp tới của mình.

Trả lời câu 3 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích.

Trả lời:

Đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du:

– Tấm lòng cảm thương, xót xa trước thân phận nhỏ nhoi của con người, giá trị con người bị chà đạp;

– Vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và đồng tiền lộng hành; Gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn, lên án thế lực đồng tiền bất nhân;

– Bày tỏ thái độ căm phẫn, khinh bỉ trước bọn buôn người giả dối, bất nhân.


* Tài liệu đọc thêm:

Phân tích đoạn trích “MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du).

  • Mở bài:

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một cây bút xuất sắc của nền văn học. Truyện Kiều là tác phẩm được coi là hồn dân tộc. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc” của Truyện Kiều. Ở đoạn thơ “Mã Giám Sinh mua Kiều”, bằng việc miêu tả ngoại hình, củ chỉ và ngô ngữ đối thoại để khấc hoạ tính cách nhân vật, tác giả đã bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh; qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên nhan sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.

  • Thân bài:

1. Nhân vật Mã Giám Sinh.

– Mã Giám Sinh chung lưng với Tú Bà mở hàng (lầu xanh):

+ Hắn đi mua hàng (người) về cho Tú Bà bán.

+ Mã Giám Sinh làm việc dơ bẩn đó lúp dưới chiêu bài đi mua Kiều vè làm vợ lẽ.

+ Thúy Kiều cũng hạ mình đến mức ấy thôi – đã quá đủ rồi (làm vợ lẽ cũng là chuyện thường tình trong xã hội xưa)

– Màn kịch vấn danh và bức chân dung Mã Giám Sinh:

+ Trong lễ vấn danh Mã Giám Sinh hiện là một sinh viên trường Quốc tử Giám đến mua Kiều làm lẽ.

+ Giới thiệu: là người viễn khách khách phương xa

+ Quê huyện lâm Thanh cũng gần. Họ tên không rõ ràng.

+ Tuổi: trạc ngoại tứ tuần.

+ Diện mạo: mày râu nhãn nhụi , áo quần bảnh bao chải chuốt,trai lơ.

+ Thói quen: Thị của khinh người.

+ Cách nói: cộc lốc, thô thiển.

+ Cử chỉ hành vi: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng sỗ sàng, thô lỗ, kệch cỡm.

→ Phơi bày chân tướng Mã Giám Sinh một con buôn vô học. Nguyễn Du đã giết chết nhân vật Mã Giám Sinh bằng từ “tót” cũng như sau này t/g giết chết Tú Bà bằng từ ăn gì, giết Sở Khanh bằng từ “lẻn”.

– Ngòi bút miêu tả sắc sảo: thể hiên nhân vật bằng cách vạch trần những mâu thuẫn giữa họ, tuổi tác, vai trò, hành động lời nói thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong lời giới thiệu (người có học đi mua tì thiếp) với thực chất (một kẻ lái buôn vô học).

+ Ngôn ngữ miêu tả: dùng từ đắt: nhẵn nhụi, bảnh bao, ngồi tót

– Bản chất đê tiện của Mã Giám Sinh bị lột tẩy trong màn mua bán:

+ Gặp Kiều: hắn nhìn, hắn ngắm, hắn cân đo, xoay lên đặt xuống coi Kiều như một món hàng ngoài chợ khi bằng lòng : hắn mặc cả cò kè bộc lộ rõ bản chất bỉ ổi, trắng trợn, ti tiện bẩn thỉu hình thức là một lễ vấn danh nhưng thực chất lại là cuộc mua thịt bán người, trắng trợn bỉ ổi.

+ Từ việc mua bán đề cập tới một hiên thực: xã hội đồng tiền và một loại người xuất hiện ở đó đồng tiền có thế lực vạn năng nên việc mua bán con người dễ dàng như mua một món đồ ngoài chợ.

+ Từ việc mua bán còn có giá trị tố cáo. Nhân vật Mã Giám Sinh là sự nhảy nhót của đồng tiền. Có tiền thì dù người đó là ai, dù vô học, bất tài đến mấy cũng có thể ngồi vào vị trí mà người bất hạnh dù lương thiện cũng phải cúi đầu. Nhưng đồng tiền tự nó biết cách ngụy trang, lèo lá. Nó dùng từ hoa mĩ với tư cách của kẻ đi mua để lấy lòng người bán. Một khi điều đó không phát huy tác dụng nó sẵn sàng bộc lộ bản chất, hiện nguyên hình của một kẻ đầu cơ.

+ Truyện Kiều nhiều nhân vật phản diện nhưng Mã Giám Sinh là một nhân vật khá sắc sảo của Nguyễn Du. Ông đã có ý thức dụng công trong nghệ thuật khắc họa chân dung. Nguyễn Du phối hợp cái riêng của Mã Giám Sinh với cái chung (đầy tơ lao sao), xa với gần, ngoại hình với tính cách. Cũng là phường buôn thịt bán người nhưng Mã Giám Sinh nổi bật hẳn nên với bản chất kệch kỡm, rẻ tiền, thô bỉ, đúng hạng buôn, hãng buôn người.

2. Tâm trạng Thúy Kiều:

– Thúy Kiều với nỗi đau đầu đời.

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.

– Tâm trạng đau khổ ê chề, nỗi đau khổ tột cùng nhưng vẫn không làm suy giảm vẻ trang đài của nàng. Nghệ thuật đối ngữ thềm hoa một bước/ lệ hoa mấy hàng người đẹp buồn cũng đẹp, bước chân đẹp, giọt nước mắt cũng đẹp

+ Thềm hoa: bước chân người đẹp ngại ngùng,đau đớn tủi nhục, nặng nề.

+ Lệ hoa: giọt lệ người đẹp giọt lệ buồn tủi của sự e thẹn, bẽ bàng

+ “Nét buồn như cúc/ điệu gầy như mai” đối lập với hành vi thô bạo, xúc phạm đến thân thể yêu kiều của người đẹp. Nàng Kiều – một món hàng cho bon con buôn lựa chọn đắn đo đó là những hành vi chi thấy ở những chợ buôn nô lệ thơi trung cổ. Như cơn ác mộng, trong khoảng khắc, một tiêu thư khuê các, xinh đẹp trong trắng đang sống yên vi trong một gia đình lương thiện, một cô gái chớm yêu mối tình đầu đang say đắm phải đi lấy chồng, mà chồng thì lại là một kẻ buôn bán vô học bị biến thành món hàng cho bọn con buôn mặc cả ngã giá đó là bi kịch thứ nhất. Bi kịch người thiếu nữ

+ Bị kịch tình yêu và lòng hiếu thảo: là một người con hiếu thảo “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”. Là một người yêu thủy chung nguyện ước trung tình nàng đau đớn giằng xé bên tình bên hiếu quyết giữ trọn chữ hiếu, nàng cảm nhận sâu sắc được nỗi tủi nhục, cảnh ngộ éo le, đau đớn của mình. Ngại ngùng dín gió e sương Nhìn hoa bỗng thẹn. trông gương mặt dày Kiều thông minh nên nàng cảm nhận sâu sắc được cảnh ngộ của mình, nàng tỏ ra như một món hàng, mặc cho bọn con buôn dặt dìu – nàng câm lặng, vô hồn. Nàng chủ động chịu đựng nỗi đau, tự nguyên bán mình mong cứu cha em, gia đình.

+ Qua đó ta thấy được đức hi sinh, sự chịu đựng, lòng hiếu thảo của một người con. Thấy được bi kịch đau đớn, ê chề đầu đời của Kiều. Thấy được sự cảm thông, lòng yêu thương sâu sắc của tác giả với số phận nhân vật của mình. Nội dung: Rất hiện thực Nguyễn Du hoàn thành bức chân dung của một tên lái buôn ghê tởm, bịp bợm núp dưới những điều mĩ miều canh thiếp, làm ghi.., nạp thái vu quy thì tác giả nổi giận nói tạc ra: Đây là cuộc mua bán man rợ Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong. Rõ ràng cái việc mua bán thịt người, nhan sắc, phẩm hạnh con người có tiền là xong. Đồng tiền đã vấy mùi tanh bẩn lên tất cả những gì thiêng liêng quý giá nhất.

→ Phản ánh hiện thực cuộc sống, tố cáo những hạng người xấu xa dùng tiền làm quyền lực; tố cáo xã hội mà số phận người phụ nữ không được trân trọng, không được bảo vệ.

3. Nghệ thuật biểu hiện:

– Sử dụng hình ảnh tượng trưng, ước lệ. Miêu tả chân dung nhân vật phản diện bằng bút pháp tả thực được thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, hành vi, lời nói, hành động… Đso là những chi tiết trong đời sống hàng ngày.

– Bút pháp tả thực kết hợp các phương thức biểu đạt.

– Thành công khi khắc họa, miêu tả và xây dựng nhân vật.

– Đối lập với việc miêu tả nhân vật chính diện: lý tưởng hoá ( dùng điển tích, điển cố, đối, ước lệ tượng trưng..)

Bằng nghệ thuật tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật, tác giả đã bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên sắc tài và nhân phẩm của người phụ nữ. Có thể nói trong thực tế cũng như trong văn học nhân loại, hiếm có người phụ nữ nào chịu nhiều bất hạnh, đau thương như Thúy Kiều trong Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Cuộc đời nàng chỉ thoáng qua những tháng ngày êm đềm của tuổi thơ, những giây phút nồng nàn, tươi đẹp bên người yêu. Còn chuỗi đời còn lại là những chuỗi ngày bất hạnh với những đau đớn ê chề. Khởi đầu cho những chuỗi ngày bất hạnh là nàng trở thành món hàng cho bọn buôn thịt bán người trong đoạn trích Mã Giám sinh mua Kiều – Đoạn bi thảm trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

  • Kết bài:

Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một đoạn bi thương, đau đớn nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở đó con người bị chà đạp, vùi dập đem ra mua bán với đủ những hình thức bịp bợm. Ngòi bút của Nguyễn Du phẫn nộ trong từng chữ mỗi khi nhắc đến tên buôn người nọ và cũng xót xa đau đớn khi phải nói về Kiều, người con gái xinh đẹp, tài hoa mà bát hạnh. Đoạn trích như một thông điệp gửi đến muôn đời của Nguyễn Du: Mong cuộc đời sẽ không còn những cảnh con người bị đem ra làm vật để mua bán, trao đổi, mong cho kiếp người phụ nữ không còn phải đớn đau, ê chề đầy bi kịch như nàng Kiều. Đoạn trích cũng là tiếng nói của tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du với cuộc đời, với con người.

Phân tích bộ mặt gian xảo của Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang